Nhiều tín hiệu tích cực

(ĐTCK-online)Diễn biến của thị trường tuần qua tương đối phù hợp với dự báo của chúng tôi. Phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đóng cửa ở mức 905,08 điểm, tăng 17,55 điểm so với tuần trước đó.

Yếu tố cơ bản

Tuần qua, chúng tôi tiếp tục quan sát thấy những tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Lạm phát đã có dấu hiệu chững lại sau khi những nỗ lực quyết liệt và đồng bộ của các cơ quan chức năng. CPI tháng 8 chỉ tăng 0,55%, giảm mạnh so với mức 0,94% của tháng trước. Thu hút FDI vẫn là điểm sáng không thể không nhắc đến khi trong 8 tháng đầu năm, cả nước thu hút đến 8,32 tỷ USD, trong đó công nghiệp là khu vực dẫn thu hút 3,75 tỷ USD, ngành dịch vụ cũng đang theo sát với số vốn 3,2 tỷ USD.

Trở lại tình hình của TTCK, có lẽ sự kiện được nhiều người quan tâm nhất trong tuần là sự nhầm lẫn của Trung tâm Lưu ký chứng khoán trong việc tính lại room của STB ngày 21/8. Có nhiều quan điểm đề cập đến sự trùng hợp rất "ngẫu nhiên" của việc nhầm lẫn trên vào đúng thời điểm nhạy cảm - ngày giao dịch của 235.940.136 cổ phiếu STB được niêm yết bổ sung. Tuy nhiên, chúng tôi lại nhìn nhận sự nhầm lẫn này dưới góc độ tích cực hơn. Rõ ràng, nó cho thấy độ nhạy cảm của sức cầu theo độ mở của room khi ngay lập tức nhà ĐTNN đã mua vào thêm 1.209.380 cổ phiếu STB. Một nhà đầu tư không chuyên cũng dễ dàng nhận thấy, mở room sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường. Tuy nhiên, những thông điệp phát đi gần đây từ UBCK có thể được hiểu rằng, việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà ĐTNN ít có khả năng diễn ra trong tương lai gần.

Chúng tôi tin rằng, tuần này thị trường sẽ dao động trong biên độ 2 - 4% so với mức đóng cửa của tuần qua.

Sàn TP. HCM

Các yếu tố kỹ thuật

Mức hỗ trợ gần nhất của VN-Index được thiết lập tại giá trị 883,9 điểm xác định vào ngày 6/8 vẫn được duy trì. Mức hỗ trợ mới xung quanh 900 điểm được coi là bền vững khi liên tiếp VN-Index chạm đến, nhưng không/chưa thể vượt qua. Đây được coi là một tín hiệu đáng mừng trong ngắn hạn. Trong dài hạn, nếu thị trường tích lũy đủ sức mạnh thì có thể sẽ vượt qua ngưỡng này.

Quan sát diễn biến giao dịch của VN-Index 3 tuần đầu tháng 8 trở lại đây, chúng tôi nhận thấy mô hình tam giác hướng xuống đã hình thành một cách hoàn chỉnh khi các điểm cận dưới bằng nhau và các điểm cận trên ngày càng thấp đi. Quan điểm phân tích kỹ thuật nói lên rằng, chúng ta thường gặp mô hình này trong một thị trường giá xuống và là dấu hiệu cho thấy, thị trường có nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng cũ.

Tuy nhiên, như chúng tôi đã đề cập, dải hỗ trợ quanh mức 900 điểm, đến thời điểm hiện tại, được coi là khá bền vững. Do đó, quan sát mô hình cộng với khối lượng giao dịch trong suốt quá trình hình thành nên mô hình đã cho chúng tôi một cái nhìn tích cực hơn.

Khối lượng giao dịch trong 3 tuần qua có xu hướng tăng lên. Tại thời điểm cuối tuần, giá tăng lên, đồng thời khối lượng giao dịch cũng được coi là đột biến với hơn 7,5 triệu đơn vị giao dịch thành công (trong khi khối lượng giao dịch trung bình của 3 tuần là 4,9 triệu/phiên).

Dựa vào những dấu hiệu như trên, chúng tôi cho rằng, thị trường sẽ có sự tăng trưởng trong tuần này. Tuy nhiên, do khối lượng đạt được được coi là đã khá lớn, nên tất yếu sẽ dẫn đến sự bão hòa. Do vậy, trong tuần có thể sẽ tiếp tục có những phiên điều chỉnh giảm.

 

Các yếu tố thị trường

Tuần giao dịch từ 20-24/8 có 3 phiên giao dịch tăng giá (2 phiên đầu tuần và 1 phiên cuối tuần) và có 2 phiên giảm giá. Giá trị cao nhất của VN-Index tuần qua là 905,08 điểm, đồng thời là giá đóng cửa phiên cuối tuần, thấp nhất là 875,87 điểm - là giá mở cửa đầu tuần. Ngay từ đầu tuần, các TTCK lớn trên thế giới đã bước đầu phục hồi một cách đáng kể nhờ tác động của việc cắt giảm lãi suất chiết khấu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Đồng thời với tin tức này, TTCK Việt Nam khởi sắc với hai phiên tăng điểm đầu tuần, bứt khỏi xu hướng giảm giá kéo dài cả tuần trước đó.

