Mở cửa với sắc xanh, nhưng phố Wall sau đó đã quay đầu điều chỉnh do ảnh hưởng từ đà giảm của nhóm cổ phiếu sau kết quả kinh doanh quý I/2018 đáng thất vọng của một số tập đoàn vừa công bố. Đây cũng là những tập đoàn mở đầu cho mùa công bố kết quả kinh doanh quý I/2018 của các doanh nghiệp niêm yết trên phố Wall. Ngoài ra, cuộc xung đột tại Syria cũng khiến giới đầu tư lo lắng.
Cụ thể, cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 2,7% sau khi ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét về tài sản công bố lợi nhuận giảm nhẹ so với kỳ vọng. Đây là cổ phiếu lớn nhất của S&P 500.
Một cổ phiếu ngân hàng khác là Wells Fargo giảm 3,4% sau khi ngân hàng này cho biết, có thể phải trả một khoản phạt 1 tỷ USD để giải quyết các cuộc điều tra. Tương tự, cổ phiếu của Citigroup cũng mất 1,6%.
Giới đầu tư cũng lo lắng về cuộc chiến tại Syria khi trong ngày thứ Sáu, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, đã có bằng chứng cho thấy Syria tiến hành cuộc tấn công vũ khí hóa học ở thị trấn Douma (lo lắng này đã thành hiện thực khi rạng sáng ngày thứ Bảy theo giờ Syria, Mỹ, Anh và Pháp đã tấn công tên lửa vào Syria).
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Dow Jones giảm 122,91 điểm (-0,50%), xuống 24.360,14 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 7,69 điểm (-0,29%), xuống 2.656,30 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 33,60 điểm (-0,47%), xuống 7.106,65 điểm.
Sau khi điều chỉnh tuần trước do lo ngại cuộc chiến thượng mại, phố Wall đã lấy lại đà tăng trong tuần qua nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu công nghệ, dù điều chỉnh phiên cuối tuần. Cụ thể, trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 1,79%, chỉ số S&P 500 tăng 1,99%, chỉ số Nasdaq tăng 2,77%.
Trong khi đó, bất chấp phố Wall điều chỉnh do kết quả kinh doanh thất vọng của các tập đoàn tài chính, chứng khoán châu Âu vẫn đóng cửa tuần với sắc xanh khi giới đầu tư lạc quan vào thương mại toàn cầu khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Mỹ có thể xem xét để gia nhập lại TPP.
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 6,22 điểm (+0,09%), lên 7.264,56 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 27,39 điểm (+0,22%), lên 12.442,40 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 5,80 điểm (+0,11%), lên 5.315,02 điểm.
Chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần tăng tốt. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,13% trong tuần qua, chỉ số DAX tăng 1,64% và chỉ số CAC 40 tăng 1,08%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, các chỉ số chính của khu vực lại có sự trái chiều trong phiên cuối tuần. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm khi giới đầu tư lạc quan về thương mại toàn cầu và ông Trump cho rằng, cuộc tấn công quân sự vào Syria sẽ không ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư.
Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông giảm điểm do tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong tháng 3.
Kết thúc phiên 13/4, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 118,46 điểm (+0,55%), lên 21.778,74 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 22,90 điểm (-0,07%), xuống 30.808,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 21,11 điểm (-0,66%), xuống 3.159,05 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tiếp tục tăng 0,98%, chỉ số Hang Seng đảo chiều tăng mạnh 3,23% sau khi giảm 0,83% tuần trước và chỉ số Shanghai Composite cũng đảo chiều tăng 0,89% sau khi giảm 1,19% tuần trước.
Trong khi đó, lo ngại về căng thẳng ở Syria giúp giá vàng lấy lại đà tăng mạnh trong phiên cuối tuần và qua đó có được tuần tăng thứ 2 liên tiếp.
Kết thúc phiên 13/4, giá vàng giao ngay tăng 11,1 USD/ounce (+0,83%), lên 1.345,4 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 tăng 6,2 USD/ounce (+0,46%), lên 1.344,6 USD/ounce.
Dù có những phiên trồi sụt do chứng khoán khởi sắc và nỗi lo chiến tranh thương mại giảm bớt, nhưng giá vàng tiếp tục có tuần tăng với mức tăng tốt hơn tuần trước đó. Cụ thể, trong tuần qua, giá vàng tăng lần lượt 0,90% và 0,93% sau khi tăng 0,63% và 0,54% tuần trước đó.
Với nỗi lo chiến tranh Syria, giới phân tích và đầu tư tiếp tục đều có cái nhìn tích cực về giá vàng trong tuần này.
Cụ thể, trong 16 chuyên gia trả lời tuần này, có 11 người, chiếm 69% dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, cao hơn nhiều so với mức 57% của tuần trước; chỉ 3 người dự báo giảm, chiếm 19%, nhỉnh hơn so với mức 14% của tuần trước và 2 người còn lại dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 13%.
Tương tự, trong 2.142 lượt người tham gia khảo sát trực tuyến (gấp hơn 3 lần so với tuần trước đó), có 1.764 người, chiếm 82% dự báo giá vàng sẽ tăng, cao hơn rất nhiều so với con số 47% của tuần trước đó; chỉ 267 lượt người, chiếm 12% dự báo giảm, thấp hơn nhiều so với mức 37% của tuần trước đó và 111 lượt người, chiếm 5% có quan điểm trung tính.
Tương tự, căng thẳng gia tăng tại Syria (sau đó Mỹ và đồng minh đã chính thức tấn công tên lửa vào cuộc gia này vào rạng sáng ngày thứ Bảy theo giờ Syria) cũng giúp giá dầu tô tiếp tục tăng trong phiên cuối tuần và có tuần tăng mạnh.
Kết thúc phiên 13/4, giá dầu thô Mỹ tăng 0,32 USD (+0,47%), lên 67,39 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,56 USD (+0,77%), lên 72,58 USD/thùng.
Sau tuần giảm hơn 4% trong tuần trước đó do thông tin sản lượng khai thác của Nga tăng, giá dầu thô đã bật tăng mạnh trở lại trong tuần qua do cuộc khủng hoảng Syria. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 8,59% và giá dầu thô Brent cũng tăng 8,15%.