Nhiều mã trong VN30 không phải là cổ phiếu vốn hóa lớn?

(ĐTCK) “Tôi vừa đọc báo cáo khảo sát công bố thông tin trên thị trường chứng khoán năm 2017 của Vietstock thì thấy, số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn chỉ là 22. Vậy nhiều mã trong rổ chỉ số VN30 cũng không phải là cổ phiếu lớn?”, một nhà đầu tư băn khoăn.
Nhiều mã trong VN30 không phải là cổ phiếu vốn hóa lớn?

Mạnh Hải, nhà đầu tư trên cho biết, anh mới tham gia thị trường chứng khoán, không có nhiều kiến thức về kinh tế, tài chính, chứng khoán, nên vừa học hỏi, vừa đầu tư.

Để hạn chế rủi ro, anh xem xét các mã trong rổ chỉ số VN30 để đầu tư, vì đây là các cổ phiếu lớn, thanh khoản cao. Mặt khác, các công ty chứng khoán thường xuyên khuyến nghị nhà đầu tư quan tâm đến nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Vậy nhưng, báo cáo kết quả cuộc khảo sát đánh giá hoạt động công bố thông tin giai đoạn 1/7/2016 - 30/6/2017 của các doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán (niêm yết trước thời điểm 1/7/2016) của Vietstock vừa qua cho thấy, số lượng cổ phiếu vốn hóa lớn (Large Cap) là 22, cổ phiếu vốn hóa trung bình (Mid Cap) là 140, cổ phiếu vốn hóa nhỏ và siêu nhỏ (Small & Micro Cap) là 510.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, giá trị vốn hóa trong báo cáo của Vietstock được tính bằng giá đóng cửa ngày 30/6/2017 nhân với số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Tiêu chí phân loại cổ phiếu vào nhóm Large Cap là vốn hóa thị trường từ 10.000 tỷ đồng trở lên; nhóm Mid Cap có vốn hóa thị trường lớn hơn hoặc bằng 1.000 tỷ đồng; nhóm Small & Micro Cap có vốn hóa thị trường nhỏ hơn hoặc bằng 100 tỷ đồng.

Còn 30 cổ phiếu trong chỉ số VN30 là 30 mã có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Trong đó, chỉ tiêu giá trị vốn hóa làm căn cứ để HOSE lựa chọn cổ phiếu vào rổ tính chỉ số là bình quân của giá trị vốn hóa hàng ngày trong 12 tháng gần nhất tính tới ngày chốt dữ liệu xem xét.

Đối với cổ phiếu có thời gian niêm yết dưới 12 tháng, giá trị vốn hóa được tính là giá trị bình quân của giá trị vốn hóa hàng ngày từ thời điểm niêm yết tới ngày chốt dữ liệu xem xét.

Với chỉ số VNMidcap, HOSE lựa chọn 70 cổ phiếu có giá trị vốn hóa sau VN30, còn chỉ số VNSmallcap bao gồm các cổ phiếu còn lại.

Tương tự, trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có chỉ số Large Cap Index và Mid/Small Cap Index, với hai tiêu chí lựa chọn cổ phiếu cơ bản là giá trị vốn hóa và vốn điều lệ thực góp. Cụ thể, HNX lựa chọn 50 cổ phiếu niêm yết có mức vốn hóa thị trường bình quân 6 tháng cao nhất và có vốn điều lệ thực góp từ 120 tỷ đồng trở lên căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất kiểm toán hoặc báo cáo kết quả phát hành gần nhất để đưa vào chỉ số Large Cap Index; các cổ phiếu còn lại được đưa vào chỉ số Mid/Small Cap Index.