Trong tuần qua, thị trường Việt Nam đón nhận một lượng cung lớn  khi hàng trăm triệu cổ phiếu phát hành thêm được chuyển về tài khoản để giao dịch, như 235 triệu cổ phiếu STB, 30 triệu cổ phiếu PVD, 30 triệu cổ phiếu SJS. Thông thường lượng cung tăng sẽ làm thị trường giảm giá. Tuy nhiên, thị trường vẫn tăng nhẹ là do các cổ phiếu này chuyển về tài khoản để giao dịch chỉ làm tăng tính thanh khoản của món đầu tư đã được trả tiền. Thời điểm thực sự ảnh hưởng đến giá cổ phiếu chính là thời gian chốt danh sách cổ phiếu phát hành thêm. Do vậy, khi cổ phiếu chính thức về tài khoản, ảnh lượng của lượng cung tăng đã giảm đi khá nhiều.

Khối nhà đầu tư nước ngoài đặt mua hơn 7,8 triệu đơn vị, trong khi bán ra 3,4 triệu đơn vị. Như vậy, nhà đầu tư nước ngoài đã tăng mua lên đáng kể. Đây là động thái kích cầu trong ngắn hạn.

 

Khuyến nghị

Chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào những cổ phiếu tốt. Đồng thời, nhà đầu tư nên phân bổ vốn một cách hợp lý cho việc trading và đầu tư dài hạn.

 

Sàn Hà Nội

Đường kháng cự được xác định tại 260 điểm ngày 01/08/2007, đường hỗ trợ được xác định tại điểm 241,92 tại ngày 02/01/2007.

Nhìn vào biều đồ có thể thấy được 3 giai đoạn đi xuống của Ha-Index. Giai đoạn thứ nhất Ha-Index xuống mạnh, các giai đoạn sau Ha-Index xuống chậm dần không có độ dốc như giai đoạn 1.

MỖI TUẦN MỘT THUẬT NGŨ

 Overbought/Oversold

Chỉ số Mua quá nhiều/Bán quá nhiều (Overbought/Oversold) là một chỉ số chỉ độ rộng rãi của thị trường dựa trên sự khác biệt không rõ rệt của tín hiệu tăng trưởng hay suy thoái của thị trường.
lChỉ số Mua/Bán quá nhiều chỉ ra rằng khi thị trường CP đang mua vào quá nhiều (sẽ xuất hiện sự điều chỉnh) hoặc đang bán ra quá nhiều.(sẽ xuất hiện sự hồi phục).
lKhi chỉ số tăng trên mức +200 điểm thông thường đó là tín hiệu của thị trường giá xuống và khi chỉ số giảm xuống dưới mức -200 điểm thường đó sẽ là dấu hiệu của thị trường giá lên. Khi chỉ số Mua/ Bán quá nhiều giảm xuống dưới +200, tín hiệu mua bán ra sẽ được báo hiệu. Tương tự như vậy, tín hiệu mua vào sẽ được đưa ra khi chỉ số này giảm xuống dưới -200.
lChỉ số Mua/Bán quá nhiều (như các chỉ số cùng loại OB/OS) có thể là tín hiệu của sự thay đổi trong kỳ vọng của các nhà đầu tư, tuy nhiên có thể sẽ diễn ra điều chỉnh mang tính kỳ vọng.
Trong bất cứ trường hợp nào, Overbought/Oversold cũng không nên được dùng như là nhân tố duy nhất trong phân tích kỹ thuật.

Tuần qua, xu hướng chính của Ha-Index là đi xuống, đến ngày cuối tuần, Ha-Index tăng nhẹ cắt đường MA (5 ngày) và đi lên thể hiện xu hướng tăng trong ngắn hạn. Hai đường MA đang thu dần khoảng cách với nhau nếu 2 đường MA cắt nhau thì sẽ có xu thế đi lên cho đường Ha-Index. Dải Bollinger chưa có dấu hiệu mở rộng cho thấy sự dao động của đường Ha-Index vẫn còn hạn chế chưa có sự bứt phá.

Khối lượng giao dịch tăng nhẹ so với phiên cuối tuần trước.

 

Các yếu tố thị trường

Những phiên giao dịch đầu tuần thể hiện tính ảm đạm của Ha-Index, tuy nhiên đến 2 phiên cuối tuần, Ha-Index đã có dấu hiệu ấm trở lại với khối lượng chuyển nhượng tăng lên.

Cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất trong tuần qua là BHV 8,73%, tiếp đến là BMI tăng 5,95%. Cổ phiếu giảm nhiều nhất trong tuần SDT giảm 42,06%; thứ hai là MCO giảm 39,08% (hai cổ phiếu này giảm mạnh đều do chia tách cổ phiếu).

Khối lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài trong tuần đạt 862.500 CP, khối lượng bán ra đạt 324.000 CP.

Qua những phân tích kỹ thuật và cơ bản trên chúng tôi nhận định rằng, thị trường Ha-Index tuần sau sẽ có những chuyển biến tốt hơn tuần vừa qua.

 

Khuyến nghị

Hiện tại, các cổ phiếu trên thị trường tăng nhẹ, nhà đầu tư nên mua vào các cổ phiếu có tính thanh khoản cao như ACB, BVS, SSI, NTP để tránh những rủi ro khi giá xuống không bán được.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán Thăng Long và chỉ có giá trị tham khảo.
Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán Thăng Long và chỉ có giá trị tham khảo.

Tin cùng chuyên mục