Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 16/3, thông tin VNM ETF công bố danh mục review quý I/2015 đã ít nhiều ảnh hưởng tới thị trường. Các mã được thêm vào là KDC và KBC có mức tăng khá tốt, trong khi các mã bị bán ra đều giảm điểm, đặc biệt là MSN và VCB giảm khá mạnh, khiến thị trường nhuốm sắc đỏ.
Dù chịu áp lực bán khá mạnh, nhưng với hiệu ứng từ VNM ETF, cả KDC và KBC đều giữ được mức tăng khá tốt. KDC tăng 5,84% lên 48.900 đồng với 2,38 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua gần 0,7 triệu đơn vị. KBC tăng 2,96% lên 17.400 đồng với 6,39 triệu đơn vị được khớp, trong đó khối ngoại mua hơn 2 triệu đơn vị. các mã lớn khác sẽ được VNM ETF mua ròng trong đợt này như HAG, FLC cũng tăng khá
Trong khi đó, dù có lúc đã nỗ lực hồi phục, nhưng VCB, MSN, VIC, DPM, STB… vẫn đóng cửa trong sắc đỏ, chính là lý do chính khiến VN-Index giảm điểm trong phiên sáng nay. Nếu không có sự hỗ trợ của GAS, HAG, KDC, KBC thì đà giảm của VN-Index còn mạnh hơn nữa. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,29% xuống 584,4 điểm, HNX-Index giảm 0,46% xuống 85,33 điểm, thanh khoản chung cải được cải thiện khi cầu mua khá tốt.
Mã HQC tiếp tục lặp lại kịch bản cũ, khởi đầu tích cực với lệnh mua ATO giá trần hơn 1,5 triệu đơn vị, sau đó chững lại cuối phiên và tăng nhẹ 1 bước giá lên 7.000 đồng và khớp 3,44 triệu đơn vị. Nhóm bất động sản có sự phân hóa khá rõ.
Trên HNX, tân binh NHP tiếp tục có phiên tăng trần ấn tượng lên 20.600 đồng với 1,15 triệu đơn vị được khớp. KLF vẫn là mã dẫn đầu về thanh khoản, nhưng cũng chỉ được khớp hơn 2,1 triệu đơn vị, tăng nhẹ 1 bước giá lên 10.700 đồng. Trong khi đó, dù cũng sẽ được VNM ETF mua vào trong đợt review lần này, nhưng PVS và VCG lại giảm điểm.
Trong buổi giao dịch chiều, trước áp lực chốt danh mục của các quỹ ETFs, nhiều nhà đầu tư nắm giữ các mã sẽ bị giảm tỷ trọng đã nhanh chóng thoát ra, khiến tâm lý lo lắng tỏa rộng ra thị trường, tạo nên hiệu ứng tiêu cực. Lực bán gia tăng mạnh, nhất là các mã lớn, khiến các chỉ số cùng nới rộng đà giảm. Mốc hỗ trợ 585 được xem là khá vững của VN-Index cũng đã bị xuyên thủng, nhưng may mắn là chỉ số này vẫn giữ lại được ngưỡng 580 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,90%, xuống 580,8 điểm, HNX-Index giảm 0,75% xuống 85,08 điểm. Bên cạnh áp lực bán mạnh, cầu bắt đáy cũng mạnh không kém, giúp thanh khoản tăng cao so với phiên cuối tuần trước, nhất là trên HNX, tổng giá trị giao dịch đạt gần 2.500 tỷ đồng. Khối ngoại đã mua ròng gần 1,3 triệu đơn vị, nhưng về giá trị vẫn là bán ròng 11,27 tỷ đồng (giảm mạnh 79% so với phiên trước).
Hai mã được thêm vào danh mục là KDC và KDC vẫn giữ được sắc xanh. Nhưng KDC tăng 5,84% lên 48.900 đồng và khớp 3,05 triệu đơn vị nhờ thông tin chia cổ tức “ cực khủng” 200%. Còn KDC chỉ còn tăng 1,78% lên 17.200 đồng và khớp hơn 10,37 triệu đơn vị. FLC cũng là mã được VNM ETF mua vào trong tuần này, nên cũng có mức tăng 2,52% lên 12.200 đồng, với 18,13 triệu đơn vị được khớp.
Ngược lại, các mã sẽ bán ra trong tuần này như VIC, VCB, MSN, STB, DPM, PVT đều giảm khá mạnh. VCB giảm 3,82% xuống 35.300 đồng và khớp hơn 2 triệu đơn vị được khớp, STB giảm 3% xuống 19.400 đồng và khớp 1,59 triệu đơn vị, VIC giảm 0,81% xuống 49.200 đồng với gần 1,16 triệu đơn vị được khớp; MSN giảm 2,3% xuống 85.000 đồng; DPM giảm 0,97%...
Đà bán mạnh cũng diễn ra ở các mã ngân hàng và các mã lớn khác như BID, CTG, MBB, HPG, BVH, SSI, PVD… khiến VN-Index càng giảm mạnh về cuối phiên.
Trên HNX, các mã KLF, FIT giữ được mức tăng, FIT thậm chí đóng cửa ở mức giá cao nhất ngày 18.500 đồng. Các mã dầu khí PVS, PVC, PVB lại nới rộng đà giảm. Tân binh NHP tiếp tục duy trì mức giá trần 20.600 đồng. HMX, PHH cũng có được sắc tím khi chốt phiên. KLF vẫn khớp mạnh nhất trên 5 triệu đơn vị , tiếp đến là FIT với 4,15 triệu đơn vị và PVS là 2,17 triệu đơn vị.
Về phần các Dự, hầu hết đều có sự thận trọng nhất định trong đánh giá về thị trường trong tuần giao dịch này, vì vậy các Dự chỉ đưa ra nhận định chung chung như “Các chỉ số tiếp tục kiểm định lại các mốc hỗ trợ”, hay “Đang đi vào vùng tích lũy”, hoặc là “Dòng tiền sẽ tiếp tục phân hóa”... Điều này cũng dễ hiểu khi thị trường vừa trải qua một tuần có sự điều chỉnh nhẹ đi kèm mức thanh khoản thấp, khối ngoại liên tục bán ròng, cùng với đó là những diễn biến không mấy tích cực về tình hình tỷ giá, giá xăng, giá điện…
“Trong tuần qua không xuất hiện nhóm các cổ phiếu dẫn dắt. Nhóm ngân hàng, dầu khí, bất động sản thu hút dòng tiền tích cực nhất tuy vậy đà tăng không bền và áp lực bán luôn thường trực. Điều này cho thấy dòng tiền hiện không có xu hướng hoạt động theo nhóm ngành mà tập trung vào nhóm các mã có thông tin tích cực trong bối cảnh mùa đại hội cổ đông đang tới và nhiều mã có sự hỗ trợ tích cực từ các thông tin liên quan tới chia cổ tức, kỳ vọng kết quả kinh doanh trong quý I, hay như các doanh nghiệp được kỳ vọng có sự cải thiện biên lợi nhuận từ những diễn biến liên quan tới thị trường tiền tệ thế giới. Chúng tôi cho rằng trong tuần tới dòng tiền sẽ tiếp tục có sự phân hóa và nhóm các cổ phiếu vừa nêu sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền”, SHS nhận định.
Hay là đánh giá của BSC: “Sự thiếu vắng lực cầu của khối ngoại rõ ràng là một trong những lý do khiến thị trường chung giao dịch khá ảm đạm. Mặc dù thị trường sắp bước vào giai đoạn có nhiều tin tức tốt, lực cầu nội vẫn chưa đủ mạnh để dẫn dắt được thị trường. Tuy vậy, như chúng tôi đã đề cập, thị trường nói chung và phần lớn các cổ phiếu nói riêng đều biến động nhẹ và đang đi vào vùng tích lũy sau khi kết thúc quá trình điều chỉnh. Về mặt kỹ thuật, đây là điều kiện cần có để tạo nền tảng vững chắc cho một đợt tăng mới”.
Riêng MSBS và IVS thì lại khá lạc quan khi cho rằng thị trường sẽ có sự hồi phục trong tuần này, thậm chí VN-Index có thể lấy lại mốc 600 điểm. Tuy nhiên, mong muốn lạc quan này của MSBS và IVS đã không thành hiện thực.
“VN-Index đi ngang tích lũy quanh mốc 585 điểm, MA200 làm tốt vai trò kênh hỗ trợ trong tuần. Dòng tiền tuần qua chưa thực sự sẵn sàng để thị trường có thể tăng mạnh vượt mốc 600 điểm, tuy nhiên kịch bản giảm sâu đã không xảy ra, thay vào đó VN-index chỉ biến động quanh mốc 585 điểm với lực đỡ luân phiên nhau ở các nhóm cổ phiếu dầu khí, ngân hàng, nhóm cổ phiếu midcap cơ bản… Theo dõi cụm nến ngày trong những phiên gần đây và đặc biệt là phiên giao dịch cuối tuần thì nhiều khả năng thị trường sẽ tăng trở lại vào tuần tới. Thứ 2 thị trường tăng điểm và đà tăng có thể diễn biến ngay trong những phút đầu giao dịch. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng trước khi thị trường có những tín hiệu rõ nét hơn”, MSBS đánh giá.
Tương tự là IVS: “Việc quỹ VNM ETF bất ngờ đưa 2 mã là KDC và KBC vào rổ, đồng thời gia tăng tỷ trọng CP của Việt Nam lên mức cao có thể sẽ tạo hiệu ứng tích cực. Công với việc hàng loạt các cổ phiếu thị giá vừa và nhỏ có sự bứt phá hoặc tạo tín hiệu gia tăng sẽ giúp thị trường tăng trở lại. Chúng tôi cho rằng, có thể cùng với nhóm Ngân hàng sẽ sớm giúp VN-Index tiếp cận lại với ngưỡng 600 điểmmột lần nữa. Và nếu như thanh khoản gia tăng trở lại thì việc chinh phục ngưỡng điểm trên hoàn toàn khả thi”.
Sang phiên giao dịch 17/3, sau phản ứng có phần bất ngờ đối với danh mục của ETFs ở phiên đầu tuần, thị trường đã trở lại xu hướng lình xình quen thuộc trong phiên sáng 17/3. Các mã trong danh sách tái cơ cấu lần này của ETFs cũng trở lại trạng thái bình thường khi mức giá chỉ dao động nhẹ. VN-Index dù mở cửa trong sắc đỏ, song thanh khoản đã tăng cao so với cùng thời điểm của các phiên gần đây, đạt gần 83 tỷ đồng.
Chỉ số cũng nhanh chóng đảo chiều sau đó khi các mã lớn như VCB, BVH, HPG, GAS, FPT tăng trở lại, dù vậy vẫn không thể bứt phá khỏi ngưỡng 580 điểm bởi lực mua khá thận trọng và áp lực cung vẫn còn.
Trên HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã ổn định trở lại sau phiên giảm khá mạnh trước đó. Chỉ số này cũng chủ yếu diễn biến giằng co quanh tham chiếu khi đà giảm của nhóm dầu khí đã được chặn lại và một số mã dẫn dắt khác như KLF, FIT duy trì được đà tăng nhẹ.
Kết thúc phiên sáng, 2 chỉ số chính đều giữ được sắc xanh nhờ vào sự ổn định của các mã lớn, VN-Index tăng 0,4% lên mức 583,1 điểm, HNX-Index tăng 0,38% lên 85,4 điểm.
Sau phiên giảm mạnh hôm trước, VCB đã hồi phục mạnh trở lại, tăng 2,27% lên 36.100 đồng, trong khi các mã ngân hàng khác đứng tham chiếu.
Bất chấp giá dầu thô giảm mạnh xuống mức thấp nhất 6 năm, GAS vẫn đóng cửa với mức tăng nhẹ 1 bước giá sau khi công bố mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian 6 ngày với mức giá dự kiến cao nhất 100.000 đồng/CP.
KDC và KBC không còn bứt phá như đầu phiên sáng qua và đứng tham chiếu, dù vẫn được khối ngoại mua vào khá mạnh. KBC khớp 3,36 triệu đơn vị, trong đó phần của khối ngoại là hơn 1,4 triệu đơn vị. ITA đã thay thế KBC, có thời điểm được đẩy tăng sát mức trần, trước khi đóng cửa tăng 2,7%, lên 7.600 đồng với 4,21 triệu đơn vị được khớp. HQC vẫn như mấy phiên vừa qua, chỉ sôi động ở đợt ATO, sau đó trở lại trạng thái cầm chừng, kết phiên giảm 1 bước giá và khớp 2,17 triệu đơn vị. FLC cũng đã trở lại xu hướng lình xình và dẫn đầu thanh khoản trên HOSE với tổng khớp 6,36 triệu đơn vị và kết phiên đứng tham chiếu.
Trên HNX, KLF “độc diễn” với thanh khoản chiếm trên 37% tổng khớp với 11,12 triệu đơn vị và tăng 2,8%, bỏ xa mã đứng thứ 2 là FIT với mức khớp 2,8 triệu đơn vị, nhưng FIT cũng tăng tốt 2,16%. Ngoài 2 mã này, không còn mã nào khác trên HNX khớp được tới 1 triệu đơn vị.
Trong buổi giao dịch chiều, diễn biến cũng khá giống phiên sáng. VN-Index liên tục đổi chiều bởi khi lực mua giúp chỉ số tăng lên, thì ngay tức khắc, lực bán chờ sẵn được tung vào, đẩy VN-Index thoái lui.
Trên HNX, sự sôi động cũng chỉ diễn ra ở KLF, FIT và có thêm PVX, SHB, còn lại các mã khác khá trầm lắng. Sàn này chỉ có đôi chút sôi nổi ở đợt khớp lệnh ATC. Chỉ số HNX-Index cũng diễn biến trồi sụt.
Dòng tiền vẫn khá tích cực trong phiên chiều nên 2 sàn dần hồi phục. Tuy nhiên, trước áp lực bán vẫn còn lớn, nhất là trong các phiên tới đây với lượng cung lớn từ các quỹ ETFs, bên nắm giữ tiền mặt đã không dám mạo hiểm mua đuổi giá, đà tăng của thị trường theo đó rất khiêm tốn, thanh khoản cũng sụt giảm so với phiên đầu tuần.
Đóng cửa, VN-Index tăng 0,17% lên 581,76 điểm, HNX-Index tăng 0,32% lên 85,36 điểm, tổng giá trị giao dịch chỉ gần 2.600 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 1 triệu đơn vị, trong khi giá trị bán ròng chỉ là 4 triệu đồng.
Trong các nhóm cổ phiếu, ngoài VCB, dòng ngân hàng vẫn chưa thể trở lại vị thế dẫn dắt thị trường, nhóm dầu khí cũng đang chịu áp lực lớn từ giá dầu thô thế giới giảm mạnh trở lại. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu bất động sản bắt đầu phát đi tín hiệu khi hàng loạt mã tăng giá, trong đó có nhiều mã tăng tốt như HBC, UDC, VPH, DXG… Dù vậy, nhóm này cũng chưa có được sự đồng thuận để có thể thay thế nhóm ngân hàng, dầu khí để dẫn dắt thị trường.
FLC vẫn giữ được sự sôi động với tổng khớp 18,27 triệu đơn vị, riêng đợt ATC khớp tới 4,72 triệu đơn vị và đóng cửa ở mức tham chiếu. KBC giảm về mức thấp nhất này 17.000 đồng (-1,16%) với 4,76 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua 1,9 triệu đơn vị. KDC giảm 0,6%, xuống 48.600 đồng với 1,13 triệu đơn vị được khớp, khối ngoại mua vào gần 0,35 triệu đơn vị.
Các mã lớn khác như VIC, BVH, DPM, GAS, HAG, SSI, HCM… duy trì được sắc xanh, qua đó giúp VN-Index đảo chiều thành công sau phiên giảm đầu tuần.
Trên HNX, KLF đóng cửa tăng 3,74% lên 11.100 đồng với 14,86 triệu đơn vị được khớp. FIT tăng 2,7% lên 19.000 đồng với 4,57 triệu đơn vị. PVX và SHB đứng tham chiếu và khớp lần lượt 1,8 triệu và 1,55 triệu đơn vị. Trong đợt ATC, sau KLF và FIT, thì S99 chính là mã gây chú ý với mức khớp đạt 0,58 triệu đơn vị, nâng tổng khớp cả phiên đạt 1,8 triệu đơn vị, tăng 1,57% lên 12.900 đồng.
Về phần các Dự, những diễn biến đã diễn ra ở phiên đầu tuần cho thấy việc thận trọng trong mỗi đánh giá hay quyết định là cần thiết đối với các Dự cũng như các nhà đầu tư. Bởi vậy, ở phiên này, nhận định trung lập tiếp tục được nhiều Dự lựa chọn, bao gồm IVS, MBS, SHS, VDSC, MBKE,
Trong khi đó, với phiên hồi phục kỹ thuật 17/3, sự quyết đoán của MSBS và VCSC đã được đền đáp.
“Giá dầu giảm mạnh đã tạo ra tâm lý tiêu cực tác động trực tiếp đến nhóm cổ phiếu dầu khí, tạo hiệu ứng xấu đến toàn bộ thị trường. VN-Index mất 5,3 điểm, tuy nhiên mốc 580 điểm cuối phiên vẫn được giữ vững đồng thời thanh khoản tiếp tục được cải thiện so với phiên trước đó. Ngày 17/3, thị trường sẽ có phiên hồi phục kỹ thuật do đường giá gặp phải ngưỡng hỗ trợ MA50”, MSBS nhận định.
Tương tự là VCSC: “Xu hướng ngắn hạn đã có chiều hướng tiêu cực khi hai chỉ số đã vi phạm các mức cắt lỗ và đồ thị giá cũng đã giảm dưới mức hỗ trợ của đường trung bình SMA20. Tuy nhiên, hai chỉ số có thể xuất hiện nhịp hồi phục kỹ thuật, lực cầu gia thấp có thể gia tăng dần khi các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đã giảm mạnh về vùng quá bán”.
Đồng thời, những BVSC, BSC và KIS cũng đã ghi điểm khi nhận định khá sát về phiên tăng này.
“Chỉ số giảm xuống vùng 580 khiến khối ngoại giảm bán ròng trong khi khối ngoại tích cực chốt lời sau đợt tăng vừa qua. Dòng tiền bắt đáy đã chớp thời cơ thị trường giảm điểm, nhanh chóng mua vào khiến thanh khoản thị trường gia tăng ở nhịp giảm. Ngưỡng hỗ trợ 580 tiếp tục được giữ vững. Thị trường sẽ sớm ổn định trở lại và tích lũy quanh vùng 580 – 584 điểm”, BSC đánh giá.
BVSC cũng nhận định: “Về xu hướng thị trường chung, chỉ số VN-Index đang có dấu hiệu yếu dần khi nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu dứt điều chỉnh, trong khi thị trường chưa tìm ra được nhóm cổ phiếu dẫn dắt mới. Ngoài ra, áp lực bán ròng từ khối ngoại (đã diễn ra trong hai tuần gần đây) vẫn đang mang đến nhiều lo ngại cho nhà đầu tư. Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số VN-Index sẽ từ 570-575 điểm. Dự kiến chỉ số VN-Index sẽ có sự hồi phục trở lại, tuy nhiên khả năng mang lại lợi nhuận cho các giao dịch T+3 là không thật sự chắc chắn”.
KIS cũng cho rằng: “Điểm tích cực trong ngày 16/3 là thanh khoản cải thiện sau khi nhà đầu tư nội tăng mua ở vùng giá thấp. Trong khi đó, khối ngoại dù bán ròng phiên thứ 7 nhưng giá trị bán ròng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong 7 phiên. Trong một vài phiên sắp tới, thị trường có thể test trở lại các ngưỡng hỗ trợ 580 cho VN-Index và 85 đối với HNX-Index. Trong khi đó, định giá ở nhóm bluechip đang hấp dẫn trở lại là cơ sở để chúng tôi kì vọng lực cầu sẽ sớm gia tăng trở lại và các chỉ số có thể giữ được các ngưỡng hỗ trợ nói trên”.
Tới phiên giao dịch 18/3, sau một phiên hồi phục kỹ thuật, áp lực bán đã hiện hữu ngay từ khi thị trường mở cửa khiến các chỉ số đều khởi đầu trong sắc đỏ, thanh khoản kém bởi sự thận trọng vẫn được đề cao.
Bên cạnh những thông tin không mấy tích cực về giá xăng, điện hay tỷ giá, thị trường còn chịu ảnh hưởng bởi giao dịch của khối ngoại, nhất là trong thời điểm các quỹ ETFs thực hiện cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, yếu tố này cũng không ảnh hưởng dài hạn và không diễn ra trên diện rộng, chỉ có tác động lớn ở những mã được tăng tỷ trọng/thêm mới hay bị loại/giảm tỷ trọng.
Chính những yếu tố trên khiến bên nắm giữ tiền mặt hết sức thận trọng trong việc xuống tiền, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu chỉ trực chờ vào những nhịp hồi của thị trường để đẩy bán. Vì vậy, thị trường trong phiên sáng chủ yếu diễn biến giằng co trong khoảng hẹp ở dưới mốc tham chiếu. Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 0,19% xuống 580,67 điểm, HNX-Index giảm 0,20% xuống 85,18 điểm.
Giao dịch trên thị trường diễn ra ảm đạm, thanh khoản hai sàn ở mức rất thấp, dòng tiền tiếp tục chỉ tập trung vào một số cổ phiếu quen thuộc như FLC, SAM, KLF, HUT...
FLC có dấu hiệu đột biến về thanh khoản khi khớp hơn 15,4 triệu đơn vị trong buổi sáng, mạnh nhất sàn HOSE, kết phiên giảm 200 đồng xuống 12.000 đồng/CP. Đây là phiên hơn 27 triệu cổ phiếu được giao dịch trong phiên ngày 13/3 về tài khoản, nên lực bán ra cổ phiếu này là rất lớn.
Đáng chú ý, mã VNE có giao dịch thỏa thuận rất mạnh gần 11 triệu cổ phiếu, trị giá 147,7 tỷ đồng, kết phiên tăng mạnh 500 đồng lên 14.000 đồng/CP. Thông tin liên quan đến VNE là việc SCIC đã đăng ký thoái hết 18,9 triệu cổ phiếu VNE (tỷ lệ 29,66% vốn) từ 16/3 đến 14/4.
Trong khi đó, KLF dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh sàn HNX, nhưng chỉ đạt 2,6 triệu đơn vị, giảm 100 đồng xuống 11.000 đồng/CP.
Còn với nhóm ngân hàng, dù không còn là gánh nặng, nhưng giao dịch cũng khá ảm đạm, chỉ ở quanh tham chiếu.
Trong buổi giao dịch chiều, diễn biến thị trường cũng không có gì biến chuyển so với phiên sáng. Áp lực bán cao khiến VN-Index nhanh chóng đánh mất ngưỡng hỗ trợ 580. Khi chỉ số rơi dần về mốc 575 điểm, cầu bắt đáy được khởi động nên VN-Index bật trở lại qua ngưỡng 580 điểm. Nhưng lực xả hàng ồ ạt ở đợt ATC đã nhấn chìm mọi nỗ lực cứu chỉ số trước đó và VN-Index chính thức mất mốc hỗ trợ 580 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,53% xuống 578,68 điểm, HNX-Index giảm 0,36% xuống 85,05 điểm. Thanh khoản trên cả hai sàn tiếp tục ở mức thấp, đạt hơn 2.400 tỷ đồng. Khối ngoại sau 8 phiên bán ròng liên tục đã quay trở lại mua ròng gần 1,8 triệu đơn vị ở phiên này, giá trị mua ròng gần 20 tỷ đồng.
Tâm điểm của phiên là nhóm dầu khí. Diễn biến tiêu cực từ giá dầu thế giới khiến các mã dầu khí đồng loạt giảm và là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm điểm. GAS giảm 1.000 đồng xuống 76.000 đồng/CP. PVD giảm mạnh 2.000 đồng xuống 50.500 đồng/CP, đánh dấu phiên giảm điểm thứ 10 liên tiếp. Trên HNX, các mã PVS và PVC cùng giảm 400 đồng, PLC giảm 700 đồng, PGS giảm 500 đồng…
FLC giao dịch khá chầm chừng trong buổi chiều, nhưng trong đợt ATC, FLC bất ngờ khớp thêm gần 6 triệu đơn vị, nâng tổng khối lượng giao dịch lên gần 24 triệu đơn vị, chiếm tới 22% tổng khối lượng giao dịch trên HOSE, đóng cửa vẫn giữ nguyên mức giảm 200 đồng.
Tương tự, VNE cũng được thỏa thuận thêm hơn 7,9 triệu cổ tại mức giá tham chiếu, nâng tổng số khối lượng thỏa thuận trong phiên lên 18,9 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 255 tỷ đồng, đúng bằng số cổ phiếu mà SCIC đăng ký bán.
Trong khi đó, KLF vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 5,4 triệu đơn vị được khớp, nhưng kết phiên đà giảm nới thêm một bước, giảm 200 đồng xuống 10.900 đồng/CP.
Các mã FIT, HUT cũng có thanh khoản khá tốt, đạt lần lượt 4 triệu và 3 triệu đơn vị. Riêng PFL có thanh khoản tăng bất ngờ, đạt 1,1 triệu đơn vị. Hiện thị giá của PFL chỉ còn 2.000 đồng và đang đối mặt với án hủy niên yết bắt buộc bởi đã lỗ 3 năm liên tiếp, khoản lỗ lũy kế đến hết năm 2014 lên tới 138 tỷ đồng, ăn mòn vào vốn chủ.
Về phần các Dự, phiên hồi phục kỹ thuật 17/3 chưa cho thấy đà giảm của thị trường đã kết thúc, do đó cả BVSC, VDSC và VCSC cùng cho rằng thị trường phiên 18/3 sẽ còn giằng co, điều chỉnh tích lũy.
"Phiên hồi phục với thanh khoản chưa có nhiều cải thiện và áp lực bán chốt lời xuất hiện khá lớn ở vùng giá cao cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái khá thận trọng. Ở một khía cạnh khác, dòng tiền đầu cơ đang tích cực tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường thiếu vắng thông tin hỗ trợ và 2 chỉ số nhiều khả năng vẫn còn diễn biến lình xình trong ngắn hạn. Để quay lại được đà tăng bền vững, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian để nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tích lũy đủ nhịp và xác lập mặt bằng giá trong lúc chờ những thông tin mới trong mùa ĐHCĐ 2015. Đối với nhà đầu tư kinh nghiệm, chiến lược trading quay vòng 1 phần danh mục ngắn hạn ở các mã mang tính thị trường cao có thể tiếp tục được áp dụng nhằm bình quân giá vốn trong bối cảnh thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co", BVSC nhận định.
VCSC cũng đánh giá: "Nhịp hồi phục kỹ thuật này có thể sẽ tiếp diễn trong đầu phiên giao dịch ngày 18/3 và suy yếu dần cuối phiên. Đồng thời, đây là nhịp hồi phục kỹ thuật khi các chỉ báo xung lượng ngắn hạn vẫn giao dịch trong vùng quá bán. Ngoài ra, các chỉ báo trạng thái xu hướng vẫn đang có xu hướng đi ngang và suy yếu cho nên hai chỉ số chưa thể bước vào giai đoạn giảm mạnh”.
Tương tự là VDSC: “Hai sàn phục hồi nhẹ trở lại sau phiên giảm mạnh trước đó. Xu hướng ngắn hạn vẫn là giảm và nhà đầu tư vẫn nên duy trì một danh mục an toàn với tỷ lệ cổ phiếu không quá 50%”.
Ở phía ngược lại, MSBS, MBKE và BSC đã mất điểm khi tiếp tục tin vào một phiên tăng tiếp theo.
"Kết thúc phiên, thị trường có phần suy yếu so với phiên sáng nhưng lực cầu cổ phiếu ở các mức giá thấp khá ổn định, chưa có sự bán tháo mạnh nào xảy ra. Thị trường cần có thời gian để tích lũy, đây lại là cơ hội để tiến hành mua gom cổ phiếu và tiến hành nắm giữ trong 2-3 tháng tới. Việc trading T+ ở giai đoạn hiện tại không được đánh giá cao, nhà đầu tư cần thận trọng. Ngày 18/3, thị trường có thể giằng co mạnh quanh mốc 580 điểm, kết thúc phiên có thể tăng nhẹ", MSBS đánh giá.
BSC cũng cho rằng: “Chúng tôi nhận định phiên giao dịch ngày 18/3 thị trường sẽ tiếp tục đà tăng nhờ tâm lý tích cực phiên 17/3. Dù vậy, lực tăng không mạnh và các cổ phiếu có thể bị bán mạnh khi được giá. Xu hướng chung vẫn là giằng co. Khả năng trong phiên tới đây, thị trường tiếp tục sẽ chinh phục lại ngưỡng kháng cự 585 đã mất, thanh khoản có thể chưa được cải thiện”.
MBKE thì nhận định: “Việc phản ứng hồi phục khi hai chỉ số tiệm cận các mốc hỗ trợ quan trọng là điểm cộng đáng lưu ý. Nếu các vùng hỗ trợ quan trọng tiếp tục được giữ vững (575 với VN-Index và 84.5 với HNX-Index), quá trình điều chỉnh kéo dài gần 2 tuần nay có thể chấm dứt”.
Trong khi nhận định của IVS, MBS, SHS, KIS, vẫn mang tính trung lập là chính, những đánh giá cụ thể về thị trường không được đề cập.
Đến phiên giao dịch 19/3, việc khối ngoại đã quay trở lại mua ròng ở phiên trước, cùng với thông tin tích cực từ bên ngoài liên quan tới tỷ giá và giá dầu, tâm lý thị trường đã cân bằng trở lại trong đầu phiên sáng 19/3. VN-Index đã có được sắc xanh nhạt và tiệm cận mốc 580 điểm, còn HNX-Index nới dần đà tăng từ mốc 85 điểm, nhưng thanh khoản vẫn còn chưa thể cải thiện.
Nhưng chỉ sau gần 1 giờ giao dịch, thị trường bắt đầu có sự điều chỉnh do áp lực bán gia tăng. Lúc này, dòng tiền đã gần như đứng ngoài thị trường chờ “trận đánh lớn” ở phiên cuối tuần ngày 20/3-ngày cuối cùng trong kỳ cơ cấu danh mục của ETFs.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm 0,19% xuống 577,56 điểm, còn HNX-Index vẫn tăng 0,05% lên 85,09 điểm. Giao dịch tiếp diễn trạng thái ảm đạm.
Nhóm dầu khí, “tội đồ” của phiên trước, thì đã trở thành “người hùng” ở phiên sáng nay. Cho dù đà tăng đã suy giảm nhiều dưới sức ép bán mạnh, nhưng nhóm này vẫn là bệ đỡ chính giúp VN-Index không giảm sâu, cũng như duy trì sắc xanh của HNX-Index. Trên HOSE, GAS tăng 0,66%, PVD tăng 1%. Còn trên HNX, các mã PVC tăng 0,87%, PVS tăng 0,4%, PGS tăng 0,5%, PVB tăng 3,95%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau thời gian ngắn của đầu phiên sáng tăng nhẹ cũng đã đồng loạt giảm giá hoặc trở về mốc tham chiếu, ngoại trừ CTG vẫn giữ sắc xanh nhạt. Trong đó, STB giảm 0,56% xuống 35.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 1,5 triệu đơn vị.
Bên cạnh nhóm dầu khí, nhóm cổ phiếu thị trường cũng có được giao dịch tương đối ổn định. Các mã như DLG, ITA, HQC, KBC, HAI, VHG… đều đứng giá hoặc nhích nhẹ trên mốc tham chiếu một bước giá với khối lượng khớp lệnh cùng đạt hơn 1 triệu đơn vị. Riêng FLC, thanh khoản đã giảm mạnh chỉ còn khoảng 1/3 so với phiên trước, nhưng vẫn dẫn đầu HOSE với 5,42 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm nhẹ 0,83% xuống 11.900 đồng/CP.
Trên HNX, chỉ có 3 cổ phiếu khớp lệnh được trên 1 triệu đơn vị là KLF, SHB và FIT. Trong đó, KLF khớp hơn 3,4 triệu đơn vị, mạnh nhất sàn, tăng 100 đồng lên 11.000 đồng/CP. SHB đứng giá tham chiếu 8.700 đồng/CP và khớp 2,35 triệu đơn vị. Đây là cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua vào mạnh nhất với khối lượng đạt 180.000 đơn vị.
Trong buổi giao dịch chiều, lực bán đã được gia tăng mạnh và trên diện rộng. Việc cả phía nội-ngoại cùng đẩy bán khiến thị trường sụt giảm khá mạnh. Các mốc hỗ trợ được cho là mạnh liên tục được đưa ra và đều bị xuyên thủng, VN-Index mất tiếp mốc 575 điểm, trong khi HNX-Index cũng rời khỏi mốc 85 điểm.
Đóng cửa, VN-Index giảm 0,85% xuống 573,74 điểm, HNX-Index cũng giảm 0,53% xuống 84,6 điểm. Dòng tiền đã đứng ngoài thị trường nên thanh khoản rơi về mức rất thấp, chỉ hơn 2.000 tỷ đồng. Sau 1 phiên mua ròng, khối ngoại đã lại ồ ạt bán ra ở phiên này và là phiên bán ròng mạnh thứ 2 kể từ đầu năm 2015 đến nay, giá trị bán ròng đạt 245,81 tỷ đồng (chỉ đứng sau phiên 13/1 đạt 256,82 tỷ đồng).
Trước áp lực bán mạnh, nhóm VN30 và HNX30 đồng loạt giảm điểm và là nguyên nhân chính khiến thị trường giảm tương đối sâu. Trên HOSE, các mã có vốn hóa lớn như VNM giảm 0,92%, MSN giảm 1,79%, BVH giảm 2,43%, ...
Nhóm ngân hàng cũng chung số phận khi VCB giảm 0,84%, STB giảm 1,04%, BID giảm 1,67%, CTG giảm 1,11%, EIB giảm 1,54%, MBB giảm 0,73%. Trong đó, STB khớp lệnh hơn 3,87 triệu đơn vị, còn VCB, CTG và BID cùng chuyển nhượng hơn 1 triệu đơn vị.
Nhóm dầu khí sau khi làm trụ đỡ khá tốt ở phiên sáng, đã suy yếu đáng kể trong phiên chiều. GAS giảm 0,66%, PVD về mốc tham chiếu 50.500….
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng không nằm ngoài xu hướng, dù vẫn tập trung được dòng tiền. FLC với áp lực bán ra khá mạnh nên giá cổ phiếu giảm 3,33%, xuống 11.600 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 15,92 triệu đơn vị. Các mã khác cũng đồng loạt lùi về mốc tham chiếu hoặc giảm điểm, trong đó HQC và ITA cùng khớp hơn 3,3 triệu đơn vị, còn ASM, HAR, DLG, KBC, VHG, HAI… cùng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên HNX, các mã có tính dẫn dắt như SHS, VCG, SHB, PVS, KLS… đều đồng loạt giảm trở lại. PVS giảm 200 đồng xuống 25.000 đồng/CP. VCG giảm 200 đồng xuống 13.200 đồng/CP.
Tuy vậy, các mã PVC và PVB duy trì đà tăng tương ứng 1,3% và 3,65%, cùng các cổ phiếu bluechip khác như LAS, AAA, HMH, BVS đã giúp HNX-Index hãm bớt đà giảm.
Mã KLF vẫn khớp lệnh mạnh nhất sàn với hơn 5,8 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,92% xuống 10.800 đồng/CP.
Về phía các Dự, IVS có lý do để mà lo lắng khi VN-Index tiếp tục không giữ được ngưỡng hỗ trợ 575. Đồng thời, thị trường cũng chưa có sự tích cực như BSC như kỳ vọng.
“Việc mất mốc 580 điểm rõ ràng đã có tác động tới tâm lý của nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách chi tiết hơn thì thực tế tại mốc 575 điểm sức bật trở lại vẫn hoàn toàn có thể. Nhưng điều gì giúp cho thị trường sẽ tăng trở lại, hay lại một lần nữa là nhóm Ngân hàng?. Có thể việc thanh khoản gia tăng khi thị trường giảm là một yếu tố mà nhà đầu tư có thể kỳ vọng rằng, thị trường sẽ không bị suy giảm sâu hơn. Nhưng nếu như chỉ số VN-Index tiếp tục sụt giảm và ngưỡng 575 điểm không giữ được rất có thể sẽ dẫn tới áp lực từ việc sử dụng đòn bẩy. Đó là lý do mà chúng tôi đang lo ngại trong giai đoạn này”. IVS nhận định.
Còn BSC đánh giá: “Áp lực bán của khối nội vẫn áp đảo sức mua ròng trở lại của khối ngoại. Chúng tôi nhận định thị trường vẫn tích cực nhờ dòng tiền khối ngoại. Dù vậy, nhà đầu tư vẫn cần để ý tới diễn biến dòng tiền chung”.
Trong khi đó, việc liên tục giảm điểm và để thủng liên tiếp các ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index lại giúp BVSC, MSBS, VCSC, MBS, SSI ghi được điểm.
“Về xu hướng thị trường, vùng hỗ trợ tiếp theo của chỉ số VN-Index nằm tại 570-575 điểm. Chỉ số này nhiều khả năng sẽ có thêm một vài phiên điều chỉnh trước khi có sự hồi phục trở lại khi tiếp cận ngưỡng hỗ trợ”, BVSC đánh giá.
MSBS cũng đánh giá: “Ngày 19/3 xu hướng chính vẫn sẽ là giảm điểm, sẽ có rung lắc quanh mốc 575. Áp lực bán ở nhiều cổ phiếu trong đó có những cổ phiếu vốn hóa lớn là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm điểm của thị trường”.
MBS cho rằng: “VN-Index đã giảm qua mốc hỗ trợ 580 điểm và tạo một áp lực không tích cực lên thị trường. Thị trường có thể tiếp tục đà giảm khi các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật bị phá vỡ, ngưỡng hỗ trợ tiếp theo của thị trường nằm ở cận dưới dải Bollinger Bands tương ứng mức 575 điểm”.
Tương tự là SSI: “Hiện tại VN-Index đang ở rất gần vùng hỗ trợ 570-575 và nằm bên dưới MA200 (587). Với áp lực bán của nhà đầu tư nước ngoài lên nhóm dầu khí và ngân hàng, thị trường vẫn sẽ chiu áp lực giảm điểm”.
VCSC thì nhận định: “Điểm tiêu cực nhận thấy là hai chỉ số đang ở vùng giá khá nhạy cảm và đà giảm có tiếp diễn trong phiên kế tiếp thì cường độ giảm giá sẽ gia tăng mạnh hơn và ngưỡng hỗ trợ của đường trung bình SMA50 có thể sẽ bị xuyên thủng”.
Trong khi các Dự như MBKE, VDSC, KIS, SHS thì vẫn trung thành với phương án nhận định trung lập.
Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 20/3, sự thận trọng vẫn được thể hiện rất rõ trong cách giao dịch của nhà đầu tư ngay từ khi mở cửa. Cả bên bán và bên mua đều chỉ đặt những lệnh thăm dò là chủ yếu. VN-Index theo đó mở cửa trong sắc đỏ, thanh khoản yếu kém.
Sự thận trọng là điều dễ hiểu, bởi phiên cuối tuần này là phiên tất toán danh mục của các quỹ ETFs. Dù các quỹ này cũng đã túc tắc thực hiện giao dịch trong tuần, nhưng thông thường, khối này sẽ đồng loạt giao dịch vào cuối ngày, nhất là ở đợt ATC.
Diễn biến này khiến nhà đầu tư lo ngại mốc kháng cự gần nhất là 570 điểm sẽ bị xuyên thủng. Tuy nhiên, VN-Index đã nhanh chóng bật trở lại khi rơi xuống 572 điểm, một phần nhờ vào một số mã lớn, còn lại chủ yếu là do bên bán tiết cung giá thấp, hơn là do dòng tiền bắt đáy hoạt động tích cực. Vì vậy, diễn biến thị trường trong phần lớn thời gian giao dịch chủ yếu trong trạng thái cầm chừng, đà tăng của VN-Index cũng không hẳn chắc chắn, nhưng vẫn được duy trì đến hết phiên.
Tương tự, chỉ số HNX-Index trên HNX cũng lình xình dưới tham chiếu trong 1 tiếng đầu phiên giao dịch trước khi đảo chiều tăng nhẹ trở lại nhờ tín hiệu tích cực từ HOSE. Thanh khoản trên sàn này cũng khá thấp, chưa tới 50% số mã niêm yết có giao dịch sau 1 tiếng đồng hồ.
Kết thúc phiên giao dịch sáng, VN-Index tăng 0,25% lên 575,17 điểm, HNX-Index tăng 0,25% lên 84,81 điểm.
Hai mã STB và DPM đều nằm trong danh sách bán ra, nhưng cả 2 đều có sắc xanh khá tốt, cùng với một số mã lớn khác như HAG, BVH, SSI, HCM… góp phần giúp VN-Index giữ nhịp tăng. Ngoài STB, các mã ngân hàng khác chỉ có sắc xanh nhạt, thanh khoản cũng không được tốt, chỉ duy nhất CTG khớp trên 1 triệu đơn vị.
Do đó, không ngạc nhiên khi mã được tăng tỷ trọng như FLC lại có được sự hồi phục tương đối tốt, chốt phiên tăng 200 đồng lên 11.800 đồng với 7,3 triệu đơn vị được khớp. Tuy nhiên, 2 mã được thêm vào danh mục lần này là KDC và KBC lại khá yên bình. KDC chỉ có mức tăng nhẹ 300 đồng, thì KBC đứng ở tham chiếu, thanh khoản cả 2 cũng không có gì đáng chú ý.
Mã HAI sau chuỗi giảm mạnh trước đó, sáng nay bất ngờ hồi phục tốt, đóng cửa sát mức giá trần với hơn 2,9 triệu đơn vị được khớp.
Trên HNX, sự phân hóa diễn ra trong nhóm dầu khí, các mã dẫn dắt khác như KLF, FIT, SHB, cũng giao dịch khá cầm chừng. Chỉ có 3 mã trên sàn này có lượng khớp trên 1 triệu đơn vị là KLF, FIT và HUT. Trong đó, KLF được khớp lớn nhất cũng chỉ hơn 2 triệu đơn vị.
Trong phiên giao dịch chiều, đúng như dự kiến, sự đột biến đã diễn ra. Tại thời điểm 14h, thanh khoản trên sàn HOSE chưa tới 1.500 tỷ đồng nhưng qua đợt khớp ATC, dòng tiền ngoại ồ ạt đổ vào thị trường giúp thanh khoản vượt mức 3.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý là các cổ phiếu mới được thêm vào trong kỳ review này gồm KBC và KDC đã hấp thụ mạnh dòng tiền. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu bluechip cùng các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản đã hỗ trợ tốt giúp thị trường duy trì sắc xanh và VN-Index chinh phục lại ngưỡng 575 điểm, trong khi HNX-Index cũng lấy lại mốc 85 điểm. Đóng cửa, VN-Index tăng 0,3% lên 575,44 điểm, HNX-Index tăng 0,63%) lên 85,13 điểm.
Các mã trong nhóm ngân hàng vẫn duy trì đà tăng. Trong đó, VCB và STB lần lượt tăng 1,45% và 1,05% và cùng khớp hơn 4 triệu đơn vị, riêng VCB được khối ngoại mua vào 2,17 triệu đơn vị.
Hai cổ phiếu được khối ngoại thêm mới trong kỳ cơ cấu là KBC và KDC lần lượt được mua vào kỷ lục hơn 14 triệu đơn vị và 6,33 triệu đơn vị, trong đó KBC đứng ở mức giá cao nhất trong phiên 17.000 đồng/CP, tăng 1,8% và khớp 15,57 triệu đơn vị; còn KDC tăng 1,05% lên 48.000 đồng/CP và khớp 6,6 triệu đơn vị.
Với FLC, cầu nội và ngoại gia tăng mạnh giúp FLC có thời điểm chạm trần, nhưng áp lực chốt lời ở mức giá này khá cao với lượng dư bán trần hơn 6,8 triệu đơn vị, khiến mã này đóng cửa ở sát mức trần, tăng 700 đồng lên 12.300 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường đạt hơn 33 triệu đơn vị, trong đó 3,43 triệu đơn vị là của khối ngoại.
HAI sau chuỗi ngày giảm mạnh cũng đã phi nước đại lên thẳng mức trần với lượng dư mua trần chất đống, đóng cửa tăng 6,62% lên 14.500 đồng/CP, khớp 3,97 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX không có nhiều biến động bởi không chịu tác động mạnh từ dòng vốn ngoại. Các cổ phiếu dẫn dắt như ACB, VCG, SHB, SCR, KLF, BVS… vẫn là lực đỡ chính giúp thị trường chinh phục lại mốc 85 điểm.
Hai mã KLF và FIT vẫn dẫn đầu thanh khoản với lượng khớp lần lượt đạt 4,6 triệu đơn vị và 3,56 triệu đơn vị, đóng cửa KLF tăng 1,85% và FIT tăng 0,5%.
Giao dịch nhà đầu tư nước ngoài trong phiên này đã đóng góp rất lớn vào thanh khoản chung của thị trường, trong đó, trên sàn HOSE, khối này đều giao dịch mua-bán đạt hơn 1.000 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng hơn 240 tỷ đồng trên cả hai sàn.
Về phía các Dự, thị trường đã có mức tăng nhẹ trở lại trong ngày cuối cùng của kỳ cơ cấu danh mục các ETFs. Diễn biến này có phần bất ngờ đối với nhiều Dự, nhưng có lẽ là bất ngờ nhất đối với MSBS, SSI khi cả 2 Dự này đều cho rằng thị trường sẽ giảm điểm.
“VN-Index đã có phiên giảm khá mạnh khi đường giá liên tục phá vỡ các mốc hỗ trợ. Thanh khoản thấp do nhiều nhà đầu tư vẫn đang đứng ngoài thị trường, áp lực bán không quá lớn nhưng lại tập trung ở các mã cổ phiếu vốn hóa lớn. Ngày 20/3 thị trường sẽ còn giảm tiếp về mốc 570 điểm, xấu nhất là về mốc 565 điểm trong phiên. Kết thúc phiên sẽ giảm điểm. Nhà đầu tư vẫn nên đứng ngoài thị trường khi mà đà giảm giá vẫn chưa có xu hướng kết thúc”, MSBS nhận định.
Còn SSI cho rằng: “Thanh khoản tiếp tục sụt giảm trong lúc lực bán tăng sát ngày ETF giao dịch càng làm cho chỉ số lún sâu. Hiện tại hỗ trợ ngắn hạn của VN-Index đang là 570-575 điểm, nhưng ngưỡng này có thể dễ dàng bị phá vỡ vào ngày 20/3 khi ETF thực hiện bán các cổ phiếu lớn. Hỗ trợ tiếp theo của VN-Index là 555 điểm kì vọng là hỗ trợ vững chắc hơn cho chỉ số trong giai đoạn sắp tới”.
Ngược lại, phiên hồi phục mang tính kỹ thuật này đã giúp MBS, BSC ghi được điểm.
“Về kỹ thuật, khả năng VN-Index sẽ tiệm cận chạm vùng 565-570 trong phiên ngày 20/3, tuy nhiên đây là vùng hỗ trợ Fibonacci Retracement 38.2%. Do đó, khả năng thị trường sẽ có đợt hồi phục kỹ thuật sau khi chạm vùng hỗ trợ mạnh này, diễn biến hồi phục có thể sẽ diễn ra trong phiên ngày 20/3 hoặc vào đầu tuần tới”, MBS nhận định.
Tuong tự là BSC: “Dòng tiền vẫn giữ vai trò dẫn dắt thị trường hiện tại. Chi tiết cần lưu ý là VNM ETF có khả năng dừng mua trong tuần tới bởi hiện tại, trạng thái của quỹ đang là discount. Phiên giao dịch ngày 20/3 nhiều khả năng sẽ tăng về điểm số do ảnh hưởng mua bán của VNM ETF. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đây là phiên phục hồi ngắn. Nhà đầu tư nên tận dụng hạ tỷ trọng khi chỉ số tăng”.
Trong khi những BVSC, VCSC, MBKE, SHS, KIS, VDSC, IVS thì không thay đổi quan điểm trung lập trong phiên mà dự kiến sẽ nhiều bất ngờ như phiên này.
Tổng kết tuần giao dịch từ 16/3 đến 20/3, thị trường tiếp tục có sự điều chỉnh khi vẫn chịu ảnh hưởng từ các thông tin liên quan như giá điện-xăng, tỷ giá..., nhưng ảnh hưởng mạnh nhất có lẽ vẫn là từ giao dịch bán ròng của khối ngoại. Đây cũng là tuần giao dịch cuối trong kỳ cơ cấu danh mục của các quỹ VNM ETF, tuy nhiên diễn biến giao dịch của khối này cũng đã không còn làm khó đối với nhà đầu tư.
Về các chỉ số, trong tuần qua, với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, VN-Index mất tổng cộng 10,66 điểm (-1,82%) còn 575,44 điểm. Tương tự, HNX-Index cũng giảm 1,12 điểm (-1,32%) về 85,13 điểm.
Đối với các Dự, đây là tuần thành công đối với những BVSC và VCSC khi cả 2 Dự này đều dẫn đầu khi cùng có 3 phiên trúng. Đứng tiếp sau là MSBS, BSC, MBS với cùng 2 phiên trúng. Trong khi VDSC, SSI, KIS trúng được 1 phiên.
Ở chiều ngược lại, đây vẫn là tuần chưa thành công đối với MSBS khi bị trật 3 phiên. IVS và BSC đứng sau khi cùng có 2 phiên trật. Bị trật 1 phiên là MBKE và SSI
Đối với danh hiệu “còi vàng”, SHS chiếm thế “độc tôn” của tuần với cả 5 phiên nhận định trung lập. Bám sát phía sau là MBKE, VDSC, KIS với cùng 4 phiên trung lập.
TRÚNG |
TRUNG LẬP |
TRẬT |
|
T2/16/3 HOSE(-5,3/0,91%/580,8) HNX(-0,71/0,83%/85,08) |
VDSC, MBKE, BVSC, SHS, BSC, MBS, KIS, VCSC, SSI |
MSBS, IVS |
|
T3/17/3 HOSE(+0,96/0,17%/581,76) HNX(+0,28/0,32%/85,36) |
MSBS, BVSC, BSC, VCSC, KIS |
IVS, MBS, SHS, SSI, VDSC, MBKE. |
|
T4/18/3 HOSE(-3,08/0,53%/578,68) HNX(-0,31/0,36%/85,05) |
BVSC, VDSC, VCSC |
IVS, MBS, SHS, KIS, SSI |
MSBS, MBKE, BSC |
T5/12/3 HOSE(-4,94/0,85%/573,74) HNX(-0,45/0,53%/84,6) |
BVSC, MSBS, VCSC, MBS, SSI |
MBKE, VDSC, KIS, SHS |
IVS, BSC |
T6/20/3 HOSE(+1,7/0,3%/575,44) HNX(+0,07/0,08%/85,13) |
MBS, BSC |
BVSC, VCSC, MBKE, SHS, KIS, VDSC, IVS |
MSBS, SSI |