Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường không có nhiều chuyển biến so với tuần trước đó khi kỳ nghỉ tết dài ngày đang cận kề. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tiếp tục phân hóa cùng dòng tiền kém sôi động khiến VN-Index có tuần giao dịch biến động giằng co nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

* Phiên giao dịch đầu tuần 21/1: Dù dòng tiền tham gia khá hạn chế nhưng sự trở lại của một số bluechip, nhất là nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index khởi sắc. Đà tăng tiếp tục được nới rộng trong phiên chiều giúp chỉ số này vượt mốc 910 điểm nhờ sự bật cao của dòng bank.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 8,75 điểm (+0,97%) lên 911,05 điểm, HNX-Index tăng 1,81 điểm (+1,78%) lên 103,37 điểm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,21%) lên 53,37 điểm.

Về phần các Dự, với tâm lý nhà đầu tư chủ yếu đứng ngoài quan sát do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần khiến hầu hết các công ty chứng khoán đều nhận định thị trường sẽ biến động trong biên độ hẹp.

Đáng chú ý, TVSI nhận định đúng về xu hướng thị trường dù đặt kỳ vọng cao khi dự báo diễn biến hồi phục với mục tiêu 920-930 điểm được đánh giá tiếp tục duy trì với sự nâng đỡ của nhóm vốn hóa lớn.

* Sang phiên giao dịch ngày 22/1: Nhóm ngân hàng là nguồn cảm hứng cho phiên hôm qua đã tiếp tục có sự cố gắng nhất định với những cái tên nổi bật CTG, HDB, VPB và EIB đã giúp VN-Index bảo toàn đà tăng nhẹ trong phiên sáng.

Tuy nhiên, sang phiên chiều, lực bán mạnh trong chiều, nhất là đợt ATC khiến VN-Index không giữ được sắc xanh mà lao thẳng xuống mức thấp nhất ngày khi chốt phiên.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,5 điểm (-0,49%), xuống 906,55 điểm, HNX-Index giảm 0,83 điểm (-0,8%), xuống 102,54 điểm, UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,92%), lên 53,86 điểm.

Về phần các Dự, BVSC nhận định đúng về xu hướng thị trường khi dự báo thị trường sẽ tiếp tục biến động theo chiều hướng tăng điểm. Tuy nhiên, biên độ tăng có thể sẽ ở mức vừa phải với các nhịp rung lắc đan xen, kèm theo đó là sự phân hóa giữa các dòng cổ phiếu.

Trong khi đó, TVSI cũng nhận định đúng về xu hướng tăng của thị trường nhưng kỳ vọng khá cao khi cho rằng vùng giá 920-930 điểm là mục tiêu gần nhất mà VN-Index hướng tới; hay theo MBS, chỉ số này sẽ có cơ hội kiểm tra vùng 915-918 điểm.

* Trong phiên giao dịch 23/1: Sau diễn biến lình xình trong biên độ hẹp trong suốt phiên sáng, sang phiên chiều, VN-Index bất ngờ tăng thẳng đứng vượt qua ngưỡng 910 điểm. Tuy nhiên, cũng giống như lúc đi lên, VN-Index bị đẩy xuống rất nhanh và nếu không có sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, cùng một vài mã lớn, sắc xanh nhạt sẽ không ở lại cùng VN-Index khi chốt phiên giao dịch.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,63 điểm (+0,18%), lên 908,18 điểm, HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,13%), lên 102,67 điểm, UPCoM-Index tăng 0,03 điểm (+0,06%), lên 53,89 điểm.

Về phần các Dự, BVSC và SHS dù đưa ra nhận định khá chung chung khi dự báo thị trường tiếp tục biến động giằng co với các phiên tăng giảm đan xen. Những nhận định này thận trọng và khá an toàn trong bối cảnh hiện tại thiếu dòng tiền mạnh cùng sự phân hóa mạnh ở các nhóm cổ phiếu.

Bên cạnh đó, TVSI nhận định khá đúng khi dự báo diễn biến hồi phục sẽ sớm trở lại với thị trường. Tuy nhiên nếu yếu tố thanh khoản không có sự cải thiện mạnh mẽ, chỉ số khó có thể tiến xa từ vùng giá hiện tại.

Mặt khác, BSC cho rằng tâm lý thận trọng vẫn đang chủ đạo thị trường khi chưa có thông tin vĩ mô tích cực tạo động lực tăng giá cho thị trường.

* Đến phiên giao dịch 24/1: Dù mở cửa với sắc xanh, nhưng sau khi chạm ngưỡng 910 điểm, Vn-Index đã bị đẩy trở lại do lực hỗ trợ quá yếu, trong khi mỗi lần chỉ số tiếp cận mốc kháng cự này, lực cung lại gia tăng. Thị trường đã biến động khá giằng co và liên tục đổi sắc, tuy nhiên VN-Index đã may mắn có được sắc xanh nhạt về cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của một số mã ngân hàng, cùng một vài mã lớn như VNM, VJC.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,61 điểm (+0,07%), lên 908,79 điểm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,11%), lên 102,78 điểm, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,25%), xuống 53,76 điểm.

Về phần các Dự, BSC đưa ra nhận định khá chung chung và ít có khả năng sai trong bối cảnh thị trường giao dịch ảm đạm những ngày cận Tết, với quan điểm dự báo xu hướng thị trường vẫn sẽ tiếp tục vận động quanh ngưỡng 910 điểm.

Bên cạnh đó, TVSI nhận định đúng về xu hướng hồi phục của thị trường, đồng thời cho rằng, nếu thanh khoản không có sự cải thiện mạnh, chỉ số khó có thể tiến xa từ vùng giá hiện tại.

Nhận định của SHS cũng có phần chính xác khi dự báo trong phiên 24/1, VN-Index sẽ tiếp tục giằng co với các nhịp tăng giảm đan xen, tuy nhiên biên độ đưa ra khá lớn trong khoảng 900-920 điểm.

* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 25/1: Kịch bản trong những phiên gần đây không có nhiều biến động. Giao dịch khá đìu hiu với sự vắng bóng của dòng tiền và sự phân hóa của nhóm bluechip tiếp tục khiến VN-Index giằng co. Trong phiên cuối tuần cũng không ngoại trừ khi VN-Index liên tục đổi sắc và may mắn giữ được sắc xanh nhạt.

Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 0,09 điểm (+0,01%) lên 908,88 điểm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,04%) xuống 102,74 điểm, UPCoM-Index giảm 0,04 điểm (-0,07%) xuống 53,72 điểm.

Về phần các Dự, BVSC vẫn duy trì nhận định và vẫn là dự báo đúng trong bối cảnh thị trường vắng dòng tiền lớn, khi cho rằng VN-Index sẽ tiếp tục biến động giằng co.

Cũng có quan điểm thận trọng, SHS nhận định những nhịp hồi vẫn chỉ mang tính kỹ thuật và ngắn janj, đồng thời tiếp tục dự báo VN-Index sẽ giằng co trong biên độ 900-920 điểm (MA20-50).

Trong khi đó, PHS tự tin cho rằng thị trường vẫn có vơ hội phục hồi, nhà đầu tư có thể thực hiện mua bán trên các cổ phiếu có sẵn hoặc các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và hưởng lợi từ xuất khẩu.

T.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục