Trong báo cáo cập nhật vào cuối ngày 11/6, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã hạ triển vọng giá dầu Brent giao tháng 12/2023 về mức 86 USD/thùng, giảm gần 10% so với mốc 95 USD/thùng. Đồng thời, dự đoán giá dầu WTI giao tháng 12 cũng giảm mức tương tự, từ 89 USD/thùng xuống còn 81 USD.
Dự báo trên là lần điều chỉnh giảm thứ ba của Goldman Sachs trong 6 tháng qua. Lần điều chỉnh này trở nên đặc biệt bởi nó được đưa ra sau khi Saudi Arabia, thành viên chủ chốt của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), tuyên bố cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng mỗi ngày từ tháng 7 tới.
Trong khi đó, OPEC đã không đưa ra bất kỳ thay đổi nào đối với việc cắt giảm sản lượng trong thời gian còn lại của năm 2023.
Còn với năm 2024, OPEC và các đồng minh (gọi chung là OPEC+) đã nhất trí điều chỉnh sản lượng khai thác giảm về mức 40,46 triệu thùng/ngày trong cả năm.
"Nguồn cung dồi dào từ Iran và Nga đã đẩy vị thế đầu cơ xuống gần mức thấp kỷ lục", nhóm phân tích của Goldman Sachs do Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu Jeffrey Currie dẫn đầu nêu trong báo cáo cập nhật.
Theo tạp chí Neftegazovaya Vertikal, hoạt động sản xuất dầu mỏ của Nga vẫn duy trì vững vàng bất luận các lệnh trừng phạt của phương Tây.
"Sau khi thời gian ban đầu giảm mạnh 1,5 triệu thùng mỗi ngày, nguồn cung dầu mỏ Nga gần như đã phục hồi hoàn toàn mặc dù nhiều công ty đã quyết định ngừng mua dầu mỏ của nước này", Goldman Sachs cho biết.
Trước đó, hãng thông tấn Nga TASS dẫn lời Phó thủ tướng nước này Alexander Novak cho biết Moscow sẽ gia hạn quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện ở mức 500.000 thùng/ngày cho đến cuối tháng 12/2024 như một biện pháp phòng ngừa, với sự phối hợp cùng các nước tham gia thỏa thuận của liên minh OPEC+ về việc cắt giảm tự nguyện được công bố vào tháng 4 vừa qua.
Còn Goldman Sachs điều chỉnh tăng đối với dự báo nguồn cung dầu mỏ từ các quốc gia đang đối mặt lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo đó, Goldman Sachs "nâng dự báo sản lượng năm 2024 của Nga, Iran và Venezuela thêm lần lượt là 0,4/0,35/0,05 triệu thùng/ngày".
Mặc dù thông tin về thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Mỹ và Iran vừa bị Nhà Trắng khẳng định là "sai sự thật", nhưng giới quan sát thị trường vẫn kỳ vọng nếu hai bên đạt được thỏa thuận, có thể giúp xuất khẩu dầu thô tăng thêm ít nhất 1 triệu thùng/ngày.
"Hy vọng Mỹ và Iran đạt thỏa thuận là một chuyện. Còn việc đảm bảo một thỏa thuận nhiều tầng, phức tạp như vậy được thông qua nhanh chóng và không vấp phải các rào cản lại là chuyện hoàn toàn khác", ông Vishnu Varathan, nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Mizuho, nhận định.
Phía Goldman Sachs cho rằng việc cắt giảm sản lượng bổ sung từ Saudi Arabia khó có thể đẩy giá dầu đi lên trong thời gian tới, ngay cả khi sản lượng của quốc gia này giảm còn 9 triệu thùng/ngày, so với mức trung bình khoảng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 5.
"Việc cắt giảm thêm của Saudi Arabia và kỳ vọng của chúng tôi về việc OPEC+ sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng khoảng một nửa mức tự nguyện công bố hồi tháng 4/2023 sang năm 2024, có thể sẽ chỉ bù đắp một phần cho những cú sốc giảm giá", Goldman Sachs đánh giá.
Trên thị trường, dầu thô Brent giao kỳ hạn đã giảm 1,07% trong phiên giao dịch sáng 12/6, xuống còn 73,99 USD/thùng. Tương tự, dầu thô WTI giao kỳ hạn cũng trượt giá hơn 1% về mức 69,43 USD.