Nhiều sức ép với giá dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu tuần qua biến động khá mạnh, nhưng tăng giảm đan xen nên chưa phá vỡ xu hướng đi ngang ở vùng thấp. Áp lực vĩ mô từ các nền kinh tế lớn vẫn đang là yếu tố chính gây sức ép lên thị trường dầu thô.
Giá dầu đang ở vùng đáy, nhưng không dễ tăng trở lại Giá dầu đang ở vùng đáy, nhưng không dễ tăng trở lại

Ngày 29/6/2023, giá dầu Brent giao sau là 74,34 USD/thùng, còn giá dầu WTI của Mỹ là 69,86 USD/thùng. Giá dầu ở mức thấp, nhưng xu hướng thời gian tới vẫn khó đoán định.

Ông Dennis Kissler, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách giao dịch của BOK Financial nhận xét: “Các nhà giao dịch dầu thô vẫn bị giằng xé giữa lãi suất tăng với lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu do nhu cầu đi lại tăng cao và nguồn cung dầu bị thu hẹp”.

Về nguồn cung, trong tháng 7/2023, Saudi Arabia sẽ cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng dầu/ngày, nhưng tác động của việc này có thể bị hạn chế bởi nguồn cung dồi dào từ một số khu vực khác.

Theo các chuyên gia phân tích tại Reuters, xuất khẩu dầu diesel của Trung Quốc đang trên đà tăng, trong tháng 7/2023 có thể đạt từ 800.000 tấn trở lên, cao hơn dự báo hồi tháng 6 là 500.000 - 637.000 tấn.

Trung Quốc tăng xuất khẩu dầu diesel phản ánh nhu cầu tiêu thụ nội địa còn yếu, trong khi nguồn cung dầu thô cho hoạt động lọc dầu vẫn ổn định.

Về phía cầu, nhu cầu dầu được dự báo sẽ gia tăng. Hiệp hội Ô tô Mỹ ước tính, 43 triệu người dân Mỹ sẽ lái xe 50 dặm trở lên vào kỳ nghỉ Lễ Độc lập ngày 4/7/2023, cao hơn 4% so với cùng kỳ năm 2019. Kỳ vọng tiêu thụ dầu khởi sắc trong mùa di chuyển cao điểm nhiều khả năng sẽ kéo giảm lượng tồn kho.

Các nhà phân tích của Ngân hàng JP Morgan cho biết, nhu cầu xăng toàn cầu hiện tăng 365.000 thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái, một phần do nhu cầu tiêu thụ xăng tăng mạnh của Mỹ, nâng mức tiêu thụ lên 9,4 triệu thùng/ngày trong tuần kết thúc ngày 17/6/2023, mức cao nhất trong 8 tuần.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 23/6/2023 giảm 9,6 triệu thùng, vượt xa mức giảm 1,8 triệu thùng mà các nhà phân tích dự báo trong cuộc thăm dò của Reuters và lớn hơn nhiều so với mức giảm 2,8 triệu thùng cùng kỳ năm ngoái cũng như mức giảm trung bình trong giai đoạn 2018 - 2022.

Ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group nhận xét, các con số này ngược với những gì mà nhiều người cho rằng thị trường dầu đang dư cung. Giá dầu hiện nay có thể đang ở vùng đáy.

Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn lo ngại, việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục tăng lãi suất có thể làm kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, qua đó giảm nhu cầu về dầu.

Trở lại với Trung Quốc, các nhà đầu tư hướng sự chú ý vào bài phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới vừa được tổ chức ở Thiên Tân. Trong đó, ông Lý Cường đã đưa ra một kịch bản khá lạc quan cho nền kinh tế Trung Quốc trong năm nay và tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng (khoảng 5%/năm), với kế hoạch triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Dù vậy, đây chỉ là hứa hẹn thực hiện các biện pháp, chưa có kế hoạch chi tiết nên chưa thuyết phục giới đầu tư. Vì thế, nhu cầu về dầu trong ngắn hạn không dễ tăng, nhất là khi người dân đang dần chuyển đổi phương tiện giao thông từ xe chạy xăng sang xe điện.

Các quan điểm trái chiều về bức tranh tiêu thụ cũng đến từ vùng Trung Đông, khiến giá dầu khó bứt phá. Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất của Saudi Arabia nhận định, các yếu tố cơ bản của thị trường vẫn sẽ ổn định trong nửa cuối năm nay. Nhu cầu từ các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ sẽ bù đắp sự suy giảm tại các thị trường phát triển.

Ngược lại, giám đốc điều hành của không ít tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới phát biểu tại Hội nghị Năng lượng châu Á diễn ra ở Kuala Lumpur từ ngày 26 - 28/6/2023 rằng, nhu cầu xăng dầu và hoá dầu chậm lại trong quý II/2023 và công suất nhà máy lọc dầu ngày càng tăng đang gây áp lực cho thị trường.

Linh Hương
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục