Nhiều start-up đang rơi vào “bẫy gọi vốn”

0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh huy động vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà sáng lập có thể cân nhắc những phương thức huy động vốn khả thi như vay tài chính, gọi vốn cộng đồng, tham gia các cuộc thi…
Nhiều start-up đang rơi vào “bẫy gọi vốn”

Tận dụng các nhà đầu tư sẵn có

Covid-19 gây ra nhiều khó khăn cho start-up trong quá trình huy động vốn, khi không thể gặp nhà đầu tư trực tiếp. Lần đầu gặp qua Zoom, start-up cũng khó diễn đạt về thế mạnh của công ty, cũng như thuyết phục nhà đầu tư đặt niềm tin vào dự án.

Quan sát hệ sinh thái khởi nghiệp trong giai đoạn hiện nay, bà Lê Hoàng Uyên Vy, đồng sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Do Ventures nhận thấy, nhiều start-up đang rơi vào “bẫy gọi vốn”. Ở các vòng gọi vốn trước, họ được định giá cao, gọi được số tiền lớn, nhưng quá trình tiêu tiền không hiệu quả, KPI chưa đạt. Vì vậy, bà Vy thường tư vấn cho các start-up phương pháp huy động vốn linh hoạt bằng cách vay và đưa ra KPI rõ ràng với nhà đầu tư hiện hữu.

“Trong cách này, start-up cần tính toán kỹ để đưa ra mức vay và quyền mua chuyển đổi sao cho phù hợp với từng bậc KPI, mà mức định giá không bị giảm so với vòng huy động trước đó”, bà Vy Lê chia sẻ.

Theo bà Vy, trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, start-up càng cần gia tăng mối quan hệ với những nhà đầu tư từng quen biết. Các quỹ đầu tư nội địa có mức độ am hiểu nhất định về thị trường Việt Nam cũng có thể dễ dàng đồng hành và thấu hiểu với những thách thức mà start-up đang phải giải quyết.

Ngoài ra, các nhà sáng lập có thể thuyết phục nhà đầu tư đã rót vốn vào công ty, vì khả năng họ tiếp tục xuống tiền sẽ cao hơn so với nhà tư mới. Bà Vy còn gợi ý một hình thức huy động vốn khác là vay ngân hàng, bởi gần đây, một số tổ chức tài chính đã sáng tạo nhiều sản phẩm để phục vụ nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về phía ngân hàng, ông Đỗ Hoài Nam, Giám đốc phát triển kinh doanh mảng khách hàng doanh nghiệp tại Ngân hàng VIB cho rằng, ngân hàng luôn muốn cung ứng vốn cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, đặc biệt là start-up khi họ là người tiên phong trong lĩnh vực đột phá. “VIB luôn ưu tiên doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và không ngại doanh nghiệp trong lĩnh vực mới”, ông Nam chia sẻ.

Nhà sáng lập phải tự tái cấu trúc để tồn tại

Ngoài các hình thức gọi vốn nêu trên, theo các quỹ đầu tư, start-up có thể linh động sử dụng hình thức gọi vốn cộng đồng, tham gia các cuộc thi cho cộng đồng khởi nghiệp với giá trị giải thưởng từ 10.000 đến 1 triệu USD. Bằng cách này, các start-up có thể thi thố, rèn luyện khả năng, xuất hiện nhiều với các nhà đầu tư, có nguồn tiền cho công ty. Đây là hình thức tiếp thị tốt trong mùa dịch và là một cách gia tăng điểm cộng cho doanh nghiệp chưa có nhiều dữ liệu về dòng tiền, giao dịch… khi trình bày với các nhà đầu tư.

Đặc biệt, hiện một số start-up có ứng dụng công nghệ blockchain trong sản phẩm, nên đã tìm đến kênh huy động vốn blockchain. Khi gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, start-up cần có sản phẩm, demo sản phẩm hoặc đã thương mại hoá sản phẩm/dịch vụ. Trong khi đó, qua blockchain, nhiều công ty gọi vốn chỉ bằng ý tưởng.

“Nếu nhà đầu tư đã tin tưởng, thì ngay lập tức họ có thể chuyển khoản vào ví của nhà sáng lập. Ngoài ra, trong quỹ đầu tư mạo hiểm, thì vòng gọi vốn thường được dẫn dắt bởi một quỹ chính và một vài nhà đầu tư song hành. Còn với hình thức gọi vốn blockchain, thường có sự tham gia của 20-100 đơn vị”, bà Vy Lê so sánh.

Trong giai đoạn khó khăn, một số start-up hoạt động trong các lĩnh vực chịu tác động trực tiếp từ đại dịch như du lịch, bán lẻ… đã nhanh nhạy tái cấu trúc, cắt giảm chi phí và cố gắng tìm nguồn doanh thu mới. Điều này được các quỹ đầu tư đánh giá cao.

Thị Hồng
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục