Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ tăng sức hấp dẫn dòng vốn

(ĐTCK) Nhiều yếu tố trong và ngoài nước cho thấy, thị trường chứng khoán giai đoạn cuối năm 2019 và cả năm 2020 sẽ có diễn biến khả quan, nhất là khi VN-Index đã vượt ngưỡng cản tâm lý 1.000 điểm thành công.
Các nhóm ngành dự báo tiếp tục tích cực trong năm tới là ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp. Các nhóm ngành dự báo tiếp tục tích cực trong năm tới là ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp.

Chứng khoán 2019 đi ngang trong biên độ hẹp

Thị trường chứng khoán Việt Nam từ đầu năm đến nay được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn đầu, VN-Index hồi phục từ 890 điểm lên 1.000 điểm; giai đoạn sau, chỉ số chủ yếu đi ngang trong biên độ 950 - 1.000 điểm.

Sau khi VN-Index đạt 1.000 điểm vào giữa tháng 3, chỉ số đã có 6 lần tiệm cận ngưỡng này trước khi chính thức tái vượt qua vào đầu tháng 11, với sự đồng thuận của nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn.

Thời gian còn lại của năm 2019, thị trường nhiều khả năng dao động trên ngưỡng 1.000 điểm, bởi các yếu tố ngoại biên tích cực hơn, nhất là đàm phán thương mại Mỹ - Trung, trong khi kết quả kinh doanh quý IV của nhiều đa số nhóm ngành được dự báo tiếp tục khả quan.

Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ tăng sức hấp dẫn dòng vốn ảnh 1

Hai nhóm ngành đáng chú ý là bất động sản khu công nghiệp và ngân hàng. Nhóm bất động sản khu công nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng, tiền mặt và nhu cầu thuê đất tăng do hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khi cuộc chiến này tạo ra sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhóm ngân hàng như VCB, BID, MBB, TCB… tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt lợi nhuận đến từ mảng bán lẻ và thu phí dịch vụ, đây là cơ sở cho sự phát triển nhanh và ổn định trong tương lai so với tăng trưởng tín dụng cho vay doanh nghiệp với nhiều rủi ro hơn.

Một số ngành kém khả quan là sắt thép, với đầu tàu là HPG. Công ty này chiếm khoảng 25% thị phần thép xây dựng, do ảnh hưởng của giá quặng tăng cao nên lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, nợ vay tăng do đầu tư vào Nhà máy thép Dung Quất nhằm mở rộng thị phần khu vực phía Nam.

Lĩnh vực dệt may, thủy sản được dự báo tốt trong năm 2019 từ thương chiến Mỹ - Trung, nhưng kết quả kinh doanh cho thấy không phản ánh rõ nét lợi thế đó, trong khi bị ảnh hưởng bởi thuế và sự tăng trưởng chậm của các thị trường chính như châu Âu, Mỹ và cả Trung Quốc, đồng thời phải cạnh tranh khốc liệt hơn với các công ty có vốn FDI cũng như các công ty cùng ngành trong khu vực. Biên lợi nhuận ngành may mặc thấp, chỉ một biến động nhỏ của các yếu tố như thị trường, tỷ giá, thuế cũng có thể làm cho doanh thu và lợi nhuận thay đổi.

Triển vọng 2020 nhìn từ một số yếu tố cơ bản

GDP 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây. Riêng GDP quý III tăng 7,31% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức 6,82% của quý I và 6,73% của quý II.

Theo Tổng cục Thống kê, động lực chính tăng trưởng của nền kinh tế 9 tháng đầu năm là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,37% và các ngành dịch vụ thị trường, bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%.

Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ tăng sức hấp dẫn dòng vốn ảnh 2

Trong khi GDP 9 tháng cao nhất trong 9 năm qua thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân có mức tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 3 năm gần đây; lạm phát cơ bản tăng 1,91% so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng 9 tháng ở mức thấp 8,4% (mục tiêu cả năm là 14%), tức tăng trưởng kinh tế giảm phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Kết quả trên cho thấy, mục tiêu GDP cả năm tăng 6,6 - 6,8% có thể đạt và vượt, tạo đà phát triển ổn định trong năm 2020. Một trong những yếu tố ngoại biên tích cực là động thái kích thích kinh tế từ các thị trường lớn như Mỹ (giảm lãi suất), Trung Quốc (giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, có các gói kích thích kinh tế), châu Âu (giảm lãi suất)..., sẽ giúp thị các thị trường xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng.

Liên quan trực tiếp đến thị trường chứng khoán, ngày 27/11/2019, Quốc hội sẽ bỏ phiếu thông qua Luật Chứng khoán (sửa đổi), với nhiều điều khoản được kỳ vọng tạo động lực mới cho sự phát triển của thị trường. Các sản phẩm, công cụ tài chính sẽ được đa dạng hóa như có thêm các chỉ số cho các quỹ ETF, có thêm chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) nhằm thu hút dòng vốn ngoại vào các cổ phiếu hết “room”. Các nhà quản lý, các thành viên đang nỗ lực để thị trường chứng khoán được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi. Hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang được thúc đẩy...

Nhiều nhóm cổ phiếu sẽ tăng sức hấp dẫn dòng vốn ảnh 3

Trong khi đó, xét các cổ phiếu riêng lẻ trên thị trường hiện nay vẫn có nhiều nhóm hấp dẫn nhà đầu tư lớn như nhóm Vingroup, nhóm Masan, nhóm tiêu dùng.

Dòng vốn ngoại được kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại mua ròng. Các thông tin trên thị trường cho thấy, nhà đầu tư châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã và đang tìm kiếm các cơ hội hấp dẫn từ nền kinh tế tăng trưởng nổi bật trong khu vực.

Xét hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng là hai đối tác thương mại, đầu tư lớn của Việt Nam, kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, nhưng Mỹ lại có dấu hiệu khả quan.

GDP quý III của Trung Quốc chỉ tăng 6%, 9 tháng đầu năm 2019 tăng 6,2%. Nước này đã bơm tiền ra ngoài thị trường khoảng 4.400 tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 610 tỷ USD để kích thích kinh tế, trong bối cảnh thương chiến với Mỹ. Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa như mong muốn. Do đó, năm 2020, Chính phủ Trung Quốc có thể tiếp tục kích thích kinh tế bằng các biện pháp như hạ dự trữ bắt buộc, giữ đồng nhân dân tệ ở mức thấp so với USD. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng chung đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, vì đây là một trong các đối tác nhập khẩu nông lâm thủy sản lớn.

Về kinh tế Mỹ, ngày 30/10/2019, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất thêm 0,25%/năm, xuống 1,5 - 1,75%/năm, đây là lần giảm lãi suất thứ ba trong năm. Trong khi đó, GDP quý III tăng 1,9% so với mức tăng 1,6% của quý II. Như vậy, Fed đã khá nhượng bộ quan điểm của Tổng thống Donald Trump rằng lãi suất cần giảm hơn nữa để kích thích kinh tế. Quyết định này diễn ra đúng thời điểm mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp Mỹ, vì thế thị trường chứng khoán tăng điểm, kéo theo nhiều thị trường khác có diễn biến khả quan.

Hiện tại, ông Trump đang bước vào cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Trước khi bước vào giai đoạn quyết định của cuộc tranh cử, giới quan sát đánh giá, chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ tích cực đạt được thỏa thuận cơ bản với Trung Quốc trong cuộc thương chiến, nhằm giảm bớt căng thẳng cho nền kinh tế, qua đó lấy được nhiều sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Mỹ.

Với góc nhìn kinh tế - chính trị thì có thể thấy, năm 2020 là một năm kinh tế sẽ tương đối tốt đối với Mỹ. Và điều này sẽ dẫn dắt kinh tế toàn cầu có một năm tăng trưởng ổn định và không có nhiều biến động khó lường như năm 2018 - 2019.

Như vậy, xét bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu thì thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 sẽ là một năm tăng trưởng ổn định và có thể khởi sắc nếu có cú huých như được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng. Các nhóm ngành dự báo tiếp tục tích cực trong năm tới là ngân hàng, tiêu dùng, bất động sản khu công nghiệp...

Việt Hùng
Đặc san doanh nghiệp niêm yết

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục