Nhiều ngân hàng lại quyết tâm tăng vốn, tính khả thi tới đâu?

(ĐTCK) Không tăng vốn được trong năm 2013, nhiều nhà băng quy mô nhỏ đang quyết tâm hoàn thành kế hoạch này trong năm nay.
Kế hoạch tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng của DongA Bank triển khai từ giữa năm 2013 đế nay chưa thành công

Quyết tâm tăng

HĐQT NamA Bank cho biết, Ngân hàng quyết thực hiện kế hoạch tăng vốn thêm 1.000 tỷ đồng trong năm nay, nâng tổng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Theo đó, NamA Bank sẽ chào bán 100 triệu cổ phần ra công chúng (dự kiến sẽ được thực hiện vào quý III năm nay) với giá 10.000 đồng/cổ phần. Cụ thể, NamA Bank sẽ dành 40 triệu cổ phần bán cho cổ đông hiện hữu, 5 triệu cổ phần cho CBNV và 55 triệu cổ phần bán cho các nhà đầu tư tự do trong nước. Mục tiêu là để mở rộng mạng lưới theo xu hướng phát triển chung của toàn ngành. Trong năm nay, NamA Bank dự định sẽ mở thêm 8 điểm giao dịch, đồng thời chuyển một chi nhánh thành phòng giao dịch.

Tại ĐHCĐ thường niên 2014 vừa diễn ra, HĐQT NamA Bank cho biết, năm 2013, Ngân hàng hoãn kế hoạch tăng vốn là do giá cổ phiếu của lĩnh vực tài chính - ngân hàng sụt giảm và cổ phiếu NamA Bank không phải là ngoại lệ. Với kế hoạch tăng vốn đưa ra cho năm nay, HĐQT NamA Bank tự tin sẽ đủ khả năng thực hiện. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, NamA Bank đang trong quá trình tìm hiểu, đàm phán bán cổ phần cho một đối tác chiến lược nước ngoài.

VietA Bank cũng cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình chờ các cơ quan chức năng xem xét kế hoạch nâng vốn điều lệ từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng, để nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh. Đáng chú ý, VietA Bank đang quá trình tái cấu trúc bằng chính nội lực, nên việc tăng vốn được xem là cần thiết để giúp Ngân hàng có năng lực về tài chính, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.

Ngày 19/3 vừa qua, BacA Bank cũng hoàn thành kế hoạch tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 3.700 tỷ đồng thông qua phương án phát hành riêng lẻ. Trước đó, VNCB cũng tăng vốn điều lệ từ mức 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng cuối năm 2013. Trong khi, kế hoạch tăng thêm 1.000 tỷ đồng để nâng vốn lên 6.000 tỷ đồng đã được triển khai từ giữa năm 2013, nhưng đến nay, DongA Bank vẫn chưa thể hoàn thành.

Hiện trên thị trường còn không ít ngân hàng vốn điều lệ chỉ mới cao hơn chút đỉnh so với quy định về vốn pháp định tối thiểu của một tổ chức tín dụng ở mức 3.000 tỷ đồng. Chẳng hạn như SaigonBank vốn điều lệ mới hơn 3.000 tỷ đồng; KienLong Bank vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong khi, áp lực cạnh tranh và tái cơ cấu ngành ngân hàng đang đặt ra thách thức đối với các nhà băng nhỏ, vì thế, các ngân hàng quyết tâm tăng vốn điều lệ trong năm nay.

Khó khả thi

Tăng vốn lúc này cũng được xem là bài toán khó khi có nhiều rào cản. Giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng đã sụt giảm mạnh, lùi xa mệnh giá và thực tế không nhiều cổ đông hiện hữu hào hứng rót thêm tiền. Đồng thời, trước yêu cầu thoái vốn ngoài ngành của các cổ đông lớn, trong đó có các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kế hoạch tăng vốn của các ngân hàng cũng phần nào bị ảnh hưởng. 

Trao đổi với ĐTCK, một lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, vốn dĩ NHNN đã kiểm soát chặt chẽ việc tăng vốn của các ngân hàng thì trong lúc này sẽ càng “soi” kỹ hơn, kể cả việc tăng vốn từ phát hành cổ phiếu thưởng và chi trả cổ tức. Đó cũng chính là lý do vì sao kế hoạch tăng vốn của một số ngân hàng được thực hiện từ nguồn này chưa thể hoàn tất trong 1 - 2 năm qua.

Cũng theo vị lãnh đạo trên, tăng vốn trong lúc này không dễ, nhưng việc sử dụng hiệu quả nguốn vốn tăng thêm lại càng khó hơn. Nguyên nhân là NHNN đang “siết” lại việc mở rộng mạng lưới của các nhà băng. Theo quy định tại Thông tư  21/2013 của NHNN, để mở rộng mạng lưới hoạt động, ngân hàng phải đáp ứng được điều kiện: tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức an toàn 3%; vốn của một chi nhánh tại nội thành TP. HCM và Hà Nội phải đáp ứng được 300 tỷ đồng/chi nhánh và 50 tỷ đồng/chi nhánh ngoài 2 khu vực trên. Đồng thời, mỗi ngân hàng chỉ được tối đa 10 chi nhánh tại nội thành TP. HCM, Hà Nội. Các ngân hàng cũng chỉ được mở tới đa 5 chi nhánh trong 1 năm.

Chủ tịch HĐQT một ngân hàng quy mô vốn trên 3.000 tỷ đồng tại TP. HCM cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, rất khó có thể mang lại hiệu quả cho đồng vốn tăng thêm, bởi không thể mở rộng mạng lưới như kế hoạch kỳ vọng. Vả lại, tình hình kinh tế khó khăn, tín dụng không dễ tăng trưởng, nguồn vốn tăng thêm để bổ sung vốn kinh doanh lúc này cũng không mấy khả thi. Chính vì vậy, kế hoạch tăng vốn trong nhiều năm qua của ngân hàng này vẫn chưa được triển khai.

Trong khi đó, không ít ngân hàng cho biết, nguồn vốn tăng thêm trong năm qua cũng như dự kiến cho năm nay chủ yếu phục vụ cho mục đích mở rộng mạng lưới.

Đơn cử tại Southern Bank, với mức vốn điều lệ tăng thêm từ hơn 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng được thực hiện trong năm 2012, ngân hàng này cho biết, đã sử dụng hết số tiền hơn 787 tỷ đồng (vốn tăng thêm) trong năm 2013 vào các mục đích như: góp vốn liên doanh, mua cổ phần hết hơn 127 tỷ đồng; đầu tư mua sắm tài sản cố định, trang thiết bị, mở rộng mạng lưới hoạt động là 556,6 tỷ đồng; sử dụng vốn để cho vay là 103,9 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong năm qua, mạng lưới của Southern Bank không tăng lên bao nhiêu.

Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM Nguyễn Văn Dũng cho rằng, việc tăng vốn điều lệ của các ngân hàng, nhất là với những đơn vị quy mô vừa và nhỏ là điều kiện cần thiết để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tuy nhiên, trong lúc này, việc tăng vốn cần phải được tính toán kỹ lưỡng. Vì giá cổ phiếu ngân hàng sụt giảm mạnh, trong khi giá phát hành tối thiểu phải bằng mệnh giá. Đồng thời, việc sử dụng hiệu quả đồng vốn tăng thêm trong lúc này không phải là bài toán dễ, khiến áp lực về lợi tức cho cổ đông gia tăng trước tình hình khó khăn.

Thực tế, lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm mạnh trong 2 năm qua. Đáng chú ý, ở những nhà băng có quy mô nhỏ, lợi nhuận không xứng tầm với vốn điều lệ 3.000  tỷ đồng. Điển hình như Navibank, lợi nhuận sau thuế 2012 chỉ có 3,5 tỷ đồng, 2013 chỉ đạt 25 tỷ đồng và có thời điểm nợ xấu còn “ăn” thâm cả vốn.

Thùy Vinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục