Đây là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy sự thiếu minh bạch trong hoạt động của thị trường bất động sản tại Hà Nội, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các nhà đầu tư.
Sau gần 3 năm Thông tư số 13/2008/TT-BXD về bắt buộc giao dịch BĐS qua sàn có hiệu lực, đến nay cả nước có hơn 700 sàn giao dịch BĐS. Tuy nhiên, không ít sàn giao dịch sau khi được thành lập hoạt động kém hiệu quả và rất lộn xộn.
Ông Nguyễn Hùng Cường, Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, việc thành lập các sàn BĐS thời gian qua nở rộ theo diện rộng và chỉ chú ý đến số lượng nhằm nhanh chóng đáp ứng được yêu cầu của Luật Kinh doanh BĐS, còn chất lượng của các sàn chưa được chú ý. Theo ông Cường, quy định đưa giao dịch BĐS qua sàn là hợp lý, bản thân các sàn giao dịch có đủ các chức năng, có điều kiện thu thập thông tin tốt nhất nên người mua không cần phải qua các trung tâm môi giới. Điều này mang lại lợi ích rất lớn cho người có nhu cầu. Nhưng tại sao hoạt động chưa đạt hiệu quả như mong muốn, đó là vấn đề phải xem xét một cách nghiêm túc.
Trở lại câu chuyện Dự án Chung cư mini Petromanning, lãnh đạo Sàn giao dịch BĐS Hà Thành thừa nhận với báo giới không có bất cứ một thỏa thuận, cam kết hay hợp đồng hợp tác nào trong việc ủy quyền, nhượng quyền mua bán căn hộ trên với chủ dự án Petromanning. Việc Sàn giao dịch BĐS Hà Thành rao bán căn hộ chung cư này chỉ vì "nghe nói" có một dự án như thế, việc rao bán không bắt nguồn từ bất kỳ quan hệ nào với chủ đầu tư hoặc các cá nhân liên quan.
Cách làm của Sàn giao dịch BĐS Hà Thành không phải là duy nhất. Phản ánh của nhiều "cò" nhà đất tại Hà Nội cho thấy, để có được quan hệ với chủ đầu tư không phải chuyện dễ. Việc "nghe nói" rồi cứ thế "đăng báo" nhận tiền của khách và tìm cách "ôm hàng" sau dễ hơn nhiều. Cách làm đó không xa lạ gì với hầu hết các trung tâm môi giới nhà đất, kể cả một số sàn BĐS. .
Việc các sàn BĐS sai phạm, theo các chuyên gia là do quy định thành lập sàn thì có nhưng lại thiếu chế tài xử phạt, cũng như chưa rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, thông tin từ phía cơ quan quản lý cũng chưa minh bạch.
Đơn cử, nhằm tránh việc doanh nghiệp lách luật trong huy động vốn bằng các hợp đồng vay vốn, góp vốn, phát hành trái phiếu công trình kèm quyền mua BĐS, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP (có hiệu lực từ 8/8/2010) của Chính phủ và Thông tư số 16 của Bộ Xây dựng (hướng dẫn Nghị định 71) đã quy định, chỉ cho phép giao dịch không qua sàn 20% số lượng nhà ở trong mỗi dự án; đồng thời phải có báo cáo gửi Sở Xây dựng mới hợp lệ. Tháng 4/2011, Báo Đầu tư có công văn gửi Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị cung cấp danh sách các dự án có báo cáo việc huy động vốn 20% trên địa bàn, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm.
Cuối năm 2010, Bộ Xây dựng đã ra quyết định thành lập đoàn thanh tra tại hơn 100 sàn giao dịch BĐS tại Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, thông tin về việc xử lý sai phạm tại các sàn này hết sức "khiêm tốn". Theo tìm hiểu của ĐTCK, sau nhiều lần điều chỉnh, mức độ xử phạt cũng như số lượng sàn bị xử phạt đã thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu.
Các quyết định xử phạt cũng không được thông báo công khai trên website của Bộ Xây dựng.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh công khai hoá trong hoạt động kinh doanh BĐS thông qua hệ thống thông tin được quy định cụ thể, chuẩn hoá các điều kiện tiếp cận thị trường BĐS để các doanh nghiệp kinh doanh BĐS, cũng như những nhà đầu tư BĐS được tiếp cận thông tin một cách bình đẳng, công khai, minh bạch. Trách nhiệm này thuộc về các cơ quan chức năng của ngành xây dựng ở cả cấp Trung ương và địa phương.