Nhìn lại dự báo chứng khoán tuần qua

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù dòng tiền sôi động chưa nhập cuộc nhưng lực cung giảm mạnh đã giúp thị trường hồi phục sau 6 tuần liên tiếp mất điểm. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường của một số công ty chứng khoán trong tuần qua.
Nhìn lại dự báo chứng khoán tuần qua

Thống kê giao dịch trên sàn HOSE tuần qua, chỉ số VN-Index có 3 phiên tăng điểm và 2 phiên giảm điểm. Kết thúc cả tuần, chỉ số VN-Index tăng 57,94 điểm, tương ứng tăng 4,9% so với cuối tuần trước và kết thúc tuần tại mức 1.240,71 điểm.

Diễn biến sàn HOSE trong tuần qua từ 16-20/5

Ngày

VN-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

20/5

1240,71

-0,93(-0,07%)

504.691.537

12.460

19/5

1241,64

+0,88(+0,07%)

496.732.680

12.795

18/5

1240,76

+12,39(+1,01%)

566.363.565

13.841

17/5

1228,37

+56,42(+4,81%)

583.955.805

14.297

16/5

1171,95

-10,82(-0,91%)

584.388.589

14.578

Trong khi đó, sàn HNX có 3 phiên giảm và 2 phiên tăng. Kết thúc cả tuần, chỉ số HNX-Index tăng 4,63 điểm, tương ứng tăng 1,5% so với cuối tuần trước và kết tuần ở mức 307,02 điểm.

Diễn biến sàn HNX trong tuần qua từ 16-20/5

Ngày

HNX-INDEX

Thay đổi

Khối lượng GD

Giá trị GD

20/5

307,02

-1,00(-0,32%)

73.994.297

1.658

19/5

308,02

-1,82(-0,59%)

79.553.330

1.763

18/5

309,84

-5,60(-1,78%)

83.294.580

1.835

17/5

315,44

+8,39(+2,73%)

79.712.555

1.724

16/5

307,05

+4,66(+1,54%)

76.820.305

1.532

Thanh khoản tuần qua suy giảm và tiếp tục duy trì dưới mức trung bình. Trong đó, trên sàn HOSE, khối lượng và tổng giá trị giao dịch đạt lần lượt đạt 2.736 triệu cổ phiếu và 67.969 tỷ đồng, giảm 12,6% về lượng và 19,3% về giá trị so với tuần trước đó.

Còn trên sàn HNX, khối lượng và giá trị lần lượt đạt 393 triệu cổ phiếu và 8.513 tỷ đồng, giảm 3% về lượng và 2,7% về giá trị so với tuần trước.

VN-Index hồi phục sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp với mức tăng khá (+4,9%) và thanh khoản khớp lệnh suy giảm so với tuần trước đó và đã là tuần thứ 17 liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 tuần gần nhất. Kết hợp với diễn biến trong tuần qua thì có thể thấy là bên bán có lẽ đã bán hết trong 6 tuần giảm trước đó nên lực bán ra trong tuần khá nhẹ và chỉ cần bên mua xuất hiện cũng đủ giúp thị trường kết tuần trong sắc xanh.

Sau phiên 17/5, VN-Index đã lấy lại được ngưỡng tâm lý 1.200 điểm nên theo lý thuyết sóng elliott chỉ này đã kết thúc sóng điều chỉnh a để bước vào sóng hồi phục b với target theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng tâm lý 1.300 điểm (fibonacci retracement 38,2% sóng điều chỉnh a). Tuy nhiên, nếu mất ngưỡng 1.200 điểm một lần nữa thì thị trường sẽ quay lại sóng điều chỉnh a.

Nhìn lại dự báo của các công ty chứng khoán tuần qua từ 16-20/5:

CTCK MB (MBS): Sau nhận định thiếu chuẩn xác trong phiên giảm điểm ngày đầu tuần 16/5 khi dự báo khả năng thị trường sẽ hồi phục kỹ thuật, MBS đã thận trọng và đưa ra 2 nhận định trung lập tiếp theo ngày 17-18/5.

Cụ thể, trong khi thị trường bật tăng khá tốt, đặc biệt phiên 17/5 tăng tới hơn 56 điểm, vượt xa mốc 1.220 điểm, nhưng MBS đã thận trọng khuyến nghị nhà đầu tư không nên bình quân giá xuống, hay 1 phiên tăng điểm chưa đủ dấu hiệu để làm thay đổi xu hướng thị trường.

Trong 2 phiên cuối tuần ngày 19-20/5, trong khi VN-Index gần như đi ngang với biên độ tăng giảm hẹp ở vùng giá 1.240 điểm, thì MBS lại cho rằng thị trường đang có dấu hiệu phục hồi tốt, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ thử thách ngưỡng 1.260 điểm.

CTCK BIDV – BSC cũng có một tuần không mấy thành công với hầu hết các nhận định đưa ra đều thiếu chuẩn xác.

Cụ thể, BSC đã cho rằng, ngưỡng 1.200 điểm là vùng hỗ trợ cứng và chỉ số VN-Index sẽ hồi phục nhẹ về quanh mốc này trong phiên đầu tuần 16/5, nhưng trên thực tế, thị trường tiếp tục mất điểm về sát mốc 1.170 điểm.

Trong các phiên tiếp theo 17-19/5, chỉ số VN-Index đã đảo chiều hồi phục, vượt xa mốc 1.220 điểm, thậm chí có thời điểm thử thách vùng cản mạnh 1.250 điểm, nhưng BSC lại cho rằng quá trình dò đáy chưa kết thúc hoặc thị trường có thể sẽ gặp phải áp lực chốt lời hay đà tăng của thị trường vẫn cần phải chờ kiểm chứng thêm.

Còn phiên đi ngang nhẹ dưới mốc tham chiếu ngày cuối tuần 20/5 đã được BSC nhận định trung lập khi cho rằng, những phiên tăng điểm gần đây thanh khoản liên tục suy yếu dần đi, cho thấy dòng tiền chưa thật sự ủng hộ sự phục hồi của thị trường.

Trong khi đó, CTCK KB Việt Nam (KBSV) khá thành công khi đưa ra 4 nhận định đúng và chỉ 1 nhận định sai.

Đáng chú ý, khác với các công ty chứng khoán khác, KBSV đã ghi điểm khi dự báo phiên đầu tuần ngày 16/5, chỉ số VN-Index phải đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ gần quanh 1.160 điểm. Trên thực tế, thị trường tiếp tục để mất hơn 10 điểm và về sát ngưỡng 1.170 điểm.

Trong các phiên 18-20/5, KBSV cũng liên tiếp có những nhận định đúng bởi quan điểm cho rằng chỉ số VN-Index hồi phục trong 2 phiên 18-19/5 và sẽ đối mặt với rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh trong phiên 20/5.

Tuy nhiên, KBSV đã mất điểm trong phiên “bốc đầu” ngày 17/5 khi chỉ số VN-Index đã tăng hơn 56 điểm, ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong lịch sử, vượt xa ngưỡng 1.220 điểm; trong khi công ty chứng khoán này dự báo rủi ro mở rộng nhịp điều chỉnh xuống vùng hỗ trợ 1.160 điểm

Nhìn lại dự báo của các chuyên gia chứng khoán:

Nhiều chuyên gia chứng khoán như ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS; ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam; ông Dương Hoàng Linh, Trưởng phòng phân tích CTCK Sacombank (SBS); hay ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) đều nhận định thị trường sẽ hồi phục kỹ thuật.

Tuy nhiên, ông Linh cho rằng, xu thế tiêu cực có lẽ sẽ còn kéo dài, các nhịp hồi phục như vậy (nếu có) sẽ là cơ hội tốt để nhà đầu tư còn nắm giữ nhiều cổ phiếu giảm tỷ trọng cũng như cơ cấu lại danh mục theo hướng đảm bảo quản trị rủi ro (ưu tiên danh mục VN30); trong khi ông Khánh lại cho rằng, nhà đầu tư hạn chế bán ra ở giai đoạn hiện nay.

N.T

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục