Chuỗi bùng nổ dựa trên câu chuyện kỳ vọng
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, cổ phiếu TMT của Công ty cổ phần Ô tô TMT (TMT Motors) bất ngờ đi ngược xu hướng với chuỗi tăng 10 phiên liên tiếp, trong đó có 9 phiên tăng trần, từ ngày 25/12/2024 đến ngày 8/1/2025, kéo thị giá cổ phiếu TMT từ mức 7.030 đồng/cổ phiếu tăng lên 13.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 93,5% và bắt đầu phát đi tín hiệu cảnh báo đảo chiều khi chỉ báo RSI lên tới 91, đồng thời các chỉ báo kỹ thuật khác cho thấy dấu hiệu quá mua kéo dài.
|
Cổ phiếu TMT có dấu hiệu đảo chiều giảm trở lại từ phiên giao dịch ngày 9/1/2025 |
Thời gian gần đây, lãnh đạo TMT Motors liên tục công bố thông tin tốt về quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp. TMT Motors được cho là bước vào giai đoạn tăng trưởng mới, mang đến kỳ vọng cho nhà đầu tư vào cổ phiếu này về việc thời điểm khó khăn nhất của doanh nghiệp đã qua đi.
Ông Bùi Văn Hữu - Chủ tịch Hội đồng quản trị TMT Motors cho biết, tính tới cuối năm 2024, Công ty đã thực hiện nghiêm chủ trương của Hội đồng quản trị về việc giảm giá, bán cắt lỗ cơ bản xong hầu hết hàng hóa tồn đọng từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh cuối năm 2024 vẫn có thể bị ảnh hưởng lớn. Bởi vậy, Công ty quyết tâm tái cấu trúc toàn bộ từ khâu sản xuất cho tới tiêu thụ, phục vụ cho chu kỳ sản xuất - kinh doanh mới bắt đầu ngay từ quý I/2025.
Theo đó, TMT Motors đưa ra kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2025 với tổng doanh thu 4.165,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 297,3 tỷ đồng (kể từ khi niêm yết năm 2010 tới nay, TMT Motors ghi nhận lãi kỷ lục 235 tỷ đồng năm 2015). Trong đó, sản lượng xe tiêu thụ ước đạt 8.075 chiếc, bao gồm 3.456 xe tải nặng, 3.404 xe điện và 1.215 xe tải nhẹ.
Lãnh đạo TMT Motors cũng cho biết, vừa đạt thỏa thuận mở rộng dải sản phẩm xe điện với đối tác liên doanh SGMW (SAIC - General Motors - Wuling), gồm các phiên bản Wuling Mini EV Macaron 4 (phiên bản 3 cửa và 5 cửa), Wuling Hongguang EV và Wuling Zhiguang EV. Các sản phẩm sẽ được nhập khẩu xe mẫu và sản xuất, lắp ráp tại nhà máy của TMT Motors từ năm 2025 trở đi.
Nhìn vào tình hình kinh doanh những năm gần đây có thể thấy, TMT Motors thường xuyên đặt mục tiêu cao, nhưng kết quả đạt được lại rất khiêm tốn. Chẳng hạn, năm 2020 ghi nhận lãi trước thuế đạt 2,7 tỷ đồng, hoàn thành 12% so với kế hoạch lãi 21,4 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận lãi trước thuế 53,3 tỷ đồng và hoàn thành 66% so với kế hoạch lãi 80,96 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận lãi 69,2 tỷ đồng, hoàn thành 54,8% so với kế hoạch lãi 126,39 tỷ đồng; năm 2023 ghi nhận lãi đạt 35,4 tỷ đồng, hoàn thành 39,5% so với kế hoạch lãi 89,58 tỷ đồng; 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận lỗ kỷ lục 190,98 tỷ đồng so với kế hoạch lãi 60,7 tỷ đồng.
Với việc lỗ kỷ lục trong 9 tháng đầu năm 2024, TMT Motors đã xóa đi toàn bộ lợi nhuận tích lũy trong nhiều năm trước, nâng tổng lỗ tại thời điểm 30/9/2024 lên tới 138,9 tỷ đồng, bằng 37,2% vốn điều lệ và phải sử dụng 202,5 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản dài hạn có kỳ hạn dài hơn 1 năm, gây rủi ro kỳ hạn nếu kinh doanh tiếp tục khó khăn.
Chưa kể, việc ghi nhận lỗ lũy kế lớn sẽ là một rào cản khi muốn vay vốn ngân hàng và đáng chú ý, kiểm toán cũng đang nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của TMT Motors tại thời điểm gần nhất 30/6/2024.
TMT có lịch sử “lái tàu lượn”
Năm 2023, TMT Motor ký kết với Công ty SAIC GM Wuling Automobile Co., Ltd về việc hợp tác toàn diện bàn giao dây chuyền máy móc, cũng như hỗ trợ kỹ thuật để sản xuất xe điện. Để phục vụ kinh doanh sản phẩm này, trong năm 2023, TMT Motor đã phát triển được 21 showroom 3S xe ô tô điện đạt chuẩn và đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng các showroom đạt chuẩn này cho xe ô tô điện trên khắp cả nước.
TMT Motor kỳ vọng việc lựa chọn mẫu xe điện Wuling HongGuang MiniEV sẽ giúp tiêu thụ được 5.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, trong năm đầu tham gia lắp ráp và phân phối dòng xe này, TMT Motors chỉ bán được 591 xe, hoàn thành 10,7% kế hoạch đặt ra (tiêu thụ 5.525 xe điện trong năm 2023).
Trên thị trường chứng khoán, giai đoạn mới lấn sân sang xe điện, cổ phiếu TMT cũng có chuỗi tăng nóng từ ngày 17/1/2023 đến ngày 27/6/2023, khiến thị giá tăng 169%, từ mức 9.430 đồng lên 25.350 đồng/cổ phiếu. Sau đó, cổ phiếu này liên tục giảm mạnh trở lại và tính tới ngày 8/8/2024 chỉ còn 7.290 đồng/cổ phiếu, thấp hơn cả giá khi mới bắt đầu tham gia phân phối xe điện, một phần nguyên nhân do tiêu thụ xe điện không đạt kỳ vọng.
Có thể thấy, giai đoạn tăng nóng hiện tại của cổ phiếu TMT dường như cũng dựa trên câu chuyện về tái cấu trúc. Việc đặt quá nhiều kỳ vọng vào xe điện như năm 2023 có thể là “con dao 2 lưỡi” nếu tiêu thụ không đạt kế hoạch đầy tham vọng.
Thực tế, ngay sau chuỗi tăng 10 phiên, cổ phiếu TMT đã quay đầu giảm kịch sàn xuống 12.650 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch 9/1/2024 và đứng yên ở mức giá này trong phiên 10/1/2024.