Nhiều doanh nghiệp lớn chuyển dịch ghế nóng nhân sự

0:00 / 0:00
0:00
Đầu năm 2021, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi lớn trong dàn nhân sự lãnh đạo cấp cao. Một phần đến từ những chuyển dịch trong cơ cấu cổ đông, một phần từ nhu cầu thay đổi chính mình.
Nhiều doanh nghiệp đã M&A ngay từ đầu năm. Trong ảnh: Công ty Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp mua lại 51,29% cổ phần của Sa Giang Nhiều doanh nghiệp đã M&A ngay từ đầu năm. Trong ảnh: Công ty Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp mua lại 51,29% cổ phần của Sa Giang

Từ những thương vụ M&A

Tại Thành phố hoa Sa Đéc một ngày cuối tháng Chạp, khi những cách đồng hoa đang mùa thu hoạch Tết, Sa Giang - doanh nghiệp sản xuất bánh phồng tôm có tiếng của Việt Nam cũng khẩn trương chuẩn bị cho cuộc họp Đại hội cổ đông bất thường.

Đây cũng là lần đầu, các cổ đông của Sa Giang họp lại sau đợt bán 49,89% vốn của cổ đông Nhà nước SCIC. CTCP Vĩnh Hoàn, ông lớn nuôi cá tra niêm yết trên sàn, cũng là một doanh nghiệp có trụ sở tại Đồng Tháp, là nhà đầu tư duy nhất tham gia đợt đấu giá và mua lại số cổ phần trên với số tiền gần 348 tỷ đồng. Cùng với 100.000 cổ phần SGC đã mua trên sàn trước đó, Vĩnh Hoàn đã chính thức trở thành công ty mẹ của Sa Giang với tỷ lệ sở hữu 51,29% từ ngày 22/1.

Đã có 3/7 nhân sự trong Hội đồng Quản trị (HĐQT) được bầu thay thế. Trong đó, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn, được bầu vào HĐQT và giữ vị trí Chủ tịch của Sa Giang, còn vị CEO hiện tại của Vĩnh Hoàn cũng trong HĐQT từ ngày 3/2. Ngay trong những ngày làm việc đầu năm Tân Sửu, Sa Giang đã có thêm một Phó tổng giám đốc là bà Lê Thị Diệu Thi, người đang đảm nhận vị trí Giám đốc chất lượng tại Vĩnh Hoàn.

Sự sôi động của các thương vụ M&A đang làm tăng nhiệt những cuộc chuyển dịch trên ghế nóng nhân sự ngay trong những tháng đầu năm. Trước đó, vào ngày 28/1, cuộc họp cổ đông bất thường của Tổng công ty cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng (DIC Corp) đã bầu bổ sung ông Phan Văn Danh, người đang giữ vị trí Giám đốc dự án tại Him Lam Land vào HĐQT. Đây cũng là cổ đông liên tục tăng sở hữu tại DIC Corp gần đây. Thông qua việc mua vào 67,7 triệu cổ phiếu DIG hồi đầu tháng 12/2020, công ty địa ốc này đã sở hữu 21,49% vốn DIC Corp. Không chỉ có những thay đổi về nhân sự, doanh nghiệp này còn đề ra tham vọng mở rộng kinh doanh ở giai đoạn 2021-2025 với kế hoạch tăng vốn điều lệ lên khoảng 10.000 tỷ đồng từ mức 3.125 tỷ đồng hiện tại.

Cũng cuối tháng 1 vừa qua, cơ cấu cổ đông của CTCP Chứng khoán Việt Nam Gateway ghi nhận sự thay đổi lớn khi toàn bộ 23,7% vốn điều lệ do một cổ đông cá nhân chuyển nhượng lại cho 4 cá nhân khác, bao gồm 2 cá nhân đang công tác trong Tập đoàn Sunshine là CEO Trần Thị Thu Hằng (nắm 9,7% vốn) và ông Đinh Hữu Thật (nắm 5% vốn). Hiện chưa có bất kỳ sự thay đổi nào về nhân sự Ban điều hành cũng như HĐQT, nhưng với một công ty chứng khoán vốn điều lệ vỏn vẹn 110 tỷ đồng và “ngủ đông” suốt thời gian dài như công ty này, chuyển động mới trong nhân sự chỉ là chuyện sớm muộn.

Ảnh hưởng của Covid-19 đã khiến các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) tại Việt Nam thu hẹp trong năm 2020, nhưng nhìn từ các thương vụ ngay những ngày cuối năm cùng dự báo của nhiều chuyên gia, M&A vẫn là một trong những xu hướng đầu tư đáng chú ý của năm nay. Trong khi nhiều công ty phải tái cơ cấu, thì một số công ty tích trữ tiền mặt, hoạt động vẫn tốt và sẵn sàng mua lại các công ty khác, một số ngành cũng trở nên hấp dẫn hơn từ đại dịch. Dự báo hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, thậm chí, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, còn có sự xuất hiện nhiều hơn của các nhà đầu tư lớn chuyên thực hiện các thương vụ khủng như ở giai đoạn 2010 - 2012. Sự thay máu cổ đông này sẽ là tiền đề cho những làn gió mới tại doanh nghiệp.

Đến làn gió mới từ nội bộ

Không chỉ bởi sự thay đổi từ bên ngoài, một loạt quyết định nhân sự của nhiều doanh nghiệp lớn xuất phát từ nhu cầu làm mới chính mình, hay việc chuyển giao thế hệ đã được hoạch định từ trước.

Đầu tháng 2/2021, Nam Long đã bổ nhiệm ông Trần Xuân Ngọc giữ chức Tổng giám đốc Tập đoàn và ông Nguyễn Thanh Sơn là Giám đốc mảng kinh doanh nhà ở - Nam Long Land.

Theo ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long, quyết định nhân sự này nhằm thực hiện sự thay đổi cơ cấu tổ chức mới, phát triển những mảng kinh doanh cốt lõi, phù hợp với chiến lược tăng trưởng của Nam Long giai đoạn 2021 - 2030. Ông Trần Xuân Ngọc từng đảm nhận các vị trí cấp cao tại Tập đoàn Shelf Drilling ở Dubai - UAE. Còn ông Nguyễn Thanh Sơn cũng từng giữ các chức vụ tại nhiều công ty địa ốc lớn như MIK Group, Công ty Xây dựng Vincom và có 2 năm gia nhập Nam Long.

Với Vietnam Airlines, việc ông Dương Trí Thành rời ghế CEO, chuyển giao cho ông Lê Hồng Hà ngay trong ngày đầu tiên của năm 2021 nằm trong lộ trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo cấp cao nhất của Hãng hàng không quốc gia. Vị CEO sinh năm 1972 đã đảm nhận vị trí Phó tổng giám đốc của Hãng từ năm 2012, đồng thời cũng biệt phái giữ chức Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines.

Trước đó, từ tháng 8/2020, ông Đặng Ngọc Hòa, thành viên HĐQT, Phó tổng giám đốc đã được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines thay ông Phạm Ngọc Minh nghỉ chế độ. Dù quá trình chuyển giao đã được chuẩn bị, nhưng bối cảnh khó khăn hiện tại do những tác động tiêu cực của Covid-19 với con số lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng là thách thức lớn với thế hệ lãnh đạo tiếp theo của Vietnam Airlines.

Thanh Thủy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục