Được biết, từ năm 2011 đến 15/6/2015, hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã giảm được 15 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cụ thể, 3 NHTM cổ phần sáp nhập thành 1 NHTM cổ phần (Ficombank, TinNghiaBank, SCB thành SCB), 2 NHTM cổ phần sáp nhập vào 2 NHTM cổ phần khác (HBB vào SHB; MDB chính thức được chấp thuận về MSB), 1 NHTM Nhà nước nhập vào 1 NHTM Nhà nước khác (MHB vào BIDV), 1 NHTM cổ phần sáp nhập với 1 công ty tài chính (Western Bank về PVFC thành Pvcom Bank), 1 NHTM cổ phần nhập vào 1 NHTM nhà nước (PGBank vào VietinBank). Đóng cửa và thanh lý 2 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; giải thể, rút giấy phép 1 công ty cho thuê tài chính.
Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng E&Y Việt Nam nêu quan điểm, sau 3 năm tái cơ cấu, thông qua các thương vụ M&A, thị trường đã được sắp xếp lại theo một trật tự mới.
Trong đó, 7 ngân hàng có số vốn điều lệ lớn hơn 10.000 tỷ đồng, 11 ngân hàng có số vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng đến 10.000 tỷ đồng và 12 ngân hàng có số vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng (không tính Ngân hàng Phương Nam và 3 ngân hàng được NHNN mua lại với giá 0 đồng).
Đặc biệt, tổng vốn điều lệ của 12 ngân hàng nhóm cuối là 40.000 tỷ đồng, chỉ hơn với vốn điều lệ của VietinBank khoảng 3.000 tỷ đồng. Như vậy, có thể thấy, sự phân hóa về mặt vốn trên thị trường ngân hàng là khá rõ.
“Với quy mô vốn tương đối hạn hẹp, nhóm các ngân hàng này sẽ gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực cạnh tranh để phát triển”, bà Dương nói.
Nhưng, liệu các ông chủ ngân hàng có sẵn sàng bỏ thêm tiền nâng tỷ lệ sở hữu của mình lên không? Thực tế cho thấy, khó có thể mở rộng phạm vi hoạt động, quy mô mạng lưới, tăng cường năng lực quản trị hay năng lực công nghệ thông tin mà chỉ dựa trên nền tảng vốn như hiện tại.
Nhóm các ngân hàng này sẽ buộc phải linh hoạt trong chiến lược, tinh gọn trong hoạt động thì mới có thể tạo ra được các giá trị cốt lõi, làm bàn đạp cho các cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Một trong những phương cách để có thể đạt được các yếu tố này chính là việc tìm kiếm các đối tác chiến lược nước ngoài nhằm tận dụng nguồn vốn dồi dào cũng như tiếp thu kinh nghiệm dày dạn trong quản trị ngân hàng.
“Ví dụ, hiện tại VIB dù có quy mô khiêm tốn với mức vốn hơn 4.000 tỷ đồng nhưng vẫn đang hoạt động tương đối hiệu quả”, bà Dương chia sẻ.
Ngoài ra, bà Dương cho biết thêm, nếu các ngân hàng này định hướng phát triển như là các ngân hàng địa phương, nhắm vào các thị trường ngách với những lợi thế cạnh tranh nhất định, thì khả năng “sống sót” là rất cao.
Tại thị trường Việt Nam, hiện nay, một số các ngân hàng thuộc nhóm có quy mô nhỏ hẹp cũng đang phát triển theo định hướng này, theo đó, chỉ nhắm đến một vài phân khúc khách hàng đặc thù và từng bước tạo lập vị thế trên thị trường. Ví dụ như, NCB hướng chiến lược, tập trung việc chuyên sâu nhắm đến giới trẻ với các sản phẩm cho vay nhà ở, ô tô và nhắm đến đối tượng khách hàng là hộ gia đình, tiểu thương…
“Tuy nhiên, đích đến của các con đường trên khá khó khăn và phải trải qua một quá trình lâu dài. Do đó, tương lai phía trước của nhóm ngân hàng này vẫn là sự dịch chuyển mạnh mẽ thông qua các thương vụ sáp nhập. Bên cạnh việc tìm kiếm các ngân hàng có quy mô lớn hơn, hoạt động hiệu quả và ưu việt hơn, sẽ có khả năng hai hoặc ba ngân hàng cùng quy mô tìm kiếm cơ hội để hợp tác phát triển, nhằm chống chọi lại những làn sóng cạnh tranh trên thị trường. Như vậy, có thể thấy, “liên minh” sẽ là xu hướng dịch chuyển tất yếu của tương lai, khi mà “sân chơi” dày kín các gã khổng lồ với sức mạnh vượt trội và mức độ bao phủ rộng lớn”, bà Dương nhấn mạnh.
Một chuyên gia kinh tế nhận định: “NHNN nên ra quyết định nâng vốn điều lệ từ 3.000-5.000 tỷ đồng, đây sẽ là một trong những hình thức “ép” các ông chủ ngân hàng chọn con đường sáp nhập thành tổ chức có quy mô lớn. Theo đó, toàn hệ thống ngân hàng cũng đồng thời giảm số lượng về dưới con số 20”.