Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro cổ phiếu dầu khí

(ĐTCK) Trao đổi với nhà báo Hải Vân trong chuyên mục bàn tròn tuần này, các chuyên gia chứng khoán cho rằng, việc giá dầu giảm mạnh sẽ tác động tiêu cực lên nhóm cổ phiếu dầu khí. Kết quả kinh doanh hiện tại chưa phản ánh hết những tiêu cực đó, nhưng rủi ro cắt giảm sản lượng hoặc ngừng khai thác của các hợp đồng mới khi giá dầu thô tiếp tục đi xuống có thể khiến triển vọng các năm sau tiêu cực hơn.
Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro cổ phiếu dầu khí

Giá dầu thô trên thế giới đồng loạt giảm xuống ngưỡng thấp và dự báo giá dầu sẽ còn giảm tiếp và khả năng xuống dưới 40 USD khi OPEC cho rằng khả năng dư cung còn kéo dài trong thời gian tới. TTCK sẽ chịu tác động như thế nào từ thông tin trên, đặc biệt là nhóm cổ phiếu dầu khí?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Theo tôi đánh giá, diễn biến này sẽ có tác động khá tiêu cực với các mã dầu khí, đặc biệt là các mã thăm dò khai thác với chi phí hoạt động cao. Vì vậy, tôi duy trì nhận định triển vọng kém lạc quan với nhóm dầu khí trong năm 2016.

Ở chiều ngược lại, tôi cho rằng, một số doanh nghiệp khác sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá cả các loại hàng hóa đầu vào suy giảm theo giá dầu như xà phòng, bột giặt… Tuy nhiên, những mã này chủ yếu là những doanh nghiệp đơn lẻ, vốn hóa thấp và nhiều khả năng sẽ không đủ mạnh để đứng ra dẫn dắt thị trường.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Hiện nhóm ngành dầu khí đang phản ánh khá rõ nét những rủi ro ngắn hạn của việc giá dầu thô và giá khí thế giới đi xuống. Kết quả kinh doanh hiện tại chưa phản ánh hết những tiêu cực do dư thừa nguồn cung do dầu đá phiến của Mỹ và triển vọng kinh tế thế giới đang xấu đi.

Kết quả kinh doanh năm nay chưa sụt giảm nhiều do hạch toán những hợp đồng còn tồn đọng trong quá khứ, nhưng rủi ro cắt giảm sản lượng hoặc ngừng khai thác của các hợp đồng mới khi giá dầu thô tiếp tục đi xuống có thể khiến triển vọng các năm sau tiêu cực hơn.

Do đó, trong ngắn hạn, nhóm ngành này sẽ tiếp tục diễn biến tiêu cực và rất rủi ro. Tuy nhiên, đây cũng có thể là cơ hội chọn lọc mua dài hạn cho những nhà đầu tư tổ chức đầu tư với tầm nhìn dài hơi hơn.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Chúng ta đã thấy tác động của nó lên thị trường trong một vài phiên gần đây khi nhóm dầu khí dẫn đầu là cổ phiếu GAS bị bán mạnh. Chính nhịp bán mạnh này khiến phiên giao dịch ngày 12/11 sụt giảm mạnh trước khi có lực cầu bắt đáy.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro cổ phiếu dầu khí ảnh 1

 Ông Nguyễn Hữu Bình

Nhìn theo góc kỹ thuật thì nhóm cổ phiếu dầu khí đang quay lại xu thế downtrend, nên khó có thể tăng lại hỗ trợ thị trường.

Điểm đáy mà những cổ phiếu GAS, PVD, PVS… so với hiện tại còn một khoảng 15-20%, nên áp lực giảm vẫn còn. GAS và PVD là những cổ phiếu có tính ảnh hưởng khá tới VN-Index, nên chắc chăn tuần kế tiếp vẫn có sự ảnh hưởng.

Mặc dù ghi nhận sự tích cực của dòng tiền, nhưng việc thị trường hồi phục vẫn dựa chủ yếu vào các “đầu tầu” như VNM, FPT, BVH... khiến đà tăng của thị trường chưa bền vũng. Bên cạnh những ý kiến cho rằng, thị trường sẽ vẫn diễn biến giằng co tích lũy trong ngắn hạn, thì cũng có những quan điểm khá lạc quan khi cho rằng, nhiều khả năng nhịp điều chỉnh của thị trường đã có dấu hiệu kết thúc và lực cầu ngắn hạn có thể sẽ tiếp tục gia tăng trong tuần tới. Quan điểm của ông/bà?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Với 2 phiên tăng khá mạnh vào cuối tuần vừa qua, xét theo yếu tố kỹ thuật, nhịp điều chỉnh hồi đầu tuần đã kết thúc. Thanh khoản ở mức cao và tâm lý nhà đầu tư tỏ ra khá hưng phấn cho thấy, đà tăng ngắn hạn của thị trường được duy trì.

"Tôi chưa thấy những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng bền vững của thị trường trong khi rủi ro đang lớn dần lên, đặc biệt là khi nhà đầu tư chấp nhận mở vị thế mới ở các vùng giá cao tại các cổ phiếu đã liên tục tăng nóng" - Ông Trần Minh Hoàng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng nên chú ý đến hai yếu tố bất lợi là:

(1) Nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng rất mạnh trong hai phiên thị trường tăng điểm trở lại.

(2) Việc liên tục có những tín hiệu cho thấy FED có thể tăng lãi suất trong tháng 12 kèm theo những thông tin không tích cực từ phía nền kinh tế Trung Quốc đang khiến áp lực tỷ giá gia tăng theo thời gian đặc biệt về cuối năm.

Theo đó, tôi chưa thấy những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng bền vững của thị trường trong khi rủi ro đang lớn dần lên, đặc biệt là khi nhà đầu tư chấp nhận mở vị thế mới ở các vùng giá cao tại các cổ phiếu đã liên tục tăng nóng.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Tôi nghiêng về phía thận trọng và lo ngại về những rủi ro tiềm ẩn sau đợt tăng hiện tại. Đợt tăng giá này vẫn khá hẹp, bởi một số cổ phiếu lớn có câu chuyên thoái vốn và nhóm cổ phiếu cơ bản thanh khoản thấp nhưng có kết quả kinh doanh nổi trội.

Phần còn lại của thị trường vẫn rất tiêu cực và ngày càng xấu di khi nhiều cổ phiếu có chuỗi giảm 15-20 phiên, bào mòn vỡ các hỗ trợ quan trọng trong đó có rất nhiều cổ phiếu bluechips.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro cổ phiếu dầu khí ảnh 2

Ông Nguyễn Trung Du 

Hơn nữa, theo quan sát của tôi, thị trường gần như không có thêm luồng tiền đầu tư mới từ các nhà đầu tư trong nước, nên mức độ sử dụng margin tăng khá nhanh, mặc dù thị trường chưa thực sự nóng.

Dòng vốn ngoại theo hình thức Pnotes cũng đã chững lại và có rủi ro đảo chiều rút ròng khi các thị trường tài chính lớn đang bất ổn trở lại. Do đó, chiến lược tốt lúc này là thu hẹp dần danh mục và giữ lại các cổ phiếu tốt đang có đà tăng giá tốt để tối ưu hóa lợi nhuận.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Thực ra, 2 phiên tăng mạnh cuối tuần đang phần nào xóa đi những nghi ngờ của NĐT về thị trường. Tăng mạnh, dứt khoát nhưng điều quan trọng là khối lượng giao dịch tăng lên cho thấy, dòng tiền đang vào.

"Tôi cho rằng, thị trường đang theo xu hướng khá tích cực. Có thể có sự điều chỉnh, nhưng khó giảm sâu, bởi nhiều cổ phiếu đang lạc nhịp, có nghĩa đã không tăng giá khá lâu" - Ông Nguyễn Hữu Bình.

Nhìn vào thị trường thì điều này đang chiếm ưu thế cho dù nhóm cổ phiếu lớn, đặc biệt là VNM vẫn có tính hỗ trợ rất lớn. Tuy nhiên, ở góc nhìn thận trọng hơn thì tôi lưu ý vài điểm như sau:

Thứ nhất, liệu VNM có thể tiếp tục đà tăng trên khi đã tăng gần 40% trong nhịp tăng vừa qua?

Thứ hai, liệu nhịp độ bán ròng liên tục vừa qua có tác động xấu tới tâm lý NĐT hay không?

Cuối cùng, thị trường từng diễn ra kịch bản hồi phục kiểu này, nhưng sau đó giao dịch chậm lại và suy giảm với mô hình hai đỉnh nhỏ. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu như giao dịch tuần tới không mang tính tích cực như dòng tiền mới không vào hay độ luận chuyển dòng tiền.

Sự chậm lại của thị trường sẽ khiến cho áp lực bán tăng cao nên những phiên giao dịch đầu tuần rất quan trọng. Nếu VN-Index có dấu hiệu suy yếu tại mốc 615 điểm và xảy ra một phiên giảm mạnh, thì đó là dấu hiệu suy giảm được phát đi.

Còn với cá nhân tôi, tôi cho rằng, thị trường đang theo xu hướng khá tích cực. Có thể có sự điều chỉnh, nhưng khó giảm sâu, bởi nhiều cổ phiếu đang lạc nhịp, có nghĩa đã không tăng giá khá lâu. Nên dù thị trường có suy giảm thì những cổ phiếu này không chịu quá nhiều áp lực, đặc biệt là trên sàn HNX.

Do đó, theo một góc nhìn tốt nhất, NĐT vẫn nên thận trọng và kiếm tìm cơ hội nhỏ nhất mà thị trường tạo ra như MSN hay CII… Nếu như có triển vọng, thì dòng tiền sẽ phải lan tỏa và khi đó sàn HNX sẽ có tín hiệu tích cực hơn.

Tuần qua, Quốc hội thông qua kế hoạch 2016 với một số chỉ tiêu cơ bản như GDP tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%... Ngoài ra, Quốc hội cũng đã thông qua việc phát hành 3 tỷ USD trái phiêu quốc tế trong năm 2016. Ông/bà đánh giá các mục tiêu này có tác động như thế nào tới TTCK?

Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng nhóm phân tích thị trường, CTCK VCBS

Theo tôi đánh giá, với triển vọng giá hàng hóa nguyên liệu ở mức thấp, mục tiêu tỷ lệ lạm phát dưới 5% là hoàn toàn khả thi, đồng thời cũng tạo ra nhiều dư địa để điều hành chính sách. Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% là không dễ dàng trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nguy cơ giảm tốc, đặc biệt là Trung Quốc.

Góc nhìn chuyên gia tuần mới: Rủi ro cổ phiếu dầu khí ảnh 3

Ông Trần Minh Hoàng 

Việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế, nếu thành công, theo tôi, cũng là tích cực dưới góc độ thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ đã đến hạn với theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm lãi suất vay xuống mức hợp lý với từng khoản nợ. Động thái này là hết sức bình thường và hợp lý nhằm giải quyết những áp lực ngân sách vốn đang nóng lên trong thời gian gần đây.

Ông Nguyễn Trung Du, Giám đốc Phát triển môi giới tư vấn, CTCK VNDirect

Các nhóm chỉ tiêu cho 2016 là khá tích cực và lạc quan về đà tăng trưởng tiếp diễn cho năm tới và có tác động tích cực cho thị trường giai đoạn hiện tại. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn những chỉ tiêu hiện tại để đánh giá mức độ hấp dẫn, thì giống như chúng ta đang mua một cổ phiếu với kết quả kinh doanh tốt trong ngắn hạn, nhưng lại tiềm ẩn rủi ro khi có khoản đầu tư tài chính lớn chưa trích lập dự phòng gây thiệt hại hoặc thua lỗ các năm sau.

"Kết quả kinh doanh năm nay của các doanh nghiệp dầu khí chưa sụt giảm nhiều do hạch toán những hợp đồng còn tồn đọng trong quá khứ, nhưng rủi ro cắt giảm sản lượng hoặc ngừng khai thác của các hợp đồng mới khi giá dầu thô tiếp tục đi xuống có thể khiến triển vọng các năm sau tiêu cực hơn" - Ông Nguyễn Trung Du

Tôi quan ngại về những thông tin liên quan tới bội chi ngân sách và nợ công trong thời gian qua và triển vọng sau đó. Việc thông qua phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ và thoái vốn một số doanh nghiệp lớn giúp tình trạng căng thẳng dịu bớt đi cho năm tới, nhưng triển vọng dài hạn vẫn rất rủi ro khi Chính phủ vẫn chưa có những phương thức quyết liệt hạn chế tình trạng chi tiêu công quá đà và cách tăng nguồn thu cho câu chuyện nợ công sau này.

Các dòng thuế giảm trong tương lai theo một số hiệp định thương mại tự do sẽ khiến nguồn thu càng căng thẳng hơn và các dòng thuế nội địa có thể tăng lên đề bù đắp khiến sức khỏe của nền kinh tế yếu đi. Tỷ giá trong các tháng cuối năm và năm tới sẽ phản ánh rõ nét những áp lực từ nợ công cao.

Do đó, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán chưa phản ứng tiêu cực những lo ngại này, nhưng trong năm tới, câu chuyện nợ công và tỷ giá sẽ dần thành điểm nóng và là lực cản cho đà tăng của TTCK.

Ông Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích CTCK IVS

Có vẻ như thị trường đang không quan tâm tới thông tin trên khi nó được công bố. Giao dịch thị trường có phần tách biệt, không những thế, chúng ta còn chứng kiến nhịp giảm điểm ở phiên 12/11 vừa qua.

Tất nhiên, những thông tin này khó mang tính ảnh hưởng ngắn hạn, bởi nó chỉ là mục tiêu và mang tính dài hơi. Có lẽ, nó sẽ phù hợp hơn với những gì mà Việt Nam đạt được trên cơ sở khoa học đề ra cho năm 2016.

Hải Vân

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục