Buộc về tỷ lệ 5%
Điều 20, Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định những giới hạn về việc NHTM mua, nắm giữ cổ phiếu của các TCTD khác. Theo đó, NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác, trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nắm giữ tại TCTD khác phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD khác đó và không được cử người tham gia HĐQT của TCTD mà ngân hàng mua mua cổ phần, trừ trường hợp TCTD đó là công ty con của ngân hàng hoặc NHTM tham gia tái cơ cấu, xử lý TCTD yếu kém theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước.
Các trường hợp ngoại lệ được thực hiện khi việc mua, nắm giữ cổ phiếu nhằm tái cơ cấu, hỗ trợ tài chính cho TCTD gặp khó khăn và được NHNN chấp thuận hoặc được NHNN chỉ định theo quy định. Vì thế, theo lộ trình, các NHTM đang nắm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại hơn 2 TCTD phải tính đến việc thoái vốn trong 1 năm kể từ khi Thông tư 36 có hiệu lực.
Hiện tại, có không ít NHTM đang sở hữu trên 5% cổ phần của các ngân hàng, công ty tài chính cũng như sở hữu cổ phần của nhiều hơn 2 TCTD.
Trên thực tế, theo quy định của Luật Các TCTD năm 2010, cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 5% vốn điều lệ; tổng số cổ phần của họ và người liên quan cũng không được vượt 20% vốn của một ngân hàng. Nhưng kể từ khi luật này có hiệu lực đến nay đã 3 năm, Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện vẫn còn 5 NHTM có cá nhân sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ 5% vốn điều lệ, 5 đơn vị có tổ chức nắm quá tỷ lệ 15% vốn và 8 NHTM cổ phần mà nhóm cổ đông và người có liên quan sở hữu vượt tỷ lệ 20%.
Kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, ở một số ngân hàng, cổ đông lớn và người có liên quan vi phạm quy định về sở hữu, dẫn đến hiện tượng thao túng, phục vụ cho lợi ích riêng, đẩy ngân hàng đến tình trạng hoạt động thiếu minh bạch. Vì thế, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Phước Thanh, một trong những mục tiêu lớn của Thông tư 36 là “siết” lại tình trạng sở hữu chéo trong ngân hàng.
Trên thị trường, Vietcombank hiện đang sở hữu cổ phần của 5 ngân hàng và công ty tài chính khác, 4 trong số này sở hữu trên 5%. Với quy định mới này, Vietcombank phải thoái vốn hoàn toàn tại ít nhất 3 TCTD. Trong đó, với Saigonbank, tỷ lệ cổ phần thuộc sở hữu Vietcombank là 8%, ngân hàng này có thể sẽ được sáp nhập vào Vietcombank trong thời gian tới đây.
Ngoài ra, Vietcombank hiện sở hữu khoảng 8% vốn tại Eximbank và theo lãnh đạo Eximbank, Vietcombank đang tính toán thoái vốn tại nhà băng này. Trên thị trường đang xuất hiện thông tin Vietcombank đã dồn toàn bộ cổ phần sở hữu tại Eximbank cho Nam A Bank. Người được ủy quyền nhận tỷ lệ cổ phiếu trên là ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank, người đã có trong danh sách ứng cử thành viên HĐQT Eximbank, với tỷ lệ cổ phiếu đại diện trên 10%.
Ngoài ra còn có ông Trần Ngọc Tâm, nguyên Phó tổng giám đốc Nam A Bank, tỷ lệ cổ phiếu đại diện tại Eximbank cũng ở mức trên 10%.
Còn với khoản vốn tại Saigonbank, để hợp thức hóa, Vietcombank từng đề nghị được sáp nhập thêm ngân hàng này. Vào cuối năm ngoái, Vietcombank đã tổ chức ĐHCĐ bất thường thông qua chủ trương sáp nhập thêm một ngân hàng khác và cái tên được nhắc đến nhiều nhất sẽ về chung nhà với Vietcombank chính là Saigonbank. Thế nhưng, do cổ đông lớn của Saigonbank là Thành ủy TP. HCM không đồng ý nên cuộc sáp nhập trên bất thành.
Một trường hợp khác, Eximbank nắm giữ 9,7% cổ phần tại Sacombank (do ANZ chuyển nhượng từ cuối năm 2012), nhưng sau khi thương vụ sáp nhập SouthernBank - Sacombank kết thúc, tỷ lệ này đã giảm xuống còn hơn 5%. Đồng thời, Eximbank cũng đã tính đến chuyện thoái vốn khỏi Sacombank khi điều kiện thuận lợi. Vì theo một lãnh đạo cấp cao của Eximbank, Ngân hàng phải tính đến chuyện thoái vốn, nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36.
Việc thoái vốn là bắt buộc với các NHTM đang sở hữu cổ phần vượt tỷ lệ quá 5% tại TCTD khác. Tuy nhiên, trước bối cảnh thị trường còn khó khăn hiện nay, để bán được cổ phiếu với giá kỳ vọng là không dễ.
M&A: Con đường ngắn nhất
Mua bán, sáp nhập (M&A) được xem là con đường ngắn nhất để các NHTM có cùng dáng dấp chủ sở hữu về chung một nhà nhằm xóa tình trạng sở hữu chéo theo quy định của Thông tư 36. Cụ thể, Maritime Bank phải giảm tỷ lệ sở hữu tại MDB từ trên 10% xuống dưới 5%, nhưng khi MDB sáp nhập thành công Maritime Bank sẽ xóa được tình trạng sở hữu chéo. Câu chuyện cũng tương tự với trường hợp Southern Bank sáp nhập vào Sacombank.
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 vẫn sẽ là triển khai quyết liệt hoạt động M&A để ổn định hoạt động của hệ thống. Hiện vẫn còn một số ngân hàng nhỏ hoạt động yếu kém và khó có thể tăng năng lực tài chính phải tìm kiếm đối tác để cùng hợp sức phát triển mới có thể tồn tại trong thời gian tới. Theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, dự kiến sẽ có thêm 6 thương vụ M&A ngân hàng diễn ra trong năm 2015 này.
Trong đó, với các cặp ngân hàng đang có chung dáng dấp chủ sở hữu, cần tính đến chuyện sáp nhập, hợp nhất để có thể cùng phát triển. Chẳng hạn như Saigonbank -Vietcombank được xem là cặp đôi kỳ vọng tiến hành sớm việc này. Bởi nếu không sáp nhập, Saigonbank khó có thể đứng vững trên thị trường trong tương lai, khi năng lực tài chính còn ở mức vốn điều lệ khiêm tốn 3.000 tỷ đồng và kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng từng bất thành.
Theo nhận định của TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, Thông tư 36 được đánh giá là quy định quan trọng để kiểm soát hoạt động ngân hàng cùng với các thành viên HĐQT, hội đồng thành viên của đơn vị đó, góp phần xóa bỏ sở hữu chéo. Vì vậy, việc thoái vốn theo quy định của Thông tư 36 rất cần được cơ quan quản lý giám sát triển khai triệt để, rốt ráo.