ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 24/8.
Có dấu hiệu phục hồi kỹ thuật, tiếp tục phân hóa
(CTCK Sài Gòn Hà Nội - SHS)
Tuần giao dịch với dày đặc các thông tin vĩ mô tiêu cực tác động rất mạnh tới tâm lý nhà đầu tư khiến hoạt động bán tháo với cường độ lớn diễn ra trong nhiều phiên giao dịch trong tuần. VN-Index giảm tới hơn 80 điểm khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải tiến hành bán giải chấp cũng là yếu tố quan trọng khiến áp lực bán diễn ra mạnh trong tuần.
Trước ảnh hưởng từ chính sách tiền tệ của Trung Quốc, vấn đề tỷ giá vẫn là mối quan tâm hàng đầu của nhà đầu tư trong tuần giao dịch này khi NHNN tiếp tục tăng tỷ giá VND/USD thêm 1% đồng thời nới biên độ từ 2% lên 3%. Trong bối cảnh căng thẳng tỷ giá vẫn tiếp tục diễn ra, việc VND điều chỉnh nới biên độ tỷ giá sẽ giúp giảm bớt áp lực lên lãi suất của VND, hạn chế dự trữ tổn thất ngoại hối để giữ tỷ giá ở mức ổn định nếu tiếp tục duy trì biên độ tỷ giá quanh ngưỡng 2%.
Ngoài ra, tính cạnh tranh của các hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được hỗ trợ, giúp giảm bớt áp lực nhập siêu trong các tháng cuối năm. Tuy vậy, việc giảm giá VND cũng sẽ khiến áp lực nợ công tăng cao đồng thời tạo tâm lý đầu cơ ngoại tệ và vàng, tác động ngược trở lại diễn biến tỷ giá trong thời gian tới.
Nhóm các cổ phiếu dầu khí điều chỉnh giảm mạnh trong tuần cũng cũng tạo những tác động tiêu cực lên thị trường chung. Chúng tôi cho rằng triển vọng giá dầu sẽ tiếp tục kém tích cực trong thời gian tới do vấn đề nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiếp tục suy yếu, đặc biệt là từ Trung Quốc khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế nước này đang có dấu hiệu chậm lại.
Khối ngoại bán ròng rất mạnh trong tuần là nhân tố quan trọng khiến khối nội đẩy mạnh bán tháo. Lượng bán ròng trong tuần trên cả hai sàn của khối ngoại được ghi nhận ở mức gần 700 tỷ, mạnh nhất trong vòng hơn 2 tháng qua. Động thái này là phù hợp với diễn biến tỷ giá thời gian qua cũng như trong bối cảnh thị trường cận biên và mới nổi chịu ảnh hưởng lớn từ phía Trung Quốc khiến dòng vốn đầu tư nước ngoài tại các thị trường này bị rút ra khá mạnh. Trong vòng 4 tuần, lượng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi đã lên tới 17 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng lượng vốn bị rút tính từ đầu năm.
Diễn biến giao dịch trong phiên cuối tuần cho thấy dòng vốn bắt đáy đã bắt đầu được kích hoạt trở lại do VN-Index đã điều chỉnh giảm khá sâu. Chỉ số này duy trì trên mốc hỗ trợ 550 điểm kèm thanh khoản tăng mạnh trở lại cho những dấu hiệu ban đầu về những phiên phục hồi kỹ thuật của thị trường. Tuy vậy, trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thông tin hỗ trợ tích cực, trạng thái phân hóa sẽ diễn ra. Nhà đầu tư có thể tiến hành giải ngân thăm dò vào các mã tốt, có thông tin hỗ trợ tích cực và bắt đầu thu hút dòng tiền trở lại.
Có thể hồi phục ở đầu tuần
(CTCK Maritime – MSI)
Thị trường có phiên rơi khá mạnh, có thời điểm VN-Index đã giảm hơn 23 điểm, tuy nhiên lực cầu bắt đáy mạnh mẽ trong phiên chiều kéo thị trường thu hẹp đà giảm, kết phiên chỉ số VN-Index giảm hơn 10 điểm, dừng ở 556,3 điểm, chạm ngưỡng hỗ trợ mạnh 550 – 555 điểm.
Kết thúc phiên, VN-Index đã hình thành mẫu hình nến Hammer, dòng tiền đã quay trở lại với thanh khoản tăng mạnh (mức cao nhất kể từ phiên giao dịch ngày 8/7) là những tín hiệu cho thấy xu hướng hồi phục sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, trong bối cảnh vĩ mô bất lợi, nhiều tin tức xấu, khả năng điều chỉnh giảm tiếp là có thể xảy ra. Tuần tới, thị trường có thể hồi phục 1, 2 phiên đầu tuần trước khi đảo chiều giảm tiếp. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức thấp, hạn chế các hoạt động bắt đáy cổ phiếu trong thời điểm hiện tại.
Vẫn đang trên đường đi tìm đáy
(CTCK FPT - FPTS)
Tuần giao dịch kết thúc với tâm lý Bán đè nặng sẽ làm gia tăng sự thận trọng của nhà đầu tư. Trong đó, nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn đang diễn biến phức tạp và chưa hết bị ảnh hưởng bởi biến động của giá dầu. Thị trường chuyển biến tiêu cực hơn khi áp lực bán tháo bất ngờ xuất hiện trên diện rộng kèm theo xu hướng bán ròng của khối ngoại.
Có thể thấy rằng tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan khi ngay cả những nhóm ngành ít ảnh hưởng hoặc vừa đón nhận thông tin tích cực quý II/2015 cũng bị bán tháo. Theo đó, rủi ro T+3 hiện tại đang quá lớn cho các kỳ vọng lướt sóng hoặc bắt đáy.
Thị trường vẫn đang trên đường đi tìm đáy và khi tín hiệu tạo đáy tin cậy chưa xuất hiện thì nhà đầu tư vẫn sẽ được khuyến nghị giữ tỷ trọng tiền mặt lớn nhằm đảm bảo an toàn. Nhà đầu tư với mức chịu rủi ro cao cũng chỉ nên mở vị thế mua ở mức độ thăm dò nếu chỉ số hồi phục trong các phiên đầu tuần tới và bù lấp hoàn toàn khoảng trống giá để hoàn thiện tín hiệu đảo chiều xu hướng ngắn hạn.
Có thể giảm thêm 1-2 phiên nữa
(CTCK BIDV - BSC)
Khối lượng giao dịch tăng đột biến so với phiên hôm qua, khả năng là do bán giải chấp. Thông thường, sau phiên bán giải chấp mạnh, thị trường có thể giảm thêm 1-2 phiên nữa nhưng sẽ sớm tạo đáy. Nếu ngưỡng 550 bị phá vỡ, thị trường được kỳ vọng sẽ tạo đáy tại vùng 537 điểm. Nhà đầu tư trung và dài hạn có thể cân nhắc mua thăm dò các cổ phiếu cơ bản. Nhà đầu tư ngắn hạn chỉ nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu thấp trong danh mục, chưa vội vàng sử dụng margin trong giai đoạn này.
VN-Index cần nhiều thời gian để cân bằng lại
(CTCK Bảo Việt - BVSC)
Sau một tuần sụt giảm mạnh, chỉ số VN-Index có thể sẽ phần nào lấy lại được sự cân bằng trong các phiên đầu tuần tới. Tuy nhiên, để xác lập và tạo được vùng đáy, chỉ số này sẽ cần thêm nhiều thời gian cũng như kiểm tra lại các mức điểm thấp nhất trong phiên giao dịch ngày 21/8. Nhà đầu tư được khuyến nghị ưu tiên cho mục tiêu quản trị rủi ro, tranh thủ các phiên thị trường bật tăng để giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức an toàn.
Kỳ vọng hồi phục ở các phiên đầu tuần
(CTCK Rồng Việt -VDSC)
Đường giá bắt đầu xuất hiện tín hiệu nến đảo chiều kèm theo sự xác nhận của khối lượng trên cả hai chỉ số là tín hiệu tích cực để có thể kỳ vọng cho sự hồi phục của thị trường ở các phiên giao dịch đầu tuần tới. Do đó, nhà đầu tư có thể tham gia giải ngân thăm dò cho mục tiêu lướt sóng ngắn hạn đối với cổ phiếu sẵn có trong danh mục.
Cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu
(CTCK Maybank KimEng - MBKE)
Cả hai chỉ số vẫn có phiên giao dịch đầy biến động.Thanh khoản tăng đột biến một phần cũng có thể hiểu là do các đợt bán giải chấp chủ động khi thị trường bước vào giai đoạn giảm điểm mạnh. Khối ngoại “góp thêm lửa” cho kết quả giảm điểm ngày 21/8 khi tiếp tục duy trì cường độ bán ròng mạnh.
Với nhà đầu tư lướt sóng, duy trì tỷ lệ cân bằng giữa tiền mặt và cổ phiếu trong giai đoạn hiện nay. Những nhà đầu tư trung dài hạn và mang tính cơ bản cao có thể xem xét tích lũy dần trở lại những cổ phiếu có nền tảng tốt đi kèm mức định giá hợp lý.