Doanh nghiệp dầu khí thêm “thiên thời”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Báo cáo các doanh nghiệp thành viên gửi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho thấy các mảng kinh doanh đang gặp nhiều thuận lợi.
Nhu cầu giàn khoan đang tăng lên, PVD có việc làm ổn định đến hết năm sau Nhu cầu giàn khoan đang tăng lên, PVD có việc làm ổn định đến hết năm sau

Nhóm dịch vụ khoan: Đủ việc làm đến hết năm 2025

Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PV Drilling, mã PVD) cho biết, trong quý I/2024, tổng doanh thu của doanh nghiệp đạt khoảng 1.683 tỷ đồng, tăng 32% với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế khoảng 134 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ.

Kết quả trên được thực hiện trong bối cảnh khối lượng công việc dịch vụ kỹ thuật của PV Drilling còn thấp, do chưa có nhiều chương trình khoan được triển khai. Thêm vào đó, tình hình địa chính trị thế giới có nhiều bất ổn đã ảnh hưởng đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu, làm tăng chi phí đầu vào của PV Drilling cùng với chi phí vận hành giàn khoan và các dịch vụ khác. Việc Ngân hàng Trung ương Mỹ tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao và dự kiến chỉ có một lần cắt giảm trong năm 2024 cũng làm tăng chi phí tài chính của doanh nghiệp.

Trong quý I/2024, PVDrilling đã phối hợp, liên kết với các công ty trong ngành (PTSC, PVEP), triển khai dự án mua mới cần cẩu dưới gầm sàn khoan cho các giàn khoan tự nâng nhằm hỗ trợ hoạt động khoan và dịch vụ giếng khoan song hành cho các giàn khoan tự nâng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường khoan trong và ngoài nước.

Doanh nghiệp dự báo, quý II/2024, hoạt động kinh doanh sẽ thuận lợi hơn khi hiện tại, các giàn khoan của PV Drilling đều đã có công việc ổn định đến năm 2025. Ở thị trường Việt Nam, nhu cầu giàn khoan trong thời gian tới sẽ tăng lên, đặc biệt là các năm 2024 - 2025 sẽ thực hiện các chương trình khoan dài hạn của các dự án phát triển mỏ, như Đại Hùng Pha 3, Kình Ngư Trắng - Kình Ngư Trắng Nam, Lô B Ô Môn…

Dịch vụ vận tải: PVTrans báo lãi tích cực

Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT) cho biết, các chỉ tiêu kinh doanh hợp nhất của Công ty trong năm nay dự kiến là 8.800 tỷ đồng doanh thu và 950 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Các chỉ tiêu kinh doanh của công ty mẹ là doanh thu đạt 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng.

Trong quý I/2024, PVTrans ước đạt doanh thu hợp nhất 2.320 tỷ đồng, vượt 11% so với kế hoạch quý và thực hiện 26% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 305 tỷ đồng, vượt 37% kế hoạch quý và thực hiện 32% kế hoạch năm. Với công ty mẹ, doanh thu ước đạt 740 tỷ đồng, vượt 11% kế hoạch 3 tháng, đạt 26% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 125 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch 3 tháng và đạt 22% kế hoạch năm.

Theo PVTrans, trong quý I/2024, thị trường vận tải dầu thô diễn biến khả quan nhờ sản lượng xuất khẩu khu vực Đại Tây Dương và sản lượng tiêu thụ từ khu vực Trung Quốc ổn định dù chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ đã hạn chế phần nào đà tăng của thị trường. Ngoài ra, căng thẳng ở Biển Đỏ và xung đột Nga – Ukraine tiếp tục là yếu tố hỗ trợ khi quãng đường và thời gian vận chuyển kéo dài hơn trong bối cảnh nguồn cung tàu giới hạn, góp phần thúc đẩy giá cước tàu tăng.

Thị trường vận tải dầu sản phẩm giảm nhẹ sau thời gian tăng nóng đầu năm 2024, nhưng nhìn chung vẫn thuận lợi. Giá cước thuê tàu định hạn bình quân quý I/2024 ở các phân khúc tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Với thị trường vận tải hóa chất, nhu cầu tiêu thụ hóa chất ở châu Á tăng trưởng ổn định và giá cước thuê tàu cũng ổn định so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường tàu hàng rời đang có tín hiệu khởi sắc, giá cước cho thuê định hạn ở hầu hết các phân khúc đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.

Thực hiện chiến lược mở rộng và trẻ hoá đội tàu, năm nay, PVTrans dự kiến chi gần 500 triệu USD (khoảng 12.300 tỷ đồng) để đầu tư 21 tàu mới, bao gồm 13 tàu chở dầu, hoá chất, 4 tàu chở dầu khí hoá lỏng (LPG) và 4 tàu chở hàng rời. Kế hoạch năm sau, doanh nghiệp chi hơn 327 triệu USD để đầu tư thêm 10 tàu. Trong tháng 3 vừa qua, Công ty Hàng hải Thăng Long - đơn vị thành viên của PVTrans - đã nhận một tàu hàng rời Handysize PVT Gloria. Trong quý I/2024, PVTrans cũng góp vốn bổ sung 36,7 tỷ đồng vào Công ty Đông Dương và 74,9 tỷ đồng vào Công ty Hàng hải Thăng Long thông qua mua cổ phiếu phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.

Hiện PVTrans đang nghiên cứu thị trường và lựa chọn thời điểm đầu tư thích hợp theo danh mục kế hoạch đầu tư 2024 đã được phê duyệt.

Mảng chế biến sâu: BSR vượt xa chỉ tiêu lợi nhuận… cả năm

Theo báo cáo của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), quý I vừa qua, tổng doanh thu hợp nhất của Công ty đạt 31.359 tỷ đồng, tăng 146% so với kế hoạch quý và tăng 33% so với kế hoạch năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.052 tỷ đồng, vượt 526% kế hoạch quý và vượt 92% kế hoạch năm 2024 do Tập đoàn mẹ PVN giao. Tất nhiên, việc BSR vượt xa kế hoạch kinh doanh cả năm sau quý đầu tiên có lý do quan trọng là... chỉ tiêu quá thấp (năm 2023, BSR báo lãi 8.500 tỷ đồng).

Giá dầu Brent tăng khoảng 13% và WTI hiện tăng khoảng 16,1% so với đầu năm 2024 do OPEC+ cắt giảm nguồn cung và các rủi ro địa chính trị, bao gồm các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga. Theo BSR, giá các sản phẩm chính và crack margin ở mức tương đối và cao hơn kế hoạch nên hiệu quả sản xuất - kinh doanh của Công ty khả quan.

Trong báo cáo cập nhật tháng 3/2024 về thị trường năng lượng toàn cầu, Tổ chức Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay. Đây là lần thứ tư liên tiếp kể từ tháng 11/2023, IEA tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2024. Theo đó, nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng thêm 110.000 thùng/ngày so với mức dự báo đưa ra vào tháng trước.

Hiện Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đang bước vào giai đoạn bảo dưỡng tổng thể lần thứ 5. BSR kỳ vọng đợt bảo dưỡng này sẽ đảm bảo Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đủ điều kiện kỹ thuật để nâng chu kỳ bảo dưỡng tổng thể từ 3 năm như trước đây lên 4 - 5 năm trong thời gian tới.

Tới đây, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ được đầu tư 1,2 tỷ USD để mở rộng, nâng công suất chế biến từ 148.000 thùng dầu thô/ngày lên 171.000 thùng/ngày. Sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn EURO V, tiêu chuẩn môi trường theo lộ trình bắt buộc áp dụng của Chính phủ. Với việc mở rộng này, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ sử dụng được linh hoạt các nguồn dầu thô khác nhau cho chế biến, đảm bảo nguồn dầu thô cung cấp lâu dài và có hiệu quả, từ đó nâng cao hiệu quả đầu tư nhà máy.

Lĩnh vực phân bón: DCM lãi 350 tỷ đồng trong quý I

Báo cáo của Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (mã DCM) cho thấy, trong quý I/2024, tổng doanh thu ước đạt hơn 2.875 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt hơn 350 tỷ đồng, tăng nhẹ về doanh thu song tăng 35% về lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng tiêu thụ urê và NPK ước đạt hơn 226.000 tấn và hơn 21.000 tấn, tương đương đạt 102% và 387% so với cùng kỳ năm 2023.

Kết quả trên thực hiện trong bối cảnh, giá urê thế giới tăng nhẹ so với cuối năm 2023 do Trung Quốc và Nga tiếp tục hạn chế xuất khẩu urê để đảm bảo nguồn cung trong nước. Hoạt động xuất khẩu và kinh doanh quốc tế là điểm sáng trong hoạt động kinh doanh của DCM. Tổng sản lượng xuất khẩu quý I/2024 dự kiến đạt gần 150.000 tấn. DCM lần đầu tiên xâm nhập được vào các thị trường có tiêu chuẩn cao và khắt khe như Úc và NewZealand.

DCM cho biết, hiện Công ty đang hoàn tất thủ tục mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF) để tăng sản lượng, chủng loại sản phẩm NPK; đồng thời, thông qua việc mua và thuê thêm các kho tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung để tồn trữ hàng hóa trước khi đưa đến các vùng thị trường.

Theo dự báo của DCM, trong quý II, giá phân bón trên thị trường thế giới dự tiếp tục duy trì mức tăng nhẹ, do nhu cầu được cải thiện cũng như nguồn cung sẵn có trên thế giới ngày càng hạn chế.

Minh Đức

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục