Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường đã hồi phục tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản trong 2 phiên cuối tuần, sau 04 phiên giảm liên tục trước đó. Sự tích cực này càng được đánh giá cao trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh chốt lời. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 9/11, diễn biến thiếu tích cực tuần qua khiến thị trường giao dịch thận trọng hơn trong phiên sáng đầu tuần mới, nhất là tại nhóm cổ phiếu lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến VN-Index chưa thể tăng, dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn hoạt động khá tích cực, đặc biệt là tại cổ phiếu FLC.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,37 điểm (-0,06%) xuống 611,99 điểm, còn HNX-Index tăng 0,02 điểm (+0,02%) lên 81,47 điểm. Thị trường giao dịch thận trọng nên thanh khoản không cao, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 1.300 tỷ đồng.

Sức ép dù không mạnh, nhưng lực cầu thận trọng khiến đa phần cổ phiếu lớn giữ sắc đỏ. Nhóm chứng khoán, bảo hiểm và nhất là dầu khí với ảnh hưởng từ giá dầu thế giới tiếp tục suy giảm, cũng đa phần yếu đà. Trong sự tích cực của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, FLC chính là tâm điểm khi tăng kịch trần và thanh khoản vọt tăng mạnh sau thời gian khá dài trầm lắng, đạt 16,25 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNX-Index may mắn có được sắc xanh ở cuối phiên khi sức ép ở nhóm cổ phiếu lớn được giảm bớt. KLF khớp 4,35 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX và kết phiên tăng 200 đồng.

>> Phiên giao dịch đầu tuần 9/11: Thị trường trầm lắng, FLC nổi sóng

Trong buổi giao dịch chiều, sự giằng co giữa bên mua và bên bán vẫn tiếp diễn khiến thị trường liên tục đảo chiều. VN-Index có lúc đã hồi phục về gần mốc 615 điểm, nhưng áp lực bán vẫn khá quyết liệt và gia tăng mạnh cuối phiên, nên chỉ số này lùi sát về mốc 610. Tương tự, HNX-Index cũng không giữ nổi sắc xanh khi có nhiều mã lớn giảm điểm hơn.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,7 điểm (-0,28%) xuống 610,66 điểm, HNX-Index giảm 0,08 điểm (-0,1%) xuống 81,42 điểm. Sự tích cực ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ giúp thanh khoản được cải thiện nhẹ, tổng giá trị giao dịch gần 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn giao dịch thận trọng và quay ra bán ròng 1,23 triệu đơn vị, giá trị 58 tỷ đồng.

Trong khi nhóm cổ phiếu lớn vẫn giao dịch trầm lắng và là lực cản chính của thị trường, thì nhóm cổ phiếu nhỏ tiếp tục hoạt động sôi động. Sắc tím vẫn nở rộ trên nhóm khoáng sản. Nhóm ô tô sau tuần bị chốt lời cũng đã đồng loạt tăng trần trở lại. Sôi động nhất vẫn là nhóm bất động sản. Riêng với FLC, do bên bán đã găm hàng chờ tăng giá, nên thanh khoản cạn kiệt trong phiên chiều, cả phiên khớp 16,52 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 7,42 triệu đơn vị. “Người anh em” KLF cũng tăng gần sát trần (+7,14%) và khớp 6,47 triệu đơn vị, mạnh nhất HNX.

>> Phiên giao dịch chiều 9/11: Chưa đủ sức

Về phần các Dự, hầu hết đều cho rằng thị trường có thể điều chỉnh ở tuần giao dịch này sau 5 tuần tăng điểm liên tục, nhất là khi xung lực đã suy yếu ở tuần giao dịch trước. Trong đó nhận định của KIS, MSI và MBS là khá cụ thể.

“Nhiều mã vốn hóa lớn dẫn dắt thị trường trong thời gian qua như BVH, VNM, FPT cũng đã không còn hấp dẫn về mặt định giá sau giai đoạn tăng mạnh và đi kèm là áp lực điều chỉnh đang gia tăng”, KIS đánh giá.

Còn MSI nhận định: “Diễn biến điều chỉnh sẽ chi phối thị trường trong tuần giao dịch tới. VN-Index có thể sẽ kiểm tra lại ngưỡng hỗ trợ 600-610 điểm. Nhà đầu tư ngắn hạn không nên giải ngân trong giai đoạn hiện tại, chỉ nên quan tâm tới những cổ phiếu tốt cho tầm nhìn đầu tư 3 – 6 tháng”.

Tương tự là MBS: “Về mặt kỹ thuật, VN-Index có tín hiệu kiểm nghiệm lại vùng kháng cự 610 điểm sau khi đã vượt qua vùng điểm này trong phiên trước, trong khi đó HNX-Index cũng điều chỉnh giảm nhẹ trong xu thế tăng trưởng trung hạn. Trong ngắn hạn, các chỉ số có thể tiếp tục kiểm nghiệm lại các vùng hỗ trợ gần nhất tương ứng ngưỡng 610 điểm với VN-Index và 81 điểm với HNX-Index”.

Sang phiên giao dịch 10/11, áp lực bán từ phiên đầu tuần khiến thị trường tiếp tục suy giảm ngay khi bước vào phiên sáng 10/11. Mốc hỗ trợ tâm lý 610 điểm đã bị xuyên thủng khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng, kích hoạt lệnh bán giá thấp gia tăng. Tuy nhiên, VN-Index đã tìm được điểm tựa để bật trở lại và nếu may mắn đã có được sắc xanh.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,66 điểm (-0,27%) xuống 609 điểm, HNX-Index giảm 0,21 điểm (-0,36%), xuống 81,21 điểm. Dòng tiền vẫn tích cực tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên thanh khoản khá ổn, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 1.400 tỷ đồng.

Trong khi nhiều cổ phiếu lớn vẫn chịu sức ép bán ra, FPT và VNM đã kịp hồi phục cuối phiên để đỡ chỉ số. FLC dù không còn giữ được sắc tím, nhưng vẫn tăng 4,05% và thanh khoản vượt trội trên HOSE, đạt 17,84 triệu đơn vị. Với HNX, do không có nhân tố đột biến như FLC trên HOSE, nên thanh khoản sàn này gần như bị tắc. Chỉ duy nhất KLF khớp trên 1 triệu đơn vị (1,81 triệu đơn vị) và chốt phiên đứng ở tham chiếu 4.500 đồng.

>> Phiên giao dịch sáng 10/11: Tiếc nuối

Trong buổi giao dịch chiều, tưởng chừng thị trường sẽ có diễn biến tích cực hơn sau cú hồi tích cực cuối phiên sáng, nhưng tin đồn margin đã tăng mạnh khiến nỗi lo giải chấp bùng phát. Áp lực bán ồ ạt dồn lên thị trường, VN-Index lùi sâu về mốc 605, HNX-Index cũng mất mốc 81.

Đóng cửa, VN-Index giảm 5,39 điểm (-0,88%) xuống 605,27 điểm. HNX-Index giảm 0,58 điểm (-0,72%) xuống 80,84 điểm. Sự cẩn trọng được đề cao nên cầu bắt đáy yếu, thanh khoản theo đó sụt giảm mạnh, tổng giá trị giao dịch chỉ hơn 2.300 tỷ đồng. Khối ngoại cũng đã mua ròng nhẹ trở lại gần 0,95 triệu đơn vị, giá trị gần 20 tỷ đồng.

Sắc xanh hiếm hoi chỉ còn ở VNM, GMD và DCM, còn lại đa phần các mã lớn khác cũng như nhóm ngân hàng, dầu khí, bảo hiểm... đều giảm điểm. Giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ đã hạn chế hơn. FLC chỉ còn tăng 2,7% nhưng khớp tới 23,14 triệu đơn vị và còn dư bán hơn 9,2 triệu đơn vị, trong đó còn dư bán giá trần 7.900 đồng hơn 6,2 triệu đơn vị. Trên HNX, ngoài KLF đã có nhiều hơn số mã có tổng khớp trên 1 triệu đơn vị, nhưng diễn biến giá kém tích cực. KLF đóng cửa giảm 4,44% và khớp 3,25 triệu đơn vị.

>> Phiên giao dịch chiều 10/11: Sợ hãi

Về phần các Dự, thì SHS, IVS, MSI, VCSC tiếp tục đưa ra nhận định về phiên giảm điểm của thị trường.

“Xét về mặt kỹ thuật, xu hướng tăng điểm tạm thời được duy trì. Tuy nhiên, áp lực bán tiếp tục diễn ra trên diện rộng và các mã trụ không còn đóng vai trò lực nâng khiến xung lực của thị trường đang yếu đi rõ rệt. Nếu dòng tiền không có sự cải thiện trở lại, tâm lý thận trọng dâng cao kết hợp với vùng trống thông tin hỗ trợ đang xuất hiện trở lại sẽ khiến rung lắc diễn ra mạnh hơn và không loại trừ khả năng điều chỉnh sâu nếu VN-Index mất các mốc hỗ trợ cứng. Dòng tiền đang mất dần đi sự đồng thuận do tâm lý thận trọng dâng cao. Mặc dù tín hiệu đảo chiều giảm điểm chưa xuất hiện, tuy nhiên, những biến động cung cầu trong ngắn hạn rủi ro điều chỉnh đang xuất hiện do nhiều mã trụ giảm trở lại, tạo tâm lý khá xấu lên diễn biến thị trường chung”, SHS đánh giá.

MSI nhận định: “Dòng tiền không còn tập trung vào nhóm Bluechips nữa mà đã phân hóa vào nhóm midcaps và đầu cơ. Thị trường đang tiềm ẩn nhiều rủi ro điều chỉnh tiếp, không ngoại trừ khả năng VN-Index có thể sẽ điều chỉnh sâu về ngưỡng 590 điểm. Trong phiên 10/11, nhiều khả năng sẽ tiếp tục là phiên giằng co giảm điểm do thị trường không còn nhận được sự hỗ trợ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế các hoạt động giao dịch ngắn hạn trong giai đoạn này”.

VCSC cũng tương tự: “Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh về gần các vùng hỗ trợ 595-600 của VN-Index và 80.5 của HNX-Index trong vài phiên tới. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo xung lượng, xung lượng ngắn hạn và chỉ báo dòng tiền vẫn có chiều hướng giảm trong ngắn hạn cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn và đánh giá thấp khả năng vượt các vùng kháng cự 610 -615 của VN-Index và 82.5 của HNX-Index”.

Còn IVS cho rằng: “Ở những phiên tới, những cổ phiếu như VNM, FPT, BVH… sẽ tiếp tục có tác động không tích cực đến thị trường, và chắc hẳn nó sẽ phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của nhà đầu tư, nhưng kỳ vọng khi thanh khoản gia tăng, có thể sẽ tiếp tục xuất hiện thêm nhiều cổ phiếu nhỏ này tham gia giúp thị trường chống đỡ áp lực suy giảm sâu. Trong quá trình tăng giá vừa qua của VN-Index, chỉ số này có thể tiếp tục thêm một phiên giảm điểm nhưng mức suy giảm phiên (10/11) khoảng 2-3 điểm và duy trì tại đó, đồng thời khối lượng giao dịch vẫn tích cực. Nếu điều đó là đúng thì khi những cổ phiếu lớn kết thúc điều chỉnh có thể sẽ có cơ hội tăng giá trở lại”.

Trong khi những FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, MBS, KIS, VDSC tiếp tục đưa ra những nhận định trung lập như “Xu hướng giằng co vẫn tiếp tục”, hay “Chưa nên mở vị thế mua mới”...

Đến phiên giao dịch 11/11, sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường đã hồi phục trở lại trong phiên sáng 11/11. Tuy nhiên đà phục hồi không chắc chắn khi bên mua tỏ ra rất thận trọng, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu cứ giá lên là bán.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,35 điểm (+0,22%) lên 606,62 điểm, HNX-Index tăng 0,11 điểm (+0,13%) lên 80,94 điểm. Sự thận trọng cao độ khiến thanh khoản thị trường suy giảm rất mạnh, tổng giá trị giao dịch chỉ gần 1.400 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã chiếm gần 400 tỷ đồng.

Thị trường có được sắc xanh là nhờ các mã lớn như VNM, FPT, BVH,  KDC, CTG... hay NPT, PVC, SHS, PLC, BVS... tăng tốt ở nửa cuối phiên, tuy nhiên thanh khoản các mã này khá yếu. Sức cầu suy giảm cũng khiến giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ bị hạn chế đáng kể, số mã đạt thanh khoản trên 1 triệu đơn vị chỉ đếm trên đầu ngón tay. FLC vẫn dẫn đầu thanh khoản của HOSE với 4,8 triệu đơn vị được khớp, trên HNX là SCR với hơn 1,3 triệu đơn vị.

>> Phiên giao dịch sáng 11/11: Gượng dậy trong âu lo

Trong phiên giao dịch chiều, những tưởng cú hồi cuối phiên sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn trong phiên chiều, thì diễn biến lại quá nhạt nhòa. Trong khi bên mua vẫn gần như chỉ đứng ngoài quan sát, thì bên bán cũng chẳng vội vã, nên thị trường giao dịch hết sức buồn tẻ, trước khi đóng cửa trong sắc đỏ nhạt.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,74 điểm (-0,29%) xuống 603,53 điểm, HNX-Index giảm 0,31 điểm (+0,38%) về 80,53 điểm. Thanh khoản trì trệ, tổng giá trị giao dịch chỉ gần 2.400 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận chiếm tới hơn 1/6 giá trị tổng giao dịch. Khối ngoại cũng giao dịch nhỏ giọt, mua ròng chưa đến 0,8 triệu đơn vị, giá trị gần 18 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục suy yếu, thanh khoản cũng ít được cải thiện. Trong số các mã SCIC thoái vốn, chỉ VNM giữ được sắc xanh, còn lại đều giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thanh khoản nhìn chung cũng chỉ nhúc nhắc. OGC bất ngờ bứt phá với mức tăng trần 2.900 đồng và khớp tới hơn 9 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE. Còn trên HNX vẫn là SCR với 3,5 triệu đơn vị được khớp.

>> Phiên giao dịch chiều 11/11: Nhạt nhòa

Về phía các Dự, vẫn là SHS, MSI, BSC đưa ra những đánh giá khá cụ thể về xu hướng giảm của thị trường, trong khi phần đông các Dự khác tiếp tục nghiêng về phương án trung lập.

“Xác xuất FED nâng lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm 2015 tới đây tăng cao cũng khiến thị trường chứng khoán toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực. Nỗi lo dòng vốn đầu tư tại các nước mới nổi bị rút ồ ạt khiến tài sản tại các thị trường này giảm mạnh. Trạng thái điều chỉnh giảm điểm do vậy sẽ tiếp tục diễn ra trong các phiên tới. VN-Index mất mốc hỗ trợ 610 điểm trong ngắn hạn và đang hướng tới mốc hỗ trợ thấp hơn tại 600 điểm trong bối cảnh các rủi ro từ bên ngoài đang lớn dần”, SHS nhận định.

MSI cũng đánh giá: “Mặc dù có các thông tin vĩ mô tích cực về kế hoạch kinh tế xã hội 2016 được Quốc hội thông qua nhưng cũng không có tác động nhiều đến thị trường, tâm lý nhà đầu tư vẫn khá thận trọng. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, đường MACD đã cắt xuống dưới đường tín hiệu, các chỉ báo RSI, MFI cũng cho thấy xu hướng điều chỉnh trong ngắn hạn của thị trường. Phiên 11/11, thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ 600-603 điểm”.  

Tương tự là BSC: “Quá trình giằng co, cân bằng sau đợt thông tin về kết quả kinh doanh quý III vừa qua sẽ vẫn tiếp diễn. Thị trường nhiều khả năng tiếp tục điều chỉnh và cân bằng cho tới khi VN-Index nằm trong ngưỡng 595-600 điểm. Nhà đầu tư duy trì tỷ trọng cổ phiếu hợp lý, chốt lãi các cổ phiếu tại các phiên tăng điểm và có thể mạo hiểm mở lại vị thế ở những phiên giảm”.

Tới phiên giao dịch 12/11, dòng tiền vẫn chủ yếu đứng ngoài khiến giao dịch phiên sáng 12/11 vẫn khá buồn tẻ. Việc thiếu nội lực để bứt phá khiến trạng thái lình xình đi ngang dưới mốc tham chiếu của các chỉ số tiếp diễn và mốc hỗ trợ mạnh 600 điểm của VN-Index đã bị bẻ gãy.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 5,42 điểm (-0,9%) xuống 598,11 điểm, HNX-Index giảm 0,04 điểm (-0,05%) xuống 80,49 điểm. Tổng giá trị giao dịch tương tự như phiên trước, chỉ gần 1.400 tỷ đồng.

Các mã trụ như VNM, GAS, VIC, MSN, cùng nhiều mã lớn cũng như các nhóm cổ phiếu dẫn dắt khác như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm... đa phần giảm điểm, dù không quá mạnh. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dù vẫn giao dịch khá tốt, song phần nhiều cũng là sắc đỏ. FLC dẫn đầu khối lượng giao dịch với 8,53 triệu đơn vị được khớp.

>> Phiên giao dịch sáng 12/11: Gãy mốc 600 điểm

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường bất ngờ đảo chiều ngoạn mục ở nửa cuối phiên với sự trở lại của “bộ ba quyền lực” VNM, BVH và FPT. VN-Index nhanh chóng lấy lại mốc 600 điểm, lực cầu cũng không còn dè dặt giúp thanh khoản cải thiện tích cực.

Đóng cửa, VN-Index tăng 2,05 điểm (+0,34%) lên 605,58 điểm, HNX-Index tăng 0,54 điểm (+0,67%) lên 81,07 điểm. Thanh khoản tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khối ngoại đã quay ra bán mạnh các bluechips với lượng bán ròng tổng cộng hơn 4 triệu đơn vị, giá trị hơn 145 tỷ đồng.

Với sức cầu tốt, một số mã cổ phiếu lớn đã quay đầu tăng điểm, trong đó có nhóm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, nhưng tốt nhất vẫn là VNM tăng 1,54%, FPT tăng 4,95%, BVH tăng 1,74%. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng nhiều mã đảo chiều thành công, thanh khoản tăng vọt. OGC tăng trần thứ 4 liên tiếp và có thanh khoản đột biến với gần 19 triệu đơn vị khớp lệnh và vẫn còn dư mua trần chất đống hơn 11,9 triệu đơn vị. Trên HNX, nhóm dầu khí vẫn là lực cản chính, chỉ số có được sắc xanh khi VND, VCG, ACB, PVB, KLS, NTP… đồng loạt tăng tốt. TIG dẫn đầu thanh khoản với hơn 2,7 triệu đơn vị được khớp.

>> Phiên giao dịch chiều 12/11: Sự trở lại của "bộ ba quyền lực"

Về phần các Dự, sau 4 phiên giảm điểm liên tiếp, thị trường phiên này đã có pha hồi phục kỹ thuật. Do đó, nhận định của MSI và VCSC là hợp lý nhất.

“Hai chỉ số có thể sẽ kiểm định các vùng hỗ trợ ngắn hạn 600 của VN-Index và 80.5 của HNX-Index. Đồng thời, lực cầu ngắn hạn có thể gia tăng dần trong vài phiên tới ở các vùng hỗ trợ này, cho nên hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật. Tuy nhiên, theo chỉ báo dòng tiền và hệ thống chỉ báo trạng thái xu hướng, rủi ro ngắn hạn vẫn còn cao và đây vẫn chưa phải là thời điểm thích hợp để giải ngân”, VCSC nhận định.

MSI đánh giá: “Sau 04 phiên giảm điểm trước đó, kết thúc phiên 11/11, VN-Index hình thành một cây nến Doji,  trong phiên 12/11, nhiều khả năng thị trường sẽ tăng điểm trở lại. Hành động mua đuổi trong phiên 12/11 được cho là khá rủi ro và khuyến nghị nhà đầu tư nên hạn chế bắt đáy và tránh giao dịch ngắn hạn trong giai đoạn hiện nay nếu chưa có những tín hiệu tích cực hơn”.

Ngược lại, nhận định của IVS, SHS, BSC là chưa hợp lý.

“Có thể nhìn nhận rằng thị trường phần nào sẽ yếu đi, thanh khoản giảm sút xuống khi niềm tin chưa quay lại với bên mua. Khi khối lượng giao dịch yếu hẳn có thể những mã lớn sẽ tạo ra hiệu ứng tích cực để hút dòng tiền quay lại. Vì thế theo phân tích, khả năng phiên ngày 12/11 kịch bản lình xình hẳn sẽ diễn ra, hoặc có thể có thời điểm VN-Index thủng mốc 600 điểm do tác động từ cổ phiếu lớn, nhưng thanh khoản tiếp tục sụt giảm”, IVS nhận định.

SHS thì đánh giá: “Phiên điều chỉnh 11/11 vẫn chưa tạo hiệu ứng phá vỡ xu thế tăng ngắn hạn đối với chỉ số, tuy vậy, nhiều cổ phiếu bluechips sau các phiên chịu áp lực điều chỉnh đã gãy trend tăng ngắn hạn. Diễn biến thu hẹp liên tục của dòng tiền và lực cầu chỉ tập trung tại một số mã nhất định khiến cơ hội thu được lợi nhuận thấp không đủ kích thích dòng tiền mới gia nhập thị trường. Điều này khiến tâm lý thận trọng đang quay lại và xung lực tăng tiếp tục suy giảm đáng kể. Áp lực điều chỉnh do vậy sẽ tiếp tục diễn ra trong phiên tới. Nhiều khả năng các chỉ số sẽ tiếp tục lùi xuống các vùng hỗ trợ thấp hơn, đối với VN-Index là vùng 596-600 điểm còn đối với HNX-Index là 79.5 điểm”.

BSC cũng cho rằng: “Dòng tiền vẫn chưa có dấu hiệu cải thiện. Thị trường có thể sẽ tiếp tục giảm về ngưỡng hỗ trợ 595-600 để kiểm định lại ngưỡng này. Đà giảm sẽ dừng lại khi các cổ phiếu trụ quay trở lại dẫn dắt thị trường. Nhà đầu tư ưa mạo hiểm có thể mở vị thế tại các phiên giảm điểm gần vùng hỗ trợ 595-600 điểm và không bán tháo tại thời điểm này”.

Còn lại BVSC, FPTS, MBKE, VDSC, SSI, MBS, KIS vẫn thiên về các nhận định mang tính trung lập.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 13/11, thị trường phiên sáng giằng co mạnh khi một bên là sự hỗ trợ của bộ ba VNM, FPT, BVH, còn bên kia là sức ép từ nhóm cổ phiếu dầu khí do tác động của giá dầu thô giảm mạnh, nhưng sắc xanh được giữ vững khi dòng tiền vẫn khá tích cực.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,55 điểm (+0,22%) lên 606,13 điểm, HNX-Index giảm 0,02 điểm (-0,02%) về 81,05 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt mức 1.400 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường vẫn cân bằng, giằng co chủ yếu do ảnh hưởng từ các mã lớn, tuy nhiên sắc xanh vẫn chiếm ưu thế, trong đó “bộ ba hoàn hảo” VNM, FPT, BVH vẫn khá vững. Ảnh hưởng tiêu cực bởi giá dầu thế giới, nhóm cổ phiếu đồng loạt giảm khá mạnh và gây sức ép chính lên thị trường và là nguyên nhân chính khiến HNX-Index chưa thể về đến tham chiếu. Nhịp giao dịch ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ được giữ khá ổn định. “Anh em” nhà FLC-FIT-KLF giao dịch mạnh nên dẫn đầu thanh khoản trên mỗi sàn.

>> Phiên sáng cuối tuần 13/11: Giữ vững đà tăng

Trong phiên giao dịch chiều, tiếp đà tích cực của phiên sáng, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh mẽ vào thị trường, khiến thanh khoản cải thiện mạnh và các chỉ đều đóng cửa ở mức cao nhất ngày. VN-Index đã nhẹ nhàng chinh phục trở lại mốc 610 điểm.

Đóng cửa, VN-Index tăng 5,69 điểm (+0,94%) lên 611,27 điểm, HNX-Index tăng 0,5 điểm (+0,62%) lên 81,57 điểm. Thanh khoản vọt tăng, tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.300 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng khá mạnh, đạt hơn 1,86 triệu đơn vị, giá trị gần 111 tỷ đồng.

Sức cầu tốt ở nhóm cổ phiếu bluechips giúp đà tăng ở nhóm này cải thiện mạnh, nên đây vẫn là động cơ chính của thị trường, cho dù nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ mới là tâm điểm dòng tiền. Trong số các mã vừa và nhỏ, FLC-FIT-KLF tiếp tục giao dịch mạnh mẽ. FLC khớp 21,4 triệu đơn vị-mạnh nhất HOSE, KLF dẫn đầu HNX với 4,77 triệu đơn vị được khớp, còn FIT cũng khớp hơn 10,9 triệu đơn vị. Tuy nhiên, OGC mới là nhân vật chính với phiên tăng trần thứ 5 liên tục, thanh khoản chỉ sau FLC, đạt trên 17,2 triệu đơn vị, trong đó có tới hơn 7,5 triệu đơn vị được sang tay chỉ sau 10 phút giao dịch ở phiên chiều.

>> Phiên chiều 13/11: Dòng tiền chảy mạnh, VN-Index nhẹ nhàng vượt mốc 610

Về phía các Dự, MSI, KIS và VCSC tiếp tục có nhận định hợp lý khi thị trường duy trì được sự tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản.

“Các chỉ số đã trả qua phiên phục hồi kĩ thuật sau 04 phiên giảm. Việc VN-Index đóng cửa trên 600 đang cho thấy đây là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy vào thời điểm này. Vào lúc này, thị trường sẽ có có thể sớm lấy lại đà tăng do các yếu tố: 1) Kết quả kinh doanh quý III phản ánh phần lớn vào giá cổ phiếu và định giá của nhiều cổ phiếu vốn lớn đã không còn hấp dẫn trong ngắn hạn. Các mã dẫn dắt đợt tăng vừa qua như VNM, FPT, BVH sẽ chịu áp lực điều chỉnh lớn hơn và không nghĩ rằng nhóm cổ phiếu này sẽ có thể bức phá mạnh xa hơn; 2) Khả năng Fed tăng lãi suất vào tháng 12 và khối ngoại đã tăng bán ròng trong vài phiên vừa qua; 3) Dòng tiền của nhà đầu tư trong nước chưa phát đi tín hiệu cải bền vững; 4) Các yếu tố như TPP, tăng trưởng kinh tế tốt hơn cũng đã tham gia tích cực trong đợt tăng vừa qua và hiện nay nhà đầu tư đã quen với điều này”, KIS đánh giá. 

Tương tự là MSI: “Trong phiên cuối tuần 13/1, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm. Xu hướng điều chỉnh có thể đã kết thúc, củng cố vững chắc đà tăng của thị trường. Dòng tiền tiếp tục phân hóa mạnh vào các nhóm cổ phiếu khác nhau, xem xét một số cổ phiếu đáng chú ý: SSI, BMI, FCN, TNG…”.

VCSC cũng nhận định: “Hai chỉ số có thể sẽ duy trì đà hồi phục trong phiên 13/11/2015 và nhiều khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường đã có dấu hiệu kết thúc. Đồng thời, theo hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn, lực cầu ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong vài phiên tới khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào trạng thái quá bán tại các mức hỗ trợ ngắn hạn. Đặc biệt, dòng tiền ngắn hạn có thể sẽ sớm trở lại trong vài phiên tới”.

Ngược lại, IVS và SHS tiếp tục có nhận định chưa hợp lý.

“Tất nhiên không thể không phủ nhận rằng thị trường sẽ có thêm yếu tố tích cực cho phiên giao dịch ngày 13/11. Tuy nhiên nghiêng về kịch bản VN-Index tiếp cận mốc 608-610 điểm và giảm trở lại trước áp lực của nhóm cổ phiếu lớn mà dẫn đầu có thể là GAS. Sự ảm đạm và lình xình sẽ lại diễn ra khiến mốc 600 điểm sẽ lại chịu thử thách lần nữa trong tuần tới”, IVS đánh giá.

SHS cho rằng: “Những rủi ro từ bên ngoài vẫn hiện hữu, đặc biệt là yếu tố tỷ giá trong giai đoạn cuối năm khi đồng CNY đang tiếp tục có dấu hiệu suy giảm mạnh so với đồng USD sau khi những số liệu công bố mới đây cho thấy hoạt động thương mại trong tháng 10 của Trung Quốc tiếp tục suy giảm, kết hợp với khả năng tăng lãi suất của FED vào thời điểm cuối năm. Theo đó, thị trường sẽ tiếp tục xuất hiện các phiên tăng giảm xen kẽ trong ngắn hạn.diễn ra trong phiên tới”.

Còn lại FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, MBS, VDSC vẫn trung thành với các nhận định trung lập.

Tổng kết tuần giao dịch từ 9/11 đến 13/11, sau 04 phiên giảm điểm liên tiếp với thanh khoản hạn chế, thị trường đã hồi phục tốt cả về điểm số lẫn thanh khoản trong 2 phiên cuối tuần. Sự tích cực này càng được đánh giá cao trong bối cảnh khối ngoại đẩy mạnh chốt lời. Khối ngoại đã quay ra bán ròng ở tuần này và các mã lớn bị bán ra mạnh nhất.

Về phía các chỉ số, với cùng 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, VN-Index giảm tổng cộng 1,09 điểm (-0,17%) về 611,27 điểm, còn HNX-Index lại tăng 0,07 điểm (+0,09%) lên 81,57 điểm.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/9/11

HOSE(-1,7/0,28%/610,66)

HNX(-0,08/0,1%/81,42)

KIS, MSI, MBS

SHS, BSC, IVS, SSI, FPTS, BVSC, MBKE, VDSC, VCSC

T3/10/11

HOSE(-5,39/0,88%/605,27)

HNX(-0,58/0,72%/80,84)

SHS, IVS, MSI, VCSC

FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, MBS, KIS, VDSC

T4/11/11

HOSE(-1,74/0,29%/603,53)

HNX(-0,31/0,38%/81,53)

SHS, MSI, BSC

IVS, MBS, SSI, FPTS, MBKE, BVSC, VCSC

KIS, VDSC

T5/12/11

HOSE(+2,05/0,34%/605,58)

HNX(+0,54/0,67%/81,07)

MSI, VCSC

BVSC, FPTS, MBKE, VDSC, SSI, MBS, KIS

IVS, SHS, BSC

T6/13/11

HOSE(+5,69/0,94%/611,27)

HNX(+0,5/0,62%/81,57)

MSI, KIS, VCSC

FPTS, BVSC, MBKE, BSC, SSI, MBS, VDSC

IVS, SHS

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục