Nhiều doanh nghiệp có triển vọng sáng về cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các doanh nghiệp đang nỗ lực tăng tốc về đích kinh doanh năm 2023 khi triển vọng thị trường dần sáng hơn.
Cá tra là một trong những sản phẩm được kỳ vọng sẽ dần gia tăng sản lượng xuất khẩu. Cá tra là một trong những sản phẩm được kỳ vọng sẽ dần gia tăng sản lượng xuất khẩu.

Linh hoạt nắm bắt cơ hội

Quý IV là thời điểm các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh khi người tiêu dùng trên toàn cầu có nhu cầu mua sắm cao nhất trong năm. Tại Công ty cổ phần Gỗ Phú Tài (mã chứng khoán PTB), hoạt động xuất khẩu các sản phẩm gỗ và đá thạch anh được dự báo sẽ tăng mạnh.

Công ty Chứng khoán SSI nhận định, trong nửa cuối năm 2023, xuất khẩu đá thạch anh của Gỗ Phú Tài sang thị trường Mỹ có thể tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ số lượng đơn đặt hàng cao hơn. Xuất khẩu gỗ được dự báo sẽ tăng 8% so với cùng kỳ. Các đơn hàng sản xuất gỗ tại Gỗ Phú Tài đã được ký đến tháng 12/2023, với thời gian đặt hàng rút ngắn xuống còn 2 - 3 tháng so với mức 5 - 6 tháng trong năm 2022.

Xuất khẩu gỗ tăng trưởng sẽ giúp Gỗ Phú Tài cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, dự phóng nửa cuối năm 2023 đạt 306 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Tại khối doanh nghiệp dệt may, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại TNG (mã chứng khoán TNG) là một trong số ít doanh nghiệp dệt may duy trì được mức tăng trưởng dương trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 8/2023, TNG đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu cả năm khi đạt 4.837 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

TNG cho biết, với việc thích ứng linh hoạt, chủ động, đáp ứng cả các đơn hàng nhỏ lẻ với thời gian giao hàng nhanh, Công ty tự tin có thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 là 6.800 tỷ đồng doanh thu và 299 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Trong nhóm doanh nghiệp mía đường, các công ty đang tận dụng cơ hội tốt của thị trường để bứt phá. Công ty Chứng khoán Thành Công đánh giá, sản lượng tăng mạnh và giá đường duy trì ở mức cao là động lực chính giúp cho mảng đường của Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã chứng khoán QNS) cải thiện hiệu quả hoạt động. Dự phóng, năm 2023, sản lượng tiêu thụ mảng đường của Đường Quảng Ngãi đạt 200.000 tấn đường thành phẩm, đóng góp tích cực vào lợi nhuận sau thuế của Công ty.

Về dài hạn, Chứng khoán Thành Công kỳ vọng, giá đường nội địa sẽ đi theo xu hướng của giá đường thế giới, vì ước tính, khoảng 65% nguồn cung đường nội địa vẫn phải phụ thuộc vào nhập khẩu (đã bao gồm cả nhập lậu).

Yếu tố thuận lợi từ thị trường xuất khẩu

Thị trường xuất khẩu thủy sản được kỳ vọng sẽ phục hồi trong những tháng cuối năm 2023. Thực tế, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường lớn như Mỹ đang tăng lên, trong bối cảnh lạm phát dần được kiểm soát, khiến lượng hàng tồn kho của các doanh nghiệp nhập khẩu cạn dần.

Do đó, nhu cầu nhập hàng thời gian tới dự kiến sẽ tăng cao để phục vụ mùa cao điểm lễ hội cuối năm. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đón làn gió tăng trưởng cuối năm từ cơ hội này, trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (mã chứng khoán VHC) được kỳ vọng sẽ gia tăng số lượng đơn hàng và giá cá tra xuất khẩu, qua đó cải thiện chỉ tiêu lợi nhuận.

Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các thị trường lớn như EU, Mỹ thời gian tới dự kiến sẽ tăng cao.

Bên cạnh đó, Công ty Chứng khoán VietinBank phân tích, giá cá tra nguyên liệu và cá tra giống đều có xu hướng giảm kể từ vùng đỉnh vào 3/2023 (mức giá lần lượt là 31.000 đồng/kg và 44.000 đồng/kg), giúp người nông dân đẩy mạnh thả nuôi vào những tháng cuối năm để chuẩn bị cho mùa vụ tiếp theo. Đây là yếu tố tác động tích cực đến giá nguyên vật liệu đầu vào của Vĩnh Hoàn.

Chi phí nguyên vật liệu đang chiếm tỷ trọng lớn (68%) trong chi phí sản xuất - kinh doanh của Công ty. Do đó, biên lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hàng đầu này được kỳ vọng sẽ dần cải thiện nhờ nguồn nguyên vật liệu giá rẻ.

Ngoài triển vọng từ thị trường Mỹ thì việc Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản từ Nhật Bản (kể từ 24/8/2023) có tác động tích cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, gia tăng sản lượng vào thị trường có quy mô dân số lớn nhất thế giới với vị trí địa lý liền kề. Hiện nay, Vĩnh Hoàn, Nam Việt (mã chứng khoán ANV), Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (I.D.I, mã chứng khoán IDI) đều có hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc.

Cùng trong lĩnh vực xuất khẩu, Gỗ Phú Tài có triển vọng khả quan hơn từ năm 2024, khi nhu cầu về sản phẩm gỗ tại các thị trường lớn dự kiến sẽ phục hồi mạnh.

Đặc biệt, các đối tác mua đồ gỗ ở Mỹ, EU đang có xu hướng yêu cầu sản phẩm phải được sản xuất từ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững (FSC), trong khi gỗ rừng trồng tại Việt Nam có chứng chỉ FSC hiện chiếm tỷ lệ rất thấp. Gỗ Phú Tài có lợi thế là khoảng 70% gỗ nguyên liệu đến từ thị trường trong nước được chứng nhận FSC, nên có cơ hội gia tăng thị phần xuất khẩu.

Ngoài ra, Gỗ Phú Tài đánh giá, các khách hàng lớn (Masterband, Melissa & Doug) là các nhà bán lẻ đồ gỗ đã phục hồi nhanh hơn so với nhóm khách hàng là các dự án bất động sản. Dự kiến, doanh thu từ gỗ năm 2024 sẽ đạt 3.200 tỷ đồng, tăng 18% so với ước tính năm 2023; biên lợi nhuận gộp đạt 23% (tăng 3%), do nhà máy Nội thất gỗ Phú Mỹ sẽ hoạt động với 65% công suất so với mức trung bình 55% năm 2023 và giá bán trung bình tăng 3 - 5%.

Ở mảng đá, doanh thu năm 2024 của Phú Tài được SSI dự phóng tăng 10% so với ước tính năm 2023. Thứ nhất, nhà máy Thạch anh Đồng Nai tăng gấp đôi công suất, giúp tận dụng thuế suất 0% khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, so với các đối thủ đến từ Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.

Thứ hai, Phú Tài có thể sẽ tham gia đấu thầu cung cấp đá cho các dự án cơ sở hạ tầng như cung cấp đá granit hoặc đá cẩm thạch cho sân bay Tân Sơn Nhất và đá ốp lát cho các dự án cơ sở hạ tầng tại địa phương. Biên lợi nhuận gộp năm 2023 dự kiến đạt 32%, tăng 2% so với ước tính năm 2023.

Tính chung, tổng doanh thu và lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Phú Tài được dự phóng đạt 5.368 tỷ đồng và 417,9 tỷ đồng; các con số này trong năm 2024 lần lượt là 6.045 tỷ đồng và 455,7 tỷ đồng.

Với ngành mía đường, SSI phân tích, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu đường cho niên vụ tiếp theo, bắt đầu từ tháng 10/2023, nhằm đảm bảo nhu cầu nội địa do lo ngại sản lượng trong nước giảm do El Nino gây thiếu mưa. Giá đường thế giới đã đạt đỉnh 10 năm vào tháng 4/2023, một phần do sản lượng tại Ấn Độ giảm và nước này giảm xuất khẩu.

Giá đường duy trì mức cao sẽ tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp mía đường Việt Nam. Các doanh nghiệp có thể đảm bảo tiêu thụ nhờ vào sản xuất trong nước và không phụ thuộc nhiều vào lượng đường nhập khẩu sẽ hưởng lợi từ xu hướng giá đường tăng.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Bảo Việt nhận định, trong bối cảnh nguồn cung đường toàn cầu niên vụ 2023/2024 thiếu hụt hơn 2 triệu tấn, giá đường tiếp tục sẽ được hỗ trợ ít nhất đến giữa năm 2024. Đây là một trong những yếu tố khiến Công ty nâng dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Đường Quảng Ngãi lên 10.921 tỷ đồng doanh thu và 1.935 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 50,4% và 32,3% so với năm 2022.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục