Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường diễn biến tăng giảm đan xen dưới tác động của nhóm cổ phiếu bluechips, nhưng đà tăng của thị trường vẫn được duy trì khi lực cầu được phát huy tốt tại các mốc hỗ trợ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần vừa qua.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 2/11, VN-Index tiếp tục duy trì đà tăng trong đầu phiên giao dịch sáng và tiến đến mốc kháng cự quan trọng 610 điểm. Tuy nhiên, đây đúng là ngưỡng cản mạnh, nên ngay khi chạm mốc này, VN-Index bị đẩy lùi trở lại và chốt phiên trong sắc đỏ.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,07 điểm (-0,18%) xuống 606,3 điểm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,42%) xuống 81,88 điểm. Thị trường giao dịch thận trọng nên thanh khoản không cao, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ gần 1.300 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng, tập trung vào các mã bluechips khiến hai chỉ đảo chiều giảm điểm. Các mã như VNM, PVD, VIC, BVH, MSN, HSG, HPG, SSI…hay PLC, TCT, LAS, NTP, ACB… đồng loạt giảm điểm. Nhóm cổ phiếu ô tô như HTL, SVC, HAX, TMT... cũng giảm điểm mạnh. Hoạt động giao dịch vẫn tập trung tại nhóm cổ phiếu thị trường như FLC, BGM DLG, KVC, SCR, ACM... FLC khớp 4,35 triệu đơn vị, KVC khớp 2 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản ở mỗi sàn.

>> Phiên giao dịch sáng 2/11: Lực cản quá mạnh

Trong buổi giao dịch chiều, việc chốt lời được đẩy lên cao hơn, nhất là ở thời điểm cuối phiên, khiến VN-Index tiếp tục lùi sâu về gần mốc hỗ trợ 600 điểm. Áp lực bán gia tăng, song lực cầu vẫn tỏ ra thận trọng nên thanh khoản chưa có nhiều cải thiện.

Đóng cửa, VN-Index giảm 4,61 điểm (-0,76%) xuống 602,76 điểm, HNX-Index giảm 1,12 điểm (-1,36%) xuống 81,11 điểm. Tổng giá trị giao dịch vẫn duy trì ở mức hơn 2.500 tỷ đồng. Khối ngoại cũng bán ròng 3,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 23 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn tiếp tục bị bán mạnh nên càng nới rộng đà giảm. VNM giảm 0,85%, VIC giảm 1,1%, MSN giảm 0,68%, PVB giảm 1,6%, PLC giảm 6,89%, NTP giảm 7,43%, ACB giảm 0,96%,... Nhóm cổ phiếu ô tô (HAX, TMT, SVC, HTL) sau thời gian thăng hoa phiên này cũng đồng loạt giảm sàn. Dù vẫn là điểm đến của dòng tiền, song áp lực chốt lời khiến đa phần các mã thị trường giữ sắc đỏ. OGC có sự đột biến về thanh khoản khi khớp tới 17,93 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, đóng cửa giảm sàn sau 05 phiên tăng trần liên tục. KVC gần như tắc thanh khoản trong phiên chiều, nhưng vẫn là mã khớp mạnh nhất HNX với hơn 2,1 triệu đơn vị, tăng 3,57%.

>> Phiên giao dịch chiều 2/11: Chốt lời mạnh, VN-Index bị đẩy lùi về gần 600 điểm

Về phần các Dự, với diễn biến thị trường tuần qua thì sự hợp lý trong nhận định của KIS được đánh giá cao nhất, trong khi MSI và VCSC dù đánh giá được việc thị trường sẽ giảm ở phiên đầu tuần, song mức giảm có phần hơi “quá đà”.

“Về mặt kĩ thuật, ngưỡng hỗ trợ 595 điểm đã không bị xuyên thủng và VN-Index đã quay trở lại tăng một cách mạnh mẽ và tái lập bên trên mốc 600 điểm. Khối lượng giao dịch tuy giảm nhẹ nhưng khá ổn định. Trong các phiên tới, VN-Index được kì vọng có thể tiến đến kiểm định vùng 610-612 điểm. Từ nay đến thời điểm đó, thị trường có thể còn rung lắc nhưng mức độ rủi ro là không quá lớn”, KIS nhận định.

Còn MSI cho rằng: “Các chỉ báo kỹ thuật như MACD, Stochastic, RSI vẫn cho thấy tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, nếu thanh khoản tiếp tục suy yếu thì nhà đầu tư nên chú ý tới khả năng thị trường có thể quay trở lại xu hướng sideway. Trong tuần sau, VN-Index sẽ tiếp tục đi lên thử thách vùng 608-610 điểm và có thể chinh phục ngưỡng 610 vào những phiên giao dịch cuối tuần. Phiên thứ Hai đầu tuần, VN-Index có thể rung lắc điều chỉnh quanh ngưỡng 605-607 điểm”.

Tương tự là VCSC: “Hai chỉ số có thể sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ 595-598 của VN-Index và 81.0 của HNX-Index trong phiên giao dịch đầu tuần tới. Đồng thời, theo hệ thống các chỉ báo kỹ thuật, hai chỉ số chưa thể vượt được các vùng kháng cự 610-615 của VN-Index và 82.5 của HNX-Index, đặc biệt mức độ rủi ro ngắn hạn có chiều hướng gia tăng khi dòng tiền có chiều hướng sụt giảm dần”.

Đối với các Dự khác như SHS, BSC, IVS, MBS, FPTS, BVSC, MBKE, VDSC, SSI thì nhận định trung lập là phương án được lựa chọn, chẳng hạn như “Xu hướng giá hiện tại không quá tin cậy”, “Tiếp tục củng cố vùng giá hiện tại ”, hay “Vùng 615 điểm sẽ là thử thách khó khăn”...

Sang phiên giao dịch 3/11, sau ít phút tích cực đầu phiên, áp lực bán gia tăng mạnh khiến VN-Index đảo chiều giảm điểm. Dù vậy, chỉ số vẫn kịp thời hồi phục trước khi kết phiên sáng nhờ vào một số mã lớn, đặc biệt là VNM.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,72 điểm (+0,12%) lên 603,48 điểm, HNX-Index tăng 0,14 điểm (+0,17%) lên 81,25 điểm. Lực cầu khá tốt giúp thanh khoản có sự cải thiện nhẹ, tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.600 tỷ đồng.

VNM chính là tâm điểm của thị trường trong phiên sáng nay với “tin đồn” cổ đông lớn Fraser & Neave (F&N) mua cổ phần từ SCIC. Nhờ đó, VNM có thời điểm tăng vọt, trước khi hạ nhiệt cuối phiên với mức tăng 3.000 đồng và khớp được 1,72 triệu đơn vị. Các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là điểm đến của dòng tiền, nhưng giao dịch có phần kém sôi động. CII dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với hơn 3 triệu được khớp, nhưng giảm tới 1.200 đồng.

>> Phiên giao dịch sáng 3/11: Tâm điểm VNM

Trong buổi giao dịch chiều, tưởng chừng F&N việc phủ nhận việc chào mua số lượng cổ phiếu VNM mà SCIC đang muốn thoái vốn sẽ khiến cổ phiếu này quay đầu, qua đó tác động tiêu cực tới tâm lý chung, thì thị trường lại khởi sắc đầy bất ngờ, đưa VN-Index leo thẳng qua mốc 610.

Đóng cửa, VN-Index tăng 8,95 điểm (+1,48%) lên 611,71 điểm, HNX-Index tăng 0,78 điểm (+0,96%), lên 81,89 điểm. Sự hào hứng cũng giúp thanh khoản tăng mạnh, tổng giá trị giao dịch đạt gần 3.100 tỷ đồng. Khối ngoại cũng mua ròng trở lại hơn 3,25 triệu đơn vị, giá trị 55 tỷ đồng.

VNM vẫn tăng mạnh 5,13%, tạo cảm hứng cho hàng loạt bluechips khác tăng điểm, trong đó BVH và FPT tăng kịch trần. FPT khớp 3,8 triệu đơn vị, VNM khớp 2,36 triệu đơn vị. Các mã ngân hàng, dầu khí trên HOSE lại khá lình xình. Nhóm cổ phiếu thị trường giao dịch sôi động, DLG và OGC đóng cửa trong sắc tím với trên dưới 6 triệu đơn vị được khớp. Trên HNX, nhóm dầu khí trên sàn này lại hỗ trợ khá tốt cho chỉ số, nhưng đóng góp đáng kể nhất đến từ nhóm bất động sản, xây dựng với sự góp mặt của VCG, SCR, TIG, VC3, PIV, DPS… VCG dẫn đầu thanh khoản với hơn 4 triệu đơn vị được khớp và tăng mạnh 7,89%.

>> Phiên giao dịch chiều 3/11: Bứt phá mạnh mẽ, VN-Index qua mốc 610 điểm

Về phần các Dự, thị trường đã có cú bật tăng mạnh mẽ đến bất ngờ ỏ phiên 3/11 sau phiên giảm có phần tiêu cực đầu tuần. Vì vậy, những nhận định của SHS, MSI, BSC, VCSC, MBS đều không đúng.

“Diễn biến điều chỉnh như phiên 2/11 đã được dự báo trước do thị trường không có động lực để bứt phá mạnh sau khi vượt thành công ngưỡng 600 điểm. Xu hướng thị trường phụ thuộc khá nhiều vào dòng tiền đầu cơ vốn đang có sự dịch chuyển luân phiên khá nhanh giữa các nhóm cổ phiếu dẫn dắt và tác động trực tiếp lên diễn biến của hai chỉ số. Rủi ro điều chỉnh tại các vùng kháng cự vì vậy cũng tăng cao khi áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện. Đà tăng sẽ vẫn tiếp tục, tuy nhiên trong ngắn hạn, các phiên rung lắc điều chỉnh có thể sẽ tiếp tục diễn ra”, SHS đánh giá.

MSI nhận định: “Kết thúc phiên 2/11, đồ thị VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Bearish Engulfing, dải Bollinger cũng đang thu hẹp lại cho thấy thị trường nhiều khả năng sẽ quay lại xu hướng điều chỉnh về ngưỡng 590-595 điểm trong ngắn hạn trước khi test lại ngưỡng kháng cự  610 điểm. Phiên 3/11, VN-Index có thể sẽ test lại ngưỡng hỗ trợ mạnh 600 điểm”.

VCSC cũng cho rằng: “Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh và kiểm đỉnh vùng 595-600 của VN-Index và 80.5 của HNX-Index trong phiên kế tiếp. Đồng thời, rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn và tâm lý nhà đầu tư đã chuyển sang trạng thái bi quan, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực lên xu hướng ngắn hạn hiện tại cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên mở vị thế mua mới hoặc không nên gia tăng thêm tỷ trọng cổ phiếu ở vùng giá hiện tại”.

Tương tự là BSC: “Thị trường vẫn trong trạng thái tích lũy, có thể điều chỉnh thêm trước áp lực chốt lời trong suốt thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các chỉ số khó có khả năng giảm sâu do hiện tại chưa có thông tin tiêu cực nào. Nhà đầu tư nên chốt lãi dần trong phiên tăng điểm và gia tăng tỷ trọng trong các nhịp giảm điểm”.

Còn MBS phát biểu: “Về mặt kỹ thuật, thị trường đã có phiên điều chỉnh sau khi chạm tới các ngưỡng kháng cự VN-Index là 610 điểm và HNX-Index là 83 điểm. Trong các phiên tới, các chỉ số có thể kiểm nghiệm lại các vùng hỗ trợ ngắn hạn 595-600 điểm với VN-Index và 81 điểm với HNX-Index”.  

Trong khi FPTS, BVSC, MBKE, KIS, SSI, IVS, VDSC đã được “an toàn” nhờ vào các nhận định mang tính trung lập.

Đến phiên giao dịch 4/11, sự hưng phấn tiếp tục được duy trì trong đầu phiên sáng này, đẩy VN-Index thẳng tiến lên gần mốc 620 điểm. Nhưng áp lực bán mạnh lập tức xuất hiện khiến chỉ rơi trở lại và giằng co mạnh trên mốc tham chiếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index chỉ còn tăng 1,99 điểm (+0,33%) lên 613,7 điểm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 82,01 điểm. Thanh khoản tăng mạnh, đạt trên 2.300 tỷ đồng, nhưng chủ yếu nhờ vào giao dịch thỏa thuận của VNM và FPT với tổng giá trị lên tới hơn 972 tỷ đồng.

VNM và FPT tiếp tục là điểm tựa chính của VN-Index, ngoài ra MSN, BVH, VIC... cũng hỗ trợ khá tốt cho chỉ số, trong khi nhóm ngân hàng không hỗ trợ nhiều do vẫn lình xình. Nhóm khoáng sản tăng mạnh, trong đó BGM và DHM tăng kịch trần. Dòng tiền vẫn chủ yếu tập trung ở các mã thị trường, trong đó DLG, HQC, FLC đều khớp hơn 2 triệu đơn vị. Trên HNX, các mã VCG, VND, SHS, PLC, PVB, BVS là lực kéo chính của chỉ số. VCG vẫn rất tích cực khi tăng 4,07% và khớp 3,76 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản toàn thi trường.

>> Phiên giao dịch sáng 4/11: Phút ngẫu hứng qua nhanh

Trong phiên giao dịch chiều, mặc dù thị trường đón nhận "cơn lốc tím" ở nhóm cổ phiếu khoáng sản, nhưng do áp lực bán gia tăng mạnh vào cuối phiên khiến nhiều mã chuyển sang sắc đỏ, nhất là ở các cổ phiếu bluechip, đã kéo thị trường đảo chiều giảm điểm.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,11 điểm (-0,18%) xuống 610,6 điểm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,2%) xuống 81,73 điểm. Giao dịch thỏa thuận giúp thanh khoản cải thiện mạnh, tổng giá trị giao dịch đạt trên 3.400 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng 4 triệu đơn vị, giá trị gần 56 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến hàng loạt các mã lớn như VNM, VIC, BVH, FPT, HSG, HPG, BID, MBB… giảm điểm, trong khi GAS, MNS tăng nhẹ, giúp chỉ số hãm đà rơi. DHM tăng trần 10 phiên liên tục. Ở các mã vừa và nhỏ, nhóm khoáng sản đồng loạt tăng trần với lượng dư mua trần chất đống, ngược lại, nhóm ô tô tiếp tục nằm sàn la liệt. DLG khớp mạnh nhất HOSE với gần 7 triệu đơn vị và tăng 2,22%. Trên HNX, đà tăng vững của VCG, VND, BVS, SHS giúp HNX-Index hãm bớt đà giảm. VCG khớp mạnh nhất sàn với 4,47 triệu đơn vị và tăng 1,62%.

>> Phiên giao dịch chiều ngày 4/11: Bán mạnh cuối phiên

Về phía các Dự, diễn biến giằng co và sau đó giảm điểm của thị trường cho thấy nhận định của BSC và VCSC khá hợp lý.

“Hai chỉ số có thể sẽ kiểm định các vùng kháng cự 610-615 của VN-Index và 82.5 của HNX-Index và đánh giá thấp khả năng vượt các vùng kháng cự này trong phiên tới. Đồng thời, dòng tiền tiếp rục có dấu hiệu suy yếu trong ngắn hạn và đây vẫn là trở ngại lớn mà chúng tôi lo lắng trong giai đoạn này, cho nên thị trường khó có thể bứt phá mạnh các vùng kháng cự ngắn hạn này”, VCSC nhận định.

BSC thì đánh giá: “Thị trường đang đi tìm sự đồng thuận chung khi liên tiếp được nâng đỡ bởi các bluechips, đồng thời, phần lớn các cổ phiếu khác không giảm điểm mạnh. Các nhân tố tiêu cực ảnh hưởng lớn đến thị trường như sự bán ra của khối ngoại, sự lao dốc của giá dầu hay những rủi ro chính trị không xuất hiện tại thời điểm này, do đó, thị trường nhiều khả năng sẽ không giảm điểm ghê gớm.

Ngược lại, nhận định của MSI là chưa hợp lý khi tiếp tục cho rằng thị trường sẽ tăng điểm.

“Phiên giao dịch 4/11, các mã bluechip sẽ tiếp tục kéo thị trường tiến sát ngưỡng 615-620 điểm, có thể có giằng co trong phiên nhưng kết phiên vẫn là một phiên tăng điểm. Việc mua gom cổ phiếu vẫn có thể được tiến hành trong giai đoạn này với mục tiêu nắm giữ trong trung hạn. Các hoạt động trading T+ chỉ nên thực hiện ở những cổ phiếu đang thực sự thu hút mạnh dòng tiền, các cổ phiếu đầu cơ tốt”, MSI phát biểu.

Còn SHS, IVS, MBS, SSI, FPTS, MBKE, BVSC, KIS, VDSC tiếp tục đưa ra các nhận định mang tính trung lập.

Tới phiên giao dịch 5/11, thị trường tiếp tục diễn biến khá thận trọng, các chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu với biên độ dao động hẹp. Tuy nhiên, dư âm thông tin SCIC sẽ thoái vốn khỏi VNM tiếp tục kéo cổ phiếu này bật cao và là điểm tựa chính giúp VN-Index giữ được sắc xanh. Trong khi HNX-Index lại không có được may mắn này.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,06 điểm (+0,17%) lên 611,66 điểm, HNX-Index giảm 0,12 điểm (-0,15%) xuống 81,6 điểm. Thanh khoản giảm khá mạnh, tổng giá trị giao dịch chưa đầy 1.200 tỷ đồng trên cả 2 sàn.

VNM tiếp tục tăng khá mạnh 2,44%, trong khi FPT đã chững lại. Nhóm chứng khoán tăng nhẹ, trong khi dầu khí, ngân hàng giảm điểm. Nhóm khoáng sản vẫn duy trì được sức hút và BGM, KSA, DHG vẫn tăng trần, đều khớp hơn 1 triệu đơn vị và dư mua trần khá lớn. Ngược lại, nhóm ô tô (HTL, TMT, HAX, SVC) chưa hẹn ngày trở lại, trong đó HTL giảm sàn phiên thứ 4 liên tiếp, xuống còn 144.000 đồng/CP. Các mã thị trường giữ được nhịp sôi động, BGM dẫn đầu thanh khoản với 2,35 triệu đơn vị.

>> Phiên giao dịch sáng ngày 5/11: Vững vàng

Trong buổi giao dịch chiều, giao dịch diễn ra khá ảm đạm khiến thanh khoản chưa thể cải thiện. Tuy nhiên, VN-Index vẫn vượt được ngưỡng 615 điểm dưới sự dẫn dắt của các bluechips, đắc lực nhất vẫn là các "ông lớn" VNM, FPT và BVH.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,58 điểm (+0,75%) lên 615,18 điểm, HNX-Index tăng 0,12 điểm (+0,15%) lên 81,85 điểm. Thanh khoản giảm mạnh, tổng giá tri giao dịch chỉ hơn 2.200 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn mua ròng hơn 2,34 triệu đơn vị, giá trị gần 28 tỷ đồng.

Các mã lớn như VNM tăng 4,07%, BVH tăng 3,17%, FPT tăng 2,88%, GAS tăng 1,05%, cùng với HAG tăng trần (+6,5%) nên VN-Index vượt cản thành công. HAG khớp hơn 4,7 triệu đơn vị. Sự hưng phấn từ nhóm cổ phiếu lớn đã lan tỏa sang nhiều nhóm cổ phiếu khác, tiêu biểu là nhóm bảo hiểm đã đồng loạt tăng khá mạnh trở lại. Dòng tiền dù hạn chế, song vẫn tập trung chủ yếu tại nhóm cổ phiếu thị trường. DLG dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp hơn 6,5 triệu đơn vị. Thanh khoản trên HNX vẫn khá èo uột, nhấn vào một số mã thị trường như TIG, PVX, KLF, SCR, SHS.

>> Phiên giao dịch chiều ngày 5/11: "Ông lớn" tỉnh giấc

Về phần các Dự, việc thị trường diễn biến tăng giảm đan xen nhau khiến nhận định của FPTS, BVSC, MSI, VCSC chưa được hợp lý. Phiên này, VN-Index lại bất ngờ vượt qua mốc cản 615.

“Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index sẽ diễn biến giằng co tạo nền tảng giá mới quanh ngưỡng 600-610 điểm thêm một thời gian nữa. Trong phiên 5/11, nhiều khả năng thị trường sẽ giảm điểm, có thể xuất hiện giằng co trong phiên, thanh khoản cũng sẽ được duy trì”. MSI nhận định.

FPTS cũng cho rằng: “Lo ngại về sự suy giảm của nhóm cổ phiếu trụ cột đã được chứng minh trong phiên 4/11. Sự luân chuyển của dòng tiền đã có sự gián đoạn khi không thấy sự xuất hiện nhân tố mới trong chuỗi vận động của dòng vốn. Nhóm cổ phiếu bất động sản đầu phiên cũng đã có những điểm sáng nhưng đều suy yếu về cuối phiên. Tất cả đều chủ yếu do lực cầu đang yếu đi và giá bắt đầu không còn dễ chấp nhận nữa. Lẽ tất yếu xảy ra sẽ là sự vận động theo chiều hướng mới của cung cầu và hiện tại khả năng có thể xuất hiện nhịp điều chỉnh của chỉ số về khu vực hỗ trợ gần nhất”.

Tương tự là BVSC: “Phiên điều chỉnh mang tính kỹ thuật ngày 4/11 sau phiên tăng khá mạnh 3/11 không gây nhiều bất ngờ. Tuy vậy, áp lực điều chỉnh có thể vẫn tiếp diễn trong các phiên tới. Nhà đầu tư nên giữ tâm lý thận trọng và hạn chế mở trạng thái mua mới. Các mã cổ phiếu mang tính cơ bản và chưa tăng mạnh trong sóng tăng vừa qua được chúng tôi khuyến nghị nắm giữ cho danh mục trung và dài hạn”.

VCSC cũng chung quan điểm: “Hai chỉ số có thể điều chỉnh về vùng giá hỗ trợ 595-600 của VN-Index và 80.5 của HNX-Index trong vài phiên giao dịch tới. Đồng thời, áp lực bán có thể sẽ gia tăng dần khi lượng cổ phiếu lớn trong phiên 2/11 về tài khoản. Ngoài ra, dòng tiền vẫn có hiện tượng rút ra khỏi thị trường và chưa quay lại sau giai đoạn giảm cho thấy rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn và thị trường sẽ sớm xuất hiện các nhịp điều chỉnh mạnh nhằm tái cơ cấu dòng tiền dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng mạnh sang nhóm cổ phiếu tích lũy trong thời điểm tăng trước đó”.

Ngược lai, nhận định của KIS có sự hợp lý nhất định: “Xét về mặt kĩ thuật, VN-Index có sự điều chỉnh nhẹ khi chạm đến vùng 613-620 điểm. Thanh khoản cũng giảm nhưng mức giảm không đáng kể. Việc chưa có sự tham gia mạnh hơn của dòng tiền thể hiện qua yếu tố khối lượng giao dịch, có thể khiến cho VN-Index phải tiếp tục tích lũy bên dưới vùng 613-620 điểm. Nói chung, mức độ rủi ro thị trường ở thời điểm hiện tại là không quá lo ngại”.

Còn lại MBKE, VDSC, SHS, SSI, MBS, BSC, IVS vẫn trung thành với các phương án nhận định trung lập.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 6/11, sau khi liên tiếp vượt qua các mốc điểm quan trọng, thị trường đã chững lại để nghỉ ngơi trong phiên giao dịch sáng nay. Áp lực bán gia tăng, tập trung tại nhóm cổ phiếu bluechips, các chỉ số đều rung lắc mạnh, trước khi đảo chiều giảm điểm.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,56 điểm (-0,25%) xuống 613,62 điểm, HNX-Index giảm 0,24 điểm (-0,3%) xuống 81,6 điểm. Tâm lý thận trọng tăng cao nên thanh khoản vẫn khá thấp, tổng giá trị giao dịch chỉ hơn 1.300 tỷ đồng.

Sức ép khiến hầu hết các bluechips quay đầu giảm điểm hoặc lùi về tham chiếu. Giúp các chỉ số hãm bớt đà rơi có VNM, MSN, HVG, PPC hay SHS, SHB, SCR, AAA, TCT, VGC. FPT và HAG đã lùi về tham chiếu, FPT khớp 2,07 triệu đơn vị. HAG khớp 3,9 triệu đơn vị, mạnh nhất HOSE. Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tại các nhóm cổ phiếu khác như ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm hay nhóm thị trường... Dòng tiền vào các nhóm này cũng đã hạn chế đáng kể. Dẫn đầu thanh khoản HOSE là HAG với lượng khớp 3,9 triệu đơn vị. SCR là mã duy nhất trên HNX khớp được hơn 1 triệu đơn vị.

>> Phiên sáng cuối tuần 6/11: Nghỉ ngơi lấy sức

Trong phiên giao dịch chiều, diễn biến thị trường đã gay cấn hơn hẳn khi đã có nhiều hơn những nỗ lực từ bên nắm giữ tiền mặt. Tuy nhiên, sự dứt khoát của bên nắm giữ cổ phiếu khiến mọi nỗ lực của bên mua đổ bể.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,82 điểm (-0,46%) xuống 612,36 điểm, HNX-Index giảm 0,35 điểm (-0,42%) xuống 81,5 điểm. Tổng giá trị giao dịch đạt  hơn 2.800 tỷ đồng, tuy nhiên giao dịch thỏa thuận đóng góp tới gần 500 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn túc tắc mua ròng hơn 1,2 triệu đơn vị, giá trị gần 40 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng không chỉ khiến đà tăng của VNM, MSN, HVG, VCB, VHS hay AAA, TCT, SHS, VGS tiếp tục bị ảnh hưởng, mà đà giảm ở các mã lớn khác đều được nới thêm. Nhóm dầu khí, chứng khoán, bảo hiểm cũng đồng loạt giảm điểm, nhóm ngân hàng và khoáng sản có sự phân hóa nên ít hỗ trợ cho chỉ số. Sức cầu đã cải thiện tốt hơn và tập trung trở lại vào nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. FLC và SCR là 2 mã dẫn đầu thanh khoản mỗi sàn với lượng khớp tương ứng 6,16 triệu và 2,9 triệu đơn vị, FLC giảm 100 đồng, còn SCR lại tăng 100 đồng.

>> Phiên giao dịch chiều chiều 6/11: Nỗ lực bất thành

Về phía các Dự, SHS, KIS, VCSC và BSC tiếp tục đưa ra nhận định khá hợp lý.

“Xu hướng tăng của thị trường tiếp tục được sự ủng hộ của đà tăng tích cực tại nhóm các mã trụ cột. Tuy nhiên, kịch bản tăng giảm đan xen của thị trường tại vùng giá hiện tại để tích lũy động lượng bứt phá sẽ tiếp tục duy trì trong các phiên sắp tới. Rung lắc sẽ xảy ra khi VN-Index hướng tới vùng kháng cự mới tại 620-625 điểm”, SHS nhận định.

Tương tự là KIS: “Về mặt kĩ thuật, VN-Index vượt qua ngưỡng cản mạnh 613 điểm và duy trì bên ngưỡng 615 điểm khi kết thúc phiên. VN-Index sẽ tiếp tục hướng đến mốc 620 điểm trong phiên giao dịch cuối tuần. Dù vậy, VN-Index có thể gặp lực cản nhẹ ở ngưỡng này”.

BSC đánh giá: “Diễn biến của thị trường chung đã và đang phụ thuộc khá nhiều vào sự vận động của cổ phiếu VNM. Tác nhân tiêu cực có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong thời gian tới có thể là lượng tiền margin của thị trường đang ở mức cao.Do đó, trong trường hợp các cổ phiếu dẫn dắt suy yếu, không loại trừ khả năng thị trường có thể sẽ đối mặt với một đợt bán chốt lời mạnh hơn từ khối nội”.

VCSC cho rằng: “Thị trường đã có tuần phân phối cổ phiếu và dần xác định đỉnh ngắn hạn, hai chỉ số khó có thể bứt phá hoàn toàn các mức kháng cự 610-615 của VN-Index và 82.5 của HNX-Index. Đồng thời, đánh giá rủi ro cao khi dòng tiền vẫn có chiều hướng tiêu cực và đà tăng của hai chỉ số chủ yếu phụ thuộc vào nhóm cổ phiếu Largecaps”.

Ngược lại, MSI tiếp tục có nhận định chưa hợp lý.

“Kết thúc phiên 5/11, VN-Index đã hình thành mô hình nến Bullish Engulfing, MACD vẫn duy trì bên trên đường tín hiệu, vì vậy xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn tích cực. Tại phiên cuối tuần 6/11, nhiều khả năng thị trường sẽ tăng điểm”, MSI phát biểu.

Đối với IVS, SSI, MBS, FPTS, BVSC, MBKE, VDSC thì nhận định trung lập rõ ràng vẫn là lựa chọn tiên quyết tại thời điểm này.

Tổng kết tuần giao dịch từ 2/11 đến 6/11, thị trường chủ yếu diễn biến tăng giảm đan xen dưới tác động của nhóm cổ phiếu bluechips, nhất là tại 2 mã VNM và FPT. Dù vậy, đà tăng của thị trường vẫn được duy trì khi lực cầu được phát huy tốt tại các mốc hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc khối ngoại duy trì việc mua ròng dù không mạnh, cũng đã ảnh hưởng tích cực đến tâm lý thị trường.

Về phía các chỉ số, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, VN-Index vẫn tăng tổng cộng 5,26 điểm (+0,83%) lên 612,36 điểm. Còn HNX-Index đã giảm 0,73 điểm (-0,87%) về 81,5 điểm.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/2/11

HOSE(-4,61/0,76%/602,76)

HNX(-1,12/1,36%/81,11)

KIS, MSI, VCSC

SHS, BSC, IVS, MBS, FPTS, BVSC, MBKE, VDSC, SSI

T3/3/11

HOSE(+8,95/1,48%/611,71)

HNX(+0,78/0,96%/81,89)

FPTS, BVSC, MBKE, KIS, SSI, IVS, VDSC

SHS, MSI, BSC, VCSC, MBS

T4/4/11

HOSE(-1,11/0,18%/610,6)

HNX(-0,16/0,2%/81,73)

BSC, VCSC

SHS, IVS, MBS, SSI, FPTS, MBKE, BVSC, KIS, VDSC

MSI

T5/5/11

HOSE(+4,58/0,75%/615,18)

HNX(+0,12/0,15%/81,85)

KIS

MBKE, VDSC, SHS, SSI, MBS, BSC, IVS

FPTS, BVSC, MSI, VCSC

T6/6/11

HOSE(-2,82/0,46%/612,36)

HNX(-0,35/0,42%/81,5)

SHS, KIS, VCSC, BSC

IVS, SSI, MBS, FPTS, BVSC, MBKE, VDSC

MSI

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục