Nợ xấu tăng mạnh ở một số nhà băng
Hàng loạt ngân hàng lớn và tầm trung như VPBank, BIDV, ACB, Viecombank, MB... ghi nhận nợ xấu tăng lên trong quý đầu năm 2021. Trong đó, BIDV đứng đầu ngành về quy mô nợ xấu, với 21.765 tỷ đồng, tăng 15,5% so với cuối năm 2020.
Đứng thứ hai là VPBank, với 10.423 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng tư nhân có nhiều nợ xấu nhất, tỷ lệ nợ xấu tính tại thời điểm cuối quý I/2021 là 3,46%, cao nhất trong số các ngân hàng khảo sát.
Tuy nhiên, tỷ lệ này được tính bao gồm cả nợ xấu của FE Credit, vốn có tỷ lệ nợ xấu cao bởi đặc thù của công ty tài chính tiêu dùng. Nếu tính theo báo cáo tài chính riêng lẻ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank chỉ ở mức 2,17%.
Trong khi đó, nợ xấu của Vietcombank tăng tới 47% trong 3 tháng đầu năm nay, lên 7.697 tỷ đồng. Cùng thời gian, tại MB, nợ xấu tăng 29%, lên 4.185 tỷ đồng.
ACB cũng nằm trong nhóm có nợ xấu tăng mạnh nhất trong quý đầu năm nay, với mức tăng 61%, lên 2.954 tỷ đồng.
Trong Top 10 ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất tính đến cuối tháng 3/2021, còn có sự góp mặt của SHB (5.865 tỷ đồng, tăng 0,06% so với hồi đầu năm), Sacombank (5.292 tỷ đồng), VIB (3.065 tỷ đồng, giảm 0,02%)...
Được biết, những con số này chưa bao gồm nợ xấu các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), nên mới chỉ phản ánh một phần của bức tranh nợ xấu của các ngân hàng.
Tất nhiên, vẫn có nhiều nhà băng ghi nhận nợ xấu giảm. Chẳng hạn, nợ xấu của Techcombank giảm 12%, nợ xấu của VietinBank giảm 6%, Sacombank giảm 8%, SeABank giảm 1%, BacABank giảm 4%.
Đặc biệt, tại Kienlongbank, nợ xấu đã giảm từ 1.883 tỷ đồng xuống còn 560 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tại ngày 31/3/2021 xuống còn 1,19% và trở thành ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh nhất trong hệ thống.
Tuy Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được trích lập dự phòng đối với khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong 3 năm, song Vietcombank phấn đấu trích đầy đủ trong năm 2021. Cơm chưa ăn thì gạo còn đó”
Dưới góc nhìn của TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, ngân hàng, nợ xấu mới trong năm 2021 có thể không ít hơn năm 2020. Lý do là đại dịch Covid-19 ở trong nước và trên thế giới vẫn chưa được kiểm soát như kỳ vọng, các hoạt động sản xuất – kinh doanh chưa thể hồi phục như thời điểm trước khi dịch bệnh xảy ra nên khả năng trả nợ vay của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, từ đó đẩy nợ xấu của ngành ngân hàng tăng.
Hồi đầu tháng 4 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo đó, việc cơ cấu lại các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ được giãn tới cuối năm 2021 và việc trích lập dự phòng nợ xấu được kéo dài trong 3 năm (mức trích lập đến cuối năm 2021 là tối thiểu 30%, đến cuối năm 2022 là 60% và 100% đến cuối năm 2023).
Nhiều chuyên gia tài chính đánh giá, việc ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN là hết sức cần thiết, tạo thuận lợi hơn cho các ngân hàng trong việc triển khai hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19. Vì nếu phải trích lập 100% dự phòng cho dư nợ cơ cấu lại ngay trong năm nay, sẽ có ngân hàng bị lỗ.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành về công tác tín dụng mới đây, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, qua đánh giá cho thấy, nếu yêu cầu các tổ chức tín dụng phải trích lập 100% nợ xấu ngay trong năm 2021, một số tổ chức tín dụng sẽ bị lỗ trong năm nay và việc chia lộ trình trích lập dự phòng 3 năm là hợp lý.
Tuy vậy, ông Du cũng khuyến nghị các tổ chức tín dụng, “nếu cảm thấy có năng lực tài chính tốt có thể trích lập dự phòng nợ xấu nhiều hơn so với quy định tại Thông tư 03, thậm chí có thể trích lập ngay 100% trong năm nay cũng được”. Đây cũng chính là lý do nợ xấu của một số ngân hàng tăng mạnh trong quý đầu năm nay.
Chủ động tái cơ cấu nợ, tăng dự phòng
Mặc dù được cơ cấu lại về thời hạn trả nợ, song theo ghi nhận tại một số ngân hàng, khách hàng ở một số ngành vẫn gặp khó khăn và khó có khả năng trả nợ.
Trong báo cáo phân tích mới đây, SSI Research cho biết, ACB đã chủ động phân loại lại nợ của một khách hàng doanh nghiệp lớn có thể gặp khó khăn trong tương lai. ACB cũng dự báo có thể cần hơn 2 năm để xử lý tài sản thế chấp liên quan, do đó, Ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ đối với khoản cho vay này (giả định tài sản đảm bảo bằng 0).
Nợ nhóm 2 và tỷ lệ nợ xấu của ACB đã tăng lần lượt từ 0,18% và 0,59% vào cuối năm 2020 lên mức 0,32% và 0,91% tại thời điểm cuối quý I năm nay. ACB thường trích lập dự phòng trước một quý khi nợ xấu mới hình thành và tăng.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, nhất là lĩnh vực du lịch, hàng không. Tổng số dư nợ ACB tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng là 9.000 tỷ đồng trên 311.000 tỷ đồng dư nợ. Tuy nhiên, chỉ có 1.000 tỷ đồng dư nợ tái cơ cấu trong tổng dư nợ cho vay 9.000 tỷ đồng mà ACB tái cơ cấu cho khách hàng. Theo Thông tư 03, ACB ước tính dự phòng phải trích lập cho số dư nợ tái cơ cấu là 300 tỷ đồng và trích lập tiếp vào các quý sau.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng chia sẻ, Ngân hàng rất thận trọng trong dự phòng rủi ro nợ xấu và luôn trích lập đầy đủ. Chẳng hạn, theo quy định thì với các khoản nợ xấu có tài sản đảm bảo là bất động sản sẽ được loại trừ 35% và chỉ phải trích lập 65%, nhưng Vietcombank chỉ đưa tỷ lệ loại trừ về 1 - 2%, về cơ bản vẫn trích lập đủ 100%. Hay những khoản được cơ cấu theo chương trình, chính sách của Nhà nước, ví dụ một số khoản tín dụng cấp cho Vinafood1 hay Vietnam Airlines sẽ không phải trích lập, nhưng Ngân hàng vẫn tiến hành.
Chỉ tính riêng trong quý I/2021, Vietcombank trích lập dự phòng thêm 2.000 tỷ đồng nợ xấu. Theo ông Thành, tuy Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng được lập trích dự phòng đối với khoản nợ tái cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong 3 năm, song Vietcombank phấn đấu trích lập đầy đủ trong năm 2021. "Cơm chưa ăn thì gạo còn đó, việc trích lập dự phòng theo đúng thông lệ quốc tế sẽ đảm bảo an toàn cho Ngân hàng”.
Dù nhiều dự báo bức tranh kinh tế năm 2021 sẽ tươi sáng khi vắc-xin phòng Covid-19 dần được triển khai rộng rãi, nhưng việc dịch bệnh tái bùng phát cho thấy nền kinh tế cần phải cẩn trọng hơn.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/4/2021, tín dụng nền kinh tế tăng 3,34% so với cuối năm 2020. Ngân hàng với vai trò trung gian tài chính ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tăng trưởng đột biến trong quý I/2021 và đề ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng đến cuối năm khả quan. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, lợi nhuận ngân hàng quý đầu năm chưa phản ánh được điều gì, có thể do chưa trích lập dự phòng đầy đủ.
Theo TS. Hiếu, các ngân hàng thường dồn việc trích lập dự phòng vào báo cáo tài chính quý IV, “nhưng để chống nợ xấu và dự phòng tăng sốc vào quý cuối năm, tốt nhất là nên trích lập ngay từ quý I”.