* Phiên giao dịch đầu tuần 25/7: Với sự hỗ trợ của các cổ phiếu lớn, VN-Index đã hồi phục sau hơn 2 giờ giao dịch thiếu tích cực của phiên sáng.
Sang phiên chiều, sau thời gian củng cố đà tăng vào đầu phiên, lực cầu nhanh chóng bắt nhịp giúp Vn-Index leo lên sát mốc 655 điểm. Tuy nhiên, tâm lý thận trọng vẫn chưa được cởi bỏ trong khi lực bán vẫn ở mức cao và tập trung ở nhóm bluechip khiến VN-Index lùi về dưới mốc tham chiếu trong đợt khớp ATC và xác lập phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.
Đóng cửa, Vn-Index giảm 0,57 điểm (-0,09%) xuống 649,3 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0,07 điểm (-0,08%) xuống 84 điểm.
Trong khi đó, SHS có nhận định khá chuẩn xác khi cho rằng áp lực điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra và nhiều khả năng khiến VN-Index điều chỉnh giảm nhẹ trong 1-2 phiên giao dịch đầu tuần.
Tương tự, MSI cũng có nhận định, các phiên giao dịch đầu tuần, thị trường sẽ vẫn tiếp tục giảm điểm.
* Sang phiên giao dịch ngày 26/7: Giá dầu giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 3 tháng đã kéo các cổ phiếu trong nhóm dầu khí giảm điểm, đặc biệt, GAS giảm sâu đã tạo gánh nặng lên thị trường, khiến mốc hỗ trợ cứng 645 điểm của VN-Index đang trở nên mong manh.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường hồi phục tích cực. Sự dẫn dắt của “ông lớn” VNM giúp VN-Index vượt qua mốc tham chiếu và có được sắc xanh. Tưởng chừng Vn-Index sẽ chấm dứt chuỗi 5 phiên giảm điểm liên tiếp trong hôm nay, nhưng áp lực bán gia tăng mạnh trong đợt khớp ATC đẩy các mã trong nhóm dầu khí cùng MSN, KDC, GMD giảm sâu, khiến VN-Index chưa thoát khỏi chuỗi ngày giảm điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,71 điểm (-0,11%), xuống 648,59 điểm, HNX-Index giảm 0,48 điểm (-0,57%), xuống 83,52 điểm.
* Trong phiên giao dịch 27/7: Dù mở cửa giảm nhẹ nhưng lực cầu nhanh chóng nhập cuộc giúp sắc xanh ngập tràn bảng điện tử, cùng với sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip, VN-Index bật tăng mạnh và vượt xa mốc 650 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư tiếp tục hưng phấn khi bước sang phiên giao dịch chiều. Dòng tiền tham gia sôi động và lan tỏa toàn thị trường giúp VN-Index lên mức cao nhất trong ngày cùng thanh khoản cải thiện tích cực.
Đóng cửa, VN-Index tăng 7,52 điểm (+1,16%) lên 656,11 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0,18 điểm (+0,21%), đứng ở mức 83,7 điểm.
Trong khi đó, nhận định của FPTS khá trung lập và khuyến nghị chiến lược phù hợp với các nhà đầu tư theo trường phái an toàn vẫn là hạn chế mở các trạng thái mua mới, chờ đợi tín hiệu xác nhận vùng đáy chắc chắn hơn tại các mốc hỗ trợ dưới. Nhà đầu tư đang có cổ phiếu sẽ cần theo sát diễn biến trong giai đoạn này và đề phòng rủi ro nếu đà giảm mạnh đột ngột tái diễn.
* Đến phiên giao dịch 28/7: Thị trường giao dịch giằng co trong biên độ hẹp trong gần suốt phiên giao dịch sáng và kịch bản chỉ thay đổi khi VN-Index chính thức phá vỡ mốc 650 điểm sau hơn 10 phút giao dịch của phiên chiều. Ngay sau khi xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ trên, lực cầu bắt đáy gia tăng mạnh đã giúp thị trường nhanh chóng hồi phục. Trong khi các cổ phiếu bluechip làm tốt nhiệm vụ đóng vai trò dẫn dắt thị trường thì nhiều mã đầu cơ lại bị bán ra ồ ạt và đóng cửa ở mức giá sàn.
Đóng cửa, chỉ số Vn-Index tăng 1,03 điểm (+0,16%) lên 657,14 điểm, HNX-Index giảm 0,18 điểm (-0,22%) xuống 83,52 điểm.
Trái lại, BVSC cho rằng, phiên tăng điểm trước đó là nhịp hồi mang tính kỹ thuật và áp lực bán có thể sớm gia tăng.
* Ở phiên giao dịch cuối tuần ngày 29/7: Dù có thời điểm khởi sắc ở đầu phiên sáng nhưng áp lực bán vẫn còn mạnh trong khi bên nắm giữ tiền tiếp tục giao dịch thận trọng khiến VN-Index giao dịch lình xình dưới mốc tham chiếu trong hơn nửa sau của phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, áp lực bán tiếp tục được duy trì và tập trung mạnh ở nhóm cổ phiếu bluechip khiến VN-Index thoái lui, chính thức chia tay sắc xanh sau 2 phiên tăng điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 4,91 điểm (-0,75%) xuống 652,23 điểm, HNX-Index tăng 0,2 điểm (+0,23%) lên 83,71 điểm.
Bên cạnh MSI, các công ty khác cũng có cùng quan điểm khi nhận định xu hướng tăng của VN-Index tiếp tục được duy trì như BVSC, MBS, IVS.
Mặt khác, dù nhận định không rõ ràng nhưng quan điểm của FPTS cũng có phần chuẩn xác khi cho rằng hoạt động gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục vẫn được đánh giá là rủi ro, bởi áp lực bán mạnh có khả năng tái diễn khi Vn-Index đi sâu hơn vào vùng đỉnh cũ.