Im lặng để tự bảo vệ
Theo phản ánh của đại diện Công ty Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam, các công ty Nhật Bản đang hoạt động ở Việt Nam phàn nàn rất nhiều về vấn đề lao động, thuế, hải quan. Những quy định mới về lương tối thiểu, lương ngoài giờ… đã khiến nhân công rẻ không còn là một trong những yếu tố hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam. Trong khi đó, việc tận thu thuế và vấn nạn nhũng nhiễu của các công chức nhà nước đã được các nhà đầu tư Nhật Bản cũng như các nhà đầu tư nước ngoài góp ý rất nhiều lần.
Lãnh đạo UBND TP. HCM đã yêu cầu đại diện doanh nghiệp trên tiết lộ những vụ nhũng nhiễu cụ thể, nhưng đại diện công ty Nhật từ chối.
“Dù lãnh đạo Thành phố cam kết bảo vệ doanh nghiệp, nhưng thực tế, các cơ quan cấp phép ở Việt Nam có rất nhiều quyền lực, vì vậy, các doanh nghiệp vẫn sợ bị trả đũa bằng nhiều cách khác nhau. Và để tự bảo vệ mình, họ đã chọn cách im lặng”, đại diện Công ty Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam nói và đề nghị, Việt Nam cần nhanh chóng cải thiện môi trường đầu tư và đưa ra giải pháp rõ ràng đối với những vấn nạn này.
Chia sẻ về các cản trở liên quan đến thủ tục hành chính, đại diện công ty này cũng cho biết, nhiều nhà đầu tư Nhật đã phải bỏ cuộc vì thủ tục nhiêu khê. Chẳng hạn như việc nộp giấy chứng nhận khám sức khỏe cho người lao động nước ngoài khi xin giấy phép làm việc tại Việt Nam. Nhân viên Nhật đều có giấy khám sức khỏe tại các cơ quan y tế của Nhật Bản, nhưng cơ quan chức năng Việt Nam lại không chấp nhận giấy khám sức khỏe này, dù Việt Nam và Nhật đã ký kết thỏa thuận; trong đó, có nội dung các giấy phép sức khỏe được cấp hợp pháp ở quốc gia này thì đương nhiên được chấp nhận ở Việt Nam.
“Các công ty Nhật Bản dự định đầu tư vào Việt Nam thường tham khảo những công ty đã đầu tư vào đây. Và thường thì tiếng nói của các công ty đi trước rất quan trọng đối với quyết định của những công ty này, nên bất kỳ sự bất mãn nào của các công ty đi trước đều có tác động xấu đến những công ty đang có ý định đầu tư vào đây”, đại diện Nagashima Ohno & Tsunematsu Việt Nam thẳng thắn phát biểu.
Không cấp phép dịch vụ logistics
Ông Châu Huy Quang, luật sư điều hành Rajah & Tann TCT Lawyers bày tỏ sự băn khoăn về việc khi gia nhập WTO, Việt Nam đã cam kết mở cửa lĩnh vực logistics, nhưng tháng 7/2014, TP. HCM lại có văn bản ngưng cấp phép cho một số dịch vụ trong lĩnh vực này tại TP. HCM, trong khi cùng thời gian đó, doanh nghiệp lại được cấp phép dự án logistics tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Một hồ sơ xin cấp phép khác trong lĩnh vực kinh doanh quảng cáo của chúng tôi cũng đang bị cơ quan chức năng yêu cầu giải trình. Phía Việt Nam chỉ có 3 - 4% cổ phần thì có quyền quản trị hay không? Tại sao cơ quan cấp phép phải quan tâm vấn đề này vì đây là vấn đề của các nhà đầu tư”, ông Quang nói và so sánh môi trường đầu tư TP. HCM với Đà Nẵng. Theo ông Quang, tại Đà Nẵng, các luật sư giải quyết vấn đề xin giấy phép cho doanh nghiệp thường không có việc làm, vì việc cấp giấy phép được tiến hành rất nhanh chóng, chỉ mất vài ngày, nhưng họ lại tăng chế độ hậu kiểm và phạt tiền nếu doanh nghiệp vi phạm.
Tại cuộc đối thoại, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM thừa nhận, dù có nhiều nỗ lực, nhưng việc cấp giấy phép và giải quyết các vấn đề vướng mắc cho các nhà đầu tư tại TP. HCM vẫn còn bị kéo dài do nhân lực còn thiếu và yếu. Một số trường hợp có liên quan đến nhiều bộ ngành nên cũng phải xin ý kiến… Sở sẽ tăng cường áp dụng công nghệ thông tin và các giải pháp khác để giải quyết triệt để vấn đề này.
Đối với việc cấp phép dịch vụ logistics, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết, theo quy định, có những dự án phải có phần góp vốn của phía Việt Nam mới được cấp phép. TP. HCM đã có văn bản gửi Thủ tướng để xin ý kiến về vấn đề này.