Nhiều lựa chọn hơn cho vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường sẽ có thêm thương hiệu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép sản xuất vàng miếng.
Xóa bỏ độc quyền trong sản xuất vàng miếng sẽ giúp ổn định thị trường vàng Xóa bỏ độc quyền trong sản xuất vàng miếng sẽ giúp ổn định thị trường vàng

Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và nhập khẩu vàng, mở cơ chế cho ngân hàng, doanh nghiệp được nhập khẩu vàng miếng. Điều này được cho sẽ tác động tích cực lên thị trường vàng nội địa, giá vàng miếng SJC.

Xóa độc quyền, cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu

Ông Đào Xuân Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng bám sát các chỉ đạo của Tổng Bí thư. Trong đó, đối với quản lý thị trường vàng miếng, dự thảo Nghị định cũng xây dựng các quy định theo hướng xóa bỏ độc quyền nhà nước trong sản xuất vàng miếng, xuất khẩu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Quy định này được thể hiện thông qua cơ chế NHNN cấp giấy phép cho một số doanh nghiệp, ngân hàng đáp ứng điều kiện được sản xuất vàng miếng; được nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và phục vụ nhu cầu vàng nguyên liệu cho sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ.

Căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, các mục tiêu của chính sách tiền tệ và diễn biến thị trường vàng trong từng thời kỳ, Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp hạn mức cho doanh nghiệp, ngân hàng đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu. Cách thức này đảm bảo bỏ độc quyền nhà nước, nhưng vẫn có sự kiểm soát chặt chẽ với thị trường vàng miếng trong hoạt động sản xuất cũng như nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Với cơ chế mới tại dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 24, trên thị trường sẽ có thêm thương hiệu vàng của các doanh nghiệp, ngân hàng được cấp phép sản xuất vàng miếng. Người dân có nhiều sự lựa chọn hơn, thị trường có sự cạnh tranh hơn, hạn chế chênh lệch lớn về giá giữa các sản phẩm, thương hiệu vàng. Ngoài ra, dự thảo Nghị định cũng sửa đổi quy định về việc thanh toán qua tài khoản, sử dụng hóa đơn điện tử… đối với các giao dịch mua bán vàng, qua đó đảm bảo các giao dịch vàng miếng trên thị trường được minh bạch hơn.

Quy định này cho phép tăng cung vàng nguyên liệu nhưng vẫn đảm bảo có sự kiểm soát của Nhà nước đối với thị trường vàng trang sức mỹ nghệ. Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được cấp phép nhập khẩu vàng phải xây dựng quy định nội bộ về việc nhập khẩu, bán vàng nguyên liệu đảm bảo công khai, minh bạch; xây dựng hệ thống thông tin lưu trữ đầy đủ, chính xác dữ liệu giao dịch mua bán vàng nguyên liệu, kết nối cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cũng kiến nghị cho phép doanh nghiệp vàng trang sức được nhập khẩu vàng nguyên liệu, không hạn chế về khối lượng. Doanh nghiệp sẽ báo cáo với cơ quan nhà nước liên quan về kim ngạch nhập nguyên liệu và khối lượng bán vàng trang sức đáp ứng nhu cầu trong nước, kim ngạch xuất khẩu vàng trang sức.

TS. Lê Xuân nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, vàng là nguồn dự trữ vô cùng quan trọng. Mỗi năm, Việt Nam chỉ cần nhập khẩu 3-4 tỷ USD vàng, nhưng nhiều người đã lo “chảy máu ngoại tệ”, trong khi nhập khẩu rượu ngoại, xì gà, thuốc lá ngoại lên tới 8 tỷ USD/năm lại không ai nói về vấn đề này, đây là điều rất phi lý.

Theo ông Nghĩa, 14 năm nay, Việt Nam cấm nhập khẩu vàng, vậy thì vàng hiện nay đang buôn bán ở Việt Nam ở đâu ra. Các công ty kinh doanh vàng, bạc đương nhiên phải gom vàng lậu, vàng trong dân để gia công, buôn bán. Bởi họ vẫn phải tồn tại, vẫn phải kinh doanh khi có hàng vạn lao động. Với thực trạng trên, ông Nghĩa cho rằng, để giải quyết những vấn đề của thị trường vàng, giải pháp “thượng sách” là mở cửa, cho phép một số công ty nhập khẩu theo quy định của NHNN đưa ra.

Cân nhắc tổ chức tín dụng được sản xuất vàng miếng

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, để giải quyết những vấn đề của thị trường vàng, giải pháp "thượng sách" là mở cửa, cho phép một số doanh nghiệp nhập khẩu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đưa ra.

Theo ý kiến góp ý cho dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng của VGTA, việc bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp và ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện là cần thiết. Tuy nhiên, VGTA cho rằng, dự thảo Nghị định 24 bổ sung tổ chức tín dụng tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng là không nên. Lý do bởi theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024, ngân hàng thương mại không có chức năng, nhiệm vụ sản xuất vàng, mà nhiệm vụ chính là kinh doanh tiền tệ (đặc biệt là hoạt động tín dụng) và cung ứng dịch vụ thanh toán.

Theo VGTA, nếu để các ngân hàng tham gia sản xuất, kinh doanh vàng miếng thì buộc phải sử sụng nguồn vốn khá lớn (đầu tư nhà xưởng, máy móc, đào tạo tay nghề nhân công...) đầu tư vào lĩnh vực không thuộc chức năng, nhiệm vụ chính. Điều này ảnh hưởng đến nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2025-2030 là cấp tín dụng, hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, các ngân hàng thương mại không phải là tổ chức chuyên sâu về sản xuất, kinh doanh vàng. Theo VGTA, lịch sử chứng minh các ngân hàng sản xuất và kinh doanh vàng miếng không hiệu quả như Agribank, Scombank, ACB giai đoạn trước năm 2012. Việc để các ngân hàng sản xuất, kinh doanh vàng từng để lại hậu quả kéo dài, khiến cơ quan quản lý phải có giải pháp ổn định trở lại.

Vì vậy, VGTA đề nghị cân nhắc quy định Ngân hàng Nhà nước tổ chức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ mà dự thảo đưa ra. Bởi Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng, không phải là cơ quan sản xuất kinh doanh vàng miếng. Nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia thương trường (tổ chức sản xuất vàng miếng) sẽ chịu sự quản lý của cơ quan nào, dẫn tới chồng chéo nhiệm vụ vừa thực hiện kinh doanh, vừa thực hiện quản lý nhà nước.

Cũng theo VGTA, nếu Ngân hàng Nhà nước tham gia sản xuất, cung ứng vàng miếng chắc chắn càng tác động, tạo tâm lý thu hút người dân, nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào vàng miếng mang thương hiệu Ngân hàng Nhà nước và điều này rất dễ đem lại hậu quả tương tự như trước đây khi lấy vàng SJC làm vàng chuẩn quốc gia. Như vậy, vàng miếng của doanh nghiệp khó có thể hấp dẫn. Do đó, mục tiêu đa dạng hóa nguồn cung vàng miếng với nhiều thương hiệu khác nhau nhằm kéo giá vàng xuống khó đạt được. Nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục dồn vào thương hiệu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, dẫn tới áp lực cho Ngân hàng Nhà nước về sản xuất vàng miếng, đẩy cầu tăng cao, kéo giá vàng miếng tăng theo, làm cho thị trường vàng miếng bị méo mó.

“Ngân hàng Nhà nước có thể tham khảo thực tế nhu cầu vốn ban đầu của Công ty SJC để đầu tư sản xuất vàng miếng, từ đó có quy định sát với thực tiễn. Con số này, theo VGTA, ở mức 500 tỷ đồng là phù hợp. Đồng thời, VGTA cũng đề xuất ngoài điều kiện về vốn điều lệ, cơ quan quản lý nên tập trung yêu cầu về năng lực sản xuất (tài sản, cơ sở vật chất, kỹ thuật), hiệu quả kinh doanh, uy tín và thương hiệu”, ông Đinh Nho Bản - Chủ tịch VGTA nêu quan điểm.

Đồng thời, VGTA cũng đề nghị bỏ quy định “doanh nghiệp phải có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng” và “vốn điều lệ tối thiểu 1.000 tỷ đồng” mới được sản xuất vàng miếng. Theo lý giải của VGTA, hiện trên thị trường vàng chỉ có 3 doanh nghiệp đáp ứng về yêu cầu vốn điều lệ này, tức là số lượng doanh nghiệp có thể tham gia sản xuất vàng miếng không đáng kể, dẫn đến việc thị trường vẫn có thể rơi vào tình trạng độc quyền sản xuất, cung ứng vàng miếng.

Vì thế, VGTA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức xuất, nhập khẩu vàng miếng, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng theo định kỳ hằng năm. Việc phân bổ cần được thực hiện ngay từ đầu năm, theo nguyên tắc công khai, minh bạch và không phát sinh các giấy phép con, từ đó doanh nghiệp chủ động lựa chọn thời điểm và khối lượng (trong hạn mức) để nhập khẩu và sẽ báo báo cáo định kỳ vớiNgân hàng Nhà nước, song việc điều chỉnh bổ sung hạn mức nhập khẩu, xuất khẩu vàng miếng do Ngân hàng Nhà nước quyết định.

Tại buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng ngày 28/5/2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu hoàn thiện pháp lý, sớm điều chỉnh Nghị định 24 theo hướng thị trường hóa có kiểm soát và lộ trình, nhằm tạo kết nối hiệu quả giữa thị trường trong nước và quốc tế. Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị mở rộng quyền nhập khẩu vàng có kiểm soát để tăng nguồn cung, góp phần giảm chênh lệch với giá thế giới, đồng thời hạn chế buôn lậu qua biên giới.

Cùng với đó, thị trường vàng trang sức được khuyến khích phát triển để từng bước đưa Việt Nam thành trung tâm chế tác, xuất khẩu chất lượng cao mặt hàng này. Việc đó cũng giúp chuyển hóa vàng tích trữ thành sản phẩm có giá trị gia tăng.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục