Kinh tế 2014: Chưa thể lạc quan

(ĐTCK) Nhìn nhận về kinh tế năm 2014 cũng như đánh giá về kinh tế năm 2013, các đại biểu Quốc hội đều chung quan điểm: tuy có những kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, nhiều tồn tại.
Năm 2013, Việt Nam đã có 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch Năm 2013, Việt Nam đã có 10 chỉ tiêu kinh tế - xã hội vượt kế hoạch

Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội), tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội cuối tuần qua, cho rằng, kết quả năm 2013 là cố gắng rất lớn của cả nước khi có 10 chỉ tiêu vượt kế hoạch, 3 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, trong đó GDP đạt 5,4% so với chỉ tiêu 5,5%.

“Kinh tế dù có xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn khó khăn, chính sách chậm đi vào cuộc sống, như gói 30.000 tỷ đồng, nguồn hấp thụ rất chậm, cải cách hành chính còn tồn tại nhiều vấn đề”, đại biểu Khiết nói.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Thị An nhận xét, chưa bao giờ đất nước chúng ta trải qua giai đoạn khó khăn về nhiều mặt như hiện nay. Bà đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ để giữ được ổn định kinh tế, xã hội, đặc biệt là quản lý nhà nước. Theo đại biểu An, quản lý nhà nước đã có sự chuyển biến, như trong lĩnh vực giao thông, ngành đã công khai, minh bạch và nhanh nhạy hơn, ví dụ đình chỉ dự án chậm tiến bộ, kỷ luật cán bộ vi phạm, công khai danh tính…

“Chính phủ nên chuẩn hóa lại các số liệu, nợ xấu thực chất là bao nhiêu, rồi nợ công, sở hữu chéo. Đây là các yếu tố làm nền kinh tế kém bền vững. Cần phân tích rõ nguyên nhân hơn, đặc biệt trong đánh giá về quản lý của cơ quan nhà nước”, bà An nói.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP. HCM) cho rằng, báo cáo khẳng định xu hướng của nền kinh tế là phục hồi, nhưng theo bà, cần đánh giá toàn diện hơn, đối chiếu giữa con số và thực tiễn đời sống của người dân để phản ảnh đúng tình hình kinh tế - xã hội. Người dân còn nhiều khó khăn chưa được giải quyết, nhất là công ăn việc làm, chỗ ở, nhiều chính sách an sinh xã hội còn dàn trải, như có những công trình đầu tư hàng tỷ đồng mà người dân không vào ở.

Bàn về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. HCM) cho rằng, giải pháp dài hạn là tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện thể chế. Giải pháp trước mắt là ưu tiên thu hút sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Các bộ, ngành giải quyết tốt hơn nữa những bức xúc của cử tri như vấn đề về ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên, bệnh viện quá tải…

Đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) cũng nhấn mạnh, giải pháp trọng tâm là cải cách thể chế kinh tế, tạo khâu đột phá, giải quyết bất cập của nền kinh tế. Tái cấu trúc nền kinh tế phải đi đôi với nâng cao hiệu quả, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng, chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Lãi suất cho vay vẫn còn cao, lãi suất ngắn hạn 7 - 8%/năm, trung và dài hạn 9 - 10%/năm là còn cao, và là nguyên nhân cơ bản làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, cần phải giảm lãi suất cho vay”, đại biểu Hùng nói.

Đại biểu Trịnh Thế Khiết yêu cầu phải quản lý chặt chẽ nguồn vốn từ ngân sách. Ngoài ra, cần tập trung thu nợ cũ, nợ thuế tồn đọng; cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết trong quá trình thực hiện đầu tư trong nước, đầu tư nước ngoài.

Cũng về nội dung tái cấu trúc, đại biểu Bùi Thị An cho rằng, một số ngành đã làm rất mạnh, nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước gần như phá sản thì tái cấu trúc như thế nào để tiền thuế của dân không bị tiêu tán, vì nhiều doanh nghiệp trong diện tái cấu trúc nợ rất nhiều. Cần minh bạch từng phương án tái cấu trúc để cộng đồng được biết.

Riêng về ngân sách, các đại biểu đều cho rằng, trong tình hình kinh tế khó khăn được dự báo trước như hiện nay, vấn đề tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách là rất quan trọng. Đại biểu Trần Du Lịch đề nghị, năm 2014 phải giảm một nửa chi thường xuyên bằng việc chỉ chi ngân sách cho lương và bảo hiểm xã hội, ngoài ra không chi thêm mục nào trong chi thường xuyên như hàng năm nữa.

Đại biểu Đỗ Văn Đương đề nghị, Chính phủ xem xét lại kế hoạch phân bổ ngân sách năm 2013 đối với những công trình thực hiện năm 2014, đối với những công trình nào chưa cần thiết nên cắt giảm, ví dụ như dự án nạo vét sông Hậu đã được phân bổ 5.000 tỷ đồng là chưa cần thiết ngay lúc này, do đó có thể cắt giảm để chuyển số tiền đó sang đầu tư cho chính sách ngư nghiệp, vừa giúp ngư dân bám biển, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng. 

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục