Chiếm gần 70% vốn hóa thị trường
Ngày 17/7, Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE) đã thêm 3 mã cổ phiếu gồm NVL, SAB và ROS vào rổ VN30 kỳ 2 năm 2017 (từ 24/7/2017 - 19/1/2018), đồng thời loại 3 cổ phiếu HAG, HNG và ITA. Ba cổ phiếu mới được thêm vào danh mục tuy chỉ niêm yết từ cuối năm 2016, nhưng đều là những mã có vốn hoá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng lớn về khối lượng và giá trị trong VN-Index. Nhờ đó, danh mục VN30 mới sẽ tiếp tục phản ánh sát hơn những biến động của thị trường.
VN30 là chỉ số xây dựng dựa trên danh mục 30 cổ phiếu lớn nhất niêm yết trên HOSE được lựa chọn và tính toán theo nhiều tiêu chí khác nhau như giá trị vốn hóa, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) và thanh khoản, có hạn chế mức trần tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần, nhằm giúp rổ chỉ số mang tính ổn định, nhưng vẫn đại diện cho toàn thị trường.
Thêm vào đó, danh mục này cũng được xem xét định kỳ 6 tháng/lần hoặc điều chỉnh khi xảy ra sự kiện bất thường, qua đó, đảm bảo tính cập nhật và phản ánh được nhóm cổ phiếu có ảnh hưởng lớn đến VN-Index, cũng như loại bỏ những cổ phiếu tác động đã bị suy giảm.
Sự ra đời của chỉ số này đã giúp khắc phục được phần nào điểm yếu của VN-Index là dễ bị “dẫn dắt” bởi một số cổ phiếu lớn do cách tính dựa vào giá trị vốn hóa, cũng như đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhà đầu tư về danh mục cổ phiếu, trong bối cảnh có tới hơn 300 doanh nghiệp niêm yết trên HOSE mà VN-Index chưa làm được.
Nhìn qua danh sách cổ phiếu trong nhóm VN-30, có thể thấy đều bao gồm những thương hiệu tên tuổi hàng đầu trên sàn niêm yết hiện nay như Vinamilk, Sabeco, Tôn Hoa Sen, Thép Hòa Phát...
Với nền tảng cơ bản tốt, trải qua các giai đoạn biến động khó khăn, đây chính là nhóm doanh nghiệp thể hiện tính phòng thủ cao, là nơi trú ẩn cho dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư, ngược lại cũng đem lại mức sinh lời tích cực trong giai đoạn thị trường phát triển.
Tính từ đầu năm đến hết phiên giao dịch ngày 17/7, VN30 đã tăng 18,7%, trong khi VN-Index tăng thấp hơn ở mức 15,6% cho thấy hiệu quả của danh mục này.
Theo thống kê đến ngày 17/7, nhóm doanh nghiệp VN30 có tổng giá trị vốn hóa đạt 1.307.000 tỷ đồng, chiếm 69,02% tổng vốn hóa sàn HOSE. Trong đó, riêng 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất có quy mô vốn hóa 974.760 tỷ đồng, chiếm 51,47%.
Trong 6 tháng đầu năm 2017, nhóm VN30 đã chiếm 33,28% tổng khối lượng giao dịch và 40,51% giá trị giao dịch của VN-Index. Điều này giải thích tại sao biến động cổ phiếu thuộc nhóm này có ảnh hưởng rất mạnh đến xu hướng của VN-Index nói riêng và thị trường nói chung. Khi mặt bằng chung của nhóm doanh nghiệp thuộc VN30 tăng trưởng và bền vững, nền tảng phát triển thị trường sẽ chắc và ngược lại.
Lạc quan kết quả 6 tháng đầu năm
Do hầu hết doanh nghiệp trong nhóm VN30 đều là các tổng công ty, tập đoàn lớn phải thực hiện hợp nhất báo cáo, nên đến thời điểm hiện tại, chưa có nhiều doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính chi tiết quý II và 6 tháng đầu năm 2017.
Tuy nhiên, theo một số ước tính do chính doanh nghiệp công bố cũng như các công ty chứng khoán đưa ra, kết quả kinh doanh dù có sự phân hóa mạnh nhưng xu hướng lạc quan vẫn chiếm ưu thế.
Cụ thể, trong nhóm ngân hàng, 5 cổ phiếu thuộc nhóm VN30 đều có những ước tính khả quan. Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - MBBank (MBB) cho biết, 6 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 2.386 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ, hoàn thành trên 55% kế hoạch năm.
Tại Ngân hàng VietinBank (CTG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ tín dụng đều tăng trưởng mạnh 9 - 10% so với cùng kỳ năm trước, ước tính Ngân hàng thu về hơn 4.700 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm. Còn với Vietcombank, (VCB), Tổng giám đốc Phạm Quang Dũng chia sẻ, Ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 5.054 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 53,2% kế hoạch 2017.
Với Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk - VNM), cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường và VN30 hiện nay, Bộ phận Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sau cuộc gặp gỡ với VNM cho biết, doanh thu 6 tháng đầu năm ước tăng khoảng 22%, đạt 25.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng 18%, đạt 5.900 tỷ đồng. Thị phần ở các ngành hàng chủ lực như sữa nước, sữa chua uống đều gia tăng giúp tăng sản lượng tiêu thụ trong khi giá bán ít thay đổi.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII), trong quý II, công ty mẹ lãi sau thuế khoảng 337 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lãi 1.550 tỷ đồng. Với kết quả này, CII là công ty đầu tiên trong nhóm VN30 đã vượt mức kế hoạch mà Đại hội đồng cổ đông giao phó chỉ sau nửa năm.
Mới đây, thông tin từ Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, lũy kế 6 tháng đầu năm đã đạt doanh thu hơn 21.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.470 tỷ đồng, tăng 36% và 14% so với cùng kỳ 2016. Thị phần tiêu thụ của thép tăng trưởng từ 22,2% hồi cuối năm 2016 lên trên 24% vào cuối tháng 6/2017.
Đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, với mức thanh khoản thị trường tăng bình quân gấp đôi cùng kỳ trong 6 tháng đầu năm, cùng diễn biến tốt tại hầu hết các nhóm cổ phiếu, đa số các dự báo đều cho rằng cả Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) và Công ty cổ phần Chứng khoán TP. HCM (HCM) đều sẽ có sự tăng trưởng vượt bậc về lợi nhuận.
Trong khi đó, 3 cổ phiếu mới được thêm vào danh mục VN30, gồm FLC Faros (ROS), Novaland (NVL) và Sabeco (SAB) đều được dự báo lạc quan nhờ sự khởi sắc của thị trường xây dựng - bất động sản, cũng như sự tăng trưởng của thị trường bia - rượu, nước giải khát trong nước. Đây cũng là dự báo chung cho nhiều doanh nghiệp còn lại trong nhóm như Tôn Hoa Sen (HSG), Coteccons (CTD), Thế giới di động (MWG)…
Với những kết quả kinh doanh tích cực trong 6 tháng đầu năm 2017, cùng bối cảnh kinh tế vĩ mô nhiều thuận lợi, lãi suất, tỷ giá ổn định, nhóm doanh nghiệp VN30 tiếp tục nhận được nhiều dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong nửa cuối 2017 và trở thành động lực dẫn dắt, đưa VN-Index nói riêng và toàn thị trường nói chung hướng tới chinh phục các đỉnh cao mới trong thời gian từ nay đến cuối năm.
Các yếu tố trong nước và toàn cầu hỗ trợ thị trường Việt Nam
Ông Barry Weisblatt, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua 6 tháng đầu năm tích cực và được dự báo sẽ duy trì trong nửa cuối năm.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục được hưởng lợi khi các thị trường mới nổi đã quay trở lại trạng thái tích cực. Các chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi thắng cử, vốn là yếu tố dẫn dắt các thị trường, đã dần biến mất khi khả năng cắt giảm thuế doanh nghiệp và chương trình chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đang gặp nhiều trở ngại. Khả năng về đợt tăng lãi suất thứ ba trong năm nay của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thậm chí cũng giảm nhẹ khi số liệu cho thấy, kinh tế Mỹ đang chững lại.
Trong bối cảnh này, các thị trường mới nổi đã được hưởng lợi từ dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ với chỉ số MSCI EM Asia tăng 22% trong 6 tháng đầu năm. Dù vẫn chỉ đang là thị trường cận biên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có xu hướng giao dịch tương tự thị trường mới nổi và đang tham gia vào đà tăng này, đặc biệt là các mã cổ phiếu trong rổ VN30, những cổ phiếu có khả năng thu hút sự quan tâm từ các quỹ đầu tư lớn quốc tế.
Trong nước, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trong năm nay. Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% bằng cách gia tăng đầu tư, tăng trưởng tín dụng cao hơn hoặc lãi suất thấp hơn ở các ngành mục tiêu. Tỷ lệ lạm phát thấp, đồng VND ổn định và những diễn biến tích cực của một số ngân hàng trong việc xử lý xong các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), khiến chính sách nới lỏng tiền tệ là một lựa chọn hợp lý ở thời điểm này.
Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng 9,06% trong nửa đầu năm 2017, cao hơn so với mức đã ghi nhận trong 2 năm trước đó. Chúng tôi vẫn kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ sẽ tiếp tục diễn ra trong suốt cả năm và sẽ dễ dàng đạt kế hoạch 18% của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Ngoài ra, chính sách kích thích tiền tệ tiếp tục thúc đẩy định giá cổ phiếu. Tác động của chính sách nới lỏng tiền tệ rõ ràng là một tín hiệu tích cực cho chứng khoán trong năm nay, do đó, đà tăng điểm hiện tại sẽ vẫn còn dư địa tiếp tục tăng trưởng. Các cổ phiếu ngân hàng hiện đang chiếm 21% giá trị vốn hóa của HOSE, diễn biến này củng cố tốt cho thị trường nói chung.
Các công ty bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi khi lượng vốn vay thế chấp được sẵn sàng. Lạm phát tiếp tục ở mức thấp và tỷ giá ổn định sẽ hỗ trợ cho chi tiêu tiêu dùng và các cổ phiếu ngành tiêu dùng.
Thị trường hiện đang thu hút nhiều sự quan tâm với những kỳ vọng về các cổ phiếu mới sắp niêm yết, chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục xu hướng hiện tại để vượt mốc 800 điểm trước cuối năm nay, có khả năng sẽ tăng đạt 820 điểm.