Nan giải phát mại bất động sản
Mặc dù đã hạ giá bán, nhưng vì giá trị tài sản lớn nên các nhà băng không dễ phát mại tài sản trong bối cảnh thị trường bất động sản đang phải đối mặt với dịch Covid-19.
Trong hai tháng qua, Sacombank thông báo bán đấu giá một số bất động sản tại TP.HCM thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Giấy Bảo Hưng để xử lý nợ xấu.
Trong đó, các tài sản tại quận 8 bao gồm quyền tài sản phát sinh từ 27 hồ sơ bồi thường diện tích hơn 20.800 m2 thuộc dự án Khu dân cư Bảo Hưng và hai quyền sử dụng thửa đất số 464 và 544 với tổng diện tích 12.669 m2, giá khởi điểm 640 tỷ đồng; tại quận Bình Thạnh, Sacombank bán đấu giá khu đất hơn 6.380 m2 với giá khởi điểm gần 377 tỷ đồng.
Tại quận Tân Phú, Ngân hàng rao bán khu đất hơn 6.300 m2 thuộc quyền sở hữu của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong, giá khởi điểm gần 400 tỷ đồng.
Các bất động sản trên không phải được rao bán lần đầu, mà là lần 2, lần 3..., vì trước đó không có ai mua. Theo Sacombank, việc phát mại tài sản thu hồi nợ xấu luôn được Ngân hàng đẩy mạnh, song khó kỳ vọng nhanh, không chỉ vì thủ tục pháp lý mà còn do thị trường bất động sản khó khăn, trong khi tài sản thế chấp của những khoản nợ tồn đọng có giá trị lớn.
Nhiều nhà băng khác như BIDV, VietinBank, Kienlongbank, Agribank... cũng liên tiếp phải rao bán tài sản thế chấp là bất động sản nhằm thu hồi nợ xấu. Mới đây, BIDV thông báo bán đấu giá 32 căn hộ tại Chung cư Kỷ Nguyên (The Era Town), đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM.
Đây là số tài sản thế chấp của Công ty cổ phần Đức Khải. Trong đợt phát mại lần thứ 5 này, tổng giá bán 32 căn hộ là hơn 116 tỷ đồng, giá mỗi căn từ 2,4 - 5,3 tỷ đồng. Giá bán bao gồm thuế giá trị gia tăng và chưa bao gồm 2% phí bảo trì.
Nhìn chung, hoạt động phát mại tài sản thu hồi nợ xấu của ngành ngân hàng trong 2 năm qua không mấy khả thi, nhất là từ khi dịch Covid-19 xảy ra, khiến ngân hàng mua lại nợ xấu từ VAMC khó có thể xử lý sớm.
Ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Ngân hàng Bản Việt cho biết, Ngân hàng đã sớm tất toán trái phiếu VAMC, nhưng chưa thể xử lý nhanh các khoản nợ này do đại dịch xảy ra. Nợ xấu của Ngân hàng đến cuối năm 2020 ở mức 2,7%.
Trong năm 2020, Bản Việt đã trích gần 347 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 3 lần năm 2019. Nhờ hoạt động kinh doanh tăng trưởng, Ngân hàng lãi trước và sau thuế lần lượt là 201 tỷ đồng và gần 161 tỷ đồng, tăng 28%, hoàn thành kế hoạch.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho thấy, 10 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xử lý được 37.314 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, thu nợ xấu bằng tiền là 13.232 tỷ đồng, sử dụng quỹ dự phòng rủi ro 19.633 tỷ đồng, bán tài sản để thu nợ 298 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC 65 tỷ đồng.
Tăng trích lập dự phòng nợ xấu
Kết thúc năm 2020, nhiều ngân hàng gây bất ngờ khi công bố tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh. Chẳng hạn, tại Sacombank, công tác thu hồi, xử lý nợ xấu được đẩy mạnh, doanh số đạt hơn 15.000 tỷ đồng, nhờ đó tài sản tồn đọng giảm 16,7% so với năm 2019 và tỷ lệ nợ xấu được kéo giảm về 1,6%. Tuy nhiên, Ngân hàng đã phải trích lập dự phòng và phân bổ lãi dự thu hơn 5.500 tỷ đồng.
Nợ xấu cuối năm 2020 tại nhiều ngân hàng giảm mạnh là do nhà băng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu.
Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh cho hay, Ngân hàng sẽ cố gắng xử lý các khoản nợ tồn đọng từ nay đến hết năm 2023, trong đó tiếp tục dùng một phần dự phòng rủi ro để xử lý nợ.
Đây là một trong những lý do Sacombank chưa được Ngân hàng Nhà nước cho phép chia cổ tức trong giai đoạn tái cơ cấu, mà phải dùng tất cả nguồn lực (kể cả lợi nhuận thu về) để trích lập dự phòng.
Một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cuối năm 2020 dưới 1% là Techcombank, giảm còn 0,5% từ mức 0,6% cuối tháng 9/2020 và mức 1,3% cuối năm 2019; tỷ lệ này tại Nam A Bank là 0,83% so với mức 1,97% một năm trước đó.
Với Vietcombank, đến cuối năm 2020, nợ xấu ở mức 5.229 tỷ đồng, giảm hơn 50% so với cuối tháng 9 và giảm 10% so với đầu năm; tỷ lệ nợ xấu chỉ còn 0,6%/tổng dư nợ, thấp nhất trong lịch sử của ngân hàng này.
Nhưng năm 2020, quỹ dự phòng rủi ro của Vietcombank tăng lên mức kỷ lục là 19.344 tỷ đồng. Việc đẩy mạnh trích lập của Vietcombank khiến tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu nội bảng đạt mức cao nhất trong hệ thống ngân hàng, gần 380%, tức 100 đồng nợ xấu thì ngân hàng dự phòng gần 380 đồng.
Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành, việc giãn nợ theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN góp phần giúp tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng giảm, nhưng tác động này không lớn. Năm 2021, Vietcombank vẫn nhất quán mục tiêu là kiểm soát tỷ lệ nợ xấu không quá 1%.
VietinBank cũng đạt kết quả tích cực khi tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối năm 2020 còn 0,94%, giảm mạnh so với mức 1,87% cuối quý III/2020 và thấp hơn mức 1,16% cuối năm 2019. Đây là tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong giai đoạn 2016 - 2020 của Ngân hàng.
Trong năm 2020, VietinBank đã tất toán toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cho vay và trái phiếu nội bảng được cải thiện, tăng lên 130%.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, nợ xấu các ngân hàng giảm mạnh cuối năm 2020 là do nhà băng đã dùng một khoản trích lập dự phòng lớn để xóa nợ xấu.
Việc này bắt nguồn từ lo ngại nợ xấu mới hình thành, cộng với nợ chuyển nhóm theo Thông tư 01 bắt đầu được thực hiện từ năm 2021. Tuy nhiên, nợ ở nhóm 4 hay nhóm 5 của một số ngân hàng vẫn ở mức cao.
Để có một bảng báo cáo đẹp, sử dụng dự phòng đưa nợ xấu khỏi bảng cân đối là cách xử lý mà một số ngân hàng lớn lựa chọn.
TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia ngân hàng cho rằng, Thông tư 01 hỗ trợ khắc phục khó khăn bởi Covid-19 đã cho phép các ngân hàng cơ cấu lại nợ vay mà không phải chuyển nhóm nợ cũng như chưa phải trích lập dự phòng rủi ro.
Tuy nhiên, theo tinh thần của dự thảo sửa đổi Thông tư 01, hệ thống ngân hàng sẽ phải chuyển nhóm nợ để đánh giá nợ một cách thực chất hơn. Đồng thời, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu lại đó. Lộ trình trích lập dự phòng dự kiến sẽ kéo dài trong 3 năm.
Do đó, năm 2021, nợ xấu sẽ tăng lên, đòi hỏi các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn. Điều này khiến lợi nhuận ngân hàng khó tăng trưởng cao, dự kiến bằng hoặc thấp hơn mức tăng trong năm 2020.
Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, nợ xấu tăng sẽ tác động lên chi phí trích lập của các ngân hàng trong năm 2021 và 2022, do dư nợ có quy trình 360 ngày chậm trả tính từ hạn trả nợ mới để chuyển từ nợ nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn) sang nợ nhóm 5 (nợ có nguy cơ mất vốn và phải trích lập 100% dự phòng).
Một hướng đi có thể đẩy nhanh xử lý nợ xấu được gợi mở đó là sớm đưa vào vận hành sàn giao dịch mua bán nợ xấu. Được biết, tại Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển của VAMC đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu VAMC phải hoàn thiện việc thành lập, đưa vào vận hành sàn giao dịch mua bán nợ giai đoạn 2021 - 2025.
Lãnh đạo VAMC đề xuất các cơ quan nhà nước cần hoàn thiện hành lang pháp lý về phát triển thị trường mua bán nợ, ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện ngay khi sàn đi vào hoạt động.