Nhiều nhà đầu tư ngắn hạn bắt đáy

(ĐTCK) VN-Index đã giảm tổng cộng hơn 30 điểm trong tuần qua (tương đương 5,55%) do áp lực bán ra tăng mạnh từ cả nhóm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài khi tin xấu đến dồn dập. Với tín hiệu tích cực vào phiên giao dịch cuối tuần, các chỉ số chứng khoán có nhiều khả năng hồi phục vào đầu tuần này.
Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: ACBS) Đồ thị phân tích kỹ thuật VN-Index (Nguồn: ACBS)

Tuần qua, tỷ giá USD/VND và giá vàng tăng khiến tâm lý nhà đầu tư không ổn định. Ngoài ra, giá dầu sụt giảm khiến nhóm cổ phiếu dầu khí, nhất là GAS và PVD mất gần 20% giá trị trong tuần qua, càng khiến tâm lý bi quan bao trùm thị trường. Khối ngoại góp phần khiến thị trường không thể ổn định trở lại khi mà nhóm nhà đầu tư này đẩy mạnh bán ròng trong 3 phiên cuối tuần, với tổng giá trị bán ròng trong tuần lên đến 660 tỷ đồng.

Liên quan đến tỷ giá, sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tổng cộng 3% (bao gồm điều chỉnh tỷ giá tham chiếu 1% và nới biên độ 2%), tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại nhanh chóng tiếp cận mức giá trần và tỷ giá tự do tiếp tục nằm ngoài biên độ.

Diễn biến này cho thấy, căng thẳng tỷ giá ngắn hạn vẫn đang tiếp diễn. Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng quốc tế hiện ở mức cao, tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá và có thể kích thích tâm lý tích trữ USD trong dân.

Về khách quan, động thái phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc đã tạm thời dừng lại, giúp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có khoảng trống để ổn định tỷ giá. Tuy nhiên, rủi ro tỷ giá hiện tại là khá lớn khi khối nhà đầu tư nước ngoài đang tạo thêm áp lực với việc bán ròng cả cổ phiếu và trái phiếu để rút vốn.

Giá dầu vẫn giảm, có thời điểm rớt xuống dưới 40 USD/thùng (giá dầu WTI) và hiện chỉ cao hơn 40 USD/thùng một chút. Diễn biến này tiếp tục gây áp lực giảm giá với nhóm cổ phiếu dầu khí, dù phần lớn các mã đã giảm 30% trong 5 tuần qua. Điều này chủ yếu là do một số đánh giá cho rằng, mức giá này đã rất gần với chi phí sản xuất dầu của Việt Nam và giá dầu giảm sâu hơn có thể khiến toàn ngành, chủ yếu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (công ty mẹ của tất cả các doanh nghiệp dầu khí niêm yết), thua lỗ. Ngoài ra, giá dầu giảm mạnh cũng gây áp lực lên ngân sách nhà nước trong năm 2015.

Nhìn chung, với mức giảm gần 15% của VN-Index từ đỉnh 640 điểm giữa tháng 7 đến nay, nhiều cổ phiếu trở nên hấp dẫn với hệ số P/E và P/B khá thấp. Tuy nhiên, tham gia thị trường vào thời điểm này vẫn còn rủi ro khi tình hình vĩ mô trong và ngoài nước tiềm ẩn nhiều biến động. Do vậy, đây chưa phải thời điểm thực sự thích hợp để tham gia thị trường, đầu tư dài hạn.

Trong ngắn hạn, với tín hiệu tích cực vào phiên giao dịch cuối tuần qua, các chỉ số chứng khoán có nhiều khả năng sẽ hồi phục vào đầu tuần này. Vùng kháng cự mạnh trên chỉ số VN-Index nằm tại 670 - 680 điểm và trên chỉ số VN30 là vùng 600 - 610 điểm.

Khối lượng giao dịch tăng mạnh trong phiên cuối tuần qua cho thấy, nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đã tiến hành “bắt đáy”. Rất có thể những nhà đầu tư này quan tâm đến việc đầu tư T+3 và sẽ hiện thực hoá lợi nhuận khi thị trường hồi phục về các vùng kháng cự nói trên.

CTCK ACBS

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục