Từ năm học 2024 -2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ thực hiện giảm giá từ 10-24% các tựa sách giáo khoa ở tất cả các khối lớp so với giá bìa của năm học trước.
Cụ thể, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã thực hiện và triển khai 4 bộ sách giáo khoa đối với lớp 1, lớp 2 đến lớp 12 đã thực hiện triển khai 2 bộ sách giáo khoa là Chân trời sáng tạo; Kết nối tri thức với cuộc sống với đầy đủ môn học và hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, với bộ sách Chân trời sáng tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn thực hiện hai phiên bản đối với hai môn học là Mỹ thuật và Hoạt động giáo dục. Cạnh đó còn triển khai các sách ngoại ngữ 1, ngoại ngữ 2.
Năm nay Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam triển khai đầy đủ nhất các tài liệu, học liệu cũng như kế hoạch bài dạy đưa lên trang hanhtrangso.nhaxuatban.vn và trang taphuan.nhaxuatban.vn, hỗ trợ thầy cô nghiên cứu lựa chọn sách giáo khoa hiệu quả nhất, nhất là đối với các khối lớp cuối cấp là 5, 9 và 12.
Đặc biệt, nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh học sinh, năm học 2024 - 2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đồng bộ thực hiện giảm giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12, từ 10-24% so với giá bìa của năm học trước, thực hiện công bố giá sách giáo khoa của lớp 5, 9 và 12 để giáo viên lựa chọn.
Về chất lượng sách giáo khoa theo các cơ quan chức năng năm 2023 đã phát hiện và xử phạt nhiều vụ phát hành sách giả, sách lậu.
Để ngăn chặn tình trạng này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã nỗ lực kết hợp nhiều biện pháp nhằm đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả, quyết tâm làm trong sạch thị trường sách.
Theo thống kê sơ bộ của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, từ năm 2010 đến nay, gần 37 triệu bản sách giáo dục và hơn 18 tấn bán thành phẩm sách giáo dục in lậu dở dang đã bị phát hiện và xử lí tại hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước.
Để khắc phục được tình trạng này, không chỉ đòi hỏi nỗ lực riêng của ngành Xuất bản mà cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và độc giả.
Nhận thức được vấn đề này, từ nhiều năm qua, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kết hợp nhiều biện pháp để đấu tranh chống in lậu, phát hành sách giả.
Đơn vị cũng đã phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh/thành, Tổng cục Quản lý thị trường và Cục Quản lý thị trường các tỉnh/thành phố, Thanh tra ngành Thông tin-Truyền thông trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các sản phẩm trong vụ việc mà tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng chú trọng tuyên truyền nâng cao ý thức bạn đọc về tác hại của sách giả, sách lậu thông qua tổ chức trưng bày nhận diện sách, sách giả.
Trong số các sách giáo khoa, sách tham khảo bị in lậu thì sách Tiếng Anh bị làm giả với số lượng nhiều nhất. Sách Tiếng Anh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6, 7, 8, 10, 11 cũng đã bị làm giả. Sách giả thường có nhiều sai sót về nội dung, kiến thức. Chất lượng in, mẫu mã đều không bằng sách thật.
Đối với sách Tiếng Anh, các tiện ích đi kèm thường có trên kho dữ liệu online. Nếu là sách giả thì mã số trên tem cào sẽ không thể kích hoạt được kho dữ liệu online, điều này sẽ gây thiệt thòi cho người sử dụng.
Thực tế cho thấy, nếu hành vi in lậu, tiêu thụ sách chỉ bị xử phạt tiền đơn thuần thì các đối tượng sẵn sàng chịu phạt để tiếp tục thực hiện hành vi làm sách giả, sách lậu bởi lợi nhuận thu về lớn hơn rất nhiều so với số tiền bị phạt. Do đó cần tăng cường các hình thức xử phạt để đảm bảo tính răn đe.
Hiện tại, các cơ quan chức năng cũng đã tăng cường phối hợp các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng làm sách lậu, sách giả nói chung cũng như sách giáo dục nói riêng thông qua việc kiểm tra, xử phạt nặng đối với hành vi sản xuất và tiêu thụ sách giả; sử dụng các biện pháp kĩ thuật hiện đại, tăng cường các kênh trao đổi thông tin...
Và đặc biệt, một yếu tố rất quan trọng là nâng cao ý thức cho người đọc đó là nói không với sách giả, sách lậu.