Chứng khoán Mỹ tiếp tục khởi sắc trong phiên thứ Ba nhờ kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp vừa công bố khả quan. Trong đó, Netflix và UnitedHealth đã gây ấn tượng cho các nhà đầu tư và thúc đẩy sự lạc quan về mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018 của các công ty Mỹ.
Một thông tin tích cực nữa là dữ liệu vừa công bố cho thấy, xây dựng gia đình ở Mỹ đã tăng nhiều hơn kỳ vọng vào tháng 3 trong bối cảnh hồi phục trong việc xây dựng các căn hộ gia đình nhiều gia đình.
Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tăng mạnh trong tháng 3 khi thời tiết lạnh làm gia tăng sản lượng và sản xuất các thiết bị ở mỏ.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones tăng 213,59 điểm (+0,87%), lên 24.786,63 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 28,55 điểm (+1,07%), lên 2.706,39 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 124,81 điểm (+1,74%), lên 7.281,10 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng tăng trở lại trong phiên thứ Ba do căng thẳng Nga - Mỹ giảm bớt khi ông Trump hoãn áp dụng lệnh trừng phạt bổ sung với Nga liên quan đến vấn đề Syria. Ngoài ra, cuộc không kích Syria của Mỹ, Anh, Pháp cũng chỉ là cuộc không kích 1 lần, không kéo dài, nên không gây lây lan xung đột.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 27,85 điểm (+0,39%), lên 7.226,05 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 194,16 điểm (+1,57%), lên 12.585,57 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 40,59 điểm (+0,76%), lên 5.353,54 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, diễn biến trái chiều vẫn tiếp tục diễn ra như 2 phiên trước đó khi sắc xanh nhạt xuất hiện trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, còn chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc tiếp tục giảm mạnh (riêng chứng khoán Hồng Kông giảm phiên thứ 4 liên tiếp) do những lo ngại về sức khỏe nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, cũng như chịu tác động xấu từ đợt bán tháo nhóm cổ phiếu công nghệ sau những thông tin liên quan đến nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE.
Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 12,06 điểm (+0,05%), lên 21.847,59 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 252,23 điểm (-0,83%), xuống 30.063,36 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 43,85 điểm (-1,41%), xuống 3.066,80 điểm.
Với việc chứng khoán khởi sắc, giá vàng không có chỗ bấu víu, nên chỉ lình xình trong biên độ hẹp và đóng cửa gần như không đổi so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên 17/4, giá vàng giao ngay tăng 1,7 USD/ounce (+0,13%), lên 1.347,20 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 1,2 USD/ounce (-0,09%), xuống 1.349,5 USD/ounce.
Trong khi đó, sau phiên giảm mạnh trước đó, giá dầu thô đã hồi phục nhẹ trở lại trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư lo ngại về gián đoạn nguồn cung.
Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,30 USD (+0,45%), lên 66,52 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,16 USD (+0,22%), lên 71,58 USD/thùng.