Helio Energy (HIO) muốn huy động vốn để thâu tóm SD Trường Thành

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Công ty cổ phần Helio Energy (mã chứng khoán HIO) hiện phải trả lãi vay khoảng 35 tỷ đồng/năm, gấp nhiều lần lợi nhuận sau thuế, nhưng muốn phát hành thêm cổ phiếu nhằm có vốn để thâu tóm chủ dự án Điện mặt trời Thuận Minh 2.
Hoạt động kinh doanh chính của Helio Energy là sản xuất điện thông qua hệ thống các dự án điện mặt trời mái nhà Hoạt động kinh doanh chính của Helio Energy là sản xuất điện thông qua hệ thống các dự án điện mặt trời mái nhà

Kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi

Năm 2024, Helio Energy có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gấp đôi, thông qua chào bán cổ phiếu ra công chúng và phát hành cổ phiếu ESOP.

Cụ thể, Helio Energy sẽ phát hành 21 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý III - IV/2024. Số tiền thu được từ đợt chào bán là 210 tỷ đồng sẽ được Công ty dùng để nhận chuyển nhượng gần 17,8 triệu cổ phần Công ty cổ phần SD Trường Thành, tương đương giá mua dự kiến là 11.801 đồng/cổ phiếu, qua đó sở hữu 59,32% chủ dự án Điện mặt trời Thuận Minh 2.

Bên cạnh đó, Helio Energy dự kiến phát hành 1,05 triệu cổ phiếu ESOP, tương đương 4,8% số lượng cổ phiếu đang lưu hành cho cán bộ, nhân viên, với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thực hiện trong quý IV/2024. Số tiền dự kiến huy động được là 10,5 tỷ đồng, Công ty sẽ dùng để bổ sung vốn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, Công ty cổ phần Helio Power là cổ đông lớn nhất, sở hữu hơn 14,55 triệu cổ phiếu HIO, chiếm 69,31% vốn điều lệ Helio Energy; các cổ đông khác nắm giữ 6,44 triệu cổ phiếu (30,69%), trong đó Ban lãnh đạo Helio Energy sở hữu hơn 1 triệu đơn vị.

Nếu hoàn tất 2 phương án phát hành cổ phiếu, vốn điều lệ của Helio Energy sẽ tăng từ 210 tỷ đồng lên 430,5 tỷ đồng.

Helio Energy tiền thân là Công ty TNHH Alpha Solar 1, thành lập năm 2020, vốn điều lệ ban đầu 10 tỷ đồng. Chỉ qua một lần tăng vốn trong năm 2021 thông qua chuyển đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty cổ phần kèm thoả thuận tăng vốn giữa các cổ đông sáng lập, vốn điều lệ của Công ty đã tăng lên 210 tỷ đồng và duy trì cho đến nay.

Tháng 10/2023, Helio Energy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, với mã chứng khoán HIO. Hoạt động kinh doanh chính của Công ty là sản xuất điện thông qua hệ thống các dự án điện mặt trời mái nhà tại công ty mẹ và các công ty con, tổng công suất tính tới cuối năm 2023 khoảng 37 MWp. Tuy nhiên, Công ty mẹ Helio Energy chỉ vận hành và quản lý 4 dự án điện mặt trời với tổng công suất 4 MWp. Nhờ đẩy mạnh hoạt động M&A mà Helio Energy hiện sở hữu 26 công ty con trực tiếp, 7 công ty con gián tiếp và 5 công ty liên kết gián tiếp.

Dự án Điện mặt trời Thuận Minh 2 mà Helio Energy đang muốn thâu tóm có tổng vốn đầu tư 1.099,63 tỷ đồng, tổng công suất 50 MWp. Nếu Helio Energy hoàn tất mua 59,32% cổ phần SD Trường Thành, tổng công suất hệ thống điện của Helio Energy sẽ được nâng lên 87 MWp.

Ban lãnh đạo Helio Energy cho biết, nếu phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng không hoàn thành theo thời gian dự kiến, thì đại hội cổ đông ủy quyền cho Hội đồng quản trị tìm kiếm nguồn vốn khác để nhận chuyển nhượng cổ phần từ đối tác.

Áp lực lãi vay

Helio Energy muốn sở hữu 59,32% cổ phần SD Trường Thành - chủ dự án Điện mặt trời Thuận Minh 2.

Năm 2023, Helio Energy đạt doanh thu 124 tỷ đồng, tăng 21% và lợi nhuận sau thuế hơn 10 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2022.

Năm 2024, Công ty đặt mục tiêu đạt 134,86 tỷ đồng doanh thu và 19,8 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 8,7% về doanh thu và tăng 97% về lợi nhuận so với năm 2023.

Tính đến cuối năm 2023, Helio Energy có tổng tài sản 546,3 tỷ đồng (trong đó, vốn chủ sở hữu là 233,6 tỷ đồng), chủ yếu là tài sản cố định, với 378,2 tỷ đồng, gồm toàn bộ hệ thống điện mặt trời mái nhà đã được thế chấp cho các khoản vay.

Với việc đẩy mạnh hoạt động M&A ngay từ khi thành lập, nguồn vốn của Helio Energy chủ yếu được tài trợ từ các khoản nợ vay. Đến cuối năm 2023, Công ty có 312,7 tỷ đồng nợ phải trả, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ vay hơn 300 tỷ đồng, chiếm xấp xỉ 96% tổng nợ. Các khoản vay chủ yếu là dài hạn được vay từ BIDV, Vietcombank và EVN Finance.

Khoản vay đầu tiên của Helio Energy được giải ngân từ quý III/2020 và các khoản vay liên tục gia tăng đến cuối năm 2023, thời hạn vay từ 82 - 120 tháng. Lãi suất vay phần lớn xác định theo hình thức cố định 1 - 2 năm đầu, sau đó thả nổi, dao động từ 7,5 - 12,1%/năm.

Mỗi năm, Helio Energy phải trả hàng chục tỷ đồng lãi vay, năm 2022 là 34,5 tỷ đồng, năm 2023 xấp xỉ 36 tỷ đồng.

Trưởng phòng phân tích một công ty chứng khoán nhận xét, doanh nghiệp không tự đầu tư phát triển dự án mà dựa vào tài chính, nợ vay bên ngoài để thực hiện M&A các dự án thì thường thiếu sự ổn định về tài sản. Trong khi đó, đặc thù doanh nghiệp điện là nguồn thu chủ yếu đến từ bán điện, biên lợi nhuận ổn định, hoạt động kinh doanh khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ.

“Để thúc đẩy đà tăng trưởng thì doanh nghiệp phải tiếp tục M&A dự án, mở rộng đầu tư theo chiều ngang, tiếp tục cân nhắc giữa việc sử dụng vốn chủ sở hữu hay vốn vay. Lúc này, bài toán sẽ quay trở lại chi phí lãi vay, hiệu quả dự án có bù đắp được chi phí doanh nghiệp bỏ ra mua dự án hay không”, vị trưởng phòng phân tích nói.

Nhiều năm qua, lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định được Helio Energy sử dụng để tái đầu tư, phục vụ kế hoạch phát triển kinh doanh, nên Công ty không chia cổ tức, năm 2024 cũng dự kiến không chia.

Hiện tại, cổ phiếu HIO đang được giao dịch quanh mức 28.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá trị sổ sách của mỗi cổ phiếu khoảng 11.000 đồng, tương đương mức định giá P/B là 2,6 lần - cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành đang ở mức dưới 1 lần.

Kiều Trang

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục