Phát biểu khái quát về kỷ luật, kỷ cương tài chính quốc gia, ông có thể nói gì?
Số liệu cụ thể về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ được Kiểm toán Nhà nước công bố, nhưng có thể tóm gọn là, do chưa tính đủ số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, nên thực chất thu ngân sách nhà nước năm 2012 không đạt dự toán, nguồn thu chưa ổn định, vững chắc; chưa có giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng trốn thuế, chiếm đoạt tiền ngân sách qua hoàn thuế giá trị gia tăng, thất thu và nợ đọng thuế còn lớn.
Còn về chi ngân sách thì chi thường xuyên vẫn còn lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán; chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều… Trong khi đó, tình trạng doanh nghiệp kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí để giảm nghĩa vụ thuế diễn ra còn phổ biến.
Năm nào, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra cụ thể từng loại sai phạm, từng đơn vị sai phạm, nhưng vấn đề là, tình trạng sai phạm trong quản lý tài chính, thu chi ngân sách không hề giảm?
Riêng về sử dụng ngân sách nhà nước, tháng nào, Kho bạc Nhà nước cũng công bố số khoản chi ngân sách, cả chi thường xuyên lẫn chi đầu tư xây dựng cơ bản không đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ và số tiền vi phạm không được thanh toán nhưng vi phạm có giảm đâu.
Đối với các lĩnh vực khác cũng vậy, năm nào Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra vi phạm các quy định của Nhà nước trong quản lý tài chính; cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp vi phạm về quản lý tài chính đều được công bố công khai, nhưng tình trạng này có giảm đâu. Vì sao vậy? Vì mình xử lý người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp không nghiêm. Nói đúng ra, sau khi sai phạm bị phát hiện thì người đứng đầu đơn vị vi phạm có chăng chỉ là nhận khuyết điểm, rút kinh nghiệm… sâu sắc.
Nhưng người đứng đầu không tham ô, không tham nhũng, không lợi dụng quyền hạn, chức vụ để trục lợi thì làm sao có thể xử lý kỷ luật được, thưa ông?
Nhà nước giao anh quản lý, sử dụng tiền, tài sản nhà nước, mà năm trước cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức của anh bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện vi phạm quy định về quản lý tài chính, hạch toán và kê khai doanh thu thiếu trung thực…, và năm sau cũng vi phạm, thì với tư cách là người đứng đầu, anh phải bị xử lý, cho dù anh không trực tiếp để xảy ra vi phạm.
Đúng là không tham ô, tham nhũng thì không thể xử lý hình sự được, nhưng anh không có hành động gì hoặc có hành động nhưng không hiệu quả hoặc do năng lực quản lý, điều hành kém, nên không ngăn chặn được những hạn chế, khiếm khuyết trong quản lý tài sản công, thì anh phải bị xử lý kỷ luật bằng nhiều hình thức khác nhau, ít nhất là phải chuyển công tác vì không hoàn thành nhiệm vụ được giao, chứ không thể “nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm” được.
Không xử lý được người đứng đầu, phải chăng hệ thống luật pháp còn có khoảng trống?
Tôi nghĩ là không. Hiện chúng ta đã có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ. Ngoài các luật thuế, còn có Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Phòng chống tham nhũng; Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Luật Xử lý vi phạm hành chính; Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức... và các văn bản hướng dẫn. Để xảy ra tình trạng trên là do xử lý chưa nghiêm, nhất là xử lý người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm về quản lý tài chính.
Ngoài xử lý nghiêm người đứng đầu, theo ông, để thiết lập trật tự kỷ luật, kỷ cương tài chính cần phải làm gì nữa?
Muốn quản lý chặt chẽ được tài chính, thì phải quản lý chặt chẽ tình hình thu chi, mua bán hàng hóa, dịch vụ của từng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp bằng hóa đơn. Trước đây, tất cả cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đều phải mua hóa đơn do Tổng cục Thuế phát hành để sử dụng, mà còn để xảy ra tình trạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Bây giờ, Bộ Tài chính cho phép doanh nghiệp, tổ chức kinh tế có đủ điều kiện được tự in hóa đơn, sử dụng hóa đơn điện tử, thì phải tăng cường quản lý chặt chẽ hơn nữa.