Vượt mục tiêu lợi nhuận…
Tại cuộc họp mới đây giữa VietinBank và cổ đông chiến lược MUFG Bank, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, kết thúc năm tài chính 2019, VietinBank nhiều khả năng sẽ đạt, thậm chí vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm đã được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt hồi đầu năm là 9.500 tỷ đồng trước thuế.
Kết thúc 9 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt hơn 8.400 tỷ đồng lãi trước thuế, hoàn thành 89% kế hoạch năm.
Với BIDV, một lãnh đạo ngân hàng này thông tin, ước tính cả năm nay, tổng vốn huy động của Ngân hàng đạt 1,135 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt khoảng 1,09 triệu tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế cả năm sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra là 10.300 tỷ đồng, hoặc có thể vượt chỉ tiêu.
Với mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 ở mức 1.220 tỷ đồng trước thuế, ông Phạm Duy Hiếu - Quyền Tổng giám đốc ABBank cho biết, Ngân hàng đã hoàn tất kế hoạch kinh doanh Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) giao, với mức tăng trưởng khoảng 30% so với năm 2018.
Tỷ lệ nợ xấu của ABBank được kiểm soát ở mức 1,8% tính đến hết tháng 11/2019.
Mới đây, ABBank đã đưa vào vận hành Hệ thống tính toán tài sản có rủi ro (RWA), qua đó hoàn tất nền móng đầu tiên trong lộ trình tuân thủ Basel và Thông tư 41/2016/TT-NHNN.
Lợi nhuận cũng tăng trưởng ở mức cao, gần gấp rưỡi so với thực hiện năm 2018, VIB ước lãi hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2019 và là mức kỷ lục của nhà băng này từ trước đến nay.
Tại VietBank, so với mục tiêu lợi nhuận tối thiểu 500 tỷ đồng trước thuế đặt ra đầu năm, Ngân hàng hiện đã vượt.
Kết thúc 3 quý đầu năm nay, VietBank thu về 429 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. VietBank dự kiến sẽ đạt mức lợi nhuận trên 650 tỷ đồng trước thuế sau khi trừ chi phí dự phòng rủi ro.
Tại Nam A Bank, ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 là 800 tỷ đồng trước thuế, đến nay Nam A Bank đã hoàn tất kế hoạch này.
… Một phần nhờ tích cực xử lý nợ xấu
Theo lãnh đạo nhiều ngân hàng, lợi nhuận 2019 sớm cán đích một phần lớn nhờ tích cực xử lý nợ xấu, qua đó giảm trích lập dự phòng và hoàn nhập dự phòng.
Tính đến cuối tháng 6/2019, Nam A Bank đã xử lý hết các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).
Nhờ tất toán được trái phiếu VAMC, chi phí dự phòng của Nam A Bank giảm mạnh, tính đến hết tháng 9/2019 ở mức 46 tỷ đồng.
Tương tự, Kienlongbank đã tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC, nên dự phòng quý cuối năm được cho là sẽ giảm mạnh, tác động tích cực lên lợi nhuận.
Năm nay, Kienlongbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 306 tỷ đồng và kết thúc 9 tháng đầu năm đã đạt 236 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018 và hoàn thành hơn 77% kế hoạch năm.
Với OCB, mục tiêu lợi nhuận đưa ra cho năm 2019 là 3.200 tỷ đồng và thu về gần 2.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, tức mới hoàn thành 62,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm, song theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, Ngân hàng tự tin hoàn tất mục tiêu lợi nhuận đề ra bởi đã tất toán trái phiếu VAMC, nên khoản dự phòng rủi ro không còn tăng cao như trước.
Tại Agribank, lợi nhuận trước thuế 10 tháng đầu năm 2019 đạt 10.350 tỷ đồng, vượt kế hoạch cả năm đề ra là 10.000 tỷ đồng.
Dự kiến năm 2019, Agribank sẽ đạt lợi nhuận tối thiểu 11.000 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu giữ tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận thuần cả năm nay tương tương với tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm (15%), để đạt 11.500 tỷ đồng lợi nhuận, Agribank sẽ phải trích lập dự phòng 21.833 tỷ đồng, cao hơn cả năm 2018.
Tuy nhiên, điểm tích cực là hoạt động xử lý đã và đang được Agribank đẩy nhanh. Tính đến cuối tháng 6/2019, trái phiếu đặc biệt VAMC của Agribank đã giảm mạnh về 1.013 tỷ đồng, từ mức 7.750 tỷ đồng hồi đầu năm và Ngân hàng đã trích lập toàn bộ cho số trái phiếu đặc biệt này. Tỷ lệ nợ xấu của Agribank đến 31/6/2019 được kiểm soát ở mức 1,63%.
Tại BIDV, mặc dù ghi nhận sự tích cực về lợi nhuận, nhưng dự phòng rủi ro đang ở mức rất cao.
Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng của BIDV tăng 8,1% so với đầu năm, lên 1,07 triệu tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng tăng 5.136 tỷ đồng, lên 17.540 tỷ đồng, tương đương mức trích lập 1,66% trên tổng dư nợ, tăng hơn 41% so với đầu năm.
Riêng trong quý III, trích lập dự phòng tăng 1.416 tỷ đồng.
BIDV phải tăng dự phòng do tỷ lệ nợ xấu tăng, từ 1,9% đầu năm lên 2,08% tại thời điểm cuối tháng 9.
Đáng chu ý, trong khi nợ nhóm 3 và 4 tương đương với đầu năm, thì nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) đã tăng 5.023 tỷ đồng, lên 12.193 tỷ đồng, tương đương tăng 70%. Với việc nợ xấu tăng cao, dự phòng quý IV/2019 của nhà băng này sẽ khó giảm.
Có thể thấy, việc nhiều ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao trong năm 2019 bên cạnh nguồn thu từ tăng trưởng tín dụng, hoạt động dịch vụ, thì đóng góp từ giảm dự phòng rủi ro là không nhỏ.
Điều này được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo hiệu ứng tích cực cho năm sau khi có nhiều hơn ngân hàng toán hết trái phiếu VAMC, từ đó giảm dự phòng rủi ro, tăng lợi nhuận.