Tại kỳ họp này, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội 2013 và những tháng đầu năm 2014, việc tạo cơ chế thuận lợi cho hoạt động của DN nói riêng và sự vận hành của nền kinh tế nói chung tiếp tục được các đại biểu nhấn mạnh.
DN còn yếu ớt
Bức tranh chung về DN mà các ý kiến tại nghị trường vẽ ra có lẽ vẫn chưa có nhiều mới mẻ: có sự phục hồi nhưng còn yếu ớt, số lượng giải thể, ngừng hoạt động tăng, tổng cầu thấp, sản xuất trì trệ, khó tiếp cận nguồn vốn, khó khăn thị trường xuất khẩu, sức cạnh tranh thấp…
Làm thế nào để tháo gỡ được khó khăn trong sản xuất, hỗ trợ DN hoạt động trở lại? Ý kiến của đại biểu yêu cầu phải tăng tổng cầu triệt để trong phạm vi dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ, trong điều kiện lạm phát thấp. Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề cập đến việc tạo ra một cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các DN đang có nợ đến hạn của các ngân hàng. Giải quyết nhanh, hiệu quả tận gốc nợ xấu của DN và ngân hàng, thay vì giải pháp có tính “bảo toàn năng lượng” như cơ chế VAMC hiện nay, vì như vậy nợ xấu vẫn tồn tại, chỉ chuyển từ nơi này đến nơi khác.
“Vấn đề cốt lõi là làm sao để người mắc nợ triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh có hiệu quả, từ đó có nguồn vốn trả nợ”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.
Ý kiến đại biểu cũng yêu cầu Chính phủ giảm giá thuê đất hàng năm với DN vừa và nhỏ, kiểm soát chặt chẽ giá thuê đất khu công nghiệp. Có chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản và một số ngành hàng khác có lượng xuất khẩu lớn. Tăng cường tìm kiếm, đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, mở rộng thị trường, đa dạng các quan hệ thương mại, hỗ trợ bảo vệ và phát triển thương hiệu…
Trên thực tế, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho DN, từ vốn, thị trường, đơn giản thủ tục hành chính, miễn giảm thuế, hỗ trợ thuê đất... Hiệu quả là có nhưng như các đại biểu đã nhận xét, đánh giá về tình hình DN, hoạt động sản xuất là “còn yếu ớt” so với các báo cáo mà Chính phủ đưa ra.
Cải cách niềm tin
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để có sự phục hồi của DN, của tổng cầu có lẽ không chỉ nhờ vào các chính sách hỗ trợ mà còn vấn đề khác, có thể không trực tiếp như giảm thuế, miễn tiền thuê đất… nhưng có tầm quan trọng không kém, đó là vấn đề niềm tin.
“Cần củng cố niềm tin thị trường, khuyến khích các DN, các nhà đầu tư có tiềm lực bỏ vốn đầu tư và yên tâm với điều đó”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói. Có như vậy, DN mới chủ động trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng chung kiến nghị, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhấn mạnh lý do để cấp thiết phải tiến hành cải cách thể chế kinh tế, đó là vấn đề lòng tin. Thực trạng tổng vốn đầu tư ngoài Nhà nước suy giảm, khu vực kinh tế tư nhân co lại, người dân cắt giảm tiêu dùng chính vì niềm tin suy giảm. Khi niềm tin xói mòn thì mọi nỗ lực giải pháp khôi phục kinh tế sẽ trở nên vô ích.
Theo đại biểu Đồng, câu chuyện cấp thiết là phải đột phá cải cách thể chế, trước hết là thể chế kinh tế, bởi triển vọng kinh tế Việt Nam có sáng sủa trở lại hay không phụ thuộc rất lớn vào sự tiến triển của công cuộc cải cách này.
“Chúng ta phải bảo đảm quyền tự chủ, tự do và bình đẳng trong kinh doanh của các chủ thể kinh tế trong khuôn khổ pháp luật, khuôn khổ hợp đồng. Như vậy, quy luật cạnh tranh, sàng lọc, đào thải và phát triển mới phát huy tác dụng tốt”, ông Đồng nói và cho biết thêm, Nhà nước cần xác định lại cho đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình trong mối quan hệ với thị trường. Phải làm rõ Nhà nước chỉ cần và chỉ nên can thiệp ở đâu? Khi nào và thông qua công cụ điều tiết gì, mức độ quyền lực của các cơ quan công quyền nhất thiết phải được cân bằng với trách nhiệm giải trình và tính công khai, minh bạch. Bất cứ một công việc cụ thể nào cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn với điều kiện được vận hành trong một nền thể chế hiện đại phù hợp.
Trong kỳ họp này, có nhiều đạo luật mới và được sửa đổi nhằm tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho cải cách thể chế kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc gia. Chẳng hạn như sửa đổi Luật Doanh nghiệp, sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… phải hướng tới mục tiêu là mọi chủ thể kinh doanh bình đẳng trong thị trường, kể cả Nhà nước.
Đáng lưu ý, đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định, ở kỳ họp này bản báo cáo kinh tế - xã hội do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi đại biểu lần đầu tiên dành hẳn một mục riêng với dung lượng đáng kể nói về cải cách thể chế. Tuy nhiên, trong bản báo cáo của Chính phủ lại thiếu vắng nội dung này. Đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp đầy đủ thông tin về tiến trình cải cách thể chế kinh tế để các đại biểu Quốc hội có thể theo dõi, giám sát và thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình.