Tôi còn nhớ trước đây Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà, nay là Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà từng phát biểu: “Nếu Luật đất đai sửa đổi nếu không tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, không hài hoà về lợi ích, thị trường và xã hội, doanh nghiệp và người dân thì hãy đừng sửa Luật Đất đai”.
Hiện tại, phiên bản sau nhiều lần chỉnh lý, sung của bản dự thảo Luật đã tốt hơn nhiều nhưng cần rà soát các điều chưa phù hợp. Tôi có một số ý kiến như sau:
Về vấn đề cơ chế thu hồi đất cho đất du lịch, nếu không cho phép thu hồi đất để làm dự án du lịch như dự thảo thì có một hệ quả là nhà đầu tư muốn làm dự án du lịch bất kỳ quy mô nào sẽ phải thực hiện thoả thuận với người dân. Như vậy, chắc chắn chúng ta sẽ bỏ ngay từ đầu một nhóm đối tượng là tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài. Trong khi đây mới là đại bàng, là doanh nghiệp lớn. Bởi nếu tổ chức có trên 50% vốn nước ngoài thì sẽ không thể thực hiện chuyển nhượng đất, thoả thuận đất với người dân. Họ buộc phải được giao đất thông qua cơ chế đấu giá, đấu thầu.
Chúng ta đã loại họ khỏi cuộc chơi, trong khi chúng ta kỳ vọng có các khu du lịch, công viên chủ đề lớn.
Về cơ chế khi đạt được thoả thuận 80% có thu hồi đất hay không? Nếu chúng ta đã bổ sung loại hình dự án du lịch trong diện được thu hồi đất, khi doanh nghiệp đã thoả thuận được 80%, sau đó thu hồi đất thì không có gì sai.
Về cơ chế miễn giảm tiền sử dụng đất cho các dự án đất thương mại, dịch vụ. Dự án đất thương mại dịch vụ đang không được miễn giảm tiền thuê đất. Nếu chúng ta so sánh với dự án bất động sản khu công nghiệp thì doanh nghiệp có thể miễn tiền thuê đất trong một số năm. Tư duy này có thể áp dụng cho bất động sản du lịch, bởi doanh nghiệp cũng đã bỏ nguồn vốn lớn ban đầu, thì có thể nhận được miễn giảm. Không nên phân biệt đối xử giữa dự án đất công nghiệp và đất du lịch, bởi đây cũng là các dự án có khả năng lan toả, đóng góp lớn cho kinh tế - xã hội. Tất nhiên điều này sẽ áp dụng theo các quy định về địa bàn khó khăn, cần thu hút vốn đầu tư.
Nhiều địa phương đã nhúc nhích cấp sổ cho các sản phẩm bất động sản du lịch, nhưng chậm bởi vướng ở quy định rằng các dự án kinh doanh bất động sản mới được cấp. Nhưng định nghĩa dự án kinh doanh bất động sản là gì, khi dự án du lịch cũng có thể là kinh doanh bất động sản? Pháp luật đầu tư và pháp luật du lịch cần quy định rõ. Chúng ta cần trao quyền cho địa phương, để xác định dự án này là loại hình nào.