Nhiều địa phương coi trọng đại bàng ngoại mà quên đi đàn rồng Việt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhiều địa phương cứ có doanh nghiệp ngoại, bất kể quy mô, trình độ kỹ thuật thế nào cũng được đánh giá cao, trong khi các doanh nghiệp nội còn bị coi nhẹ, chưa được đánh giá đúng.
Nhiều địa phương coi trọng đại bàng ngoại mà quên đi đàn rồng Việt

Chiều nay (5/3/2021), tại FLC Hạ Long đã diễn ra hội thảo “Làm tổ cho đại bàng nội” với sự tham gia của các đại diện hiệp hội, các chuyên gia kinh tế, tài chính uy tín cùng các doanh nghiệp, doanh nhân hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.

Sự kiện do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo điện tử Vnexpress và Tập đoàn FLC phối hợp tổ chức.

Cần một xã hội trọng doanh nhân

Nhìn khối tư nhân bằng con mắt xanh, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá, sức bật của kinh tế tư nhân thật là kỳ diệu. Kinh tế tư nhân đóng góp cho đất nước phát triển một cách năng động và đồng đều. Kinh tế tư nhân còn góp phần đóng góp nâng cao bình đẳng giới. Tuy nhiên, khối tư nhân cũng đang gặp phải không ít thách thức cần được xử lý.

“Trong bối cảnh Việt Nam mới tham gia RCEP - Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diện khu vực, khi hàng hoá của Trung Quốc vào Việt Nam với thuế xuất bằng 0, các doanh nghiệp tư nhân sẽ đối mặt với áp lực và thách thức lớn. Vì vậy, khu vực kinh tế tư nhân phải có phương án để đối phó với RCEP, nhanh chóng số hoá, cải cách thể chế, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng phát triển. Bên canh đó, các doanh nghiệp cần được tạo điều kiện thuận lợi về vốn, đất đai, Chính phủ nên phân cấp cho địa phương để hợp tác và thúc đẩy với doanh nghiệp”, ông Doanh nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Nguyễn

Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Thành Nguyễn

Từ một góc nhìn khác về câu chuyện “làm tổ đón đại bàng”, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết, đã có thời và cả ở hiện tại, đâu đó vẫn còn những góc nhìn phiến diện, chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của khối doanh nghiệp tư nhân. Và điều này thực sự cần thay đổi.

“Tôi muốn gọi doanh nghiệp nội là đàn rồng Việt, như câu chuyện con cháu rồng tiên. Tôi cũng muốn có điệu tango giữa đàn rồng Việt và các con đại bàng từ khắp các phương trời (doanh nghiệp FDI - PV), để Việt Nam là một sàn nhảy cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước”, ông Lộc nhấn mạnh.

Người đứng đầu VCCI cho rằng, trên thực tế ở nhiều địa phương cứ có doanh nghiệp ngoại, bất kể quy mô, trình độ kỹ thuật thế nào cũng được đánh giá cao, trong khi các doanh nghiệp nội còn bị coi nhẹ, chưa được đánh giá đúng. Do đó, để khối tư nhân thức sự phát huy được vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế - xã hội thì cần có cả sự thay đổi về tư duy.

“Nhìn vào thái độ của Nhà nước và xã hội với doanh nhân sẽ biết được câu chuyện phát triển của đất nước, có thành công hay không. Phải có một xã hội trọng doanh nhân, kỳ thị doanh nhân là sự thất bại cho dân tộc", ông Lộc nhấn mạnh.

Tôi muốn gọi doanh nghiệp nội là đàn rồng Việt, như câu chuyện con cháu rồng tiên. Tôi cũng muốn có điệu tango giữa đàn rồng Việt và các con đại bàng từ khắp các phương trời, để Việt Nam là một sàn nhảy cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước

Ông Vũ Tiến Lộc Chủ tịch VCCI

Ông Lộc cho biết, ngay trong bối cảnh khó khăn do Covid-19, nhiều doanh nghiệp vẫn cho biết không cần hỗ trợ tiền mà ở thể chế, môi trường kinh doanh phải an toàn, thuận lợi, cởi mở, ổn định. Từ đó, có thể thấy việc làm tổ đón đại bàng tức là tạo nên môi trường kinh doanh tốt, cho doanh nghiệp cảm thấy được công bằng, minh bạch, được tôn trọng, minh bạch. Để làm được điều này, rất cần xây dựng các chương trình đối tác công tư để cùng phát triển.

Ông Lộc ví dụ, ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ từng được dẫn dắt bởi khối doanh nghiệp tư nhân, và khi ngành này đứng trước nguy cơ không cạnh tranh nổi với ngành bán dẫn Nhật Bản thì Chính phủ Mỹ đã đặt hàng các sản phẩm với các doanh nghiệp trong nước để tạo đầu ra cho sản phẩm, mặt khác hỗ trợ đầu tư công nghệ để nâng cao sức cạnh tranh. Từ đó, giúp ngành bán dẫn Mỹ giữ vững vị thế.

Lấy ví dụ khác về thành công của Quảng Ninh trong việc tạo nên một môi trường đầu tư hấp dẫn, ông Lộc cho rằng, Quảng Ninh có mô hình xúc tiến đầu tư đầu tiên tại Việt Nam. Đây là nơi các nhà đầu tư tới giải quyết thay vì đến các sở, ban ngành. Tỉnh cũng là một trong địa phương đầu tiên có trung tâm hành chính công. Hệ thống chính trị đón tiếp, giải quyết một cửa người dân, doanh nghiệp, bám sát thanh tra, giám sát. Tương tác của Quảng Ninh và người dân qua mạng xã hội cũng rất cởi mở.

Địa phương cởi mở, doanh nghiệp tự tin

Từ kinh nghiệm thành công thực tế trong việc làm tổ cho đại bàng nội, ông Bùi Văn Khắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, đại bàng nội đã làm tổ ở Quảng Ninh một cách an toàn. Quảng Ninh cũng luôn nêu cao tinh thần chủ động, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, sử dụng các nguồn lực để phát triển kinh tế. Đến nay, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên huy động được tư nhân vào việc xây dựng cảng hàng không quốc tế.

Đưa ra ví dụ về việc hỗ trợ nhà đầu tư, ông Khắng cho biết, trước các khó khăn của doanh nghiệp, ngày 27 Tết, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có buổi làm việc với Tập đoàn FLC để giải quyết vướng mắc của 5 dự án. Kết quả là có dự án hàng nghìn tỷ đồng của FLC sẽ được khởi công trong quý 2 năm nay.

“Kinh nghiệm của Quảng Ninh là phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là chiến lược, lâu dài, dựa vào nguồn lực bên ngoài để tạo nên sự đột phá”, ông Khắng chia sẻ.

Đánh giá cao tinh thần cầu thị của địa phương trong việc quyết định đầu tư, bà Hương Trần Kiều Dung, Phó chủ tịch thường trực HĐQT Tập đoàn FLC cho rằng, có 3 yếu tố tối quan trọng khi FLC cân nhắc, quyết định đầu tư. Thứ nhất là tầm nhìn về quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế địa phương. Thứ hai là đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông. Thứ ba là nguồn lao động địa phương, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch dịch vụ, vì nguồn lao động rất quan trọng.

Bà Dung cho biết, nếu nhận được sự quan tâm chào đón chân thành, các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi đầu tư.

"Môi trường chính trị, sự đoàn kết, xuyên suốt chỉ đạo các cấp tại địa phương cũng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư lâu dài của chúng tôi", đại diện FLC nhấn mạnh.

Bà Dung cho rằng, không cần chính sách riêng cho các doanh nghiệp lớn nhưng cần chính sách ưu đãi chung cho các lĩnh vực nhà nước quan tâm đầu tư, đặc biệt là du lịch. Các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực cần cơ chế này bởi việc hoàn vốn khá lâu.

Từ góc nhìn doanh nghiệp, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái Thực cho rằng, để làm tổ được cho đại bàng, để tạo dựng hệ sinh thái thì vai trò của nhà nước là hoạch định chiến lược ngành, lĩnh vực một cách rõ ràng, mạch lạc. Nhà nước phải là tổng công trình sư hoạch định các ngành nghề để có thể giao cho các doanh nghiệp lớn, bộ, ban, ngành, địa phương. Tránh lãng phí nguồn lực, trăm hoa đua nở.

Lấy ví dụ với các doanh nghiệp ngành gạch, ông Đoàn cho biết, không ít doanh nghiệp ngành gạch Ceramic tỏ ra ngạc nhiên, khi giai đoạn đầu hạn mức về số lượng doanh nghiệp ngành này là hợp lý, nhưng sau mọt thời gian thì số lượng doanh nghiệp thực tế lại cao gấp đôi, điều này dẫn đến sự cạnh tranh lẫn nhau, thị trường thừa cung và các doanh nghiệp không thể vươn mình lên thành doanh nghiệp lớn.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục