Giá than có thể tiếp tục tăng
Trên thế giới, giá than luyện cốc (sử dụng trong sản xuất thép) của Úc sau khi điều chỉnh giảm gần 2 tháng và chạm mức thấp nhất trong 1 năm là 190 USD/tấn vào tuần đầu tiên của tháng 8/2022 đã tăng lên 270 USD/tấn vào ngày 6/9/2022, tương đương tăng hơn 40%, gần lấy lại mức đỉnh lịch sử là 275 USD/tấn ngày 28/2/2022.
Theo CoalMint, giá than luyện cốc được dự báo sẽ tiến lên vùng 300 - 330 USD/tấn. Đối với than nhiệt (dùng trong sản xuất phân bón và điện), mức giá ngày 6/9/2022 là 457 USD/tấn, lập kỷ lục mới.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho rằng, tình trạng thiếu khí đốt ở EU đã làm tăng nhu cầu nhiệt điện than và thúc đẩy giá than đi lên. Trong đó, Đức đã cho khởi động lại một số nhà máy điện than để đối phó với sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt.
Tại Việt Nam, theo SSI Research, trong 6 tháng đầu năm 2022, giá than trộn của Vinacomin tăng 30 - 35% so với cùng kỳ. Qua trao đổi với Genco 2, Genco 3, Nhiệt điện Quảng Ninh và Nhiệt điện Hải Phòng, SSI Research chưa nhận thấy giá than trộn tăng thêm, nhưng nhiều khả năng giá sẽ được nâng lên trong thời gian tới do giá than thế giới tăng cao.
Nhiệt điện than, thép và xi măng lo nhất
Việc than - loại nguyên nhiên liệu đầu vào quan trọng của nhiều ngành sản xuất chủ chốt tăng giá mạnh khiến các doanh nghiệp gặp bất lợi, nhất là nhiệt điện than, hiện chiếm 30% tổng công suất nguồn điện toàn quốc.
Nhu cầu sử dụng than để chạy điện khi giá than nhập khẩu tăng vọt đã đẩy chi phí sản xuất điện lên cao, dẫn đến khả năng giá bán điện sẽ được điều chỉnh tăng.
Theo Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 7, lượng than nhập khẩu giảm 2,9 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước, song kim ngạch nhập khẩu than ước đạt 4,7 tỷ USD, bình quân 5,8 triệu đồng/tấn, gấp gần 3 lần so cùng kỳ năm 2021 là 2,1 triệu đồng/tấn.
Việt Nam nhập khẩu than chủ yếu phục vụ nhu cầu của các nhà máy nhiệt điện.
Ngành thép cũng bị ảnh hưởng mạnh bởi giá than tăng cao. Worldsteel tính toán, để sản xuất 1 tấn thép cần trung bình 780 kg than. Do đó, những doanh nghiệp sản xuất thép lớn ở Việt Nam phải nhập khẩu than làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng bởi giá than tăng như Tập đoàn Hòa Phát, Gang thép Thái Nguyên...
Bộ Công thương dự báo, trong năm 2022, Việt Nam phải nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn than cốc để phục vụ sản xuất thép.
Giá than leo dốc cũng tác động không nhỏ đến ngành sản xuất xi măng, vì than là nhiên liệu chiếm đến 40 - 45% giá thành sản xuất clinker, mà loại nguyên liệu này chiếm 60% chi phí nguyên liệu đầu vào của xi măng, khiến lợi nhuận các doanh nghiệp trong ngành biến động lớn theo giá than.
Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, trong tháng 8/2022, tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu đạt khoảng 8,86 triệu tấn, tăng 3 triệu tấn so với tháng 7, song giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, lượng tồn kho trong cả nước còn khoảng 5,9 triệu tấn nguyên liệu, tương đương 25 - 30 ngày sản xuất, chủ yếu là clinker.
Do tình hình tiêu thụ xi măng suy giảm, tồn kho cao, giá than tăng mạnh, các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải giảm sản lượng để tránh tình trạng càng làm càng lỗ.
Nhiệt điện khí, phân bón... mừng thầm
Nhóm chuyên gia tại SSI Research nhận định, giá than tăng cao đã thu hẹp chênh lệch giá bán bình quân giữa các nhà máy điện khí và nhà máy điện than, tức nhiệt điện khí sẽ trở nên cạnh tranh hơn so với nhiệt điện than. Đặc biệt, điều kiện thủy văn được dự báo kém thuận lợi trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, nhiệt điện khí sẽ có cơ hội được huy động nhiều hơn.
Trong khi đó, nửa đầu năm 2023, nhu cầu huy động các nhà máy nhiệt điện than dự kiến sẽ cao hơn nhiều so với năm 2022. Ngày 9/8/2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam thu xếp nguồn than, đảm bảo đủ nhiên liệu cho EVN phát điện trong năm 2022, đồng thời chuẩn bị cung cấp than cho nhà máy nhiệt điện của EVN trong mùa khô năm 2023.
Đối với ngành phân bón, giá than tăng giúp các doanh nghiệp sản xuất urê từ khí có lợi thế trước các doanh nghiệp sản xuất urê từ than (có thời điểm than chiếm tới 70% giá thành sản xuất urê), đồng thời đem lại cơ hội cho các đơn vị sử dụng khí để sản xuất như Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau...