Nhiều dấu hỏi sau thương vụ đổi chủ của MBLand

(ĐTCK) MBBank và Tổng công ty Trực thăng Việt Nam (VNH) đã hoàn tất thoái vốn khỏi MBLand sau thương vụ chuyển nhượng chóng vánh vừa qua. Tuy nhiên, cho đến nay, mục tiêu của chủ sở hữu mới là gì thì vẫn còn nhiều điều chưa rõ ràng.

Từ nghi vấn "người một nhà"…

Những câu hỏi xung quanh thương vụ thoái vốn này trên thực tế đã có từ trước thời điểm diễn ra phiên đấu giá chào bán 31,02% cổ phần MBLand do VNH sở hữu ngày 26/10/2018. Theo đó, ngày 16/10/2018, VNH đã có thông báo kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá mua cổ phần MBLand.

Danh tính nhà đầu tư được phê duyệt tham gia vào cuộc đấu giá ngày 26/10/2018 bao gồm hai nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Gia Long, ông Nguyễn Gia Khoa và hai nhà đầu tư tổ chức là Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng và Công ty cổ phần Đầu tư F&S.

Trên thực tế, MBLand có vốn điều lệ 653,37 tỷ đồng là một doanh nghiệp có tiếng trên thị trường bất động sản, đang sở hữu và quản lý hàng loạt dự án đình đám trên thị trường như MB Grand Tower Lê Văn Lương, Golden Field Mỹ Đình, 63 Lê Văn Lương (Hà Nội), dự án Tây Ninh, Dự án Vanesea Field, Infinity Field (T18), Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (Quảng Nam), hay Thung Lũng Xanh… Không những vậy, với tư cách công ty con của MBBank, MBLand được quyền ưu tiên mua lại các dự án là các khoản nợ xấu của MBBank, đồng thời cũng được ưu tiên trong việc cấp tín dụng bất động sản để triển khai các dự án.

Do đó, lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp này là không nhỏ. Chỉ với hơn 31% cổ phần tại MBLand do VNH sở hữu, nhà đầu tư muốn “ôm trọn” sẽ phải bỏ ra tối thiểu hơn 250 tỷ đồng.

Chính vì thế, 4 nhà đầu tư nêu trên được thông qua vòng xét duyệt gây nhiều bất ngờ. Trong đó, hai cá nhân ông Nguyễn Gia Long, Nguyễn Gia Khoa và Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng gây nhiều sự chú ý nhất đối với các thành viên thị trường khi đều dẫn chiếu về Công ty cổ phần Tài Nguyên (TNT) đang niêm yết trên sàn HOSE.

Cổ phiếu TNT từng dính tai tiếng trên thị trường chứng khoán với nghi án “làm giá” trong những năm 2015 và 2016, đồng thời TNTcũng là một trong 4 nhà đầu tư thứ cấp (đại diện là Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội số 41 - Công ty số 41) tại dự án chung cư Nhân Chính, một trong những dự án bị quy kết huy động vốn của khách hàng rồi chậm tiến độ hàng chục năm tại ngã tư Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân.

Trong đó, ông Nguyễn Gia Long vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Tài Nguyên vừa làm Tổng giám đốc Công ty số 41; ông Nguyễn Gia Khoa là em trai ông Nguyễn Gia Long và cũng là thành viên Hội đồng quản trị của Công ty Tài Nguyên. Đồng thời, ông Nguyễn Gia Long, ông Nguyễn Gia Khoa cũng là cổ đông chính và lãnh đạo của Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng bên cạnh một cổ đông khác là ông Nguyễn Bá Huấn cũng là thành viên HĐQT của Công ty Tài Nguyên.

Nhà đầu tư còn lại trong danh sách được công bố là Công ty cổ phần Đầu tư F&S, cũng có mối quan hệ đối với Công ty Tài Nguyên. Trong đó, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và là người đại diện khác của công ty này là bà Lâm Thị Thúy. Bà Lâm Thị Thúy cũng đồng thời là Trưởng ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Công ty Tài Nguyên.

Với các mối liên hệ như trên, ngay từ đầu các “ứng cử viên” đã nắm giữ nhiều lợi thế để có thể “ôm trọn” lô cổ phần tương ứng với 31,02% vốn điều lệ tại MBLand Holdings của Tổng công ty Trực thăng Việt Nam trước thềm phiên đấu giá cổ phần ngày 26/10/2018.

Điều này được thể hiện rõ khi kết quả được công bố cho thấy, hai nhà đầu tư cá nhân đã từ bỏ không tham gia đấu giá nữa, trong khi đó mức giá đặt trọn lô giữa hai nhà đầu tư pháp nhân chênh nhau đúng 200 triệu đồng và cao hơn mức giá khởi điểm trọn lô ban đầu hơn 200 triệu đồng. Chủ sở hữu mới của lô cổ phiếu trên không phải ai khác là Tập đoàn Mường Phăng và kết quả này không bất ngờ, bởi ngay vào ngày 6/11/2018, đại diện Mường Phăng là ông Nguyễn Gia Long đã thay thế vị trí của ông Lê Hải làm Tổng giám đốc và là người đại diện pháp luật của MBLand.

…đến cơ hội niêm yết cửa sau của MBLand

Về mặt tài chính, điều kiện để các nhà đầu tư tham gia phiên đấu giá là phải cam kết có đủ nguồn vốn để thực hiện mua cổ phần theo lô. Theo Quyết định số 583/QĐ-UBCK của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, căn cứ vào thông báo kết quả đấu giá, nhà đầu tư trúng đấu giá có trách nhiệm thanh toán tiền mua cổ phần trong thời hạn bảy (7) ngày kể từ ngày công bố kết quả đấu giá.

Điều này đồng nghĩa nhóm cổ đông chính từ Mường Phăng đã phải chi ra tới 251 tỷ đồng để thanh toán số tiền trúng đấu giá cổ phần muộn nhất vào ngày 31/10/2018.

Không những vậy, theo theo tài liệu mà phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản nắm được, đúng 10 ngày trước thời điểm công bố danh tính nhà đầu tư đủ năng lực tham gia đấu giá mua cổ phần MBLand, theo giấy giấy đăng ký thay đổi được cấp ngày 5/10/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Mường Phăng (tiền thân là Công ty TNHH Long Phát) đã tiến hành tăng vốn điều lệ từ 6 tỷ đồng lên 98 tỷ đồng.

Dù quy chế đấu giá không yêu cầu xác minh cụ thể về vốn thực góp đối với Công ty TNHH Long Phát trước thời điểm đấu giá, nhưng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, trong vòng 90 ngày, nhóm cổ đông chính bao gồm ông Nguyễn Gia Long, ông Nguyễn Gia Khoa và ông Nguyễn Bá Huấn sẽ phải nộp bổ sung thêm 92 tỷ đồng để hoàn thành vốn điều lệ thực góp.

Đây chính là điều khiến các thành viên thị trường băn khoăn xung quanh việc nhóm cổ đông của Tập đoàn Mường Phăng đã chuẩn bị dòng tiền như thế nào để tham gia đấu giá cổ phần tại MBLand. Đồng thời, liệu có xảy ra trường hợp niêm yết cổ phiếu cửa sau như đã từng diễn ra với nhiều doanh nghiệp trước đây!?

Theo đó, kịch bản có thể sẽ là Ban lãnh đạo Công ty Mường Phăng và Tài Nguyên tiến hành huy động vốn thâu tóm cổ phiếu của MBLand để trở thành người có quyết định tại MBLand. Khi đã trở thành người có quyền quyết định tại cả MBLand và Công ty Tài Nguyên, nhóm cổ đông Mường Phăng sẽ đề xuất Công ty Tài Nguyên tiến hành phát hành cổ phiếu để MBLand trở thành nhà đầu tư chiến lược, thậm chí trở thành cổ đông có quyền chi phối tại Công ty Tài Nguyên. Sau đó, việc thực hiện các thủ tục để MBLand lên sàn dưới cái tên TNT là khá đơn giản nếu các ông chủ thực sự muốn làm.

Theo giám đốc phân tích của một công ty chứng khoán tại Hà Nội, điều này là có cơ sở bởi thực tế, trong vài năm vừa qua, MBLand đã từng nhiều lần đánh tiếng muốn lên sàn chứng khoán nhằm huy động vốn để triển khai dự án. Tuy nhiên, dự định này vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó có một số vấn đề không đáp ứng được điều kiện niêm yết như yêu cầu về cơ cấu cổ đông đại chúng hoặc tình trạng tài chính lành mạnh trong một vài năm trước khi xin niêm yết.

Vì thế, niêm yết cửa sau thông qua một công ty như Công ty Tài Nguyên sẽ nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với niêm yết đường đường chính chính, bên cạnh đó cũng giúp gia tăng giá trị tài sản của Công ty Tài Nguyên sau khi niêm yết cửa sau hoàn tất.

Được biết, ngay sau khi Tổng công ty Trực thăng Việt Nam tiến hành thoái vốn tại MBLand, ngày 8/11/2018, Ngân hàng MBBank cũng đã thông báo hoàn tất chuyển nhượng toàn bộ cổ phần MBLand cho đối tác.

Để làm rõ những câu hỏi từ thị trường, phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản đã liên hệ, đặt lịch làm việc với ông Nguyễn Gia Long, hiện là Tổng giám đốc MBLand và sẽ sớm có những thông tin mới đến độc giả.

Nằm trên khu đất rộng gần 9.200 m2, có vị trí đắc địa, góc của 2 con đường Ngụy Như Kon Tum và Lê Văn Thiêm, quận Thanh Xuân, Hà Nội, dự án chung cư Nhân Chính từng được định giá lên đến 100 triệu đồng/m2, còn bán giá căn hộ chung cư khoảng 25 - 26 triệu đồng/m2, đã thu tiền của khách hàng, nhưng sau đó dự án chậm tiến độ và dừng hẳn khiến nhiều năm trời dự án trở thành khu đất bỏ hoang. Mãi tới cuối năm 2017, đầu 2018, dự án mới hoàn thành thủ tục và bắt đầu rục rịch triển khai trở lại.

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Thanh Thủy
Báo Đầu tư Bất động sản

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục