Theo đơn khởi kiện, ngày 3/1/2011, CTCP Thép và Vật tư Xây dựng đã ký kết hợp đồng mua bán số 02/2011 với Công ty Thép Việt. Chủng loại hàng hóa là 6.000 tấn thép.
Đơn giá và số lượng được thỏa thuận cụ thể bằng văn bản tùy theo từng thời điểm xuất hàng. Thời hạn thanh toán được 2 bên thống nhất theo phương thức trả 100% giá trị tiền hàng trước khi nhận hàng hoặc thanh toán trong thời hạn 30 ngày. Trường hợp quá thời hạn, bên mua phải trả thêm lãi chậm trả trên số tiền chậm trả theo lãi suất tiền vay không quá 3 ngày từ thời điểm thanh toán.
Thực hiện hợp đồng, CTCP Thép và Vật tư Xây dựng đã tiến hành giao hàng và xuất hóa đơn đảm bảo tiến độ, chất lượng. Quá trình mua bán, Công ty thường xuyên thông báo khoản nợ cho đối tác. Hai bên đã thực hiện đối chiếu công nợ vào các ngày 31/3/2012 và 19/9/2012. Theo đó, Công ty Thép Việt còn nợ số tiền hàng chưa thanh toán, lãi chậm thanh toán là 1,4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, số tiền nợ phải được trả trước ngày 30/9/2012.
Ngày 28/9/2012, Công ty Thép Việt thanh toán nợ gốc 800 triệu đồng. Ngày 3/10/2012, Thép Việt trả tiếp 330 triệu đồng, còn nợ lãi chậm thanh toán 270 triệu đồng.
Ngày 18/12/2013, Công ty Thép và Vật tư Xây dựng khởi kiện ra tòa, buộc Công ty Thép Việt phải trả nốt tiền hàng chưa thanh toán và lãi chưa thanh toán là 270 triệu đồng. Phía bị đơn cũng xác nhận số nợ trên và đề nghị do điều kiện khó khăn, khi nào có tiền sẽ thanh toán.
Ngày 27/4/2015, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Hơn một tháng sau phiên tòa sơ thẩm, Công ty Thép Việt đã kháng cáo toàn bộ bản án trên vì cho rằng tòa sơ thẩm xét xử thiếu mặt bị đơn và xác định không đúng chủ thể đại diện theo pháp luật.
Công ty Thép Việt trình bày, lúc vụ án đưa ra xét xử, ông Nguyễn Quốc Hướng không còn là đại diện theo pháp luật của Công ty. Việc này dẫn đến bị đơn không thực hiện được quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình tham gia tố tụng.
Bên cạnh đó, theo bị đơn, tại cấp sơ thẩm, Công ty Thép Việt không được thông báo về thời gian, địa điểm xét xử, không nhận được giấy triệu tập hợp lệ tham gia phiên tòa.
Kháng án lên Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội, Công ty Thép Việt cung cấp giấy đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 3 đề ngày 19/1/2015, với người đại diện là ông Nguyễn Xuân Trường. Do đó, bị đơn đề nghị cấp phúc thẩm chuyển hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại.
Sau một lần tạm hoãn, ngày 25/1/2016, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đưa vụ việc ra xét xử. Trái lại, Công ty Thép Việt lại một lần nữa vắng mặt. Cả 4 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bị đơn đều không có mặt.
Qua quá trình thẩm tra tại tòa và các tài liệu lưu trong hồ sơ, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội đã quyết định bác kháng án của Công ty Thép Việt. Bởi lẽ, trong các tài liệu thể hiện, ngày 1/4/2015, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, đồng thời tống đạt hợp lệ giấy triệu tập cho bị đơn thông qua người ủy quyền là ông Nguyễn Xuân Trường. Trong văn bản gửi đến tòa đề nghị hoãn phiên xét xử cũng thể hiện Công ty Thép Việt xác nhận đã nhận được giấy triệu tập.
Lần thứ hai xử sơ thẩm, Công ty Thép Việt lại xin hoãn tòa với thời hạn 3 tháng. Lý do là người đại diện đi công tác chưa về. Đơn này chỉ có chữ ký của ông Nguyễn Quốc Hướng, không có chứng cứ chứng minh. Do đó, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông đưa ra xét xử vắng mặt bị đơn vào ngày 27/4/2015 là đúng pháp luật.
Cấp phúc thẩm nhận định, việc bị đơn thay đổi người đại diện theo pháp luật nhưng lại không thông báo cho tòa án là lỗi của bị đơn. Mặt khác, trong giấy đăng ký kinh doanh, người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Xuân Trường. Ông này đồng thời cũng là người đã được bị đơn ủy quyền tham gia giải quyết vụ án từ cấp sơ thẩm. Như vậy, việc này không ảnh hưởng đến quyền lợi của bị đơn.
Sau phiên tòa này, bản án sơ thẩm có hiệu lực, Công ty Thép Việt phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.