Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Nhà đầu tư đã bắt đầu bán mạnh sau khi sốt ruột với diễn biến ảm đạm kéo dài của thị trường vừa qua. Các chỉ số theo đó đều đã giảm mạnh và đánh mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng. Cùng nhìn lại những đánh giá, nhận định của các Dự trong tuần giao dịch này.
Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 11/5, việc thị trường bị trống thông tin nên tâm lý nhà đầu tư vẫn rất thận trọng. Giao dịch trên thị trường nhìn chung ảm đạm, nhất là trong khoảng thời gian đầu phiên, các chỉ số vì thế cũng chỉ lình xình trong biên độ rất hẹp. Điều này chỉ được cải thiện đôi chút khi dòng tiền tập trung vào một số cổ phiếu thị trường.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,73 điểm (+0,13%) lên 555,24 điểm, HNX-Index tăng 0,07 điểm (+0,09%) lên 80,37 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn gần 800 tỷ đồng, trong đó HNX đóng góp khiêm tốn 185,73 tỷ đồng.

Trong diễn biến ảm đạm chung, một số điểm sáng đơn lẻ thu hút sự chú ý vẫn đến từ các mã thị trường như VHG, FLC, HAI, HHS (HOSE).... hay FIT, KLF, SHN, PVL (HNX)..., nhưng đặc biệt nhất là OGC. Được nhà đầu tư ồ ạt bắt đáy với số lượng khớp gần 12 triệu đơn vị sau 50 phút giao dịch và kết phiên sáng khớp được tổng cộng 18,7 triệu đơn vị, nhưng OGC vẫn ở sát mức sàn 2.900 đồng bởi áp lực bán vẫn còn rất lớn.

Trong khi đó, diễn biến phân hóa mạnh đã diễn ra ở nhóm cổ phiếu lớn, và điều này khiến các chỉ số chỉ ở trạng thái nhùng nhằng.

>> Phiên giao dịch sáng 11/5: Sóng lớn chưa hình thành

Trong buổi giao dịch chiều, trong khi bên mua vẫn giữ thái độ thận trọng, thì bên bán lại tỏ ra suốt ruột. Lực bán giá thấp được tung ra khiến thị trường đảo chiều, cả 2 chỉ số chủ yếu dao động trong sắc đỏ. Lực cầu mạnh ở một vài mã thị trường đã không đủ sức lan tỏa khi tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa tự tin và vững vàng.

Đóng cửa, VN-Index giảm 2,84 điểm (-0,51%) xuống 551,67 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,53 điểm (-0,66%), xuống 79,76 điểm. Thanh khoản thị trường tăng mạnh so với phiên cuối tuần trước, tổng giá trị giao dịch thị trường đạt trên 2.300 tỷ đồng, trong đó đóng góp từ giao dịch thỏa thuận là đáng kể với hơn 540 tỷ đồng . Khối ngoại tiếp tục mua ròng, nhưng sức mua đã đi nhiều, với chỉ hơn 2,4 triệu đơn vị, giá trị hơn 63 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến hầu hết các mã thị trường đều suy giảm trong phiên chiều nay. Trên HOSE, OGC chính thức có phiên nằm sàn thứ 7 liên tiếp, nhưng số lượng khớp lệnh tăng đột biến đạt 23,4 triệu đơn vị. VHG mất sắc tím. Tuy nhiên, màu này vẫn được giữ lại ở SHN và PVL trên HNX.

Với các mã bluechip, sắc xanh trong phiên chiều chỉ còn ở VCB, CII, HCM, còn lại đều quay đầu giảm giá, một số ít đứng ở tham chiếu.

Trên HNX, mã KLF và PVX cũng qua đầu giảm khá mạnh, chỉ FIT giữ được sắc xanh nhẹ. KLF dẫn đầu thanh khoản trên HNX với 7,85 triệu đơn vị được khớp.

>> Phiên giao dịch chiều 11/5: Bị hớ nặng?

Về phần các Dự, MSBS đã đúng khi cho rằng thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm trong tuần giao dịch này.

“Chúng tôi cho rằng nhà đầu tư còn cổ phiếu nên giảm bớt tỷ trọng trong những phiên đầu tuần, vì tuần sau nhiều khả năng là tuần giảm điểm. Trước mắt, VN-Index đang đối diện với mốc hỗ 530-535 điểm, nhưng đây chỉ là mốc hỗ trợ yếu chỉ có thể làm xuất hiện những phiên Bulltrap và sau đó hoàn toàn có thể giảm tiếp nếu không thu hút được dòng tiền”, MSBS nhận định.

BSC cũng cho rằng: “Nhà đầu tư hạ tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên tăng điểm như phiên 8/5. Chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ còn 1-2 nhịp giảm nữa, và đó là cơ hội để mua cổ phiếu với giá tốt hơn.

Bên cạnh đó, BVSC và KIS cũng đưa ra những nhận định khá hợp lý cho tuần giao dịch này.

“Nhà đầu tư với trường phái đầu tư giá trị có thể tích lũy và xây dựng một tỷ trọng cân bằng cho danh mục trung dài hạn. Đối với hoạt động trading mang tính ngắn hạn trong tuần tới, nhà đầu tư được khuyến nghị tranh thủ những phiên thị trường tăng điểm để giảm thiểu tỷ trọng do rủi ro sụt giảm ngắn hạn vẫn còn ở mức cao”, BVSC cho biết.

KIS thì đánh giá: “Thị trường đang nỗ lực ổn định trở lại sau những thông tin không tốt gần đây. Làn sóng bán tháo đã dịu lại giúp các chỉ số lấy lại phần nào điểm số đã mất trong ngày thứ Ba. Tuy nhiên, dòng tiền vẫn đang trên đà suy yếu khiến các chỉ số có thể rơi vào trạng thái xập xình trong các phiên tới. Nhìn chung, triển vọng thị trường sẽ khó tốt lên cho đến khi xuất hiện nhân tố hỗ trợ mới”.

Ngược lại, diễn biến của tuần giao dịch này cho thấy nhận định của IVS là chưa thật hợp lý.

“Theo quan sát, nhóm đầu cơ đã rơi sâu dưới đáy 1 năm thì nhóm cơ bản cũng đã rơi về vùng giá thấp kể từ giữa tháng 12/2014 - thời điểm chỉ số VN-Index rơi về 513 điểm. Có thể chưa có nhiều tín hiệu trên thị trường xác nhận dòng tiền đã vào rõ ràng những vùng giá này, nhà đầu tư hoàn toàn có thể xem xét mua vào. Để giảm sâu hơn nữa có lẽ là điều khó xảy ra, ngoại trừ biến cố cực lớn, còn không với sức mua duy trì tốt của khối ngoại sẽ giúp thị trường cân bằng hơn.

Chúng tôi hy vọng rằng, đây là vùng giá có thể đem đến cơ hội tốt trong thời gian tới. Đặc biệt, giai đoạn này chúng tôi sẽ quan sát kỹ hơn với nhóm đầu cơ bởi đó chính là chỉ báo tốt nhất để xác nhận thị trường có xu hướng tích cực”, IVS phân tích.

Trong khi các dự còn lại như MBKE, VDSC, VCSC, MBS, SHS, SSI chỉ đưa ra nhận định mang tính trung lập như “dao động lên xuống trong biên độ hẹp ”, “điểm đáy chưa được xác nhận”, hay “duy trì tỷ trọng tiền mặt cao”…

Sang phiên giao dịch 12/5, áp lực bán vẫn khá lớn, trong khi bên mua tiếp tục giữ thể thủ, thị trường vẫn diễn ra chậm chạp. Sắc xanh có được đầu phiên nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ khi lượng cung giá thấp gia tăng. Về cuối phiên sáng, độ rộng của thị trường được thu hẹp dần, nhưng sắc đỏ vẫn chiếm thế áp đảo. Các chỉ số dao động lình xình dưới tham chiếu và đóng cửa dưới các ngưỡng hỗ trợ quan trọng.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 2,83 điểm (-0,51%) xuống 548,84 điểm, HNX-Index giảm 0,78 điểm (-0,97%) xuống 78,98 điểm. Thanh khoản vẫn rất thấp, chỉ đạt gần 770 tỷ đồng trên 2 sàn.

Nhiều nhà đầu tư bắt đáy OGC hôm 11/5 được tạm yên lòng khi cầu mua ở mã này vẫn rất tốt, giúp OGC tăng trần sau 7 phiên nằm sàn liên tục và khớp lệnh mạnh nhất HOSE với 3,82 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,25 triệu đơn vị. Tuy nhiên, sự thận trọng khiến thanh khoản các mã thị trường khác không cao. Trong khi đó, một số mã bluechips như GMD, DPM, PVD, STB... tăng nhẹ, qua đó hỗ trợ VN-Index thu hẹp đà giảm.

SHN tiếp tục tạo dấu ấn trên HNX với phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp. SHB bất ngờ giảm mạnh khi chịu áp lực xả mạnh, thanh khoản tăng cao, vượt qua cả KLF và FIT, đạt 4,2 triệu đơn vị. KLF và FIT cũng đều giảm điểm.

>> Phiên giao dịch sáng 12/5: Chờ hiệu ứng OGC

Trong buổi giao dịch chiều, hiệu ứng OGC đã không xảy ra. Trái lại, ngay từ khi mở cửa, lệnh bán giá thấp vốn được giữ chân tốt trong phiên sáng đã ngay lập tức được ồ ạt tung vào, kéo thị trường đồng loạt giảm mạnh. Về cuối phiên, bất ngờ nhiều cổ phiếu thị trường lại được đẩy giá trở lại, tuy nhiên, nhóm bluechip giảm mạnh khiến điểm số của VN-Index không được cải thiện nhiều, trong khi HNX-Index có được điều này.

Đóng cửa, VN-Index giảm 7,26 điểm (-1,32%) xuống 544,41 điểm, HNX-Index giảm 0,61 điểm (-0,76%) xuống 79,15 điểm. Dù bên bán bị mất kiên nhẫn, nhưng bên mua cũng không mấy mặn mà bắt đáy, nên thanh khoản thị trường vẫn không được cải thiện, tổng giá trị giao dịch chỉ đạt 1.500 tỷ đồng.

Khối ngoại sau chuỗi mua ròng liên tiếp đã chính thức quay đầu bán ròng tổng cộng hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị gần 22 tỷ đồng trong phiên này, dù vẫn mua ròng 6,5 tỷ đồng trên HNX.

Sau thời gian đầu giảm mạnh, nỗ lực cuối phiên giúp nhiều mã thị trường hồi phục mạnh như FLC, DLG, HQC, ITA.... (HOSE) hay KLF, FIT, SHB ... (HNX), kéo theo đó là mức độ dao động giá lớn. Sắc tím của OGC hay SHN vẫn được giữ vững.

Trong khi đó, các mã bluechip đã bị bán mạnh. Các mã lớn như GAS, VNM, VIC, MSN, HAG... nên đồng loạt giảm điểm, vì vậy VN-Index có mức giảm khá sâu. HNX-Index hồi phục được là nhờ ít bị ảnh hưởng từ các cổ phiếu lớn

>> Phiên giao dịch chiều 12/5: “Thay máu” bluechip?

Về phần các Dự, hầu hết đều không “mạo hiểm” trong bối cảnh thị trường liên tục lình xình với thanh khoản thấp như hiện tại. Vì vậy, các nhận định về thị trường nhiều Dự như KIS, IVS, SSI , MBS, MBKE, VDSC, BSC, SHS đa phần đều hướng đến sự trung lập, hoặc tập trung vào việc khuyến nghị nhà đầu tư.

Riêng với MSBS và VCSC, hai Dự này tiếp tục đưa ra những nhận định, quan điểm riêng khá là hợp lý.

“Sự ổn định của thị trường chỉ được duy trì đến đầu phiên giao dịch buổi chiều nay, sau đó áp lực bán mạnh hơn đã khiến nhiều cổ phiếu giảm điểm, nhưng mốc 551 điểm vẫn được duy trì. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng thị trường đang giao dịch ở vùng nhạy cảm và xác suất giảm điểm tiếp vẫn còn cao.

Ngày 12/5, nhiều khả năng VN-Index sẽ giảm điểm, đánh mất mốc hỗ trợ 550 và bắt đầu cho một xu thể giảm điểm mới. Khuyến nghị bán ra, đặc biệt  là các cổ phiếu đầu cơ vào những nhịp bulltrap trong phiên 12/5 và dừng hẳn giao dịch, đứng ngoài thị trường, đợi các tín hiệu tiếp theo”, MSBS nhận định.

VCSC thì đánh giá: “Đồ thị chỉ số VN-Index liên tiếp tạo thành các nến ngắn và không bứt lên khỏi mốc cản 553 điểm. Nếu xung lực không cải thiện, khả năng chỉ số này sẽ điều chỉnh trở lại đường trendline phía dưới. Các chỉ báo kỹ thuật cũng không có xu hướng rõ ràng khi đường MACD tiếp tục đi ngang dưới ngưỡng 0, trong khi đường –DI tiếp tục giảm nhưng đường +DI không có lực tăng tương ứng”.

Ngược lại, việc thị trường giảm khá sâu ở phiên này cho thấy tính hợp lý trong nhận định của BVSC chưa được thuyết phục.

“Nhìn chung, tâm lý thị trường đang dần được cải thiện theo chiều hướng tốt dần lên, tuy nhiên vẫn chưa có nhiều dấu hiệu đảm bảo là đáy ngắn hạn đã được xác nhận chắc chắn và thị trường có thể tiếp tục hồi phục. Dòng tiền vào thị trường vẫn có phần dè dặt và trồi sụt qua từng phiên là biểu hiện cho thấy tâm lý ngại rủi ro vẫn đang tồn tại ở đa số nhà đầu tư.  

Ngoài ra, tháng 5 cũng là giai đoạn khá thiếu vắng về mặt thông tin hỗ trợ nên sẽ tương đối khó để thị trường thu hút được dòng tiền lớn tham gia. Xu hướng tăng giảm đan xen đi kèm thanh khoản thấp có thể sẽ tiếp diễn trong các phiên sắp tới.”.

Tới phiên giao dịch 13/5, tâm lý thận trọng tiếp tục hiện hữu, nhưng cả 2 chỉ số vẫn khởi đầu trong sắc xanh nhẹ nhờ lực đỡ từ một số cổ phiếu lớn như GAS, VIC, BID, BVH…(HOSE) hay nhóm cổ phiếu dầu khí (HNX).

Đà giảm nhanh chóng được thiết lập sau đó khi áp lực bán gia tăng. Lực đỡ từ các bluechips yếu dần, VN-Index có thời điểm đã lùi xuống dưới mốc 540 điểm. Sự thận trọng lấn át, dòng tiền theo đó gần như chỉ đứng ngoài quan sát, thanh khoản theo đó vẫn rất thấp.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 3,32 điểm (-0,61%) xuống 541,09 điểm, HNX-Index giảm 0,57 điểm (-0,72%) xuống 78,58 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 800 tỷ đồng.

Dù nhóm dầu khí có mức tăng khá tốt như GAS, PVD, PVS, PVC…, nhưng vẫn chưa đủ níu giữ thị trường khi mà phần nhiều những mã lớn khác giảm điểm.

Trong khi đó, dòng tiền vẫn tập trung ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. OGC có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp, thanh khoản tích cực nhất sàn HOSE với hơn 6 triệu đơn vị được khớp. Trên HNX, SHN bắt đầu bị chốt lời nên mất sắc tím, SHB cũng không còn giao dịch mạnh như phiên hôm qua, nhưng vẫn có thanh khoản đứng thứ hai của sàn, sau FIT với hơn 1,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

>> Phiên giao dịch sáng 13/5: Lặng gió

Trong buổi giao dịch chiều, cũng như phiên sáng, gần như không có biến cố nào đặc biệt, hầu hết các nhóm cổ phiếu đều giao dịch lình xình. Thị trường giao dịch èo uột vì thiếu vắng các thông tin hỗ trợ mang tính tác động chung. Các mã bluechips đa phần giao dịch ở quanh và dưới mốc tham chiếu nên VN-Index hồi phục rất chậm, trong khi HNX-Index leo qua được tham chiếu nhờ sự ổn định của một số mã dầu khí.

Đóng cửa, VN-Index giảm 1,59 điểm (-0,29%) xuống 542,82 điểm, còn HNX-Index tăng 0,22 điểm (+0,27%) lên 79,37 điểm. Giao dịch ảm đạm khiên thanh khoản chung trên thị trường vẫn ở mức rất thấp, chỉ nhỉnh hơn 1.500 tỷ đồng. Khối ngoại bán ròng phiên thứ 2, đạt hơn 4,67 triệu đơn vị, giá trị bán ròng tương ứng hơn 90 tỷ đồng.

Trong bối cảnh ảm đạm chung, sự nổi bật chỉ đến từ một vài mã đơn lẻ khi có những thông tin từ chính doanh nghiệp như HAG, CII.

Điểm cộng trong phiên chiều nay là dòng tiền chảy mạnh hơn vào nhóm cổ phiếu đầu cơ, giúp nhiều mã trong số này hồi phục. SHB từ mức giảm sàn thu về mức giảm 100 đồng và khớp tới 10,5 triệu đơn vị. SHN tăng trần trở lại và kh          ớp hơn 3 triệu đơn vị. OGC giữ vững sắc tím và khớp hơn 8 triệu đơn vị, trong khi vẫn còn dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị.

>> Phiên giao dịch chiều 13/5: Vẫn đứng ngoài nhìn nhau

Về phần các Dự, chỉ có MSBS, SHS và KIS là đưa ra được những nhận định khá chuẩn về phiên giao dịch này.

“Sự hoảng loạn diễn ra vào cuối phiên 12/5 sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư vào phiên giao dịch ngày 13/5. Ngày 13/5, thị trường vẫn giảm điểm, và giai đoạn này không phải là giai đoạn có thể bắt đáy khi không có bất cứ thông tin tích cực nào có thể kích thích dòng tiền quay lại thị trường”, MSBS nhận định.

KIS cũng cho rằng: “Thị trường vẫn đang ở trạng thái suy giảm cả về điểm số và thanh khoản. Trong các phiên tới, VN-Index có thể một lần nữa test lại ngưỡng hỗ trợ 538-540. Các hoạt động trading trong giai đoạn hiện nay tiếp tục được khuyến nghị thận trọng”.

Còn SHS thì nhận định: “Sau phiên sức mua có dấu hiệu suy yếu ngày 11/5, khối ngoại phiên 12/5 chuyển sang trạng thái bán ròng trên HOSE. Động thái này có thể giải thích do yếu tố nghỉ ngơi của khối này sau thời gian dài mua ròng liên tiếp từ tháng 4 trở lại đây.

Tuy vậy, cũng không loại trừ khả năng khối này đang e ngại rủi ro tỷ giá sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới sau động thái điều chỉnh tăng tỷ giá thêm 1% vừa qua của NHNN. Nếu như loại các tin đồn dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư, chúng tôi đánh giá phiên điều chỉnh 12/5 là khá bình thường.

Liên tiếp trong các phiên vừa qua, thị trường dao động trong biên độ hẹp, dòng tiền kém không đủ sức kéo chỉ số thoát khỏi mốc cản của phiên bán tháo ngày 4/5 vừa qua, hoạt động trading T+ diễn ra khá mạnh, thiếu vắng thông tin tích cực…

Tuy vậy, nếu mốc 540 điểm của VN-Index bị phá vỡ trong các phiên tới, khối ngoại không quay lại mua ròng, dòng tiền bắt đáy tiếp tục thờ ơ với diễn biến thị trường thì nhiều khả năng các vùng giá thấp hơn sẽ tiếp tục được xác lập trong các phiên sắp tới”.

Ngược lại, thị trường chưa có nhịp hồi kỹ thuật như kỳ vọng của VDSC và VCSC.

“Hai chỉ số có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên giao dịch kế tiếp, nhưng đà giảm ngắn hạn có thể tiếp diễn. Đồng thời, nếu chỉ số HNX-Index có thể giữ nhịp hồi phục trong phiên kế tiếp thì các chỉ báo xung lượng ngắn hạn có thể xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá, đây có thể là điểm tích cực đầu tiên cho xu hướng ngắn hạn”, VCSC đánh giá.

Tương tự là VDSC: “Sau phiên giao dịch 12/5, có thể hai chỉ số sẽ xuất hiện nhịp hồi ngắn hạn nhưng chúng tôi cho rằng đây vẫn chưa phải thời điểm gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Khả năng kiếm được lợi nhuận T+3 là tương đối mỏng trong bối cảnh trống thông tin như hiện tại”.

Trong khi đó, các Dự khác như MBS, BSC, IVS, SSI, MBKE, BVSC vẫn duy trì quan điểm trung lập.

Đến phiên giao dịch 14/5, thị trường không đón nhận thông tin tác động nào. Tâm lý thận trọng thăm dò vẫn được nhà đầu tư đặt lên hàng đầu nên cả hai sàn chủ yếu giao dịch trong thế giằng co, sắc đỏ tiếp tục tỏ ra lấn át, thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,37 điểm (-0,25%) xuống 541,45 điểm, HNX-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%) xuống 79,24 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên 2 sàn đã nhích lên đôi chút so với phiên trước, đạt trên 860 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn trên 2 sàn là lực cản chính của 2 chỉ số khi hầu hết giảm điểm hoặc đứng giá tham chiếu. Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục là điểm đến của dòng tiền, song vẫn còn quá yếu để có thể dẫn dắt thị trường.

Sau 2 phiên tăng trần, OGC bắt đầu giảm điểm. HAG tiếp tục giữ sắc xanh. GTN gây chú ý nhờ lực cầu mạnh, giúp mã này thoát mức giá sàn, đồng thời đạt thanh khoản mạnh nhất HOSE với 5,44 triệu đơn vị.

DXP trên HNX cũng gây bất ngờ khi có thanh khoản mạnh nhất đạt 4,03 triệu đơn vị, tuy nhiên mã này đã không giữ được sắc tím đầu phiên. KLF, FIT, SHB…vẫn có thanh khoản khá tốt, nhưng cũng đều giảm điểm nhẹ.

>> Phiên giao dịch sáng 14/5: Vẫn còn chần chừ

Trong buổi giao dịch chiều, diễn biến chung của thị trường cũng không có nhiều biến chuyển đáng chú ý. Có chăng là việc thị trường đảo chiều thành công khi nhóm cổ phiếu lớn có sự phục hồi nhẹ. Tuy nhiên, diễn biến giao dịch vẫn khá chậm, dòng tiền chỉ nhúc nhắc vào thị trường, tập trung chủ yếu vào các cổ phiếu thị trường.

Đóng cửa, VN-Index tăng 0,87 điểm (+0,16%) lên 543,69 điểm, HNX-Index tăng 0,18 điểm (+0,22%) lên 79,55 điểm. Thanh khoản chung của thị trường chưa được cải thiện, vẫn chỉ dừng ở mức 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, sức ép từ khối ngoại cũng đã giảm đi đáng kể. Khối này đã giảm khá mạnh việc bán ròng trên HOSE khi giá trị bán ròng chỉ còn hơn 18 tỷ đồng, trong khi mua ròng mạnh hơn trên HNX với giá trị mua ròng hơn 9 tỷ đồng.

Sự hồi phục của nhóm cổ phiếu lớn trong phiên chiều đã giúp thị trường đảo chiều thành công, đáng kể nhất là nhóm ngân hàng trên HOSE, hay nhóm dầu khí trên HNX.

Nhóm cổ phiếu thị trường để lại dấu ấn nhờ tính thanh khoản. GTN dù không còn khớp lệnh mạnh như phiên sáng, nhưng vẫn giữ được mức thanh khoản cao nhất HOSE với lượng khớp hơn 6,25 triệu đơn vị. Trong khi DXP để tuột mất vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HNX về tay KLF.

>> Phiên giao dịch chiều 14/5: Cổ phiếu ngân hàng trở lại

Về phía các Dự, đến phiên này thì thị trường đã có một phiên hồi phục kỹ thuật đúng như kỳ vọng của VCSC.

“Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục xuất hiện các nhịp hồi phục kỹ thuật trong phiên tới. Tuy nhiên, theo hệ thống chỉ báo xung lượng ngắn hạn, chúng tôi đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn. Điểm tích cực là các chỉ báo xung lượng ngắn hạn của chỉ số HNX-Index xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá và chỉ số VN Index vẫn giữ mức hỗ trợ 540 (vùng đáy trong phiên 01/04/2015) cho nên việc bán tháo là không cần thiết và các nhà đầu tư có thể ưu tiên bán trong các nhịp hồi kỹ thuật”, VCSC nhận định.

MSBS tiếp tục ghi điểm khi cũng đưa ra nhận định tương tự như VCSC: “Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng điểm đã là động lực chính để VN-Index không tiếp tục giảm mạnh. Việc VN-Index hình thành cây nến Doij, đồng thời chạm dải dưới của tín hiệu kỹ thuật Bollinger Bands khi kết thúc phiên ngày 13/5, nhiều khả năng ngày 14/5 thị trường sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật tăng điểm. Tuy nhiên, thanh khoản thấp cũng như lực mua yếu thì chưa thể khẳng định  xu hướng giảm điểm đã kết thúc”. 

Với các Dự khác như BVSC, MBKE, VDSC, SHS, SSI, IVS, KIS, MBS, BSC thì phương án nhận định tối ưu nhất ở thời điểm này vẫn là trung lập.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 15/5, cả 2 sàn mở cửa trong sắc đỏ đi kèm mức thanh khoản rất thấp, tâm lý thận trọng tiếp tục bao trùm thị trường, khi mà trước đó truyền thông lại đưa tin về Dàn khoan Haiyang Shiyou 981. Diễn biến giao dịch trên thị trường hết sức ảm đạm, thiếu điểm nhấn, cả 2 chỉ số chỉ có đôi chút rung lắc, trước khi quay trở lại trạng thái vốn có.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,77 điểm (-0,14%) xuống 542,92 điểm, HNX-Index giảm 1 điểm (-1,25%) xuống 78,55 điểm. Thanh khoản kém cỏi, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chỉ hơn 600 tỷ đồng.

Nhóm bluechips trên 2 sàn hầu hết giữ sắc đỏ, nhưng đà giảm của HNX-Index lớn hơn do các bluechips trên sàn này có mức giảm mạnh hơn, trong khi sức cầu cũng tệ không kém.

Giao dịch trên thị trường chỉ tập trung vào một số mã thị trường quen thuộc như OGC, FLC, HHS, HQC trên HOSE, hay KLF, FIT trên HNX. FLC và FIT là 2 mã dẫn đầu trên 2 sàn, nhưng thanh khoản cũng chỉ hơn 2 triệu đơn vị.

>> Phiên sáng cuối tuần 15/5: Èo uột

Trong phiên giao dịch chiều, thị trường tiếp tục lẹt đẹt trong thời gian đầu phiên. Bên nắm giữ cổ phiếu bắt đầu sốt ruột nên gia tăng áp lực. Trong khi đó, bên nắm giữ tiền mặt vẫn luôn tỏ ra thận trọng, giao dịch hết sức dè dặt, dường như chỉ muốn thăm dò.

Không còn giữ được sự kiên nhẫn trước xu hướng lình xình của thị trường, những nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu đã xả mạnh trong những phút cuối phiên, kéo thị trường lao mạnh và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Đóng cửa, VN-Index giảm 6,25 điểm (-1,15%) xuống 537,44điểm, HNX-Index giảm 1,34 điểm (-1,69%) xuống 78,21 điểm. Thị trường giảm sâu, nhưng dòng tiền gần như chỉ đứng ngoài quan sát nên thanh khoản rơi xuống mức rất thấp trong nhiều phiên trở lại đây, tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn chưa đầy 1.500 tỷ đồng.

Khối ngoại tiếp tục xu thế giảm mua vào và duy trì việc bán ròng. Phiên này là phiên họ mua vào thấp nhất kể từ đầu năm với lượng mua vào chỉ hơn 2,6 triệu đơn vị, giá trị mua vào tương ứng hơn 90 tỷ đồng, đồng thời bán ròng 1,55 triệu đơn vị, giá trị hơn 31 tỷ đồng.

Áp lực xả mạnh, lại tập trung mạnh vào nhóm bluechips, nên nhóm này đồng loạt giảm khá mạnh, vì vậy mà các chỉ số càng về cuối càng giảm sâu. Nhóm VN30 chỉ còn đúng 2 mã giữ được sắc xanh nhạt là VCB và PPC, còn nhóm HNX30 là FIT, LAS, VND và ACB.

Nhóm cổ phiếu thị trường cũng bị bán khá mạnh, tuy nhiên đã giao dịch tốt hơn ở trong chiều này. OGC lại quay về mức sàn 2.700 đồng, khớp lệnh dẫn đầu HOSE với 5,82 triệu đơn vị, vượt qua FLC với 5,1 triệu đơn vị được khớp. FIT khớp lệnh dẫn đầu HNX với 7,6 triệu đơn vị.

>> Phiên giao dịch chiều 15/5: Xả hàng

Về phía các Dự, phiên giảm điểm khá sâu trở lại trong phiên cuối tuần này đã xóa tan nỗ lực lập kỷ lục “cả tuần dự báo trúng” của MSBS. Tuần trước, MSBS cũng đã xác lập một kỷ lục, nhưng lại là kỷ lục buồn khi cả tuần dự báo trật.

“Thị trường có phiên hồi phục kỹ thuật như đã dự báo trước đó. Tuy nhiên, thanh khoản có sự sụt giảm đáng kể do các lệnh mua vẫn còn dè dặt. Nhưng một tín hiệu khả quan là áp lực bán tháo đã không xảy ra, phần lớn các lệnh đặt bán đều quanh mức giá tham chiếu.

Thị trường giảm điểm trong phần lớn thời gian, nhưng lại tăng và duy trì đà tăng vào cuối phiên do một số lệnh mua giá thấp mất kiên nhẫn đặt giá mua cao hơn. Chúng tôi cho rằng ngày 15/5 thị trường vẫn sẽ tăng điểm, nhưng xu thế tăng chỉ kéo dài ngắn hạn và vẫn tiềm ẩn rủi ro nên hạn chế mua vào”, MSBS nhận định.

Tương tự, VCSC và IVS cũng không có được niềm vui cuối tuần bởi cũng kỳ vọng vào phiên tăng điểm.

“Thông tin thực sự nổi bật có tính định hướng không có nên cầu mua ngày càng giảm sút. Trong khi đó, cả hai bên thực chất vẫn đang chờ đợi cơ hội có thể xảy ra để sẵn sàng hàng động. Ở chiều bán ra, giai đoạn này chủ yếu dành cho nhà đầu tư lướt sóng vẫn chiến thuật mua bán ngắn hạn theo kiểu bán cao rồi mua thấp. Nhưng rõ ràng họ cũng lo sợ rủi ro nên khối lượng bán ra vì thế không nhiều. Còn đa phần nhiều nhà đầu tư lúc này đã ở trạng thái cố thủ hay có thể nói là tạm quên với tài khoản.

Ở chiều mua vào, khi giá hầu hết các cổ phiếu đều xuống mức rất thấp nên người mua chờ đợi một động lực xuất hiện để quay trở lại. Và điều này được nhen nhóm lại vào cuối giờ giao dịch 14/5. Điều đó cho thấy khả năng tăng điểm trở lại vào phiên cuối tuần được mở ra, nhưng điều đó không dành cho số đông tất cả các cổ phiếu. Có lẽ câu chuyện ngày 15/5 sẽ đến từ nhóm cơ bản hơn là nhóm đầu cơ, một sự kỳ vọng thất bại”, IVS đánh giá.

VCSC nhận xét: “Chúng tôi cho rằng lực bán có thể gia tăng trong nhịp hồi kế tiếp và hai chỉ số có thể sẽ còn tiếp tục biến động hẹp ở phiên kế tiếp. Điểm tích cực nhận thấy là chỉ số HNX-Index xuất hiện mô hình phân kỳ tăng giá với các chỉ báo xung lượng ngắn hạn và chỉ số VN-Index vẫn đang giao dịch hẹp trong vùng hỗ trợ 540 – 545”.

Ở chiều ngược lại, SHS là Dự có được niềm vui này.

“Chúng tôi vẫn chưa nhìn thấy dấu hiệu tích cực đáng kể trong giai đoạn hiện tại. Thị trường vẫn trong giai đoạn dò đáy. Rủi ro điều chỉnh giảm vẫn ở mức cao. Khi thanh khoản duy trì ở mức thấp và biến động giá trong biên độ hẹp nhiều phiên liên tiếp sẽ xảy ra hiện tượng thrust down như trong phiên ngày 4/5 vừa qua. Chiến lược bảo toàn vốn nên tiếp tục được duy trì trong các phiên giao dịch tới”, SHS nhận định.   

Trong khi đó, nhận định trung lập tiếp tục được những BVSC, MBKE, VDSC, BSC, MBS, KIS, SSI lựa chọn cho phiên cuối tuần này.

Tổng kết tuần giao dịch từ 11/5 đến 15/5, nhà đầu tư đã sốt ruột với tình trạng đì đẹt kéo dài của thị trường nên đã đẩy mạnh việc xả hàng, thị trường theo đó tiếp tục có một tuần giảm điểm khá mạnh và đánh mất mốc các hỗ trợ cứng là 540 điểm đối với VN-Index và 80 điểm đối với HNX-Index. Dòng tiền vẫn nằm ngoài thị trường, thể hiện ở lực cầu bắt đáy vẫn cực kỳ thận trọng cho dù giá của nhiều cổ phiếu được đánh giá là đã về mức thấp. Tuần giao dịch này cũng đánh dấu xu hướng bán ròng của khối ngoại (dù chưa mạnh) sau chuỗi mua ròng liên tục từ tháng 4.

Về các chỉ số, với 4 phiên giảm và 1 phiên tăng, VN-Index mất tổng cộng 17,07 điểm (-3,11%) xuống 537,44 điểm. Với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, HNX-Index cũng giảm tới 2,08 điểm (-2,62%) xuống 78,21 điểm.

Đối với các Dự, “phong độ” của MSBS đã có sự hồi phục mạnh ở tuần giao dịch này với 4 phiên dự đoán trúng. Tiếp đến là SHS, KIS và VCSC khi cùng có 2 phiên trúng. Còn lại BVSC và BSC đều trúng được 1 phiên.

Ở phía ngược lại, IVS và VCSC là các Dự trật nhiều nhất khi cùng có 2 phiên trật. Các Dự cùng có 1 phiên trật là BVSC, MSBS và VDSC.

Sau 1 tuần không có “còi vàng”, thì tuần này MBS, MBKE và SSI đã cùng nắm giữ danh hiệu này khi cùng có cả 5 phiên nhận định trung lập, bên cạnh sự cạnh tranh mạnh của VDSC, BSC, KIS, SHS.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/11/5

HOSE(-2,84/0,51%/551,67)

HNX(-0,53/0,66%/79,76)

MSBS, BVSC, KIS, BSC

MBKE, VDSC, VCSC, MBS, SHS, SSI

IVS

T3/12/5

HOSE(-7,26/1,32%/544,41)

HNX(-0,61/0,76%/79,15)

MSBS, VCSC

KIS, IVS, SSI , MBS, MBKE, VDSC, BSC, SHS

BVSC

T4/13/5

HOSE(-1,59/0,29%/542,8)

HNX(+0,22/0,27%/79,37)

MSBS, SHS, KIS

MBS, BSC, IVS, SSI, MBKE, BVSC

VDSC, VCSC

T5/14/5

HOSE(+0,87/0,16%/543,69)

HNX(+0,18/0,22%/79,55)

MSBS, VCSC

BVSC, MBKE, VDSC, SHS, SSI, MBS, BSC, IVS, KIS

T6/17/5

HOSE(-6,25/1,15%/537,44)

HNX(-1,34/1,69%/78,21)

SHS

BVSC, MBKE, VDSC, BSC, MBS, KIS, SSI

MSBS, VCSC, IVS

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục