Thưa Thứ trưởng, đúng như ước tính trước đó, tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 7,52% trong 6 tháng đầu năm, như thông tin chính thức đã được Cục Thống kê công bố. Ông nghĩ sao về mức tăng trưởng này?
Ban đầu, vào cuối tháng 5, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP quý II đạt khoảng 7,67%, còn 6 tháng vào khoảng 7,31%. Tuy nhiên, khi ước số liệu đến cuối tháng 6, chúng tôi cũng đã dự báo rằng, con số có thể sẽ cao hơn khoảng 0,2 - 0,3 điểm phần trăm. Và cuối cùng, như số liệu mà Cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP quý II đạt 7,96%, còn 6 tháng là 7,52%. Cả hai mức tăng trưởng này đều tiệm cận kịch bản tăng trưởng đã đề ra tại Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ.
Tôi cho rằng, đây là mức tăng trưởng rất tích cực. So ta với ta, thì cả tăng trưởng GDP của quý II và 6 tháng đều thuộc diện cao so với những năm gần đây. Thậm chí, tăng trưởng GDP 6 tháng năm nay còn thuộc diện cao nhất so với tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng của gần 20 năm trở lại đây. Còn so với bên ngoài, tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng này nhiều khả năng sẽ cao nhất ASEAN, thuộc nhóm dẫn đầu thế giới và khu vực.
Hơn nữa, chúng ta cũng cần đặt tốc độ tăng trưởng này trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu. Mặc dù ngay từ cuối năm ngoái, khi xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chúng ta đã xác định 2025 là năm có rất nhiều khó khăn, thách thức và yếu tố khó lường từ bên ngoài, nhưng thực tế, những khó khăn, thách thức đó còn lớn hơn dự báo, dồn dập đến và khó lường vô cùng.
Đặc biệt, từ đầu quý II đến nay, những diễn biến mới liên tục xuất hiện, như xung đột vũ trang tại Ukraine, Israel - Iran, căng thẳng giữa Thái Lan - Campuchia…, rồi chính sách thuế quan của Mỹ… Tất cả đã ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh toàn cầu và làm suy giảm triển vọng tăng trưởng của nhiều nền kinh tế. Nhưng rồi giữa khó khăn đó, chúng ta vẫn nỗ lực, bền bỉ thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, vẫn quyết tâm đưa nền kinh tế đạt mức tăng trưởng trên 8% trong năm nay. Và kết quả, như đã thấy, là một mức tăng trưởng khá cao.
Không chỉ là tăng trưởng GDP, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng rất tích cực. Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng được cải thiện, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 67,7% dự toán, tăng 28,3% so với cùng kỳ; cả sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, tiêu dùng nội địa, giải ngân vốn đầu tư công… đều tích cực. Trong bối cảnh đó, kinh tế vĩ mô vẫn được giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo… Tất cả đang tạo đà để chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác trong năm nay.
|
Trong nửa đầu năm, không chỉ tăng trưởng GDP, nhiều chỉ số kinh tế vĩ mô khác cũng ghi nhận kết quả tích cực. Ảnh: Đức Thanh |
Nghĩa là, theo Thứ trưởng, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025?
Đúng là nền kinh tế đã đạt được mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm 2025, nhưng cho đến thời điểm này, chúng tôi luôn xác định rằng, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2025 là một thách thức lớn. Để có thể đạt mức tăng trưởng 8% trở lên, 6 tháng cuối năm, chúng ta cần tăng trưởng 8,4-8,5%. Đây là một mức tăng trưởng cao trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Hiện nay, xung đột địa chính trị vẫn đang rất phức tạp. Câu chuyện thuế quan của Mỹ chưa có hồi kết. Hiện thời hạn áp thuế đã được phía Mỹ lùi tới ngày 1/8. Chúng ta cũng đã đạt được những thỏa thuận tích cực về thuế quan với chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy vậy, vẫn phải đợi kết quả cuối cùng mới có thể tính toán được những ảnh hưởng tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vì thế vẫn đang đối diện với những rủi ro không nhỏ. Chưa kể, còn có thể kể đến những thách thức khác, như tiêu dùng tuy tăng trưởng tích cực, nhưng chưa có đột phá, vẫn thấp hơn mục tiêu của cả năm (12%), chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế; đầu tư tư nhân tuy đã dần phục hồi, nhưng chưa vững chắc; các động lực tăng trưởng mới như khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do… đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả…
Mặc dù khó khăn là thế, nhưng tôi cho rằng, tới đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng thông qua việc thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...
Thứ trưởng vừa nhắc đến chuyện thúc đẩy đầu tư công. Năm nay, như một số chuyên gia nói, là chưa bao giờ nguồn lực đầu tư công lại “xông xênh” như vậy. Nhưng quan trọng là, làm sao để thúc đẩy giải ngân để qua đó thúc tăng trưởng, thưa Thứ trưởng?
Đúng là năm nay, nguồn lực dành cho đầu tư công rất lớn. Ngoài con số gần 830.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2025 mà Quốc hội đã quyết nghị từ cuối năm ngoái, chúng ta có thêm phần chuyển nguồn, rồi phần tăng thu ngân sách cũng sẽ được bố trí cho các dự án để thúc đẩy tăng trưởng trên 8%. Do đó, tổng nguồn lực đầu tư công năm nay có thể lên tới gần 1 triệu tỷ đồng. Nếu nguồn lực này được đưa vào giải ngân hết, sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, sau 6 tháng, giải ngân đầu tư công đã đạt trên 268.133 tỷ đồng, đạt 32,46% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm ngoái cả về tỷ lệ (cùng kỳ năm ngoái đạt 28,2%) và số tuyệt đối (cao hơn khoảng 80.000 tỷ đồng - PV). Tỷ lệ giải ngân này là rất tích cực.
Tuy vậy, mục tiêu mà Chính phủ đưa ra trong năm nay là giải ngân 100%, vì vậy, trong nửa cuối năm, chúng ta phải quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân, phấn đấu hết quý III đạt khoảng 55% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Nhưng nói về đầu tư, thì đầu tư công chỉ là một khía cạnh. Quan trọng là làm sao có thể thúc đẩy vốn đầu tư phát triển toàn xã hội. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 10,5% so với cùng kỳ, 6 tháng tăng 9,8%. Nhưng như tôi vừa nói ở trên, đầu tư tư nhân tuy đã dần phục hồi, song chưa vững chắc, cần tập trung thúc đẩy. Việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một cú hích chiến lược.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài. Hiện nay, việc xử lý vướng mắc cho các dự án này đã đạt kết quả bước đầu, nhưng bên cạnh hàng ngàn dự án mà các địa phương đang chủ động xử lý, qua rà soát, vẫn còn 2.887 dự án tồn đọng với tổng giá trị đầu tư hơn 235 tỷ USD. Nguồn lực này được khơi thông sẽ hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của đất nước.
Ở góc độ khác, tôi cho rằng, để thúc đẩy tăng trưởng, chúng ta cũng cần sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện 104/CĐ-TTg về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp chặt chẽ, hài hòa, hiệu quả với chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô khác.
Những năm qua, chính sách tiền tệ và tài khóa đã được điều hành linh hoạt, hiệu quả, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm nay, tôi tin là cả hai chính sách tiền tệ và tài khóa sẽ tiếp tục khẳng định được vai trò của mình.
Năm nay, để thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ lần đầu tiên thực hiện việc “khoán tăng trưởng” cho các địa phương. Việc này đang phát huy hiệu quả, nhưng thưa Thứ trưởng, từ ngày 1/7, các địa phương đã được sắp xếp lại. Vậy việc “khoán tăng trưởng” tới đây sẽ được thực hiện như thế nào?
Năm nay, đúng là có một điểm mới là Chính phủ giao mục tiêu tăng trưởng GRDP cho từng địa phương. Thực hiện nhiệm vụ được giao, các địa phương đã rất nỗ lực và quyết liệt trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng. Kết quả đạt được tôi cho là khả quan. Quý II/2025, có 41 địa phương (trước sáp nhập) đạt mức tăng trưởng cao hơn quý I. Tính chung 6 tháng, có 30 địa phương có mức tăng trưởng GRDP trên 8%, trong đó, một số địa phương tăng trưởng trên 10%. Các địa phương trọng điểm cơ bản đều đạt mức tăng trưởng từ 8% trở lên.
Để thúc đẩy tăng trưởng, cũng như để thực hiện và theo dõi, đánh giá đối với các địa phương sau khi sáp nhập, Bộ Tài chính đã đề xuất và sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng, trình Chính phủ điều chỉnh Nghị quyết số 25/NQ-CP, giao mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2025 cho 34 địa phương sau sáp nhập. Chúng tôi đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ này.
Có thể nói, việc kể từ ngày 1/7, chúng ta “sắp xếp lại giang sơn”, từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 tỉnh, thành phố, đồng thời áp dụng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, mở ra cơ hội to lớn cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của đất nước, của nền kinh tế, bao gồm của cả từng địa phương. Điều này không chỉ góp phần đưa nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trên 8% trong năm nay, mà còn tạo nền tảng cho việc tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tới.
Vậy tới đây, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chúng ta cần tập trung vào những giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?
Tất cả những nhiệm vụ, giải pháp, chúng ta đã đề cập rất nhiều, từ làm mới các động lực truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, rồi cải cách thể chế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô... Điều quan trọng bây giờ là làm sao thực hiện quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả các giải pháp này, bao gồm cả các giải pháp trung và dài hạn, ví như “bộ tứ trụ cột”, 3 đột phá chiến lược...
Cùng với đó, trước mắt, tiếp tục tập trung vào việc đàm phán thuế quan với Mỹ. Và rất quan trọng, theo dõi sát tình hình quốc tế cũng như khu vực để có phản ứng chính sách kịp thời. Ở trong nước, theo dõi sát hoạt động của chính quyền hai cấp, cũng như việc triển khai các quy định về phân cấp, phân quyền, kịp thời tháo gỡ khó khăn, làm sao để không xảy ra gián đoạn về thủ tục hành chính, gián đoạn các hoạt động đầu tư, kinh doanh...
Theo tôi, đó chính là những giải pháp quan trọng cần thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm nay, cũng như để tạo nền tảng cho giai đoạn phát triển tới đây.