“Hai Sở giao dịch chứng khoán không phân loại cổ phiếu lớn hay nhỏ như cách hiểu về thuật ngữ Large Cap hay Small Cap đang được các công ty chứng khoán và nhà đầu tư sử dụng phổ biến trên thị trường”, chuyên viên phân tích tại một công ty chứng khoán nói và cho biết, ở Việt Nam chưa có tiêu chí chung phân loại mức vốn hoá thị trường để định danh cổ phiếu lớn hay nhỏ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, vị chuyên viên phân tích trên cho hay, các công ty chứng khoán và một số chủ thể khác trên thị trường chứng khoán Việt Nam phân loại cổ phiếu theo vốn hóa là dựa vào cách làm phổ biến trên thế giới.

Tại Mỹ, các cổ phiếu trên thị trường chứng khoán được phân thành 6 loại bao gồm: Mega Cap (siêu lớn), vốn hóa thị trường từ 200 tỷ USD trở lên (Google, Amazon, Apple, Facebook, Microsoft...); Big/Large Cap, vốn hóa thị trường từ 10 - 200 tỷ USD; Mid Cap, vốn hóa thị trường từ 2 - 10 tỷ USD; Small Cap, vốn hóa thị trường từ 300 triệu USD đến 2 tỷ USD; Micro Cap (cực nhỏ), vốn hóa thị trường từ 50 - 300 triệu USD; Nano Cap (siêu nhỏ), vốn hóa thị trường dưới 50 triệu USD.

Việc phân loại chỉ mang tính tương đối và thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn, đầu những năm 1980, một loại cổ phiếu có vốn hóa thị trường 1 tỷ USD được coi là vốn hóa lớn, nhưng hiện nay, con số này được xem là vốn hóa nhỏ.

Tuy được phân loại như trên, nhưng tiêu chí về vốn hóa để cổ phiếu được chọn vào rổ tính chỉ số lại khác, thậm chí có phần chồng chéo. Chẳng hạn, S&P500 - chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa lớn yêu cầu công ty có vốn hóa tối thiểu 4 tỷ USD; S&P400 - chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa trung bình, mức vốn yêu cầu từ 1 - 4,4 tỷ USD; S&P600 - chỉ số của các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, mức vốn yêu cầu từ 300 triệu USD đến 1,4 tỷ USD.

“Quan sát chỉ số giá cổ phiếu theo vốn hóa giúp nhà đầu tư biết được sự dịch chuyển của dòng tiền vào các nhóm cổ phiếu khác nhau trên thị trường. Sự dịch chuyển này thường có quy luật”, vị chuyên viên phân tích nói và cho rằng, căn cứ vào mức giá tại một thời điểm để phân loại cổ phiếu lớn hay nhỏ theo quy mô vốn hóa không thực sự hợp lý, vì ranh giới khá mong manh.

Thực tế cho thấy, vốn hóa thị trường thay đổi hàng ngày, có những mã biến động giá mạnh, tăng giảm hàng chục phần trăm trong thời gian ngắn. Theo đó, với những cổ phiếu nằm ở vùng giáp ranh, hôm nay có vốn hóa ở mức trung bình, nhưng một vài ngày sau có thể chuyển sang nhóm vốn hóa lớn và ngược lại. 

Trên sàn UPCoM, các cổ phiếu đang được phân bảng theo quy mô vốn chủ sở hữu. Theo đó, bảng UPCoM quy mô lớn (UPCoM Large) bao gồm cổ phiếu của các doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu từ 1.000 tỷ đồng trở lên; UPCoM quy mô vừa (UPCoM Medium), vốn chủ sở hữu từ 300 tỷ đồng trở lên; UPCoM quy mô nhỏ (UPCoM Small), vốn chủ sở hữu từ 10 tỷ đồng trở lên. Chỉ tiêu vốn chủ sở hữu được lấy từ báo cáo tài chính năm gần nhất đã được kiểm toán. Các bảng UPCoM theo quy mô vốn có chỉ số riêng bao gồm chỉ số UPCoM Large, chỉ số UPCoM Medium và chỉ số UPCoM Small.

Trí Dũng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục