Nhiều động lực tăng trưởng cho ngành ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital cho rằng, với kỳ vọng lợi nhuận năm 2024 tăng 15 - 18% và mức định giá hấp dẫn so với quá khứ…, nhóm cổ phiếu “vua” có nhiều động lực tăng trưởng tích cực hơn so với VN-Index. Thùy Vinh thực hiện.
TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc chiến lược Dragon Capital

Nhận định của ông về lộ trình cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới? Điều này sẽ tác động ra sao lên tỷ giá và lãi suất VND?

Fed đã cố kiểm soát lạm phát trong hơn 2 năm qua, bao gồm cả việc nâng lãi suất từ mức 0 - 0,25%/năm hồi tháng 3/2022 lên 5,25 - 5,50%/năm hiện tại, mức tăng mạnh nhất trong 40 năm. Mặc dù giá cả hàng hóa và lạm phát đã hạ nhiệt từ mức đỉnh giữa năm 2022, nhưng vẫn ở trên mức mục tiêu 2% của Fed.

Với các dữ liệu mới nhất, lạm phát vẫn còn một khoảng cách khá xa với mức mà Fed đang hướng đến. Chỉ số lạm phát danh nghĩa tháng 3/2024 của Mỹ là 3,5% và chỉ số lạm phát lõi ở mức 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tôi cho rằng, sẽ khó cho Fed để hạ lãi suất trong các tháng tới, khi các số liệu chưa thật sự thuyết phục, tuy nhiên năm nay vẫn có thể có tối đa 2 lần cắt lãi suất.

Chúng tôi coi trọng việc Fed cắt giảm lãi suất hay không trong năm 2024 hơn là số lần cắt giảm trong năm nay, bởi vì thị trường vẫn đang giữ quan điểm về khoảng 4 lần giảm lãi suất trong năm 2025 và bất kỳ quyết định cắt lãi suất nào trong năm nay cũng có thể khiến đồng USD hạ nhiệt hơn. Do đó, ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới cắt giảm lãi suất sẽ giảm bớt áp lực đối với tỷ giá của Việt Nam. Tuy nhiên, từ nay đến lúc chúng ta có thể thấy được một lộ trình rõ ràng từ Fed, Việt Nam vẫn cần thu hẹp khoảng cách lãi suất với Mỹ.

Thu nhập của người dân dần hồi phục khiến nhu cầu vay tiêu dùng tăng ổn định

Thu nhập của người dân dần hồi phục khiến nhu cầu vay tiêu dùng tăng ổn định

Theo ông, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ doanh nghiệp hay tiến tới thắt chặt do áp lực tỷ giá tăng? Tỷ giá từ nay đến cuối năm có chịu nhiều áp lực?

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 14/CT-TTg về triển khai nhiệm vụ chính sách tiền tệ năm 2024, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là một tín hiệu rất rõ ràng rằng, chính sách chung của Việt Nam vẫn là nới lỏng. Những áp lực đến từ tỷ giá vừa có yếu tố ở thị trường bên ngoài, nhưng cũng có yếu tố đầu cơ ở trong nước, khiến các nhà điều hành phải tạm thời điều chỉnh, tìm điểm cân bằng giữa tỷ giá và lãi suất. Nếu tình hình dần ổn định trở lại, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ tiếp tục nới lỏng để hỗ trợ kinh tế. Một điểm nữa cần lưu ý là trong các giai đoạn mà tỷ giá biến động mạnh năm 2015 - 2022 - 2023, tỷ giá thường hạ nhiệt ở thời điểm cuối năm do yếu tố cung cầu.

Tăng trưởng tín dụng bắt đầu trở lại trạng thái dương từ tháng 3/2024, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Theo ông, tín dụng năm nay có đạt mức 15% như kỳ vọng của ngành ngân hàng?

Tín dụng nhìn chung vẫn chưa thực sự quá mạnh khi mà đến cuối tháng 3/2024 mới đạt mức tăng 1,34%. Nhìn chung, việc tín dụng tăng chậm từ đầu năm không phải là điều gì quá mới, nhất là khi đã có mức tăng mạnh trong quý IV/2023. Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế và cần thêm thời gian để hấp thụ lượng vốn được giải ngân cuối năm ngoái. Chúng tôi nghĩ rằng, tình hình tăng trưởng tín dụng năm 2024 sẽ gần giống với năm 2023, đầu năm có thể sẽ gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm cuối năm, tổng mức tín dụng tăng trưởng toàn hệ thống có thể đạt 85 - 90% chỉ tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đề ra. Sự phân hóa giữa các ngân hàng sẽ tiếp tục được thể hiện rõ nét khi mà các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn tốt, có kế hoạch tăng vốn chủ động và chất lượng tài sản tốt sẽ có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mặt bằng chung.

Tín dụng tăng chậm, nguồn thu chính từ lãi thuần sụt giảm ở nhiều nhà băng, trong khi nợ xấu tăng khiến dự phòng rủi ro đi lên… là nguyên nhân khiến lợi nhuận quý đầu năm 2024 đi xuống ở một số ngân hàng. Ông đánh giá và dự báo thế nào về lợi nhuận của ngành ngân hàng cả năm?

Tín dụng quý IV/2023 tăng đột biến, đặc biệt vào những ngày cuối năm, tạo ra nền tín dụng cao cho năm 2023. Tuy nhiên, nếu so sánh với 1 năm trước, thực ra tín dụng toàn ngành tăng 11,8% và các ngân hàng niêm yết lớn theo quan sát của chúng tôi tăng tới 15,5%. Chúng tôi tin rằng, tín dụng sẽ tiếp tục hồi phục cùng nền kinh tế, đặc biệt khi lãi suất cho vay vẫn đang ở mức nền thấp như hiện tại.

Còn hoạt động bán chéo bảo hiểm đang có kết quả kém, đặc biệt là sau khi Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2023 quy định các ngân hàng không được tư vấn, chào bán sản phẩm liên kết đầu tư trước và sau 60 ngày giải ngân khoản vay có hiệu lực. Thực chất, lợi nhuận tới từ bán bảo hiểm chỉ đóng góp 3 - 5% tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng và không phải yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng. Chúng tôi cũng quan sát các ngân hàng đang có chương trình tăng một số loại phí dịch vụ để duy trì nguồn thu từ dịch vụ. Do đó, ảnh hưởng từ mảng bảo hiểm tới lợi nhuận ngành ngân hàng là có, nhưng không thực sự rõ nét.

Trích lập dự phòng có thể là một ẩn số ảnh hưởng đến triển vọng lợi nhuận năm 2024 khi nợ xấu có phần nhích lên trong quý I. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng, với bối cảnh kinh tế hy vọng hồi phục mạnh về cuối năm, hỗ trợ bởi triển vọng xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và sự hồi phục của thị trường bất động sản, tình hình nợ xấu có thể dần ổn định trở lại.

NIM của ngân hàng năm nay liệu có cải thiện trở lại sau khi sụt giảm vào năm ngoái?

Mặc dù lãi suất có biến động lên xuống trong thời gian gần đây, nhưng nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn thấp hơn thời điểm cuối năm ngoái khoảng 0,2 - 0,4%, tương đồng với mức giảm của lãi suất cho vay. Trong điều kiện lãi suất không biến động lớn trong thời gian ngắn, NIM của hệ thống ngân hàng được dự báo sẽ duy trì ổn định so với cuối năm ngoái. Trong các cuộc họp công bố kết quả kinh doanh, đại diện các ngân hàng đều hy vọng NIM sẽ cải thiện trong 6 tháng cuối năm 2024, nhờ triển vọng nhu cầu tín dụng tốt hơn so với 6 tháng đầu năm và ngân hàng chủ động phân tín dụng trung - dài hạn để có NIM tốt hơn.

Cổ phiếu ngân hàng được đánh giá có nhiều triển vọng trong năm nay. Đánh giá của ông về nhóm cổ phiếu này như thế nào và cổ phiếu ngân hàng nào sẽ thu hút sự quan tâm của khối ngoại trong thời gian tới?

Ngoại trừ năm 2023, từ năm 2016 đến 2022, ngành ngân hàng luôn có lợi nhuận tăng trưởng ở mức 2 con số và với tỷ trọng chiếm hơn 35% giá trị vốn hoá của VN-Index, trên 60% tổng lợi nhuận của VN-Index, ngân hàng vẫn luôn thu hút được sự quan tâm của khối ngoại. Các cổ phiếu ngân hàng tăng khoảng 14% kể từ đầu năm nay, cao hơn mức tăng của VN-Index là 10,2%. Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh là ngành ngân hàng đang có mức định giá hấp dẫn (P/B khoảng 1,7 lần) so với quá khứ, cộng với mức tăng trưởng lợi nhuận (NPAT) khoảng 15 - 18% và tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) khoảng 18 - 20% là động lực tăng trưởng giá của ngành ngân hàng.

Chúng tôi đánh giá cao những ngân hàng hàng đầu trong ngành, đặc biệt là những cổ phiếu còn room nước ngoài và có thể được thêm vào danh sách quan tâm khi thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng. Vì vậy, chúng tôi vẫn cho rằng, cổ phiếu ngân hàng sẽ có mức tăng trưởng tích cực so với VN-Index.

Hoạt động bán vốn cho khối ngoại ngoại của ngân hàng Việt được kỳ vọng sẽ sôi động trong năm nay, thêm vào đó là việc chuyển giao ngân hàng yếu kém được đẩy mạnh. Điều này có tác động gì tới cổ phiếu “vua”, theo ông?

Đầu năm nay, có một vài thông tin trên thị trường về việc các ngân hàng lớn bán vốn. Cụ thể, Vietcombank dự kiến bán 6,5% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong khi BIDV chào bán 9%. Các ngân hàng khác đã xin ý kiến tăng vốn trong kỳ họp đại hội đồng cổ đông vừa rồi và chủ động khóa room chờ các nhà đầu tư nước ngoài.

Ngoài ra, Luật Các tổ chức tín dụng mới được thông qua, có hiệu lực từ 1/7/2024, với các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của các bên có liên quan cụ thể hơn sẽ hỗ trợ đẩy mạnh việc nhập, chuyển giao các ngân hàng yếu kém. Dự báo, 2 - 3 năm tới sẽ là thời gian bận rộn đối với ngành ngân hàng và có thể có tác động tích cực đến cổ phiếu trong ngành.

Đối với nhóm bán vốn cho khối ngoại, đây sẽ là nguồn vốn bổ sung làm tăng tỷ lệ an toàn vốn, năng lực cạnh tranh và khả năng mở rộng danh mục cho vay. Còn đối với nhóm ngân hàng nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém, trong thời gian đầu cần phải dành nhiều nguồn lực để cơ cấu, hỗ trợ ngân hàng được chuyển giao, nhưng trong dài hạn, các ngân hàng này dự kiến sẽ nhận được hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước như có thêm hạn mức tín dụng trong thời gian hỗ trợ tái cấu trúc ngân hàng yếu kém.

TS. Lê Anh Tuấn
Theo Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2024

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục