Nhiều rủi ro xuất hiện khiến giới đầu tư bất an

(ĐTCK) Vấn đề ngân sách của Italia, căng thẳng tiềm ẩn giữa 2 đồng minh Mỹ và Ả Rập Xê út, cùng cuộc chiến thương mại khiến giới đầu tư bất an và lãi suất tăng, đẩy mạnh bán ra trong phiên thứ Năm.
Ảnh AFP Ảnh AFP

Chứng khoán Mỹ mở cửa lình xình sát dưới tham chiếu trong phiên thứ Năm, nhưng đồng loạt giảm mạnh sau khi Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng ngân sách năm 2019 của Italia vi phạm các quy định của Liên minh châu Âu (EU).

Chứng khoán Mỹ giảm sâu hơn nữa sau khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin rút khỏi một hội nghị nhà đầu tư tại Ả Rập Xê út khi Nhà Trắng chờ kết quả điều tra về sự biến mất của nhà báo Saudi Jamal Khashoggi.

Quyết định của Mnuchin đã làm dấy lên những lo ngại về căng thẳng tiềm ẩn trong quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê út, đặc biệt là nếu các nhà lãnh đạo Ả Rập Xê út bị phát hiện có liên quan đến sự biến mất của Khashoggi. Các nhà đầu tư lo ngại rằng nếu Ả Rập Xê út bị trừng phạt, họ có thể hạn chế cung cấp dầu và khiến giá năng lượng tăng, gây cú sốc với kinh tế toàn câu giống như năm 1973.

Một rủi ro nữa cũng kích thích giới đầu tư bán mạnh ra trong phiên thứ Năm là cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang có dấu hiệu leo thang thêm khi Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi Liên minh bưu chính thế giới (UPU), một động thái nữa mà giới quan sát cho rằng nhằm vào Trung Quốc.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones giảm 327,23 điểm (-1,27%), xuống 25.379,45 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 40,43 điểm (-1,44%), xuống 2.768,78 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 157,56 điểm (-2,06%), xuống 7.485,14 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt quay đầu giảm điểm vào những phút cuối phiên sau khi EC cho rằng, kế hoạch ngân sách năm 2019 của Italia vi phạm các quy định của EU. Ngoài ra, lo ngại về việc lãi suất tăng cũng khiến nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán châu Âu không dám mạo với chứng khoán.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 27,61 điểm (-0,39%), xuống 7.026,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 125,82 điểm (-1,07%), xuống 11.589,21 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 28,15 điểm (-0,55%), xuống 5.116,79 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản quay đầu giảm điểm sau 2 phiên hồi phục sau khi dữ liệu vừa công bố cho thấy, xuất khẩu của nước này trong tháng 9 bất ngờ giảm 1,2% so với cùng kỳ, trong khi tháng trước tăng 6,6%. Đây cũng là tháng sụt giảm đầu tiên về xuất khẩu của Nhật Bản kể từ tháng 11/2016.

Chứng khoán Trung Quốc thậm chí còn bị bán tháo xuống mức thấp nhất 4 năm do nỗi lo về cuộc chiến thương mại với Mỹ gia tăng sau những động thái mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông gần như không đổi sau khi giao dịch trở lại sau phiên nghỉ lễ Cửu trùng hôm thứ Tư.

Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 182,96 điểm (-0,8%), xuống 22.658,16 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 75,20 điểm (-2,94%), xuống 2.486,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 7,71 điểm (-0,03%), xuống 25.454,55 điểm.

Giá vàng hồi phục trở lại sau khi hàng loạt rủi ro xuất hiện khiến chứng khoán giảm mạnh trong phiên thứ Năm. Tuy nhiên, đà tăng của giá kim loại quý bị hãm lại vào cuối phiên do đồng USD tăng cao.

Kết thúc phiên 18/10, giá vàng giao ngay tăng 3,4 USD (+0,28%), lên 1.225,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 tăng 2,7 USD/ounce (+0,22%), lên 1.230,1 USD/ounce.

Trên thị trường dầu mỏ, giá dầu thô tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi dữ liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh được công bố hôm thứ Tư.

Kết thúc phiên 18/10, giá dầu thô Mỹ giảm 2,17 USD (-3,11%), xuống 69,75 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,36 USD (-1,70%), xuống 80,05 USD/thùng.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục