Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Tuần giao dịch từ 7-11/4, thị trường được chia làm 2 nửa, tăng 2 phiên đầu tuần và giảm 2 phiên cuối tuần với thanh khoản đứng ở mức thấp. Sự thận trọng của nhà đầu tư trong khi thị trường phụ thuộc vào một số mã vốn hóa lớn khiến việc dự đoán thị trường khó khăn. Vì vậy, cũng phải thông cảm khi đa số công ty chứng khoán không dám “phán”, mà chỉ đưa ra ý kiến trung lập.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua
Bước vào phiên giao dịch đầu tuần mới 7/4, thị trường đón nhận nhiều thông tin tích cực liên quan đến doanh nghiệp. Điều này đã giúp thị trường hứng khởi ngay từ những phút đầu mở cửa. Dòng tiền đã tạm thời rút lui khỏi các cổ phiếu midcap, penny có tính đầu cơ cao, mà tập trung vào các mã largecap và bluechip có yếu tố cơ bản và thông tin hỗ trợ tốt, giúp VN-Index tăng mạnh phiên đầu tuần.

Trong khi đó, sắc đỏ xuất hiện ngay từ đầu phiên trên HNX do không có được sự hỗ trợ từ các trụ lớn như trên HOSE. Tuy nhiên, nhờ được “thơm lây” từ đà tăng mạnh trên HOSE, HNX-Index đã có nhiều chuyển biến trong phiên giao dịch chiều và giữ được sắc xanh khi chốt phiên.

Về phía các “Dự”, cứ phiên đầu tiên của tuần giao dịch mới, nhóm trung lập lại tấp nập “kẻ đến”, trong khi rất hiếm “người đi”. Với nhóm này, nhận định thận trọng và đánh giá chung chung ở phiên đầu tuần luôn là lựa chọn tiên quyết. Ngay với MSBS cũng đã gây ngạc nhiên khi do dự trong nhận định ở phiên này, khác hẳn cách nhận định thuờng thấy.

Trong khi đó, IVS tiếp tục duy trì sự xuất sắc và là công ty duy nhất dự đoán trúng ở phiên đầu tuần 7/4. Tuần trước, IVS cùng MSBS là 2 “Dự” xuất sắc nhất khi cùng có 4 phiên trúng liên tiếp. 

Sang phiên giao dịch 8/4, nhà đầu tư đã thận trọng hơn rất nhiều trước ngưỡng nhạy cảm 600 điểm. Đây mới chỉ là lần thứ 2, VN-Index leo lên được ngưỡng này trong năm nay. Thị trường dù duy trì được đà tăng, nhưng rất chậm, chỉ số chỉ nhích từng bước một bởi thiếu sự hỗ trợ của các mã lớn. Thanh khoản ở mức thấp cho thấy dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc trở lại.

Bước sang phiên giao dịch chiều, tình hình vẫn chưa có nhiều khả quan. Thị trường quay đầu giảm điểm khi các mã trụ giảm giá cho dù lực bán không mạnh. Tuy nhiên, việc GAS bất ngờ được kéo tăng mạnh trở lại, cùng với sự hỗ trợ khá tốt từ MSN, nên VN-Index đảo chiều trở lại và tăng vọt 4 điểm, vượt qua mốc 603 điểm. Sau đó, VN-Index chịu thêm một đợt rung lắc mạnh, nhưng trước sự vững vàng của GAS nên chỉ số này vẫn chốt phiên ở mức cao nhất trong ngày.

Về phần các “Dự”, ở phiên 8/4, MSBS đã quay trở lại với phong cách thường thấy và ngay lập tức ghi điểm trở lại. Cùng với IVS, 2 “Dự” này hứa hẹn lại là “cặp đôi hoàn hảo” của tuần giao dịch này.

Trong khi nhóm trung lập vẫn không có sự thay đổi nào về quân số, ngoại trừ MSBS. 

Sau 1 ngày nghỉ lễ, bước vào phiên giao dịch 10/4, thị trường đã đón nhận những thông tin tích cực về thị trường chứng khoán và kết quả kinh doanh khả quan của một số mã trụ. Do đó, thị trường đã có nhịp tăng khá tốt ngay từ đầu, cho dù dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu tích cực. Đà tăng của VN-Index tiếp tục được củng cố với sự hỗ trợ đắc lực vẫn từ 2 “gương mặt” cũ là GAS và MSN, đặc biệt là GAS. Việc mã này tăng vọt, giúp VN-Index leo lên áp sát đỉnh cũ 609 điểm. Tuy nhiên, đây vẫn là ngưỡng cản mạnh của thị trường và hàng kẹt ở mức đỉnh này cũng khá lớn, nên khi VN-Index vừa chớm tới ngưỡng này, lực bán đã gia tăng, đẩy chỉ số phải thoái lui. HNX-Index cũng có chuyển biến tự VN-Index.

Trong phiên chiều, lực mua bắt bất ngờ tăng mạnh, GAS, MSN hay VNM một lần nữa được sử dụng để đỡ VN-Index. Tuy nhiên, các chỉ số lại bị đẩy lùi và giao dịch giằng co quanh mốc tham chiếu trong suốt phiên chiều trước khi bị dìm sâu thêm trong đợt ATC.

Chính sự bất ngờ đảo chiều này của thị trường đã khiến IVS và MSBS chịu phiên “đi trật” đầu tiên trong tuần khi cùng cho rằng thị trường sẽ có được nhịp tăng nhẹ.

Ngoài IVS và MSBS, thì phần còn lại gồm FPTS, BSC, MBS, SHS, BVSC, MBKE, VDSC, VCSC, KIS vẫn tiếp tục chen nhau trong nhóm trung lập.

Sau phiên giảm điểm phiên 10/4, với những thông tin tiêu cực của chứng khoán thế giới, cùng xu hướng bán mạnh cổ phiếu lớn của nhà đầu tư nước ngoài và khối tự doanh công ty chứng khoán, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư khi bước vào phiên giao dịch cuối tuần 11/4. Nhà đầu tư đã đề cao cảnh giác nên 2 bên mua bán không gặp được nhau khiến giao dịch trên thị trường diễn ra không sôi động và các chỉ số tiếp tục giảm mạnh.

Thị trường chịu sự rung lắc khá mạnh sau nhiều lần cố hồi phục bởi sự sụt giảm nhanh của các các cổ phiếu lớn.

Mọi con mắt đều dồn vào GAS khi mã này tuy bị xả hàng từ sớm. Việc GAS bị ép giảm mạnh là nguyên nhân khiến VN-Index cắm đầu xuống sát 595 điểm ngay từ đầu phiên. Mặc dù sau đó, GAS có cú phục hội mạnh mẽ, nhưng lại không nhận được sự đồng thuận từ các mã lớn khác, nên vẫn không kéo nổi chỉ số. Cuối cùng mã này cũng chính thức gãy, cùng với toàn bộ các mã lớn khác đã “gục” trước đó, chỉ số lại giảm sâu, mốc 600 điểm bị đâm thủng khá dễ dàng. Trong khi đó, HNX gây bất ngờ khi tỏ ra mạnh mẽ hơn HOSE một chút nhờ được cổ phiếu lớn như SHB, KLS, BVS, SHS nâng đỡ.

Bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu đỡ giá được tung vào các cổ phiếu lớn như GAS, MSN, KDC... nhằm mục đích "cứu" thị trường đã giúp chỉ số dần hồi phục và vượt qua tham chiếu. Tuy nhiên, sự thận trọng quá mức khiến những nỗ lực đẩy giá đã bất thành. Thị trường không tránh khỏi phiên giảm điểm cuối tuần nhưng mốc cản tâm lý 600 điểm đã được giữ.

Về phần các “Dự”, IVS lại có một phiên ghi điểm khá ngoạn mục. IVS đã khá khéo léo khi cho rằng, VN-Index giữ được mốc 600 điểm, trong khi tránh việc nhận định sự tăng giảm của chỉ số. Với nhận định thị trường giảm điểm phiên cuối tuần này, VCSC đã có phiên ghi điểm đầu tiên trong tuần.

Trong khi đó, MSBS tiếp tục bảo lưu quan điểm chỉ số sẽ vẫn tăng nhẹ. Quan điểm này khiến MSBS có phiên dự đoán trật thứ 2 liên tiếp.

Dĩ nhiên, phần còn lại là KIS, FPTS, BVSC, BSC, MBS, SHS, MBKE, VDSC vẫn tập trung tại nhóm trung lập.

Kết thúc tuần giao dịch từ 7 - 11/4, thị trường giao dịch tổng cộng 4 phiên. Cho dù chịu 2 phiên điều chỉnh nhẹ cuối tuần, nhưng với 2 phiên tăng điểm mạnh đầu tuần, VN-Index đã lấy lại một phần điểm số đã mất ở tuần giao dịch trước. Tổng cộng, VN-Index tăng 7,53 điểm, tương ứng tăng 1,27%, lên 600,57 điểm. Tương tự, HNX cũng có 1 tuần tăng điểm nhưng mức tăng nhẹ hơn nhiều. Tổng cộng,  HNX tăng 0,73 điểm, tương ứng tăng 0,84%, lên 87,49 điểm.

Tổng kết tuần dự đoán của các “Dự”, tuần này dường như là “sân chơi” riêng của IVS và MSBS khi mà các “Dự” khác chỉ tập trung tại nhóm trung lập. Đây cũng là tuần đầu tiên quân số của nhóm này tập trung đông như vậy, khiến “còi vàng” bị chia năm, sẻ bảy.

“Còi vàng” tuần này được chia đều cho 8 “Dự” là KIS, BSC, MBS, SHS, FPTS, MBKE, VDSC và BVSC khi cùng 04 phiên đứng trung lập. VSCS kém hơn một chút nhận “còi bạc” với 3 phiên không biết dự đoán thị trường đi theo hướng nào.

Đối với “Dự trúng”, IVS xuất sắc nhất với 3 phiên ngày 7/4, 8/4 và 11/4. Ở chiều ngược lại, MSBS dự đoán trật nhiều nhất với 2 phiên liên tiếp ngày 10/4 và 11/4. MSBS có phiên an ủi khi dự đoán trúng tại ngày 8/4.

 

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/7/4

HOSE(+7,53/1,27%/600,57)

HNX(+0,56/0,64%/87,31)

IVS

KIS, BSC, MBS, SHS FPTS, MBKE, VDSC

BVSC, VCSC, MSBS

T3/8/4

HOSE(+2,68/0,45%/603,25)

HNX(+0,51/0,58%/87,82)

IVS, MSBS

FPTS, BVSC, MBS, SHS, MBKE, BSC,

VDSC, KIS, VCSC

T4/9/4

HOSE

HNX

Nghỉ lễ

T5/10/4

HOSE(-1,92/0,32%/601,33)

HNX(-0,18/0,2%/87,64)

FPTS, BSC, MBS, SHS, BVSC, MBKE, VDSC, VCSC, KIS

MSBS, IVS

T6/28/3

HOSE(-0,76/0,13%/600,57)

HNX(-0,16/0,18%/87,49)

IVS, VCSC

KIS, FPTS, BVSC, BSC, MBS, SHS, MBKE, VDSC

MSBS

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục