Ngày 5/6, ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cùng tổ giám sát cách ly thuộc Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế đi kiểm tra công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp Quang Châu, huyện Việt Yên, Bắc Giang.
Tại nhà máy Công ty Fuyu thuộc Tập đoàn Foxconn, Đài Loan- Top 500 doanh nghiệp toàn cầu, chuyên sản xuất linh kiện cho Apple, đại diện doanh nghiệp cho biết, mỗi tuần đều xét nghiệm cho tất cả cán bộ, công nhân đang làm việc tại nhà máy, đã tiến hành được 3 lần.
Hiện nay có khoảng 3.000 công nhân đang làm việc cho 3 nhà máy của Foxconn ở khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung và Bắc Ninh, tất cả đều ở khép kín trong các kí túc xá của công ty, và được xe đưa đón hàng ngày. Trong khi đó, trước thời điểm dịch bùng phát tại các nhà máy có 12.000 công nhân làm việc.
Theo lãnh đạo Công ty Fuyu, số lượng công nhân tại doanh nghiệp đang rất thiếu. Doanh nghiệp mong muốn các cơ quan chức năng xem xét đưa các công nhân đang ở trong các khu cách ly trở lại làm việc, vừa giảm tải cho các khu cách ly, vừa đảm bảo chăm sóc tốt và giúp doanh nghiệp ổn định hoạt động.
Lãnh đạo doanh nghiệp cam kết tuân thủ chặt mọi quy định để đảm bảo an toàn phòng chống dịchvà mong muốn sớm được tiêm vắc-xin cho toàn bộ người lao động ngay sau khi có kết quả xét nghiệm.
Còn theo ý kiến của đại diện Nhà máy Silex, Khu công nghiệp Quang Châu, họ đang gặp khó khăn khi nhiều công nhân “sợ” quay trở lại. Một số khác lại phải chờ xác nhận từ huyện, xã mới được vào nhà máy.
Ngoài vấn đề nhân lực, Giám đốc Công ty Pan Pacifictại Khu công nghiệp cũng nêu khó khăn về kinh phí xét nghiệm khi doanh nghiệp phải tự trả phí là 235.000 đồng/người/lần xét nghiệm.
“Nếu việc xét nghiệm 1 tuần/lần cho vài nghìn lao động thì công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể đảm đương được”, lãnh đạo Pan Pacific nêu.
Trước những khó khăn của dịch Covid-19, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương khẳng định tỉnh sẽ lắng nghe và giải quyết các vướng mắc để các nhà máy sớm hoạt động trở lại, tuy nhiên doanh nghiệp phải cam kết vừa sản xuất, vừa phải đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người lao động, đặt nhiệm vụ phòng chống dịch lên mức cao nhất.
Về phía Bộ Y tế theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn- người đang trực chiến tại Bắc Giang, dịch bệnh đã được gom lại và chủ yếu ở địa bàn huyện Việt Yên. Ngoài ra, các trường hợp truy xét trong cộng đồng cũng đã giảm rất nhiều, hy vọng trong thời gian tới tình hình dịch của Bắc Giang sẽ lắng xuống.
Về các biện pháp chống dịch tại Bắc Giang theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Bắc Giang hiện đã xây dựng được bản đồ dịch tễ và đã khoanh vùng được một số điểm nóng.
Trong thời gian tới tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục thực hiện việc giám sát dịch tễ một cách chặt chẽ thông qua các xét nghiệm để phát hiện một cách nhanh nhất và tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly cũng như thu dung, điều trị các bệnh nhân Covid- 19.
Với các khu công ngiệp, khi có ca mắc Covid-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, khi số lượng các trường hợp FI vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân). Điều này thực hiện thí điểm đối với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Đồng thời khi cách ly Bộ Y tế yêu cầu phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.
Bên cạnh đó, theo Thứ tưởng Nguyễn Trường Sơn, tỉnh Bắc Giang cũng đã có kế hoạch giãn cách vùng “rốn dịch” ở trong các thôn, xóm của huyện Việt Yên ra bên ngoài để giảm mật độ.
Vấn đề thứ ba hết sức quan trọng đó là việc đưa các đơn vị vào sản xuất trở lại, phải đảm bảo công nhân đi vào sản xuất an toàn, phải được xét nghiệm âm tính, quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn, đặc biệt là quy trình kiểm tra, giám sát trong khi sản xuất cũng phải tuân thủ các quy định của ngành Y tế cũng như của tỉnh Bắc Giang.
Vấn đề cuối cùng theo lãnh đạo Bộ Y tế là Bắc Giang cần đẩy mạnh triển khai tiêm vắc-xin cho công nhân. “Dự kiến trong ngày hôm nay 5/6 Bắc Giang sẽ hoàn thành tiêm 150 nghìn liều vắc-xin, vượt 2 ngày so với kế hoạch đã đặt ra trước đó”, Thứ trưởng Bộ Y tế cho hay.