Triển khai nhiều giải pháp đảm bảo cung cấp nước sạch cho dân
Sáng 4/6, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cho biết, với việc gia tăng tình trạng hạn hán, suy thoái, cạn kiệt, xâm nhập mặn ở Việt Nam, vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt, đặc biệt là vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo là thách thức lớn.
Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt trong thời gian tới.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định, Việt Nam là một trong 6 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề về biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến chúng ta, trong đó có nguồn nước. Để đảm bảo an ninh nguồn nước, Bộ trưởng cho rằng đầu tiên chúng ta phải đảm bảo được nguồn nước nội sinh. Theo đó, phải tiếp tục bảo vệ rừng, trồng thêm rừng và sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) nêu quan điểm, đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023. Để đảm bảo chủ động tích trữ, điều hoà, phân phối nguồn nước nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào?
Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) |
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi để tích trữ nước. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang rà soát những nơi có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập, hồ thủy lợi. Việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Ngoài ra, việc kêu gọi các doanh nghiệp xây dựng các hồ thủy lợi, hồ đập cũng phải gắn với đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, không ảnh hưởng đến rừng, hệ sinh thái...
Ở khu vực miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên, chúng ta xây dựng các hồ đập và các hồ thủy điện, các hồ thủy điện kết hợp với hồ thủy lợi. Trong Luật Tài nguyên và Môi trường cũng có quy định quản lý ở lưu vực sông cũng như đảm bảo được việc tích trữ nước và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu ý kiến tranh luận rằng, hiện nay, quy hoạch vùng ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có xây dựng những hồ chứa nước ngọt với diện tích rất lớn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp của Bộ trưởng trong việc thực hiện để người dân Đồng bằng sông Cửu Long yên tâm có nước ngọt.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) |
Trả lời, Bộ trưởng cho biết, năm nay có hiện tượng El Nino, nên tình trạng thiếu nước chỉ là thiếu cục bộ ở khu vực. Tỉnh Tiền Giang và một số tỉnh đã chủ động cung cấp nước bù cho người dân, có hàng trăm điểm lấy nước công cộng cho người dân.
Tuy nhiên, các nhà máy nước và các hồ chưa đảm bảo cung cấp nước, ứng phó với hạn hán, nên cần phải điều chuyển nước từ nơi khác về. Đây là vấn đề cần được tính toán, quan tâm trong thời gian tới.
Bộ sẽ cùng với các bộ, ngành liên quan có dự báo, tính toán, đảm bảo nguồn nước; đồng thời tuyên truyền người dân chủ động tích trữ nguồn nước; tiếp tục nâng cấp các nhà máy nước, đảm bảo cung cấp nước cho Nhân dân.
Hoàn thiện pháp lý, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý tài nguyên nước
Cũng quan tâm đến vấn đề quản lý và khai thác hiệu quả tài nguyên nước, đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) cho biết, theo Quyết định số 19/QĐ-TTg (08/01/2024) của Thủ tướng Chính phủ về ban hành danh mục và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Luật Tài nguyên nước 2023 có 28 nội dung giao cho Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết.
"Đề nghị Bộ trưởng cho biết tình hình xây dựng văn bản quy định chi tiết thi hành Luật nhằm có hiệu lực đầy đủ, tránh tình trạng Luật chờ văn bản hướng dẫn và kế hoạch triển khai trong thời gian tới như thế nào?", bà An nói.
Đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) |
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) nêu, một trong những điểm mới của Luật Tài nguyên nước 2023 là chính sách về hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa công tác quản lý tài nguyên nước hướng tới quản trị tài nguyên nước quốc gia trên nền tảng công nghệ số, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực trong công tác quản lý tài nguyên nước. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp triển khai chính sách này trong thực tiễn như thế nào?
Trả lời hai câu hỏi này, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, ngày 16/5 vừa qua, hai nghị định hướng dẫn thi hành luật đã được Chính phủ ban hành.
Cũng trong ngày 16/5, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 thông tư quy định chi tiết thi hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc kiểm tra việc chấp hành Luật Tài nguyên nước; quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước.
"Như vậy, 28 nội dung do Chính phủ và Bộ Tài nguyên quy định chi tiết trong Luật đã được quy định chi tiết trong 2 Nghị định và 3 thông tư để đảm bảo tiến độ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2024", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh trả lời chất vấn sáng 4/6 |
Về chất vấn hiện đại hóa và công nghệ số đối với hệ thống quản lý điều hòa, phân phối nguồn nước, Bộ trưởng khẳng định, việc đảm bảo quản lý nguồn nước rộng khắp cả nước, chắc chắn phải sử dụng hệ thống công nghệ thông tin, quan sát giám sát.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai hệ thống giám sát, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Trung ương, hiện có 850 tổ chức, cá nhân đã kết nối quyền số liệu hệ thống giám sát với Bộ.
Thời gian tới, Bộ tiếp tục nâng cấp hệ thống phân tích, đánh giá, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, thuật toán đám mây, phân tích, đánh giá sau đó tổng hợp và tham mưu trong công tác quản lý nhà nước.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư hệ thống giám sát, quan trắc, kết nối với hệ thống của quốc gia, đảm bảo an ninh nguồn nước.
Hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước còn thấp
Trước đó, trong Báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, hiệu quả khai thác, sử dụng nguồn nước của Việt Nam còn thấp.
Nguyên nhân vì, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài (chiếm 60% tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm) và phân bố không đều theo không gian và thời gian; mùa cạn kéo dài 7 - 9 tháng, rừng đầu nguồn bị suy giảm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn sinh thủy trên các lưu vực sông. Ngoài ra, tác động của biến đổi khí hậu đã tác động mạnh mẽ đến tài nguyên nước của chúng ta.
Trong khi đó, áp lực phát triển kinh tế - xã hội làm cho nhu cầu nước của Việt Nam tăng nhanh chóng. Bình quân trong vòng 50 năm qua, nhu cầu nước đã tăng gấp 3 lần do sự gia tăng dân số, phát triển nông nghiệp, công nghiệp, đô thị hóa; dự báo đến năm 2030 nhu cầu sử dụng nước cho các ngành khoảng 122,47 tỷ m3/năm, đến năm 2050 khoảng 131,7 tỷ m3/năm.
Bên cạnh đó, ô nhiễm nguồn nước đang gia tăng trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển kinh tế, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước, đã và đang tác động và gây sức ép ngày càng lớn, nghiêm trọng đến cả số lượng và chất lượng nguồn nước các sông, suối và các tầng chứa nước.
"Hiệu quả khai thác, sử dụng nước trong các ngành còn thấp và lãng phí, đặc biệt là sử dụng nước cho nông nghiệp và tại các đô thị. Mặc dù GDP đầu người tăng nhanh, đạt trên 2.500 USD năm 2018 (tăng 2,5 lần so với năm 2002) nhưng giá trị sử dụng nước còn thấp, chỉ tạo ra 2,37 USD/m3 nước, chỉ bằng 12% so với mức trung bình toàn cầu (19,42 USD)", báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ rõ.