Đại biểu Quốc hội còn “nghi ngại” về chương trình, sách giáo khoa phổ thông

0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội giao Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại tổ. Ảnh: Duy Linh. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội phát biểu tại tổ. Ảnh: Duy Linh.

Vào thời điểm này, việc quyết định giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi đó.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đặt vấn đề như trên khi Quốc hội thảo luận tại tổ về kinh tế, xã hội, sáng 24/10.

Bà Thúy cho biết, Đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” vừa hoàn thành nhiệm vụ và gửi đến Quốc hội một báo cáo dày dặn, ấn tượng với rất nhiều con số thống kê và nhiều kết luận bổ ích.

Báo cáo này đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị rất xác đáng. Như, sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa (sửa Thông tư 25) theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách; khẩn trương khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong sách giáo khoa đã phát hành; kiến nghị: nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông…; xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

“Tuy nhiên, có một số vấn đề dư luận chưa đồng tình và bản thân tôi cũng thấy nghi ngại”, bà Thúy cho biết.

Một trong các vấn đề đó là việc yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Cụ thể, ngày 11/8/2023, Đoàn giám sát công bố kết luận, trong đó đề nghị Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa “của Nhà nước”.

Đại biểu Thúy phân tích, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội quy định: “Thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học”. Hưởng ứng Nghị quyết của Quốc hội, ngay năm đầu tiên thực hiện đổi mới, đã có 3 nhà xuất bản và nhiều công ty sách tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành đầy đủ sách giáo khoa của tất cả các môn học. Tới nay, đã triển khai đổi mới đến những lớp cuối cùng của cả ba cấp học mà chưa hề xảy ra tình trạng thiếu sách. Số tiền mà các doanh nghiệp bỏ vào để làm sách giáo khoa cũng phải trên 1.200 tỷ đồng.

“Trước tình hình này, có cần bỏ ra trên dưới 400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để làm thêm một bộ sách giáo khoa nữa hay không? Việc ra đời một bộ sách giáo khoa “của Bộ” có dẫn đến tình trạng trở lại độc quyền, xoá bỏ xã hội hoá không? Có ảnh hưởng đến việc Chính phủ đang vận động các nước công nhận kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường không? Đó là những điều mà chúng ta cần cân nhắc”, đại biểu Thúy nêu quan điểm.

Nghi ngại của đại biểu còn ở chỗ, liệu đã có đủ căn cứ pháp lý?. Theo đại biểu, vì chưa lường trước được khả năng của tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa bảo đảm có đầy đủ, kịp thời sách giáo khoa phục vụ cho đổi mới, nên bên cạnh việc xã hội hoá, Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội cũng yêu cầu: “Để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức việc biên soạn một bộ sách giáo khoa. Bộ sách giáo khoa này được thẩm định, phê duyệt công bằng với các sách giáo khoa do tổ chức, cá nhân biên soạn”.

Tuy nhiên, việc tổ chức biên soạn bộ sách giáo khoa của Bộ không thực hiện được do không huy động được đủ số lượng tác giả cần thiết. Bộ đã kịp thời chuyển sang chỉ đạo việc biên soạn sách giáo khoa theo hướng xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước (trả lại cho Ngân hàng Thế giới khoản tiền vay 16 triệu USD để làm bộ sách này).

Qua xem xét báo cáo của Bộ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 122 ngày 19/6/2020 quy định: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/ QH14 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”. Mặt khác, khoản 3 Điều 156 Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật (hợp nhất) quy định: “Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng 1 cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.

Luật Giáo dục, ban hành sau Nghị quyết 88/2014 là 5 năm cũng chỉ quy định thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa, không quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa “của Bộ” nữa. Điều này cũng phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ của các bộ.

“Tới nay, nếu Quốc hội lại yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa thì điều đó vừa gây lãng phí, vừa không phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Dĩ nhiên, Quốc hội là cơ quan lập pháp tối cao, có quyền ban hành quy định ngược với pháp luật hiện hành. Nhưng liệu điều đó có làm các nhà đầu tư, kể cả trong lĩnh vực khác, giảm niềm tin vào chính sách nhất quán của Nhà nước không?”, đại biểu Thúy phát biểu.

Từ những phân tích trên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị cần đánh giá tác động trước khi ra Nghị quyết mới.

Bà Thúy nói, vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi đó.

“Vì vậy, tôi trân trọng đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định. Vì cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi. Nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn”, bà Thúy nêu quan điểm.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục