Nhiều thông tin tích cực thúc đẩy giới đầu tư mua vào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall có phiên tăng khá mạnh trong ngày thứ Sáu (15/7), được thúc đẩy bởi các báo cáo kết quả kinh doanh quý II lạc quan, dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và lo ngại giảm bớt về việc tăng lãi suất mạnh hơn từ Fed.
Nhiều thông tin tích cực thúc đẩy giới đầu tư mua vào

Tất cả ba chỉ số chứng khoán chính đều tăng vững chắc, trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính tăng 3,5%, dẫn đầu thị trường, sau khi Citigroup đưa ra kết quả kinh doanh tốt hơn dự báo, giá cổ phiếu Citigroup tăng hơn 13%.

Ngoài ra, cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo cũng bật tăng mạnh 6,2% dù thông báo lợi nhuận giảm tới 48%, một phần vì phải tăng trích lập dự phòng nợ xấu.

Mùa thu nhập quý II đang diễn ra tốt đẹp, với 35 công ty trong S&P 500 đã báo cáo. Trong số đó, 80% đã vượt qua kỳ vọng của phố Wall.

Các nhà phân tích hiện kỳ ​​vọng tổng lợi nhuận quý II của S&P 500 tăng trưởng 5,6% so với mức ước tính 6,8% hồi đầu quý.

Dữ liệu kinh tế mới được công bố cũng gây bất ngờ với sự tăng trưởng, với doanh số bán lẻ mạnh hơn dự báo, tâm lý người tiêu dùng đi lên, kỳ vọng lạm phát giảm và giá hàng nhập khẩu hạ nhiệt.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, doanh số bán lẻ tháng 6 đạt 680,6 tỷ USD, tăng 1% so với tháng trước đó. Kết quả này khả quan hơn dự báo tăng 0,9% mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra, đồng thời cải thiện đáng kể so với mức giảm 0,1% trong tháng 5.

Trong khi đó, những nhận định từ Chủ tịch Fed khu vực Atlanta, Raphael Bostic, cho thấy rằng ông có thể sẽ không ủng hộ một động thái nâng lãi suất cao hơn con số 0,75%. Ông cảnh báo rằng việc nâng lãi suất quá mạnh tay có thể “làm suy yếu nhiều thứ đang hoạt động tốt”.

Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 0,2%, còn S&P 500 giảm 0,9% và Nasdaq Composite giảm 1,6%.

Kết thúc phiên 15/7, chỉ số Dow Jones tăng 658,09 điểm (+2,15%), lên 31.288,26 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 72,78 điểm (+1,92%), lên 3.863,16 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 201,24 điểm (+1,79%), lên 11.452,42 điểm.

Chứng khoán châu Âu hồi phục nhờ nhóm cổ phiếu các nhà sản xuất ô tô, sau hai ngày chứng kiến ​​các nhà đầu tư vật lộn dự báo Mỹ mạnh tay tăng lãi suất, khủng hoảng chính trị ở Ý và rủi ro suy thoái.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 1,79% lên 413,78 điểm, nhưng vẫn giảm 0,8% trong tuần này, trong bối cảnh lo ngại về sự suy giảm nguồn cung năng lượng do xung đột Nga-Ukraine.

Thị trường chứng khoán Ý tăng 1,8%, thoát khỏi mức thấp nhất trong hai năm rưỡi, khi các nhà đầu tư chờ đợi những diễn biến tiếp theo trong cuộc khủng hoảng chính trị đang bùng phát tại nước này.

Mới đây, Tổng thống Ý Sergio Mattarella đã bác bỏ đơn từ chức của Thủ tướng Mario Draghi vào thứ Năm và yêu cầu ông phát biểu trước quốc hội vào tuần tới.

Ở một diễn biến đáng chú ý khác, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) được cho sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% vào tuần tới, mặc dù các nhà phân tích đã bắt đầu nghi ngờ một khả năng ECB tăng lãi suất 0,5% sau triển vọng xấu đi của đồng euro so với đồng USD thời gian gần đây,

Trong phiên này, cổ phiếu Volkswagen đã tăng 3,5% sau khi đơn vị tại Trung Quốc cố gắng đạt được mục tiêu tăng gấp đôi doanh số bán hàng loạt xe điện ID của mình trong năm nay.

Cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô khác như Mercedes-Benz, Porsche Automobil, Renault tăng từ 4,3% đến 6,9%.

Trái lại, Richemont và Burberry giảm 2,9% và 3,8% sau khi các nhà bán lẻ xa xỉ chịu thiệt hại về doanh số bán hàng do các đợt phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc, làm dấy lên lo ngại về triển vọng thị trường hàng xa xỉ hàng đầu thế giới.

Kết thúc phiên 15/7: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 119,20 điểm (+1,69%), lên 7.159,01 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 345,06 điểm (+2,76%), lên 12.864,72 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 120,59 điểm (+2,04%), lên 6.036,00 điểm.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục